Chúa Nhật, January 10th, 2016

Các Vấn Đề Căn Bản, bài 1


Các tầng trời rao truyền vinh quang của Đức Chúa Trời, bầu trời bày tỏ công việc tay Ngài làm. Ngày nầy giảng về vinh quang của Đức Chúa Trời cho ngày kia, đêm nầy truyền tri thức về Đức Chúa Trời cho đêm nọ. Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói; cũng không ai nghe âm thanh của chúng. Nhưng tiếng của chúng dội vang khắp đất, và lời của chúng truyền đến tận cùng thế giới” (Thi Thiên 19:1–4)

Có thể ví nền văn hóa trong xã hội mà chúng ta đang sống như một dòng sông, có người gọi là dòng đời. Nước sông cứ chảy và mọi người đều bị nổi trôi trên dòng chảy ấy; đó là thực tế của đời người trong xã hội. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có biết mình đang bị trôi đi đâu và sẽ hành động như thế nào hay không mà thôi.

Chỗ đến trong đời sau giữa người nầy với người khác tuỳ thuộc vào sự nhận biết nơi mình sẽ bị trôi đến, và mình đã làm gì để không bị trôi dạt chung số phận với vô số người không hề biết nỗi khốn khổ kinh hoàng của nơi dòng đời đẩy đưa họ tới.

Những người tìm hiểu các tôn giáo để nhận ra đường đi đúng, là người khôn ngoan hơn hẳn loại người bị cuốn hút theo trào lưu xã hội hoặc trung thành với truyền thống gia đình.

Nếu vũ trụ bao la hữu hình, hữu thể nầy không tự nhiên sinh ra; nếu tư tưởng khôn ngoan của loài người là công trình sáng tạo của một trí não siêu việt ở ngoài vũ trụ, thì sự hiện hữu của tinh thần con người hẳn phải có một mục đích của Đấng tạo nên nó.

Trong dòng đời ngày nay, có nhiều lý thuyết tự tôn, tự đại, cho rằng chẳng có thần thánh, cũng chẳng có Đấng Tạo Hóa nào hết; họ cho rằng chết là hết nên sẽ chẳng có thưởng phạt gì cả, nên người ta cứ tự do theo đuổi mọi dục vọng của mình.

Ai cũng có thể nói ngang nói bừa, nhưng chứng minh vũ trụ tự nhiên mà có thì không làm nổi. Ai giải thích nổi bởi đâu loài người khôn ngoan hơn loài thú một trời một vực? Cho nên, Đấng Tạo Hóa hẳn phải có mục đích nào đó khi tạo nên trí óc loài người.

Đức Chúa Trời không bắt buộc người ta phải tin Ngài một cách mù quáng: “Đức Giê-hô-va phán: ‘Bây giờ hãy đến, để chúng ta biện luận với nhau’” (Ê-sai 1:18a).

Nghĩa là lòng tin vào điều gì người ta cho là chân lý, thì phải có nền tảng vững chắc. Và người ta chỉ có thể biết chắc điều họ tin là sự thật sau khi đã biện luận rốt ráo, tìm ra bằng chứng để giải toả hết mọi thắc mắc, nghi ngờ.

Vào thời đại mà lòng người ngày càng tự cao theo đà văn minh của thế giới, khi một số phát kiến và phát minh khoa học kỹ thuật ngày càng tinh xảo thành những bước nhảy vọt trong việc phục vụ các nhu cầu thông tin và tìm hiểu vũ trụ của loài người, nhiều lý thuyết mới đã nổi lên. Những lý thuyết ấy nghi ngờ về sự hiện hữu và quyền tể trị của một Đấng Toàn Năng.

Những người có lòng đạo đức nhìn thấy đà bất ổn và suy đồi của thế gian ngày càng gia tăng thì mong tìm được các biện pháp cứu vãn qua tôn giáo.

Nhưng từ xưa nay thế giới vẫn hoàn toàn bất lực trước tình trạng suy đồi đạo đức của loài người; bởi vì các phương pháp họ dùng đều là nỗ lực sửa chữa các hậu quả, trong khi vấn nạn có nguồn gốc từ cách suy luận sai lầm.

Nguyên nhân thất bại là vì người ta chưa biết ai có quyền giải quyết. Có hai lối suy nghĩ dẫn vào ngõ cụt: Thứ nhất, quan điểm của người ta về Đấng Tối Cao không giống nhau, và tin rằng đấng nào cũng có quyền cả.

Đúng là quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người cần phải được tôn trọng; nhưng, đâu phải lòng tin của người ta sẽ khiến cho điều họ tin trở thành sự thật, hoặc đấng họ tin chắc chắn phải có quyền phép! Giá trị tối hậu của vấn đề không phải là lòng tin mà là sự thật về đối tượng được tin ấy ra sao.

Đâu phải khi người ta tôn một người làm thần thì người đó phải thành thần. Điều gì có thật thì dù không tin nó vẫn có thật. Điều gì không có thật, thì dù tin đến mấy cũng chẳng làm cho không thành có.

Thứ nhì, người ta cho rằng tôn giáo nào cũng dạy giống nhau. Những người lý luận như thế thường không để ý đến các hệ quả khác nhau trên những người tin các lý thuyết thần học của các tôn giáo khác nhau.

Bởi vì các lý thuyết thần học nắn đúc đời sống, gia đình, đất nước, văn hóa, cá tánh, và cách xử thế của người theo lý thuyết thần học đó. Giáo lý của mỗi đạo nhằm dạy tín đồ phải sống như thế nào. Chỉ cần nhìn xem thành quả xã hội, cách đối xử với người khác và quan điểm về chiến tranh, thì chúng ta có thể nhìn biết tôn giáo của dân tộc và đất nước ấy đã dạy họ như thế nào.

Thực tế nầy chứng minh rõ ràng rằng các tôn giáo không dạy giống nhau, dù mọi tôn giáo đều dạy về đạo đức. Cụ thể như Phật-giáo không tin có Đấng Tạo Hoá. Ấn-độ-giáo tin thờ hàng ngàn vị thần. Cơ đốc-giáo, Do-thái-giáo và Hồi-giáo tin chỉ có một Thượng Đế. Về vấn đề tội lỗi, sự cứu rỗi, thiên đàng, và hỏa ngục thì mỗi tôn giáo đều dạy khác nhau.

Nếu hình dung niềm tin tôn giáo trong thế gian như một ngọn núi mà người ta trèo lên đỉnh qua nhiều lối khác nhau. Người ta sẽ thấy ở chân núi sự tương tự nhau giữa các tôn giáo về căn bản đạo đức.

Nhưng lên càng gần đỉnh chừng nào thì sự khác biệt càng rõ ràng ra. Bởi vì lúc đó người ta phải đối diện với bản thể của Đấng Tối Cao, cõi đời đời, sự cứu rỗi, thiên đàng, và hỏa ngục.

Giả sử rằng Thiên Chúa chờ đợi họ ở đỉnh núi, bởi vì nếu các tôn giáo dạy giống nhau thì mọi con đường đều dẫn lên đỉnh núi cả. Nhưng ai sẽ chờ ta ở trên đỉnh? Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi Toàn Năng và yêu thương? Không có thần nào hết? Hay hàng ngàn thần ở hàng ngàn đỉnh núi?

Hình thức bề ngoài có vẻ giống nhau, nhưng thực chất mới là quan trọng. Muối bọt và cyanide đều là bột trắng trông rất giống nhau, nhưng một thứ ăn được còn thứ kia thì độc.

Vậy, niềm tin Cơ-đốc-giáo thì thế nào? Nếu anh chị em chỉ theo đạo, mà không có khả năng giải thích hay chứng minh sự thật mình đang tin, thì chẳng giúp được ai nhận biết ơn cứu độ của Đức Chúa Trời.

Vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta phải biết trong đạo Chúa không phải là đạo ấy có giúp đỡ được gì cho người tin, mà là niềm tin ấy có đúng hay không. Nghĩa là Đức Chúa Trời và ơn cứu rỗi của Ngài có thật hay không.

Người ta có thể tin đủ kiểu khác nhau về chân lý tuỳ theo ý thích hay khẩu vị của họ, giống như mỗi người có ý thích khác nhau về mùi hay vị của món ăn. Vì thế, người ta theo nhiều tôn giáo khác nhau theo ý thích của họ.

Nhưng khi bị bệnh và phải chọn thuốc trị bệnh, người ta không thể chọn theo ý thích được nữa, mà họ phải đối diện với sự thật là phải chọn thuốc nào chữa được bệnh.

Cũng vậy, khi phải đứng trước sự sống và sự chết vĩnh cửu, người ta phải chọn sự dạy dỗ nào có chân lý dẫn đến sự sống thật.

Chân lý là quan trọng vì những gì ta tin là thật thì điều đó là bản đồ mình sẽ dùng trong hành trình thực tế về nhân sinh quan, tâm linh và đạo đức. Đi lạc đường còn có thể vòng trở lại, nhưng sự chân thành tin vào điều không có thật cho đến cuối đời là một thảm họa vô phương cứu chữa.

Đời sống tin kính và đạo đức theo chân lý “là điều tốt đẹp và hài lòng Đức Chúa Trời, Cứu Chúa chúng ta, là Đấng muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1Timôthê 2:3–4).

Đức tin của Kinh-thánh không phải là niềm tin mù quáng. Đức tin ấy phải được chứng minh bằng thực tế hiển nhiên.

Khi Giăng Baptist bị tù sai môn đồ đến hỏi Đức Chúa Giêxu rằng “Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi đấng khác? Đức Chúa Giêxu đáp: ‘Hãy về, thuật lại cho Giăng những gì các ngươi nghe và thấy: Người mù được sáng, người què được đi, người phong hủi được sạch, người điếc được nghe, ngưởi chết được sống lại, và người nghèo được nghe Tin Lành’” (Mathiơ 11:3–5). Chúa nói về sự ứng nghiệm các lời tiên tri mà Giăng biết.

Đức tin Kinh-thánh là lòng tin năng động vào Đức Chúa Trời thật là Đấng Ngài tự xưng, và Ngài sẽ thực hiện mọi lời Ngài đã hứa. Trong Kinh-thánh, đức tin luôn luôn chỉ về thực tế của tương lai. Sự thành tín của Chúa trong quá khứ và hiện tại là bằng cớ cho đức tin về tương lai chưa tới.

Mọi tín hữu đều nhận được lệnh là phải bảo vệ niềm tin của mình:“Hãy tôn cao Đấng Christ là thánh, là Chúa trong lòng anh em. Luôn sẵn sàng để trả lời những kẻ chất vấn về niềm hi vọng trong anh em, nhưng phải ôn tồn và trân trọng” (1Phierơ 3:15).

Chúng ta vẫn luôn có các thắc mắc về các vấn đề tâm linh. Và vì chúng ta không tin một cách mù quáng, nên phải học hiểu mọi điều mình chưa hiểu hết. Sự học đó sẽ giúp chúng ta nắm vững sự thật.

Mọi tín hữu đều cần phải nắm chắc cơ hội mà Chúa đang ban cho mình được trang bị một cách đầy đủ, chính xác và hữu dụng. Những bài giảng êm tai về các vấn đề đời sống thì ích lợi chẳng bao nhiêu, sự tồn vong, thưởng phạt của linh hồn chúng ta mới là điều quan trọng.

Đừng buông bỏ ơn phước mình đang có.

VanDeCanBan01.docx

Rev. Dr. CTB