Xuất Ai-cập, bài 26

Xuất Ai-Cập 30:1–10

Vì lý do nào mà đến chỗ nầy mới có sự chỉ dẫn về bàn thờ xông hương thì không ai biết; tuy vậy các học giả vẫn tin rằng không phải phần nầy bị đặt sai chỗ, dù có người nghĩ rằng đáng lẽ ra nó phải được chỉ dẫn chung với các món đã được nói đến (1).

Hình thể và kích thước cái bàn đều được mô tả rõ ràng, gắn các sừng ở bốn góc (2), rồi phải bọc mặt bàn thờ, bốn cạnh chung quanh, các sừng đều bằng vàng ròng, và chạy đường viền vàng chung quanh bàn (3); gắn khoen vàng và làm đòn khiêng bằng gỗ si-tim bọc vàng (4–5).

Giống như bàn thờ tế lễ thiêu, bàn thờ dâng hương cũng có bốn sừng thẳng đứng ở bốn góc, tượng trưng cho quyền lực, sự bảo vệ và giúp đỡ, cũng là biểu hiện của sự vinh quang và cứu giúp.

Khi xem xét vị trí đặt bàn thờ xông hương, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa mầu nhiệm của bàn thờ nầy.

Nó được đặt trong gian thánh “trước bức màn che Rương Giao Ước, đối diện với nắp thi ân” (6). Bên phải nó là bàn bày bánh cung hiến, bên trái nó là chân đèn bảy ngọn.

Khu hành lang phía ngoài gian thánh đã có bàn thờ dâng tế lễ thiêu hàng ngày vì tội lỗi dân chúng. Thầy thượng tế phải dâng tế lễ chuộc tội trên bàn thờ ấy trước, rồi mới lấy than lửa đỏ từ bàn thờ đó bỏ vào lư hương, để khi bỏ hương thánh lên trên than đỏ, thì khói của hương thánh mới được dâng trên bàn thờ xông hương.

Như lời Đức Chúa Trời dặn Môi-se: “Mỗi buổi sáng, khi sửa soạn đèn, A-rôn sẽ đốt hương thơm trên bàn thờ. Vào buổi tối, khi thắp đèn, A-rôn cũng sẽ đốt hương thơm, đó là một thứ hương phải thường xuyên dâng lên trước mặt Đức Giêhôva qua mọi thế hệ” (7–8).

Ý nghĩa thuộc linh của sự xông hương là dâng lên những lời cầu nguyện, ca tụng, ngợi khen Chúa của các thánh đồ (Khải Huyền 8:3–4). Con cái Chúa từ đầu thời Tân-ước tới nay đều được đặc quyền đến trước mặt Đức Chúa Trời để trình dâng mọi lời cầu nguyện của mình.

Tuy vậy, khuôn mẫu về việc làm thế nào cho lời cầu nguyện được thực sự bay lên trước mặt Chúa vẫn phải tuân theo các nguyên tắc thờ phượng, mà Đền Tạm là hình bóng.

Giống như thầy thượng tế phải dâng sinh tế chuộc tội ở bàn thờ tế lễ thiêu ở hành lang, trước khi bỏ than lửa đỏ vào lư hương rồi đem đến trước bàn thờ dâng hương; thì chúng ta cũng vậy, những tội lỗi trong ta phải được giải quyết ổn thoả trước khi đến trước mặt Chúa mà dâng những lời cầu nguyện được Ngài đẹp lòng.

Lý do khiến cho vô số lời cầu nguyện không thể lên trước ngai trời là vì tấm lòng bên trong của người cầu nguyện chưa được tẩy sạch bởi huyết của Chiên Con.

Vị trí bàn thờ xông hương ở giữa chân đèn với bàn bày bánh cung hiến cũng là hình bóng đời sống cầu nguyện của mọi thánh đồ. Ánh sáng đèn tượng trưng cho đời sống có khả năng tạo ảnh hưởng trên người quanh mình; bàn bày bánh cung hiến tượng trưng cho kết quả của sự phục vụ; các ngọn đèn được khơi sáng và bánh mới được thay đổi, khi A-rôn thực hiện sự xông hương mỗi buổi sáng và chiều tối.

Cũng vậy, nếp sống làm gương và sự phục vụ có hiệu quả của chúng ta chỉ có thể duy trì bởi một nếp sống thường xuyên cầu nguyện. Khi thiếu cầu nguyện, ánh sáng đèn cũng tắt.

Trên bàn thờ nầy, các con không được xông thứ hương nào khác, hoặc dâng tế lễ thiêu, tế lễ chay, hay là lễ quán nào khác” (9).

Mọi điều cần thiết đều phải làm xong trước khi dâng những lời cầu nguyện trên ‘bàn thờ xông hương’ của chúng ta.

Tuy bàn thờ là thánh như thế, nhưng mỗi năm một lần, “A-rôn sẽ cử hành lễ chuộc tội trên các sừng bàn thờ” (10).

Để hiểu rõ ràng về phần nầy, người đọc Kinh-thánh cần phải dừng lại xem xét vấn đề cách kỹ càng. Vì ý nghĩa thuộc linh của mọi vật dụng trong Đền Tạm và thứ tự các nghi lễ, do Đức Chúa Trời chỉ dẫn Môi-se, đều là hình bóng về mối liên hệ giữa Chúa với con dân Ngài bây giờ.

A-rôn thời đó, hay vị thượng tế về sau, đem huyết chuộc tội vào trong gian Chí Thánh, rảy trên nắp thi ân của rương giao ước. Sau khi làm xong, ông lui ra, trở về gian thánh để cử hành lễ chuộc tội trên các sừng bàn thờ.

Việc nầy được thực hiện trong ngày đại lễ chuộc tội hàng năm, nhằm ngày mồng mười của tháng thứ bảy (Lê-vi-ký 16:29):

Trong lúc thầy tế lễ vào Nơi Chí Thánh để làm lễ chuộc tội, không một ai được ở trong Lều Hội Kiến cho đến khi người trở ra … Rồi người đi ra chỗ bàn thờ trước mặt Đức Giê-hô-va để làm lễ chuộc tội cho bàn thờ; người lấy một ít máu bò đực tơ và máu dê đực bôi lên các sừng của bàn thờ, và dùng ngón tay rảy huyết bảy lần trên bàn thờ để thanh tẩy và thánh hóa bàn thờ khỏi những sự bất khiết của dân Israel” (Lê-vi-ký 16:17–19).

Ông phải làm lễ chuộc tội cho bàn thờ là do chính các tội lỗi của ông và Israel đã làm cho bàn thờ bị ‘ô nhiễm’ suốt một năm. Vì thế, chỉ có huyết chuộc tội mới tẩy sạch được.

Bàn thờ xông hương tiêu biểu cho vai trò trung bảo của Đấng Christ; vì bàn thờ bọc đồng thì tiêu biểu cho sự chết hi sinh của Đấng Christ trên đất; bàn thờ xông hương bọc vàng ở gian thánh tiêu biểu cho việc cầu thay của Đấng Christ ở thiên đàng.

Bàn thờ nầy được đặt trước mặt nắp thi ân, vì Đấng Christ luôn luôn ở trước mặt Đức Chúa Trời để cầu thay cho chúng ta. Lời cầu thay của Ngài là mùi hương đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Khói hương ấy cũng tiêu biểu cho sự sùng kính của các thánh đồ, vì những lời cầu nguyện thành kính của họ được xem như khói hương bay lên trước mặt Chúa, như có chép: “Nguyện lời cầu nguyện con bay lên trước mặt Chúa như hương, và sự giơ tay con lên được giống như của tế lễ dâng lên buổi chiều” (Thi thiên 141:2).

Giống như khói của hương thánh bay lên cao, mọi điều ước ao của chúng ta phải được nhen lên bởi lửa của tình yêu thánh thiện để dâng lên Chúa trong lời cầu nguyện. Những tâm linh luôn luôn gần gũi Đức Chúa Trời qua tinh thần cầu nguyện, là những linh hồn đang được thánh hóa sẽ khiến Ngài đẹp lòng, như một thứ hương có mùi thơm.

Nhưng khói hương từ lời cầu nguyện của các thánh đồ phải được hòa lẫn với mùi hương cầu thay của Đấng Christ, thì mới được Đức Chúa Trời chấp nhận.

Đây cũng là một ý nghĩa nữa về vị trí của bàn thờ xông hương, tiêu biểu cho vai trò trung bảo của Đức Chúa Giêxu trong đời sống đạo của mọi con cái Ngài. Vì chẳng một người nào có đời sống đạo hoàn hảo trước mặt Chúa; như đèn phải được khêu để chiếu sáng, bánh cung hiến phải được thay mỗi lần khói hương thánh trên bàn thờ xông hương bay lên trước mặt Chúa.

Qua mọi thế hệ, máu của sinh tế chuộc tội phải được dùng trong lễ chuộc tội hàng năm” (10). Điều nầy chứng tỏ rằng những tế lễ hi sinh theo luật pháp vẫn chưa hoàn toàn đủ hiệu lực cất bỏ tội lỗi.

Vì thế qua mọi thế hệ, mỗi năm thầy thượng tế lại phải cử hành đại lễ chuộc tội cho mình và toàn dân. Ý nghĩa của lễ ấy là: “Các sinh tế đó chẳng qua là để nhắc nhở hàng năm về tội lỗi. Vì máu của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được” (Hê-bơ-rơ 10:3–4).

Nhưng máu của sinh tế chuộc tội trong nghi lễ sau cùng là bôi lên các sừng của bàn thờ xông hương rồi cũng rảy trên bàn thờ ấy (Lê-vi-ký 16:18–19). Ý nghĩa của nghi thức nầy nói về sự trung bảo và cầu thay của Đức Chúa Giêxu Christ được lập trên sự tinh sạch của huyết Ngài.

Đây sẽ là một lễ rất thánh cho Đức Giê-hô-va” (10b). Câu nầy hoặc là nói về lễ chuộc tội sẽ thực hiện trong ngày đại lễ chuộc tội, tức là công tác chuộc tội vĩ đại sẽ được thực hiện bởi Đấng Cực Thánh, Con Đức Chúa Trời; hoặc là sự chuộc tội cho bàn thờ xông hương, một bàn thờ dành riêng cho các việc thánh khiết, được xem là rất thánh cho Đức Giê-hô-va, như Ngài đã ra lệnh là trên bàn thờ ấy “không được xông thứ hương nào khác, hoặc dâng tế lễ thiêu, tế lễ chay hay là lễ quán nào cả (9).

Một lần nữa, chúng ta để ý tới vị trí của bàn thờ nầy được đặt đối diện với nắp thi ân trên rương giao ước, sát bức màn ngăn cách Nơi Chí Thánh. Tác giả thư Hê-bơ-rơ kể bàn thờ nầy thuộc về Nơi Chí Thánh (Hê-bơ-rơ 9:4), nên nó giữ một vai trò vô cùng đặc biệt.

Qua bài học nầy, chúng ta vừa hiểu vai trò trung bảo cầu thay của Đức Chúa Giêxu dành cho con cái Ngài, cũng vừa hiểu vai trò và tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện trong việc duy trì phẩm chất soi sáng của chúng ta cho người quanh mình, và tinh thần phục vụ thanh sạch, có kết quả cho công việc mở mang Nước Đức Chúa Trời.

XuatAiCap26.docx
Rev. Dr. CTB