Chúa Nhật, March 2nd, 2014
Các Vấn Đề QuanTrọng, 21
Gia-cơ 3:1–12
Khoảng nửa thế kỷ trước đây, y học thế giới khám phá ra trung tâm điều khiển lời nói ở não người nắm quyền điều khiển thần kinh hệ trên toàn thân thể. Đối với Hội-thánh của Chúa, khám phá ấy chẳng có gì mới; vì Đức Thánh Linh đã dùng sứ-đồ Gia-cơ viết ra điều nầy gần 2000 năm trước rồi. Lời nói của một người tạo ra ảnh hưởng trên thân thể, ý chí, quyết định, và hành vi của người ấy. Lời nói tiêu cực sẽ gây nên hậu quả tiêu cực trên người nói. Lời nói tích cực xác quyết, khẳng định khả năng thực hiện việc gì đó, sẽ tạo nên kết quả tích cực và thành công.
Vì vậy, một ứng dụng quan trọng về lời nói trong đời sống của con cái Chúa là: Hãy tập luyện dùng lời nói của đức tin, hi vọng và tích cực, để tạo nên đời sống thành công và thịnh vượng cho chính mình.
Tại sao chúng ta phải tập luyện như thế? Bởi vì cách nói và ứng xử theo thói quen của người Á-Đông thường dùng những chữ rất tiêu cực: “Mệt muốn chết!” “Tức cười muốn chết!” “Thằng nhỏ thấy ghét!” “Nghèo rớt mồng tơi,” “buồn thê thảm,” hay “đẹp ác ôn!” vv; nghĩa là thay vì nói tới những kết quả tốt lành, không hiểu tại sao cách phát biểu của chúng ta về các phản ứng tình cảm, hay cảm nghĩ, hoặc sức khoẻ thể chất đều nhắm tới hậu quả xấu nhất!
Hơn nữa, người Á Đông cũng có thói quen phát biểu khiêm tốn về khả năng thành đạt của mình để không bị chê bai là kiêu căng. Ví dụ như hay giấu giếm về thành công của mình bằng chữ “chút chút thôi,” hoặc từ khước các lời khen tặng, nói cách nhún nhường về khả năng của mình chắc không làm được một công việc mà mình biết chắc mình có thể làm giỏi.
Người xưa có câu: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.” Nghĩa là đồng loại tìm đến nhau vì bị thu hút lẫn nhau. Đem áp dụng vào lãnh vực lời nói tiêu cực, thì các lời nói ấy thu hút điều xấu đến, tạo ra hậu quả xấu cho chính mình. Nếu chúng ta nghĩ rằng sức lực mình lúc nầy yếu rồi, trí não già lão không thể học những kỹ thuật tân tiến, thì thần kinh hệ trung ương sẽ ra lệnh đó cho toàn thân và nó khiến cho người ta hành xử theo tâm lý thất bại.
Nhưng nếu chúng ta nói và tự nhủ trong lòng mình rằng mình có khả năng làm việc giống như một người trẻ tuổi, không cần biết mình đã đến tuổi nào, thì thần kinh hệ sẽ ra lệnh truyền sức lực đến các chi thể của thân.
Kinh-thánh nói rằng nếu chúng ta kiểm soát được lưỡi mình về lời nói, thì chúng ta kiềm chế được cả thân thể. Những lời than van, kể lể về số phận hay tình trạng tồi tệ của mình hay của gia đình mình, sẽ không bao giờ làm cho tình trạng tốt hơn. Nghĩa là chúng ta sẽ nhận lãnh những gì miệng mình nói ra.
Nếu ai muốn thay đổi vận mệnh của chính mình, phải biết thay đổi ngôn ngữ mà mình vẫn dùng trước đã. Nếu không thay đổi cách nói hay lời nói, sẽ không bao giờ thay đổi được con người của mình. Nếu muốn con cái mình được biến đổi thành người tốt khi nó trưởng thành, phải dạy chúng ngôn ngữ mới mà mình học được trong Kinh-thánh.
Lời Chúa dạy chúng ta nói bằng đức tin, nuôi dưỡng thần kinh hệ chúng ta bằng các từ vựng có tính gây dựng, hữu ích và thắng lợi. Thường xuyên dùng các lời ấy nói ra miệng để chúng làm chủ và điều khiển toàn thân thể chúng ta. Những lời cầu nguyện khiêm tốn như: “Hội-thánh nhỏ bé của Chúa…,” thật ra chẳng ích lợi gì. Lý do đầu tiên mà chúng ta phải từ bỏ cách nói tiêu cực cũ, sử dụng thứ ngôn ngữ mới, là để tạo ra năng lực kiến tạo một đời sống thành công cho mình.
Lý do kế tiếp mà chúng ta phải dùng năng lực sáng tạo của lời nói là để hoàn thành các mục đích của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh ban ân tứ đức tin cho chúng ta, để chúng ta sử dụng ân tứ ấy qua lời nói nhằm thực hiện những điều mà Đức Chúa Trời muốn làm cho Hội-thánh và các chương trình đặc biệt của Ngài. Nếu Ngài truyền đức tin vào trong ta để làm những việc khó như dời núi, lấp biển, vv., thì chúng ta không thể cứ theo thói quen cầu xin Chúa dẹp bỏ các chướng ngại khỏi đường mình đi, mà phải biết dùng lời nói đức tin ra lệnh cho chúng phải dời chỗ.
Khi chưa tin Chúa, chúng ta không có cách nào giải quyết những khó khăn vượt quá sức loài người. Nhưng sau khi đã tin Chúa rồi, chúng ta phải luyện tập lời Đức Chúa Giêxu dạy các môn đồ về quyền năng của lời nói trong đức tin:
“Ta nói rõ với các con, nếu các con có đức tin chỉ bằng một hạt cải thì các con có thể bảo hòn núi nầy rằng: ‘Hãy dời từ đây qua đó,’ thì nó sẽ dời; và chẳng có điều gì các con không làm được” (Mathiơ 17:20). Và:
“Thật, Ta bảo các con, nếu các con có đức tin và chẳng hề nghi ngờ, thì không những các con làm được điều Ta làm cho cây vả, mà ngay cả việc bảo hòn núi nầy rằng: ‘Hãy nhấc mình lên và lao xuống biển,’ thì điều đó cũng sẽ xảy ra” (Mathiơ 21:21).
Như thế, lời nói ra lệnh bằng đức tin là cần thiết.
Nhưng nếu lệnh nằm trong trí mà chưa phát thành lời nói, là lệnh chưa truyền tới bên nhận. Tín hữu không thể chỉ vận dụng sự suy nghĩ để hoàn thành các mục đích của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải tập thói quen ra lệnh bằng đức tin Chúa ban dưới sự xức dầu của Đức Thánh Linh để thấy các phép lạ xảy ra hữu ích cho công việc của Hội-thánh, gia đình và chính cá nhân mình.
Trong rất nhiều trường hợp, sự thầm nguyện xin Chúa thực hiện những việc vĩ đại, phi thường không dẫn tới kết quả chi hết. Vì Đức Thánh Linh cần lời chúng ta nói ra bằng đức tin xác quyết, để Ngài có thể cộng tác với lời nói ra lệnh đầy uy lực mà hoàn thành các mục đích của Ngài.
Một lý do khác mà chúng ta phải sử dụng quyền năng của lời nói là để đem sự hiện diện của Đức Chúa Giêxu đến. Nền tảng của nguyên tắc nầy là do tin trong lòng và miệng tuyên xưng ra bằng lời nói thì đạt đến ơn cứu rỗi (Rôma 10:8–10). Vì ơn cứu rỗi chỉ thực hiện bởi Đức Chúa Giêxu, mà lời tuyên xưng bằng miệng bởi đức tin sẽ nhận được ơn cứu độ ấy; cho nên, lời nói ra rõ ràng bằng đức tin đem sự hiện diện của Ngài đến. Vì “đạo ở gần anh em, trên môi miệng và trong lòng anh em” (10:8). Đạo là lời, đạo trên môi miệng tức là lời nói của người tin. Lời nói đem sự hiện diện của Chúa đến như thế nào?
Đức Chúa Giêxu là Đấng chuộc tội, tha thứ tội lỗi, ban sự công chính, làm cho tái sinh, ban thánh hoá tâm linh và đời sống, chữa lành bệnh tật, trục xuất quỷ dữ, ban sự bình an, cứu khỏi tai hoạ. Vậy nên, nếu chúng ta dùng lời nói đức tin công bố hay rao giảng tất cả các phương diện của Đức Chúa Giêxu đã thực hiện trên loài người, thì Ngài sẽ đến thực hiện những điều chúng ta mở miệng công bố.
Nếu ai chỉ nói về ơn cứu rỗi và không tin về quyền phép chữa bệnh vẫn thực hiện ngày nay, thì chỗ đó chỉ có ơn cứu rỗi; nếu chỉ công bố về sự tái sinh, thì nơi đó chỉ được ơn tái sinh; hoặc chỉ nói về thánh hoá, thì sẽ chỉ đạt đến sự thánh hoá là cao nhất nhưng chẳng kinh nghiệm gì về quyền phép siêu nhiên của Tin-lành.
Áp dụng ngược lại cũng tương tự như thế; nếu nơi nào chỉ nói về quyền phép của Chúa mà lơ là những nền tảng căn bản của đức tin, thì tín hữu ở chi hội đó hiểu biết cách rất mù mờ về những nền tảng cần phải có trong nếp sống đức tin.
Thế thì vai trò của chúng ta trong việc dùng lời nói kiến tạo đời sống cá nhân thành công, lời nói giúp hoàn thành các mục đích của Đức Chúa Trời, và mời Đức Chúa Giêxu đến hiện diện rất quan trọng.
Không phải nhờ sở hữu ân tứ nào đó mà chúng ta làm được điều nọ, điều kia, nhưng vì có Đức Thánh Linh trong lòng, là Đấng sở hữu tất cả các ân tứ quyền năng; cho nên khi chúng ta cậy đức tin vào Ngài mà mạnh dạn công bố lời quyền năng, thì Ngài đáp ứng theo các nhu cầu mà Ngài biết rõ.
Tuy nhiên, vì trung tâm thần kinh lời nói điều khiển toàn thân, chúng ta phải để cho Đức Thánh Linh nắm quyền điều khiển mọi lời nói của chúng ta, để Ngài dùng những lời nói có quyền năng sáng tạo thực hiện những việc kỳ diệu.
Không phải vì chúng ta đã được hoàn toàn thánh hoá nên Chúa mới dùng; còn sống trên thế gian ngày nào, chúng ta còn phải phấn đấu. Chúa chỉ dùng những người dám công bố lời của đức tin, những người biết rõ quyền năng kỳ diệu của lời nói, và đã tin cậy Chúa sẵn lòng nhường cho Ngài làm chủ cái lưỡi, tức là cơ quan phát ngôn của mình, để nhờ lời nói đức tin đem tới một đời sống thành công, hoàn thành các mục đích của Chúa, và mời sự hiện diện của Ngài đến.
VanDeQuanTrong21.docx (Tham khảo: The Fourth Dimension, Paul Yonggi Cho)
Rev. Dr. CTB