Chúa Nhật, March 27th, 2016
Các Vấn Đề Căn Bản, bài 09
Rôma 4:25
Nhờ sách vở lưu truyền qua nhiều ngàn năm, ngày nay chúng ta được biết có nhiều bậc tiền bối đã cố gắng tìm cách chấn hưng đạo đức xã hội. Từ thời xưa, một số người khắc khoải về việc làm thế nào để người ta thoát khỏi bản ngã thấp hèn.
Nổi bật có một người ở Trung-hoa tên là Khổng Khâu, tức Khổng Phu Tử. Người xưa phong ông là Vạn-thế-sư-biểu, nghĩa là người thầy ngàn đời, do nhiều sự dạy dỗ xuất sắc về đạo đức và cách xử thế trong thời đại phong kiến quân chủ Trung-hoa. Nhưng nhiều giáo huấn của ông rất trái ngược với lý tưởng dân chủ của xã hội văn minh.
Có nhiều triết gia khác suy gẫm về con đường thanh cao mà người ta phải đạt tới. Tuy vậy, chẳng ai tìm được chân lý, vì con người chỉ quẩn quanh trên mặt địa cầu.
Người trên đời vẫn luôn luôn tìm kiếm sự toàn thiện, toàn hảo; bởi vì lương tâm trong những người có ý hướng đạo đức đều băn khoăn trước tính xấu của nhân loại. Tính xấu ấy gia tăng theo độ dài thời gian người ta hiện diện trên trái đất.
Xã hội càng văn minh bao nhiêu thì mức độ ác độc và xảo quyệt của loài người gia tăng thêm bấy nhiêu. Nhất là ở những xã hội nào chối bỏ sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, tức là Đức Chúa Trời.
Trong cách suy nghĩ của những người tin có một Đấng Tối Cao, thì người ta thường tưởng tượng Ông Trời là một ông già có bộ râu dài màu bạc ở trên trời; ông ấy dùng sấm sét đánh chết những kẻ ngang ngược để trừng phạt họ. Nghĩa là sự hiểu biết của loài người về Đấng tạo nên mình rất là giới hạn về sự trừng phạt mà thôi.
Trước đây khoảng ba ngàn năm trăm năm, Đức Chúa Trời đã ban luật pháp của Ngài lần đầu tiên cho nhân loại qua một dân tộc mà Ngài đã tuyển chọn bởi lòng tin và sự vâng lời của tổ phụ họ.
Luật pháp ấy là vinh việu vì là lời thánh từ Đức Chúa Trời đến cho loài người, chỉ dẫn họ phải cư xử với Đấng Tạo Hóa và với nhau ra sao. Nghĩa là bộ luật ấy chỉ dẫn cho người ta biết phải sống như thế nào là đúng.
Bản tóm tắt bộ luật ấy gọi là Mười Điều Răn, nền tảng nếp sống đạo đức mà người ta phải noi theo để được Thiên Chúa chấp nhận. Nhưng vấn đề nan giải của con người đối với bộ luật ấy là nó quá tốt, đến nỗi không người nào trên đời có thể tuân giữ mà không vi phạm. Vì thế, đáng lý ra luật pháp đem đến sự sống, nó chỉ lên án chứ không cứu ai được. Như sứ đồ Phao-lô nhận ra: “… lẽ ra điều răn đem sự sống đến cho tôi lại đưa tôi đến sự chết” (Rôma 7:10).
Đức Chúa Giêxu, Ngôi Lời từ Đức Chúa Trời đã đến thế gian để gánh lấy sự kết án của luật pháp thánh trên thân Ngài. Thay vào đó, Ngài đem ân sủng, chân lý và những lời hứa vinh quang đến cho những người tin Ngài biết rằng họ không còn bị kết án nữa, nhưng được giải cứu khỏi sự trừng phạt vĩnh viễn.
Toàn thể các sự kiện mà Đức Chúa Giêxu đã thực hiện vì loài người và cho nhân loại thì được gọi là Tin Mừng. Nhưng trọng tâm của Tin Mừng nằm ở đâu?
Đấng đem Tin Mừng cho biết rằng Ngài đã đến và đem theo Vương-quốc của Đức Chúa Trời cùng đến thế gian với Ngài. Nghĩa là Vương quốc thiên đàng đã đến trong thân vị của Đức Chúa Giêxu. Ngài hoàn thành tất cả công việc của Vương quốc qua đời sống toàn hảo của Ngài trên đất, qua sự chết thay thế cho loài người để chuộc tội cho họ, và qua sự sống lại vinh quang của Ngài từ cõi chết.
Như vậy, nói đến Tin Mừng không phải là chỉ nói về đời sống toàn hảo của Đức Chúa Giêxu trên trần gian, cũng không phải chỉ nhấn mạnh cây thập tự thống khổ của Ngài, cũng không phải chỉ tập trung chú ý vào sự phục sinh quang vinh từ cõi chết của Ngài. Bởi vì công tác cứu chuộc loài người chưa thể thực hiện được khi thiếu một phương diện nào trong ba phương diện vừa nói đến.
Biến cố phục sinh vinh quang của Đức Chúa Giêxu là điều phải xảy ra để Ngài hoàn tất Tin Mừng của Đức Chúa Trời ban xuống cho loài người. Bởi vì dù Ngài đã sống cuộc đời không một vết tội lỗi nào; rồi chịu chết để đền tội cho tất cả nhân loại, nhưng nếu chết luôn không thể sống lại thì Ngài không thể cứu được ai cả.
Những người đã được tha tội rồi sẽ tiếp tục phạm tội vì bản tánh đồi bại của nhân loại, nên vẫn sẽ bị hình phạt theo quy định của luật pháp thánh từ trời.
Vì thế, biến cố sống lại từ cõi chết của Đức Chúa Giêxu Christ là một của ba thành phần cực kỳ quan trọng để hoàn thành chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.
Lời Kinh-thánh nền tảng cho sự suy nghĩ của chúng ta để kỷ niệm lễ Phục Sinh năm nay là: “Ngài đã bị nộp để chịu chết vì tội lỗi chúng ta, và sống lại để chúng ta được xưng công chính” (Rôma 4:25). Chúng ta đã hiểu một cách rõ ràng về việc Ngài đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng cũng phải hiểu Ngài “sống lại để chúng ta được xưng công chính” thì có nghĩa gì.
Được xưng công chính là đủ điều kiện để được Đức Chúa Trời chấp nhận vào gia đình Ngài. Trước hết là tội lỗi được tha thứ, kế đến là được trở lại hòa thuận với Ngài, rồi được đối xử như người chưa từng phạm tội, và được nâng lên hàng ngũ của những thân vị ở trong cõi vinh quang. Ngài làm việc đó ra sao?
Thứ nhất, nếu Đức Chúa Giêxu đã không sống lại thì mọi công việc Ngài làm là không hoàn hảo, sự chết hi sinh của Ngài là vô ích. Bởi vì Ngài đã chịu hi sinh để chết như một sinh tế, do đó Ngài cần phải sống lại để chiến thắng sự chết và làm cho kẻ thù của loài người, là sự chết vĩnh viễn, phải bị thúc thủ; nhờ vậy mọi công việc Ngài đã làm mới được hoàn tất.
Thứ nhì, sự phục sinh của Đức Chúa Giêxu là bằng chứng cho biết rằng Đức Chúa Cha chấp nhận những việc Ngài đã làm. Tức là những việc Ngài làm để tội nhân có thể được cứu, đã được chuẩn thuận. Nhờ đó sự xưng công chính của chúng ta trở nên chắc chắn. Như sứ đồ Phao-lô quả quyết: “Nếu Đấng Christ không sống lại thì đức tin của anh em cũng vô ích, và anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình” (1Côrinhtô 15:17).
Thứ ba, sự phục sinh của Đức Chúa Giêxu là cái nguồn của mọi hi vọng chúng ta và tất cả nỗ lực của chúng ta để được cứu. Như đã có chép: “…Đấng Christ Jêsus, Cứu Chúa chúng ta, Đấng đã tiêu diệt sự chết, dùng Tin Lành làm sáng tỏ sự sống và sự bất diệt” (2Timôthê 1:10); hay “…chúng ta được tái sinh để có một hi vọng sống, nhờ sự sống lại từ cõi chết của Đức Chúa Giêxu Christ” (1Phierơ 1:3b).
Nghĩa là, sự phục sinh của Đấng Christ là nền tảng của niềm tin chúng ta rằng mình cũng được sống lại và được Đức Chúa Trời chấp nhận. Đức Chúa Giêxu đã thật sống lại, cho nên mọi người yên mến và tin nhận Ngài đều sẽ được sống, được cứu và xưng công chính.
Đức Chúa Giêxu đã hứa chắc với các môn đồ Ngài trong đêm giã từ, trước khi Ngài chịu để bị bắt: “…Vì Ta sống, thì các con cũng sẽ sống” (Giăng 14:19b).
Sứ đồ Phao-lô nói về niềm hi vọng của tín đồ qua đời như sau: “Nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những người ngủ trong Đức Chúa Jêsus đến với Ngài” (1Têsalônica 4:14).
Điều rất rõ ràng là không ai có thể cậy công đức để được Đức Chúa Trời xem là công chính. Bởi vì không một việc thiện nào chuộc nổi những điều ác chúng ta đã phạm. Người tin sẽ “được xưng công chính do ân điển Ngài cho không, nhờ công trình cứu chuộc đã hoàn tất trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rôma 3:24). Công trình cứu chuộc ấy chỉ được hoàn tất qua sự phục sinh của Đức Chúa Giêxu. Vì một lẽ đơn giản, người đã chết không cứu được ai cả.
Thật thế, nhờ sự phục sinh, Đức Chúa Jêsus mới có thể làm Đấng biện hộ cho chúng ta trước ngai của Đức Chúa Trời. Vì Ngài là Đấng Công Chính đã dùng huyết mình để chuộc tội cho biết bao nhiêu tội nhân, thì Ngài có quyền xưng công chính cho những người mà Ngài đã hy sinh để chuộc họ về.
Không phải Đức Chúa Jêsus chỉ xưng công chính cho người tin mà thôi, Ngài ban năng lực để họ sống đời công chính nữa. Ngài thực hiện bằng cách ngự vào lòng người tin qua thân vị của Thần Chân Lý, tức là Đức Thánh Linh.
Ngài hứa: “Ta sẽ cầu xin Cha…ban cho các con một Đấng An Ủi khác để ở với các con đời đời, tức là Thần Chân Lý mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì không thấy và không biết Ngài. Nhưng các con biết Ngài vì Ngài đang ở với các con và sẽ ở trong các con” (Giăng 14:16–17).
Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, Đấng ở với các môn đồ lúc ấy. Sau khi về trời, đã giáng xuống đầy dẫy trên các môn đồ qua thân vị Đức Thánh Linh.
Hiện nay, Ngài đang ngự trong chúng ta để xưng công chính cho chúng ta và giúp chúng ta sống đời công chính không bởi nỗ lực riêng nữa, mà nhờ năng lực Ngài ban từ sự sống phục sinh của Ngài.
VanDeCanBan09web.docx
Rev. Dr. CTB