Thử Nghiệm Đức Tin, bài 16

Công vụ: 4:18–22

Mọi con cái thật của Chúa đều muốn đem người chưa tin đến với Ngài và hân hoan khi thấy Hội Thánh tăng trưởng. Nhưng chỉ có một số người hăng hái trong công tác chứng đạo, còn phần đông thì rất thụ động vì không biết phải làm gì hoặc chứng đạo như thế nào.

Qua một số bài học, từ việc hiểu biết các nguyên tắc chính về những sự áp dụng hợp lý và thực tế khi tiếp cận người chưa tin Chúa, qua việc dành thì giờ giao thiệp, kết thân với người mình muốn đem đến với Chúa vì quan tâm yêu thương và xem họ là quan trọng; rồi lưu ý tới tình trạng các thế lực tối tăm đang cầm giữ họ trong gông xiềng của chúng; từ đó chúng ta thiết lập kế hoạch thu phục đối tượng mà mình muốn kết thân.

Sau đó chúng ta khảo sát những vũ khí mình được ban cho và cách sử dụng chúng; cũng nghiên cứu để biết các nguyên tắc tiến hành chiến tranh trong linh giới là mỗi người đều có thể sử dụng uy quyền rất lớn của con cái Chúa và Ngài nhậm lời cầu nguyện đẹp ý Ngài.

Sau khi nắm vững những điều đó rồi thì vấn đề còn lại là làm thế nào để thực hiện sự truyền giáo một cách thân thiện, tự nhiên và dễ dàng.

Người nào đã thật sự nhận được ơn cứu chuộc quá tuyệt vời từ Đức Chúa Trời, thì người ấy không thể im lặng về hạnh phúc quá lớn mà mình đang được hưởng.

Vì hoàn cảnh của mỗi người thì khác nhau, nên tiến trình tiếp nhận ơn cứu rỗi cũng không giống nhau. Mỗi câu chuyện về sự biến đổi trong tâm linh do quyền phép của Chúa đều là kỳ diệu.

Các sứ đồ đi theo Đức Chúa Jesus hơn ba năm và thấy Ngài làm nhiều phép lạ chữa lành bệnh hoạn, tật nguyền cho nhiều người (Luca 6:17-19). Ngài cũng ban quyền năng và thẩm quyền cho họ để đuổi quỷ và chữa lành bệnh để sai họ đi rao giảng vương quốc Đức Chúa Trời và chữa bệnh (Luca 9:1-2). Sau khi Chúa về trời, Phi-e-rơ cậy danh Ngài chữa lành người què (Công vụ 3:6).

Khi bị giới lãnh đạo Do-thái giáo cấm không được rao giảng danh Đức Chúa Jesus, thầy của họ, các sứ đồ nói rằng, với những sự từng trải của họ về Ngài thì họ không thể không nói về điều họ đã thấy và nghe (Công Vụ 4:20).

Bây giờ, nếu anh chị em đã thật được biến đổi thành người mới bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì làm sao giữ kín không cho người khác biết được?

Có thể một số người không dám xưng là tín đồ của Chúa vì cảm thấy xấu hổ khi thấy đạo của mình có ít tín đồ, hoặc vì chưa được hưởng nỗi vui mừng của người đã thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, nên chẳng có gì để hãnh diện.

Người nào thật lòng tin Chúa thì chắc chắn được quyền phép của Ngài biến đổi bản chất con người bề trong. Như vậy, điều chúng ta phải kể là quyền phép của Chúa đã ảnh hưởng như thế nào trên đời sống mình sau khi mình tin Chúa.

Hãy nhớ rằng các câu chuyện luôn luôn hấp dẫn người nghe, nói cách khác là những chuyện có trình tự hợp lý và có hậu thì dễ thu hút người nghe hơn là các chuyện buồn tẻ thiếu đầu hụt đuôi.

Để có thể kể chuyện một cách thông suốt và đầy đủ, người kể phải sắp xếp tình tiết của câu chuyện đã thật sự diễn ra theo trình tự thời gian.

Nội dung của câu chuyện phải có ba điểm chính là: Hoàn cảnh của tâm linh mình trước khi tin Chúa; cơ hội nào dẫn mình chú ý tới đạo Chúa, rồi đạo ấy đã chinh phục mình như thế nào; và cuối cùng là sau khi gặp Chúa mình được biến đổi ra sao.

Ai chưa có khả năng kể chuyện trôi chảy và cuốn hút người nghe thì cần phải viết ra giấy để xem kỹ còn thiếu điều gì hay có các chi tiết dư thừa cần phải bỏ bớt.

Nội dung cuối cùng, sau khi đã chỉnh sửa, là câu chuyện mình dùng để chứng minh ơn cứu rỗi của Chúa là có thật và hữu ích cho chính mình, với hi vọng sẽ thuyết phục người nghe. Mục tiêu là ngắn, gọn và đầy đủ.

Sứ đồ Phao-lô dùng chính chuyện thật đời mình làm chứng rất hiệu quả trước hội đồng công luận (Công vụ 23:1-9), trước các quan quyền (Công vụ 26:4-23), mà không cần phải chuẩn bị gì, vì đã nắm vững mọi điều cần nói.

Lợi ích của việc dùng chuyện đời mình đã tin Chúa làm lời chứng là giúp người nghe nhận ra hoàn cảnh tương tự của họ. Vì nhiều người vẫn khắc khoải tìm kiếm niềm tin cho họ mà chưa tìm ra.

Lợi ích thứ nhì là người ta có thể có quan điểm khác nhau, hoặc chưa tin Đức Chúa Jesus là con đường dẫn họ tới chân lý và ơn cứu độ, nhưng chẳng ai có thể bẻ bác chuyện đời của một người khác hay lời làm chứng những sự thật trong lòng của người đã trải qua.

Những tín hữu dù sinh ra trong gia đình có đạo cũng có các lời chứng về sự đổi mới của con người xác thịt cũ sang một đời sống được tái sinh và thánh hoá, là điều mọi tín hữu phải có.

Nếu trước đây mình chưa bao giờ nghĩ tới việc dùng sự thật đời mình làm câu chuyện chứng đạo, thì lý do là vì chưa được ai chỉ dẫn chứng đạo theo kiểu ấy.

Hầu hết các phương pháp chứng đạo theo truyền thống cổ điển là dùng truyền đạo đơn thay cho lời nói, hoặc giới thiệu phúc âm theo cách Hội Thánh đã dạy, mà người nghe chẳng hiểu bao nhiêu về điều họ nghe.

Truyền đạo đơn thì thường thiếu sức thuyết phục, hoặc làm cho người chưa tin Chúa nổi giận khi họ thấy đạo của tổ tiên họ bị lên án hoặc gán cho ma quỷ. Còn việc giới thiệu phúc âm mà thiếu bằng chứng có sức thuyết phục kèm theo thì thường không hiệu quả.

Lời làm chứng cá nhân sẽ lấp các thiếu sót ấy và tạo nền tảng cho người nghe tò mò tìm hiểu thêm về điều người thân hoặc bạn mình nói một cách chân thành. Vì thế, bài làm chứng cá nhân là vô cùng cần thiết cho công tác chứng đạo.

Có thể có tín hữu thấy mình không có chuyện gì để nói, hoặc chuyện đời của mình không có gì hấp dẫn khó thu hút người nghe, thì hãy đọc Kinh Thánh và ghi nhớ những chuyện tích cổ xưa rất ly kỳ của các tổ phụ người Do-thái để kể cho thân hữu mình nghe.

Nhưng, lời chứng cá nhân của mọi tín hữu là hữu hiệu nhất trong công tác truyền giáo; bởi vì, bạn hữu hay người thân quen chưa tin Chúa biết rõ quá khứ của tín hữu, có thể xác nhận lời mình kể là đã thật sự xảy ra.

Không một sự biến đổi nào từ xấu thành tốt, hay từ ác thành thiện mà không đáng được kể ra. Đối với người chưa được cứu thì tất cả các chuyện đó đều rất lạ và kỳ diệu. Cho nên, nếu mình đã thật sự được tái sinh, thì sẽ có thể kể chuyện đổi mới cho thân hữu biết quyền phép của Chúa là sự thật.

Bài làm chứng về đời sống cá nhân được Chúa biến đổi cần phải ngắn, gọn, đầy đủ và mang được thông điệp về quyền phép của Tin Mừng từ Đức Chúa Trời. Hãy nhớ rằng lời chứng sẽ chú trọng vào quyền phép, sự tốt lành và hiệu quả của ơn cứu rỗi từ Đức Chúa Trời hành động trong lòng của người nào chịu tiếp nhận ơn cứu độ ấy.

Câu chuyện không phải là cơ hội khoe khoang thành tích bất hảo, hoặc cuộc sống ăn chơi hào nhoáng trước khi tin Chúa. Vì thời gian giới hạn của chuyện kể trung bình là ba phút, thì chỉ nên dành thì giờ đó cho nội dung quý báu là ơn cứu độ của Chúa đã biến đổi mình như thế nào.

Cũng không phải là mỗi người chỉ có một chuyện để kể; bởi vì quyền năng và sự chăm sóc của Chúa đối với con cái Ngài là vô hạn, nên nhiều người có nhiều chuyện ly kỳ để kể cho thân hữu nghe và tín hữu trong Hội Thánh cũng cần biết nữa.

Đừng bao giờ lên án hoặc miệt thị tôn giáo cũ của mình trong bài làm chứng cá nhân. Bởi vì người nghe sẽ có tâm lý ác cảm rồi mọi nỗ lực truyền giáo đều bị cự tuyệt.

Các truyền đạo đơn in lời chứng cá nhân của các tín hữu có nguồn gốc ngoại đạo đều vướng phải lỗi lầm sơ đẳng ấy mà các tác giả không biết lý do nào sách đó ít được người chưa tin tiếp nhận. Chẳng ai vui vẻ nghe người đứng ở vị trí thánh nhân lên án các tội nhân.

Cho nên, bài làm chứng cá nhân chứa kiểu lập luận như vậy sẽ nắm chắc phần thất bại. Đó cũng là lý do đừng nên đưa người chưa biết gì về đạo Chúa đến các buổi nhóm thường lệ của Hội Thánh. Họ sẽ không hiểu gì hoặc hiểu lầm về các sinh hoạt của Hội Thánh; điều đó có hại cho họ và cho công tác truyền giáo hơn là có lợi.

Nguyên tắc tổng quát của công việc truyền giáo là chỉ làm điều gì có lợi và đem tới kết quả; sẽ không làm những điều có hại hoặc không có hiệu quả gì hết. Nếu các phương pháp nào chứng tỏ đã triền miên thất bại, thì không thể nào đem tới kết quả mà chúng ta mong muốn.

Đừng nghe các lời xảo ngôn, hồ hởi sảng của những người thích khoe khoang thành tích. Chúng ta chỉ nhắm một mục đích là áp dụng cách thức nào đem người chưa tin đến với Chúa một cách hiệu quả nhất và vững chắc nhất. Bởi vì chúng ta chỉ mong được Chúa khen ngợi mà thôi.

ThuNghiemDucTin16.docx

Rev. Dr. CTB