Chúa Nhật, January 17th, 2016

Các Vấn Đề Căn Bản, bài 02


2Timôthê 3:16

Không một ai trong nhân loại có thể tự mình khám phá hoặc biết Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa là ai, ra sao, hay như thế nào. Nếu Đấng cầm quyền vũ trụ không khải thị về Ngài cho nhân loại, thì người ta chỉ có thể biết một cách đại khái rằng địa cầu họ đang sống đã được tạo nên bởi một Quyền Năng nào đó; và họ cũng có thể biết chắc rằng không người nào trong thế gian có thể tạo nên trái đất để ở cả. Tuy nhiên, chẳng ai biết trong vũ trụ có bao nhiêu Quyền Năng như thế.

Vậy thì, làm sao Cơ-đốc-giáo dám quả quyết về một Thiên Chúa, mà hàng mấy ngàn năm qua chẳng ai từng gặp mặt? Ấy là nhờ Kinh-thánh, một quyển sách tập hợp của nhiều sách, mà trong đó có chứng cớ Đức Chúa Trời xác nhận sách ấy là Lời của Ngài ban cho loài người, để chúng ta có thể biết về Ngài.

Sách ấy gọi là ‘Kinh’ vì là sách giáo lý được dùng trong các lễ nghi thờ phượng, nghiên cứu, dạy dỗ và học hỏi. Gọi là ‘Thánh’ vì những người viết xưng rằng được sự linh cảm từ Thiên Chúa, Đấng Thánh từ nơi chí thánh trên trời. Do đó, Kinh-thánh không được dùng để tụng niệm như các loại sách kinh của những tôn giáo trần gian.

Bộ Kinh-thánh được các hệ phái Tin Lành công nhận và sử dụng là tập hợp của 66 sách do 40 tác giả khác nhau viết. Từ khi sách đầu được viết cho tới sách cuối thì khoảng thời gian ấy trải dài tới 1,600 năm.

Trong đó có 39 quyển từ sách luật pháp và tiên tri của Kinh-thánh Do-thái-giáo đã được kinh điển và công nhận, gọi là Cựu-Ước, tức là giao ước cũ. Phần sau là 27 quyển do các môn đồ của Đức Chúa Giêxu Christ đã viết ở thế kỷ đầu sau Công Nguyên, được gọi là Tân-Ước, tức là giao ước mới, cũng là cốt lõi giáo lý của mọi giáo hội thuộc Cơ-đốc-giáo giới.

Tất cả những tín lý của Cơ-đốc-giáo đều lấy từ Kinh-thánh và dựa trên Kinh-thánh làm thẩm quyền cao nhất mỗi khi có ý kiến hay tranh luận đúng, sai về các vấn đề niềm tin hoặc cách hành đạo. Cơ-đốc-giáo tin rằng Kinh-thánh được linh cảm toàn thể và không sai lầm trong các bản văn nguyên thủy.

Không ai có thể giải thích hoặc thông hiểu hết mọi lời chép trong Kinh-thánh. Điều khó khăn ấy không phải là nhược điểm của Kinh-thánh, trái lại nó chứng minh cho sự ban xuống các ý tưởng và lời từ cõi thần.

Bởi vì, điều gì ra từ loài người, dù có bí hiểm đến đâu, dần dần sẽ được hiểu hết. Hơn nữa, nếu trí khôn loài người có thể hiểu thông suốt quyển Kinh-thánh từ đầu đến cuối, thì nguồn gốc thần thánh của nó có nhiều điều để nghi ngờ và cần phải xét lại.

Chúa linh cảm người viết bằng vài cách, nhưng Hội-thánh của Chúa ngày nay tin rằng toàn thể Kinh-thánh được linh cảm.

Linh cảm có thể là vị tác giả nghe Lời Chúa phán rồi chép lại; hoặc Chúa đặt vào tâm trí người viết các ý tưởng hoặc lời của Ngài để người ấy phải nói hoặc viết y hệt như đã nhận được. Trong cách linh cảm nầy, rất nhiều khi người viết không hiểu những điều mình viết, nhưng vẫn vâng lời ghi chép lời Chúa truyền.

Một cách linh cảm khác nữa là Chúa gieo ý tưởng vào trí não người viết; nhưng người ấy sẽ viết xuống theo bút pháp hay là văn phong của mình; tuy vậy, người ấy vẫn được sự hướng dẫn của Chúa để dùng đúng chữ và đúng ý nghĩa thông điệp đã được gieo vào ý tưởng. Người viết sẽ diễn tả theo cách người ấy hiểu vấn đề được thông báo.

Đối với người thời xưa đứng trước thực tế thiên nhiên bao la, vô tận, thì tư tưởng vô thần là cực kỳ vô lý và rất điên rồ. Vì vậy, khi Môi-se giải thích về sự sáng tạo thế giới, ông chẳng cần trình bày về cách Chúa tạo nên vật chất, thế gian và vũ trụ như thế nào. Ông chỉ nói: “Ban đầu, Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng-thế 1:1).

Kể cả phần ký thuật lịch sử của thời họ, các tác giả không khi nào đưa ra ý kiến hay giả thuyết của họ về mọi điều họ viết.

Những lời nào họ nhận được từ Đức Chúa Trời thì họ đều bắt đầu bằng câu: “Đức Giê-hô-va phán,” hay “lời của Đức Giê-hô-va đến,” hoặc “Đức Giê-hô-va nói.” Có 3808 câu như vậy trong Cựu-Ước, chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời đã trực tiếp truyền đạt ý muốn, ý tưởng, mệnh lệnh, và các điều răn của Ngài cho các vị tiên tri ngày xưa ghi chép lại cho nhiều người khác đều được biết thông điệp của Ngài.

Các tác giả Tân Ước đều tin và chấp nhận thẩm quyền của Cựu-ước. Chính Đức Chúa Giêxu trích dẫn Cựu-ước và xem tất cả các phần của Cựu-ước đều có thẩm quyền như nhau.

Giáo lý về sự linh cảm của Kinh-thánh là rất quan trọng. Các nhà thần học định nghĩa sự linh cảm của Kinh-thánh là “quyền năng của Đức Chúa Trời khiến con người có thể ghi lại chân lý được mặc khải một cách chính xác.

Vì vậy, các tác giả, của những sách đã được các thánh đồ khi xưa kinh điển vào Kinh-thánh, đều xác nhận là họ viết dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Đức Thánh Linh từ Đức Chúa Trời. Cựu-ước gọi Ngài là Thần của Đức Giê-hô-va hay Thần của Đức Chúa Trời. Tân-ước gọi Ngài là Thánh Linh Đức Chúa Trời, Đấng giao tiếp với tâm linh của loài người.

Có thể đã có nhiều tín hữu tìm cách giải thích hay giới thiệu Kinh-thánh cho bạn bè là người chưa tin Chúa; nhưng thường đứng trên lãnh vực tôn giáo để giới thiệu; việc đó dễ gây ngộ nhận, vì chân lý của Chúa không phải là tôn giáo, mà là sự sống cho người nào tiếp nhận ơn cứu rỗi và chuộc tội của Ngài.

Vì thế, Kinh thánh là một tập hợp các sách nói về chân lý, tri thức, lý luận và bằng chứng. Sở dĩ người ta luôn luôn nghĩ tới tôn giáo khi nghe nói đến Kinh-thánh vì liên quan tới niềm tin, mà niềm tin là cái gốc của tôn giáo.

Tôn giáo được hiểu một cách khái quát là lòng tin riêng tư của người ta vào một đấng hay một thuyết có tính cách linh thiêng nào đó, mà người khác không có quyền chất vấn, thách thức, hay chê bai. Nhưng Kinh-thánh vẫn chấp nhận để bị thách đố, chất vấn, mà chẳng khi nào suy suyển.

Kinh thánh vượt lên cao xa hơn các ý kiến tầm thường về tôn giáo. Chân lý của Kinh-thánh có thể chứng minh, những chi tiết lịch sử của Kinh-thánh đều có chứng cớ tra cứu được, những sự dạy dỗ của Kinh-thánh là chính xác, hữu hiệu và có quyền năng biến đổi lòng người và xã hội.

Tình hình thực tế trên thế giới chứng minh lời Kinh-thánh là chính xác. Dù bị công kích, bài bác, hủy hoại, cấm đoán, cùng đủ thứ thủ đoạn ngăn chận, những kẻ thù nghịch với chân lý của Kinh-thánh đã hoàn toàn thất bại.

Lý do thông thường nhất khiến Kinh-thánh có nhiều kẻ thù nghịch là vì Kinh-thánh phơi trần tâm địa dối trá và gian xảo của con người.

Các cuộc chiến tranh tôn giáo xảy ra khi phía gây chiến là phía bị đuối lý vì bị vạch trần đã đặt niềm tin vào điều giả dối.

Đúng là các tổ chức của Hội-thánh Chúa đều là các tổ chức tôn giáo để thực hiện các lễ nghi thờ phượng của các giáo đồ.

Nhưng thực chất niềm tin của mọi Cơ-đốc-nhân là tiếp nhận sự sống từ Đức Chúa Trời ban cho, để qua sự áp dụng những lời dạy dỗ trong Kinh-thánh, người tin được biến đổi tâm linh, mà Đức Chúa Giêxu cho biết đó là sự tâm linh được sinh lại; để từ sự biến đổi ấy dẫn tới sự thay đổi bản chất bề trong của con người.

Sự thay đổi đó sẽ phản ảnh rất rõ qua nếp sống mỗi ngày trong cách cư xử với những người chung quanh mình. Vì vậy, dù Hội-thánh có là tổ chức tôn giáo, nhưng đường lối Chúa dạy cho con dân Ngài đi theo thì không phải là tôn giáo.

Tại sao có thể khẳng định Kinh-thánh là chính xác và đáng tin? Xin thưa, bởi vì chẳng ai có thể bác bỏ rất nhiều lời tiên tri từ hàng ngàn năm trước tới nay đã được ứng nghiệm từng chi tiết.

Người cố ý chê bai Kinh-thánh cũng là người cố ý lờ đi các lời tiên tri có thể kiểm chứng được qua các bằng cớ lịch sử đã xảy ra rồi mà không thể sửa đổi.

Nhưng các người công kích Kinh-thánh không thể lờ hay che giấu chi được, vì năm 1948, biến cố tái lập quốc gia Do-thái đã làm sụp đổ mọi sự bài bác của họ đối với các lời tiên tri từ ngàn xưa trong Kinh-thánh về tương lai tuyển dân Israel của Đức Chúa Trời.

Những người vô cớ thù ghét Chúa cũng bị sững sờ khi khám phá ra lịch sử vùng Trung Cận Đông và Nam Âu đã diễn ra y như lời Chúa sai thiên sứ giải nghĩa cho tiên tri Daniel hiểu các chiêm bao kỳ lạ mà ông thấy, để ông ghi chép lại.

Các bằng cớ về sự chính xác và đáng tin của những lời tiên tri trong Kinh-thánh thì rất nhiều đối với những ai chuyên tâm nghiên cứu.

Tuy thế, bằng chứng hùng hồn nhất về nguồn gốc thiên đàng của Kinh-thánh không phải từ văn tự đã được chép trong sách ấy, nhưng là quyền năng biến cải lòng người của Tin Mừng từ Đức Chúa Trời ban xuống cho trần gian. Tin Mừng ấy đã đem đến một kỷ nguyên mới đầy hi vọng cho nhân loại.

Quyền năng biến cải đó đã được chứng minh cho cả thế giới thấy qua đức bác ái của những dân tộc mà tổ phụ họ đã chọn lời dạy của Kinh-thánh làm nền tảng cho xã hội và phương châm cho cách xử thế của dân tộc. Hàng triệu người Việt đã được các dân tộc ấy dùng đức bác ái mà Kinh-thánh đã dạy để cứu giúp và cưu mang họ. Chẳng lẽ cho đến nay người Việt chúng ta chưa thấy điều đó hay sao?

CacVanDeCanBan02.docx

Rev. Dr. CTB