Chúa Nhật, January 19, 2014

Các Vấn Đề Quan Trọng, 15

Rô-ma 6:1–5

Muốn có một đời sống thờ phượng đẹp lòng Đức Chúa Trời để khởi đầu cho sự thịnh vượng tâm linh lẫn vật chất, mỗi người chúng ta phải dứt khoát lập một số quyết định khó đảo ngược và quyết tâm thực hiện các quyết định đã lập. Vì ý chí tự do của mỗi cá nhân và những sự thay đổi quan điểm ở một số thời điểm trong các giai đoạn của đời sống con người, đôi khi điều đó khiến chúng ta thay đổi vài quyết định mà mình nghĩ là lầm lẫn. Nhưng trong lãnh vực tâm linh, một khi chúng ta đã biết chân lý và trải nghiệm sự tha thứ tội lỗi mà mình có được khi tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời, thì chúng ta phải lập một số quyết định không thể đảo ngược trên con đường bước đi theo Chúa của mình, để làm nền tảng cho tinh thần thờ phượng Đức Chúa Trời được xác lập vững chắc.

Phúc lợi sau khi được tha tội và tái sinh của người tin nhận Chúa là nếp sống thánh hoá. Tuy nhiên, không một ai có thể kinh nghiệm được sự thánh hoá hoàn toàn nếu không quyết tâm thiết lập quyết định sống một đời sống chỉ làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Sự do dự chần chờ về việc nầy là nguyên nhân chính khiến cho đời sống tâm linh của rất nhiều người bị khó khăn, trầy trật mãi, không tiến lên được các trình độ cao hơn như đáng phải có. Quyết định ấy có nghĩa là sẽ quyết chí chấm dứt đời sống cũ, không còn vương vấn gì về nó nữa. Trong đời thường của chúng ta, khi một người đã chết, đám tang đã diễn ra, người chết đã bị chôn sẽ không thể sống lại được.

Nhưng chúng ta thường thấy con người cũ trong linh hồn mình sẵn sàng sống lại khoẻ mạnh, cản trở và lấn át không cho con người mới trong ta sống theo ý Chúa. Chỉ vì mình đã không chịu khai tử và làm đám tang cho nó. Nếu chúng ta chưa bao giờ trải qua một thời điểm được thay đổi sau quyết định bằng lòng cho con người cũ của mình bị đóng đinh trên thập tự giá với Đức Chúa Giêxu Christ, thì sự thánh hoá vẫn mãi mãi là một niềm mơ ước xa vời. Phải có một đám tang về đời sống cũ, con người cũ, diễn ra, và chỉ có một sự sống lại để bước vào sự sống của Đức Chúa Giêxu Christ. Không gì có thể đánh bại sự sống như thế. Bởi vì nó đã được hợp nhất với Đức Chúa Trời để nhắm tới một mục đích – trở thành chứng nhân cho Đức Chúa Giêxu.

Dấu hiệu nào giúp ta nhận ra mình chưa trải qua đám tang con người cũ của mình? Một tinh thần thờ phượng bạc nhược, tính toán; một cách sống quá chú trọng vào các ích lợi thân thể riêng tư; tham dự các sinh hoạt của Hội-thánh cho xong bổn phận; không tìm kiếm, cũng chẳng có ước vọng gì về ý muốn bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời; chưa giao phó đời mình cho Chúa hoàn toàn làm Chủ; chưa bao giờ có ý muốn chấm dứt tình trạng thuộc linh hâm hẩm; sợ sự thật về con người bề trong của mình bị phô bày; chưa biết chắc đời sau của mình sẽ ra sao.

Bản chất sự thánh hoá gồm có hai điều: làm đám tang cái chết và nhận sinh khí của sự sống mới. Nghĩa là chết đối với tội lỗi và sống theo sự công chính. Sứ đồ Phao-lô diễn tả việc nầy như hành động “lột bỏ nếp sống cũ, … và mặc lấy con người mới trong sự công chính và thánh khiết của chân lý” (Ê-phê-sô 4:22, 24). Hành động lột bỏ cái cũ và mặc vào cái mới nói về quyết định của ý chí và lý trí dứt khoát với các phương diện xấu phải từ bỏ, hăm hở thực hiện những điều chính đáng phải làm. Chúng ta không thể ‘phấn đấu’ để được chết với Đức Chúa Giêxu. Chúng ta chỉ có thể chết với Ngài qua sự bằng lòng cho con người cũ mình chết, nhường cho Ngài quyền cai quản, điều khiển đời sống mình: “Anh em không biết rằng khi chúng ta chịu báp têm trong Đức Chúa Giêxu Christ, là báp têm trong cái chết của Ngài sao?” (Rôma 6:3).

Phép báp-têm cột chúng ta vào Đấng Christ, buộc chúng ta phải tập tành theo gương Thầy của mình; nó là sự hứa nguyện của chúng ta rằng sẽ trung thành với Ngài, chỉ Ngài mới có toàn quyền trên đời sống chúng ta. Chịu báp-têm trong Đấng Christ là xưng nhận rằng vì tội lỗi của chúng ta mà Ngài phải chịu chết. “Báp-têm trong cái chết của Ngài” có nghĩa là tham dự vào những đặc quyền mà Ngài dùng sự chết của mình để mua và chuộc lại được. Tham dự là tuân phục theo những gì do cái chết Ngài tạo ra hay đã hoàn thành, (là chuộc chúng ta ra khỏi tất cả những vi phạm tội lỗi của chúng ta), kế đến là bắt chước theo khuôn mẫu của sự chết ấy. Nghĩa là, Đấng Christ đã chịu chết vì tội chúng ta, thì chúng ta cũng phải chết đối với tội lỗi. Chịu phép báp têm tức là xưng nhận và hứa nguyện các điều vừa nói. Cho nên, sự thánh hoá là tiến trình thực hiện những điều ta xưng nhận và hứa nguyện lúc chịu phép báp-têm.

Thánh hoá chỉ có thể thực hiện trên người nào đã thật được “báp-têm trong cái chết của Đức Chúa Giêxu Christ.” Người đó phải chứng kiến chính đám tang con người cũ của mình mà chẳng còn thương xót tiếc nuối chi về nó cả. Mỗi người chúng ta hãy tự xem xét lòng mình để biết chắc ‘đám tang’ ấy có thật diễn ra hay chưa? Bởi vì nếu chưa có, thì mọi việc sùng kính của chúng ta ở nhà thờ chỉ là sự diễn trò tôn giáo trước mắt Chúa. Đã có đám tang tức là đã có một thời điểm trong đời mình được đánh dấu là ngày cuối cùng trên thế gian của con người cũ. Có một chỗ nào trong đời mà ký ức còn nhớ rõ với sự khiêm nhường và lòng vô cùng biết ơn, để chúng ta có thể thành thật tuyên bố rằng: “Phải, chính ngày đó, tôi đã kết ước đồng ý với Đức Chúa Trời về đám tang con người cũ của tôi, rằng, tôi muốn sống vâng lời Chúa để được Ngài thánh hoá.

Khó có sự thịnh vượng bền vững về đời sống vật chất nếu đời sống tâm linh cứ bị èo uột yếu đuối. Tổ phụ của đức tin trong Kinh-thánh là Áp-ra-ham khi xưa không được hạnh phúc của thời Hội-thánh Tân-ước. Nhưng ông được thịnh vượng và ơn phước tràn đầy khi ông lấy đức tin vâng lời kêu gọi của Đức Chúa Trời rời bỏ quê hương mình. Có lẽ thân bằng quyến thuộc của ông thời ấy đã cười nhạo lòng tin của ông vào các lời hứa mà họ cho là vu vơ. Người ta nhìm xem mọi vật bằng thị giác thể chất. Riêng Áp-ra-ham nhìn bằng đôi mắt tâm linh của đức tin. Và ông sẵn lòng vâng lời ra đi, vì những gì ông thấy bằng đôi mắt của lòng ông là thật hơn thấy bằng mắt thường.

Đôi mắt đức tin thấy những gì mà người khác không thể thấy. Những người có đức tin sống theo một tiêu chuẩn khác. Họ sẵn sàng trả giá, sẵn sàng hy sinh khi con mắt lòng của họ thấy cõi vĩnh cửu. Hễ cõi đời đời ngự trị trong lòng chúng ta, thì đức tin được thúc đẩy phấn khích. Thử thách trong đời trở thành của cải quý giá, vì chúng được xem là phương cách giúp chúng ta thâu đạt các hoa trái tồn tại vĩnh viễn. Người đời xem những người như Áp-ra-ham là quá sức thiêng liêng, chỉ sống trên mây, không ích lợi gì cho thế gian. Trong khi đó, có phải nhiều người trong chúng ta quá phàm tục, chẳng ích lợi gì cho cõi thiêng liêng không?

Viễn ảnh của khải tượng là nền tảng của đức tin. Không có khải tượng tâm linh thì không thể có đức tin. Trình độ đức tin của chúng ta tương ứng với mức độ khải tượng mà ta có. Sự chết đền tội cho nhân loại của Đức Chúa Giêxu Christ là sự kiện đã thật xảy ra vững chắc hơn toàn cõi vũ trụ mà chúng ta đang thấy ngày nay. Đức tin vào ơn cứu độ của Đức Chúa Trời và quyết định từ bỏ con người cũ của mình, khai tử nó, làm đám tang cho nó, đòi hỏi chúng ta phải có đức tin vào những hạnh phúc tuyệt vời của đời sống được thánh hoá trong Đức Chúa Giêxu Christ. Mắt đức tin của chúng ta nhìn chăm chú vào viễn tượng thịnh vượng huy hoàng của đời sống tâm linh đã được thánh hoá sau khi được báp têm trong cái chết của Đức Chúa Giêxu.

Tóm lại, nền tảng thịnh vượng khởi đầu trong lòng người thành thật thờ kính Đức Chúa Trời nhờ đức tin vào khải tượng của lời hứa Ngài ban cho người biết vâng lời Ngài. Bởi khải tượng ấy người tin mới sẵn lòng chịu báp têm trong cái chết của Đức Chúa Giêxu, để con người cũ phải bị đóng đinh trên thập tự giá với Đấng Christ, nó phải bị khai tử và đám tang của nó phải diễn ra để nó không thể sống lại được nữa. Người nào có quyết tâm như thế mới có thể sống thờ kính Chúa cách chân thành, là nền tảng của đời sống thịnh vượng về tâm linh và vật chất. Chúng ta hãy suy gẫm chân lý nầy để lập quyết định đúng theo ý muốn của Đấng Cứu Chuộc chúng ta.

VanDeQuanTrong15.docx

Rev. Dr. CTB