Chúa Nhật, March 30th, 2014
Các Vấn Đề Quan Trọng, 25
Giăng 14:1–23
Tâm lý con người vẫn luôn hướng tới một hay nhiều đối tượng: Đối tượng để yêu, đối tượng để ghét, và đối tượng để tôn thờ. Khi đứng trước các cảnh ngộ mà loài người không có khả năng gì để giải quyết, ví dụ như cần được cứu thoát khỏi tình cảnh nguy nan, người ta tìm đến những thần linh trong cõi vô hình đã nghe người khác nói, vì hy vọng thần đó có quyền năng can thiệp vào cõi hữu hình để đem đến điều họ mong muốn.
Tuy nhiên, sự không biết hình ảnh rõ ràng trong tri thức của loài người về thần linh mà họ nghĩ rằng đang hiện hữu, khiến người ta phải tạo ra các vật thể tượng trưng cho niềm tin để họ có thể bám víu và hi vọng. Vật ấy chính là các thứ hình tượng mà người ta tạc ra để tôn thờ và cầu khẩn về những điều họ mong muốn hay ước ao.
Những người thờ hình tượng rất an tâm khi họ quỳ xuống thờ lạy một hình tượng, hay đứng khấn nguyện trước tượng ấy; bởi vì họ có một nơi cụ thể để bám víu vào, dù là biết rõ hình tượng đó do tay người tạo nên từ các thứ vật liệu bình thường trên thế gian.
Tâm lý mê muội của những người như vậy sinh ra sự tôn kính đối với những hình tượng họ cho là linh thiêng. Hình tượng đã trở thành nhu cầu về nơi chốn niềm tin con người cần bám víu.
Con dân Chúa được dạy phải biết tránh xa hình tượng; cho nên, họ không tin cũng không thờ các thứ hình tượng. Tuy nhiên, nhiều người bị hoang mang và khắc khoải vì họ không có một hình ảnh nào của Đức Chúa Trời để kính thờ như những tín đồ các đạo khác. Có người đến nhà thờ cầu nguyện tìm sự hiện diện của Chúa, vì không an tâm khi cầu nguyện ở nhà, cũng không biết Chúa đang ở đâu.
Đó là lý do khiến một số tín hữu treo vật nầy, vật nọ trong xe hay trong nhà, để mắt họ có nơi nương tựa cụ thể mà hướng lời cầu khẩn của mình. Rất nhiều người trong chúng ta, mặc dù tin chắc các nguồn phước hạnh đều ở trong Đức Chúa Trời, nhưng không biết cách nào khai thác phước hạnh ấy cho chính mình. Trong đời sống tâm linh thì có lúc cảm thấy Chúa ở thật gần, lúc khác chẳng cảm nhận được Ngài đang ở đâu.
Vì thế, rất nhiều người trong chúng ta đã nhiều lần tự hỏi mình thật có Đức Thánh Linh ngự trong lòng hay không? Nói cách khác, nhiều con cái Chúa không rõ lắm về sự hiện diện của Chúa trong lòng mình là ra sao.
Mặt khác, chúng ta cũng không biết thiên đàng trên trời là ở đâu! Vì đối với người sống trên địa cầu, thì trời trên đầu người nầy lại là dưới chân người khác ở phía bên kia trái đất. Mọi người nào mới tin Chúa đều gặp phải trở ngại vô cùng khó khăn nầy. Vì khác với các tín đồ ngoại giáo có hình tượng để bám víu, tân tín hữu trong Chúa chẳng biết Chúa đang ở đâu để hướng lòng của họ tới mà cầu nguyện.
Cho nên, nếu nghi vấn về nơi ở của Chúa và mối liên hệ giữa tín hữu với Ngài chưa được giải quyết ổn thoả, thì việc nghe được lời rhema kiến tạo đức tin khó có thể xảy ra.
Qua ký thuật của sứ đồ Giăng về cuộc đàm thoại, đối đáp giữa Đức Chúa Giêxu với các môn đồ của Ngài sau bữa ăn kỷ niệm lễ Vượt-qua, cũng là bữa tiệc thánh được Chúa thiết lập cho các môn đồ, trước khi Ngài chịu bị bắt và chịu khổ hình, chúng ta có thể học biết nhiều điều vô cùng quan trọng để trả lời cho những thắc mắc mà chúng ta vẫn thường có.
Phi-líp bộc lộ: “Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng con thì đủ rồi” (8). Nghĩa là các môn đồ cũng muốn biết Đức Chúa Trời ở nơi nào để họ tìm đến. Câu trả lời của Đức Chúa Giêxu làm sáng tỏ một số điều mà nhiều tín hữu chưa hiểu: “Ai đã thấy Ta, tức là đã thấy Cha. Tại sao con lại nói: ‘Xin chỉ Cha cho chúng con’ Có phải con không tin rằng Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta chăng?” (9–10).
Đối với một số người, câu trả lời đó có vẻ ổn thoả; vì ai thấy Đức Chúa Giêxu là đã thấy và biết Đức Chúa Cha ra sao. Nhưng khi bị người chưa tin chất vấn, thì lại bối rối. Bởi vì chẳng ai trong số tín hữu ngày nay đã từng gặp và thấy Đức Chúa Giêxu bằng xương thịt cả! Ngài chịu bị đóng đinh, bị chôn, sống lại, và đã về thiên đàng. Vậy thì tìm Chúa ở đâu để thấy Ngài và thấy Đức Chúa Cha ở trong Ngài?
Trong cuộc trò chuyện với các môn đồ đêm hôm đó, Đức Chúa Giêxu phán: “Ta sẽ cầu xin Cha, Ngài sẽ ban cho các con một Đấng An Ủi khác để ở với các con đời đời, tức là Thần Chân Lý mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì không thấy và không biết Ngài. Nhưng các con biết Ngài vì Ngài đang ở với các con, và sẽ ở trong các con” (16–17).
Đức Thánh Linh, Đấng An Ủi hay Thần Chân Lý, một thân vị của Đức Chúa Trời, đồng đẳng, đồng quyền phép và thuộc tính với Đức Chúa Cha, được ban cho và ngự vào tâm linh của mỗi tín hữu; để bất cứ nguời nào thật lòng tin Chúa đều có thể biết Ngài đang ở đâu.
Lúc Đức Chúa Giêxu nói những lời trên với các môn đồ, thì họ chưa nhận được Đức Thánh Linh. Mà lúc đó thì họ biết Ngài vì Ngài đang ở với họ. Suy nghĩ về lời phán ấy của Đức Chúa Giêxu đúng thời điểm ấy, thì Đấng các môn đồ có biết vì đang ở với họ mà chưa ở trong họ, là Đức Chúa Giêxu.
Đấng An Ủi ‘khác’ theo nguyên nghĩa là cùng một loại. Vì vậy, hễ ai được nhận lãnh Đức Thánh Linh là người đang có Đức Chúa Giêxu, cũng chính là Đức Chúa Cha ngự trong lòng.
Vì lẽ ấy, Đức Chúa Giêxu phán trong vài câu sau: “Trong ngày đó, các con sẽ biết rằng Ta ở trong Cha Ta; các con ở trong Ta, và Ta ở trong các con.…Nếu ai yêu mến Ta thì sẽ vâng giữ lời Ta, Cha Ta sẽ yêu thương người, Chúng Ta sẽ đến cùng người và ở với người” (20,23). Nếu Đấng có các nguồn hạnh phúc ở trong chúng ta, thì các nguồn hạnh phúc mà chúng ta cần cũng ở trong ta, chứ không ở đâu xa xôi.
Như vậy, để nhận được mọi nguồn hạnh phúc, chúng ta phải có Chúa Thánh Linh ngự vào lòng mình. Lúc đó, người nhận sẽ biết Đức Chúa Cha, Đức Chúa Giêxu, và Đức Thánh Linh là một Đức Chúa Trời; tuy rằng Ngài bày tỏ qua ba thân vị khác nhau, không có nghĩa là ba Chúa, và lúc ấy chúng ta sẽ hiểu và biết rằng Ba Ngôi chỉ là một Đức Chúa Trời.
Dù có Chúa ngự trong lòng, nhưng chúng ta vẫn là người với tất cả bản tính của người sống trên thế gian, và với những phản ứng nhân loại đối với môi trường quanh mình. Tuy nhiên, người có Đức Thánh Linh và đang bước trên tiến trình thánh hoá, thì tâm linh họ nhạy bén với tiếng nói của Đấng đang ngự trong lòng mình.
Khi Đức Thánh Linh làm cho sống động lời logos, hay vận dụng hoàn cảnh hoặc lời nói của ai đó, hay sử dụng một hình ảnh, một biến cố nào để làm rhema phán cho ta, thì lời hay điều ấy tác động vào tâm khảm chúng ta, khiến chúng ta phải để ý, bởi vì sự cảm nhận đó phát xuất từ trong lòng mình. Có thể lúc mới đầu chúng ta chưa biết rõ vì không chú tâm, nhưng sự thúc giục và cảm nhận ấy ngày càng mạnh để khiến chúng ta phải chú ý.
Khi chúng ta biết tập lắng nghe, thì Đức Thánh Linh có thể nói rõ ràng lời rhema và ý muốn của Ngài cho ta biết. Càng bước đi gần gũi với Chúa nhiều chừng nào, chúng ta càng nghe tiếng Ngài rõ hơn chừng đó. Đấy là cách lời rhema từ Chúa đến cho con cái Ngài. Lời ấy không phải tiếng nói từ cõi xa xăm nào đó, mà là tiếng nói bên trong chúng ta.
Nhưng hãy cẩn thận, bởi lẽ cũng vì lý do ấy mà những người thiếu gần gũi với Chúa đã nghe tiếng nói của nội tâm từ những sự ham muốn của nhân linh mình phát ra, rồi tưởng đó là tiếng Chúa nên chờ đợi mãi mà không thấy đức tin đến, cũng chẳng được ứng nghiệm như họ mong mỏi.
Nếu ai ôm ấp một sự thù hận hay ganh ghét đối với một hay nhiều đối tượng nào đó; hoặc sợ hãi rằng mình sẽ bị một tai hoạ chi, hay khiếp đảm khi đứng trước một công việc quá lớn nên sợ trách nhiệm; hoặc người nào sống trong mặc cảm tự ti gây ra sự thất vọng và chán nản; hay sống mà luôn luôn mang mặc cảm tội lỗi không thể tha thứ, vv. Trong các trường hợp như vậy, không có chỗ cho rhema đem đức tin đến.
Chúng ta phải hiểu và nhận thức kỹ lưỡng về năng quyền rửa sạch tội lỗi của huyết Đức Chúa Giêxu, quyền phép toàn năng vô song của Đức Chúa Trời, niềm hãnh diện tuyệt vời được làm con cái Chúa, và chỉ được Chúa tha thứ khi biết tha lỗi cho người; để rhema từ Đức Thánh Linh có thể truyền đến trí não và thúc giục tâm linh ta cách dễ dàng.
Hãy biết Chúa đang ở trong chúng ta và Ngài muốn trò chuyện, dùng lời rhema để đem đức tin đến cho con cái Ngài.
Hãy tạo điều kiện và dành chỗ cho rhema không bị cản trở.
Hãy tin lời hứa của Chúa cho mọi con dân Ngài.
Hãy tập luyện nghe tiếng Chúa để tâm linh tăng trưởng.
VanDeQuanTrong25.docx
Rev. Dr. CTB