Chúa Nhật, March 20th, 2016

Các Vấn Đề Căn Bản, bài 08


Mác 10:45

Đức Chúa Giêxu chứng minh Ngài là Ngôi Lời từ Đức Chúa Trời đến thế gian bằng các việc Ngài làm. Lời công bố của Ngài giải thích rõ nhiệm vụ Ngài xuống trần gian là: “Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:45).

Phi-e-rơ, vị sứ đồ chối Chúa trong đêm Ngài bị bắt, sau khi đã nhận lãnh Đức Thánh Linh, dạn dĩ kể lại thánh vụ của Đức Chúa Giêxu: “Đức Chúa Trời đã xức dầu cho Đức Chúa Giêxu người Nazarét bằng Đức Thánh Linh và quyền năng, rồi Ngài đi khắp nơi làm việc nhân đức và chữa lành tất cả những người bị ma quỷ áp chế, vì Đức Chúa Trời ở cùng Ngài” (Công vụ 10:38).

Xem xét công việc của Đức Chúa Giêxu, chúng ta sẽ hiểu sự xức dầu là gì.

Thời Đức Chúa Giêxu bắt đầu thánh vụ, Ngài về quê hương Nazarét, vào nhà hội. Lúc người ta đưa cho Ngài cuộn sách tiên tri Ê-sai, Ngài đứng dậy đọc đúng chỗ có lời tiên tri: “Thánh Linh của Chúa ngự trên Ta, vì Ngài đã xức dầu cho Ta để truyền rao Tin Lành cho người nghèo. Ngài đã sai Ta để công bố những người bị giam cầm được phóng thích, người mù lòa được sáng mắt, người bị áp bức được tự do; và công bố năm thi ân của Chúa” (Luca 4:18–19).

Lúc mọi người chăm chú nhìn thì Ngài phán: “Hôm nay, lời Kinh Thánh mà các ngươi vừa nghe đã được ứng nghiệm” (Luca 4:21). Nghĩa là Đức Chúa Giêxu xác nhận Ngài là Đấng được Đức Chúa Trời sai đến để làm những công việc của Đấng được xức dầu bằng Đức Thánh Linh và quyền phép.

Mặc dù ý nghĩa của sự xức dầu thánh là chính thức bổ nhiệm ai đó vào một chức vụ cao qúy, ví dụ như ngôi vua hay chức thầy tế lễ, tượng trưng sự ủy thác uy quyền của Đức Chúa Trời trên người ấy. Nhưng sự xức dầu của Đức Chúa Giêxu thì khác.

Dầu thánh được pha bằng bốn thứ hương liệu tốt nhất là mộc dược nước, hương nhục quế, hương xương bồ, và quế bì, trộn chung với dầu olive tinh ròng theo trọng lượng và dung lượng mà Đức Chúa Trời chỉ định cho Môi-se, vị lãnh tụ dẫn dân Israel ra khỏi xứ Ai-cập (Xuất Ai-cập 30:23–25).

Sự xức dầu của Đức Chúa Giêxu là nhận lãnh sự hiện diện và quyền phép của Đức Chúa Trời vào ngự trong con người của Ngài.

Công tác Đức Chúa Giêxu làm ở thế gian là rao giảng Tin Mừng về Vương quốc Đức Chúa Trời đã đến trần gian, mà nhiều lần Ngài tuyên bố ấy là Vương quốc của Ngài (Mathiơ 16:28; Luca 22:30; Giăng 18:36).

Vương quốc ấy đem Tin Mừng đến cho những người khốn khổ trong tâm linh biết rằng họ sẽ được vào thiên đàng (Mathiơ 5:3); giải thoát những tấm lòng bị giam cầm bởi niềm tin sai trật vào phong tục và truyền thống của người đời, cũng như giải thoát những người bị trói buộc bởi tính nết tội lỗi do tiêm nhiễm từ xã hội và gia đình.

Mở con mắt lòng của những người bị quỷ dữ bịt mắt bằng các thứ chủ nghĩa và tôn giáo lừa bịp của trần gian; ban sự thảnh thơi cho những người có lòng tan nát vì tai họa và áp lực của mặc cảm tội lỗi; công bố rằng từ nay người có tội được Đức Chúa Trời chấp nhận và tha thứ qua công tác chuộc tội của Ngôi Lời.

Cả bốn sách Phúc âm đều ghi chép lại những việc làm mà Đức Chúa Giêxu đã thực hiện tiêu biểu cho các việc rao Tin-lành cho người nghèo, phóng thích người bị giam cầm, chữa cho người mù lòa được sáng mắt, ban tự do cho người bị áp bức và công bố năm thi ân của Đức Chúa Trời.

Hầu hết những việc Ngài làm là chữa bệnh và trừ quỷ, nhưng Ngài đã giải thoát người nghe khỏi ngục tù của những luật lệ truyền khẩu trong Do-thái-giáo, khiến họ hiểu sự thờ kính chân thật đối với Đức Chúa Trời phải là tình yêu từ trong lòng, không phải hình thức bề ngoài (Giăng 4:23); đời sống phải được tái sinh là điều kiện tiên quyết để được vào thiên đàng; lòng ưa hòa bình, tha thứ, nhẫn nhịn, vị tha, và nhân đức là đặc tính của những người thuộc về Vương-quốc Đức Chúa Trời.

Nghĩa là Đức Chúa Giêxu đã giải thoát người nghe bằng sự dạy dỗ hoàn toàn mới.

Nhưng tuyệt đỉnh thánh vụ của Đức Chúa Giêxu là sự hiến dâng mạng sống của chính Ngài làm giá chuộc linh hồn cho vô số người.

Ngài phải xuống trần để trả cái giá chuộc tội cho người trên thế gian, bởi vì cả nhân loại bị đứng trước một thực tế phũ phàng là không ai thắng được cái ách tội lỗi kềm kẹp họ.

Người ta tìm cách giải quyết vấn nạn đó bằng các biện pháp họ nghĩ rằng sẽ có hiệu quả; nhưng Chúa thì kết án tư tưởng phía sau việc làm, động lực thúc đẩy đằng sau hành động, là lãnh vực mà loài người không thể chạm tới được.

Sự việc hãi hùng hơn hết đối với loài người chúng ta là sự trừng phạt vĩnh viễn ở hỏa ngục dành cho những ai có tội; mà tất cả nhân loại đều nằm trong số ấy.

Nếu sự chết của mỗi người là hết, không còn gì nữa, là trở về cõi hư vô, thì Ngôi Lời của Đức Chúa Trời không cần phải xuống thế gian chịu nhục hình. Ngài phải đến, vì sau sự chết là hậu quả trừng phạt rất hãi hùng của Đấng Công Chính giáng trên kẻ có tội.

Có ai đang ở vị trí cao sang, thánh thiện và uy quyền tột đỉnh của cả trời đất, mà sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để chết thay cho những tội nhân đê tiện, cực kỳ bỉ ổi, đáng nhờm tởm, cùng hung cực ác, không có chút ý niệm gì về danh dự hay trong sạch không?

Thế mà Đức Chúa Giêxu Christ đã thực hiện hành động hy sinh cao thượng tột đỉnh đó, để Đức Chúa Trời mặc khải bản thể bác ái vô tận và tình yêu thương không bến bờ của Đấng Tạo Hóa cho thế nhân được biết mà trở lại thờ kính Ngài; chẳng phải bằng sự hãi sợ nhưng bằng tình yêu của lòng biết ơn.

Chiều sâu của nỗi thống khổ mà Đức Chúa Giêxu phải chịu là niềm hạnh phúc vô biên của sự phục hòa với Đức Chúa Trời mà vô số người trên thế gian đã được hưởng; bởi vì “trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã cho thế gian được hòa giải với Ngài, không kể tội lỗi cho loài người” (2Côrinhtô:5:19).

Người ta chỉ có thể hiểu được sự thật về sự chịu chết chuộc tội cho loài người của Đức Chúa Giêxu khi suy gẫm lời Ngài tuyên bố trước mặt viên tổng đốc Phi-lát: “Đây là lý do tại sao Ta đã sinh ra, tại sao Ta đã giáng thế: Ấy là để làm chứng cho chân lý. Bất cứ ai thuộc về chân lý đều nghe tiếng Ta” (Giăng 18:37).

Khi ấy, Phi-lát không hiểu chân lý là gì (38), nhưng hiện nay con dân Chúa đã hiểu chân lý đó là Đức Chúa Trời đã tạo nên toàn cõi vũ trụ trong đó có nhân loại chúng ta, nhưng Ngài yêu thương loài người hơn tất cả các tạo vật khác; vì thế Ngài đã giáng trần trong thân thể nhân loại, chịu khổ hình trong thân thể ấy để đền tội cho tất cả tội lỗi mà người ta phạm từ khi hiện hữu trên mặt địa cầu. Chân lý ấy là Ngài tạo cơ hội cho mọi người tin đều được cùng chia sẻ bản thể của Ngài để được đồng hưởng vinh quang của Đức Chúa Trời.

Tính cách mầu nhiệm trong sự chết của Đức Chúa Giêxu chuộc tội cho loài người là sự chết ấy đã giải quyết những điều kiện đòi hỏi của luật pháp Đức Chúa Trời đối với sự tha thứ mọi tội lỗi của loài người trên thế gian.

Vì khi “Đức Chúa Giêxu tuyên bố: ‘Mọi việc đã hoàn tất!’ Rồi Ngài gục đầu xuống, trút linh hồn” (Giăng 19:30), thì “bức màn bên trong đền thờ bị xé làm đôi từ trên xuống dưới” (Mathiơ 27:51), để từ ngày ấy trở đi “chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Giêxu được dạn dĩ vào Nơi Chí Thánh, bởi con đường mới mà Ngài đã mở cho chúng ta ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua thân xác Ngài” (Hêbơrơ 10:19–20).

Từ khi luật pháp của Đức Chúa Trời ban bố qua Môi-se, mỗi năm thầy tế lễ thượng phẩm chỉ được vào Nơi Chí Thánh một lần đem theo máu sinh tế chuộc tội cho toàn dân; nhưng nay, người tin được vào thẳng nơi Chí Thánh gặp Chúa.

Nếu không bởi tình yêu thương cao tột đỉnh, mà chỉ Đức Chúa Trời mới bày tỏ được qua cái chết của Đức Chúa Giêxu, thì không một ai có hi vọng được vào Nước Trời bằng nỗ lực của bản thân.

Đức Chúa Giêxu Christ là sự mặc khải vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời ban xuống cho nhân loại, để loài người biết rằng không có tình yêu thương nào so được tình Ngài yêu nhân loại.

Đức Chúa Giêxu đã chứng minh Ngài là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời bằng phương cách vô cùng kỳ diệu để trình bày trọn vẹn bản thể yêu thương của Cha trên trời, mà từ trước vô cùng cho tới vĩnh viễn về sau không một ai khác làm được: Con Trời hy sinh chịu chết để bày tỏ tình yêu thương.

Chỉ có tình yêu thương từ đức nhân ái thiên đàng mới thu phục được lòng biết ơn của những người được tình yêu ấy giải thoát khỏi ngục tù của bản ngã thấp hèn và nỗi đớn đau vì tuyệt vọng trước quyền lực của tội lỗi.

Chúng ta cảm ơn Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Giêxu, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, đã đem Tin-Mừng cho thế gian qua sự chết hy sinh và sự sống lại toàn thắng của Ngài. Chúng ta được giải thoát khỏi hình phạt của tội lỗi qua sự tái sinh, và khỏi quyền lực của nó bằng sự thánh hóa.

VanDeCanBan08.docx

Rev. Dr. CTB