Chúa Nhật, September 29th, 2013

Các Vấn Đề Quan Trọng, 04

1Samuên 18:1–16

Bất cứ ai không cẩn thận canh giữ những động lực thôi thúc trong lòng, đều có thể bị ma quỷ dẫn dụ lọt vào cái bẫy của hắn là trở thành người nguyền rủa anh chị em của mình trong Chúa. Nếu chúng ta là nạn nhân của sự nguyền rủa, thì chúng ta chúc phước và cầu nguyện cho người nguyền rủa chúng ta, và Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ cũng như ban phước cho người bị nguyền rủa vô cớ hay oan ức. Bởi vì: “Như chim sẻ bay, như chim én lượn, lời rủa sả vô cớ cũng vậy, nó chẳng hề xảy đến” (Châm-ngôn 26:2). Nhưng nếu chúng ta trở thành người nguyền rủa anh chị em mình, thì thật là tai hoạ cho linh hồn chúng ta. Vì thế, chúng ta phải biết những dấu hiệu dẫn tới tình trạng trở nên người nguyền rủa, hầu cho chúng ta có thể tránh hay giúp đỡ người khác.

 

Đối với các anh chị em tín hữu không giữ chức vụ gì trong Hội-thánh, cũng không phải hàng giáo phẩm hay chức sắc gì, thì động lực dẫn tới việc nguyền rủa người khác là vì có đời sống tâm linh quá thấp làm cho cái tôi của mình dễ bị tổn thương, rồi để cho các vết thương đó biến thành nỗi oán hận người gây tổn thương cho mình. Cuối cùng thì hành động nguyền rủa là bước kế tiếp phải diễn ra mà thôi. Biện pháp tránh phạm vào tội đó thì đơn giản và không khó. Bởi vì chỉ cần vâng lời dạy dỗ của Đức Thánh Linh và chịu cho Ngài biến đổi mình, thì sẽ thấy người làm mình bị tổn thương là đáng tội nghiệp. Sẽ thấy chuyện ăn miếng trả miếng là xấu và buồn lòng Chúa.

 

Trái lại, đối với những người có chức vụ cao trong Hội-thánh, thì nguy cơ bị sa vào tội ấy dễ dàng hơn. Bởi vì hễ khi nào quyền năng thuộc linh có thể bị lạm dụng, thì nguy cơ nguyền rủa sẽ tiềm tàng nẩy sinh; và hễ những người lãnh đạo được trao phó quyền năng nầy, thì họ càng dễ bị cám dỗ sử dụng quyền của mình cách sai lầm để nguyền rủa người khác. Chuyện tích về ông vua Sau-lơ đối đãi người giúp đỡ trung thành, cũng là phò mã của mình là Đa-vít, đã chứng minh cho luận điểm nầy (1Samuên 18:5–15). Mọi rắc rối xảy ra khi lòng tự cao của Saulơ bị những câu hát hò đối đáp của phụ nữ Israel làm cho khó chịu. Họ ca tụng ông, nhưng khen Đa-vít nhiều hơn ông.

 

Cũng thứ ác linh vận hành trong Saulơ mấy ngàn năm trước lại tiếp tục quấy phá vài vị lãnh đạo Hội-thánh ngày nay, những người vẫn mang nặng tâm tính ganh tị với người giỏi hơn mình. Ác linh ấy tìm được môi trường hoạt động lý tưởng qua sự tự cao tự phụ, đố kỵ, tức tối, sợ người ta biết mình thua kém: “Thấy Đa-vít rất thành công như thế, Sau-lơ lại càng sợ (15). Như vậy, khi nỗi sợ bị xem là thua kém đã xâm chiếm tâm hồn người lãnh đạo, thì nỗi sợ ấy sẽ phát tác ảnh hưởng của nó thành động lực điều khiển các hành động, sự suy tính, các âm mưu kín đáo; nhưng tự dối lòng và nguỵ trang dưới khẩu hiệu bảo vệ đàn chiên, xây dựng Hội-thánh. Nghĩa là miễn sao người ta thấy bề ngoài có vẻ chính đáng; không thấy động lực sai trật phía sau là đủ. Ý nghĩ tự tôn, tự xem mình là công nghĩa, tự phô trương quảng cáo, trở thành điều bình thường.

 

Sau khi bị nhiễm tình trạng như thế, những người đó bắt đầu nghi ngờ, quy chụp lỗi lầm, nói xấu, miệt thị đối tượng bị ghét, và hành xử cách độc tài. Vị lãnh đạo nào của Hội-thánh lạm dụng uy quyền thuộc linh cách ích kỷ hay độc ác, thì có nguy cơ vị ấy sẽ nguyền rủa người khác. Hành động ấy bộc lộ dần qua các dấu hiệu sau đây: Bài cầu nguyện có lời lẽ khéo léo nguỵ trang chống lại tín hữu khác. Trưng dẫn Kinh-thánh theo cách phục vụ ý riêng với thâm ý triệt hạ đối phương. Dùng diễn đàn Hội-thánh để rêu rao những điều không thật và vu khống. Lợi dụng những cái loa tung tin đồn để triệt hạ uy tín của nạn nhân đang bị nhắm tới.

 

Nếu con cái Chúa biết quan sát cách nhạy bén, thì rất dễ nhận diện những người đang sa vào nguy cơ nầy. Những người như thế đầy tâm tính vị kỷ như, nhắm tư lợi, ganh ghét đố kỵ, tự kiêu, ganh đua, tranh cạnh, không nghe lời khuyên, và có tham vọng vô chừng. Các tâm tính ấy là môi trường màu mỡ cho sự toan tính nguyền rủa thành hình. Đặc điểm thứ nhì là người lãnh đạo quá nặng về ‘cái tôi’ của mình. Hễ có thói xấu đó trong Hội-thánh, thì sẽ có sự nguyền rủa xuất hiện. Bởi vì sự cám dỗ nầy ít xảy ra trong các tín hữu bình thường, nên tầng lớp lãnh đạo dễ gặp nguy cơ nguyền rủa người khác. Đặc điểm thứ ba là lạm dụng linh vụ; sử dụng các ân tứ Chúa ban để phục vụ các tham vọng thầm kín của mình.

 

Đức Chúa Trời không lấy lại các ân tứ Ngài đã ban (Rôma 11:29); cho nên, người lạm dụng ân tứ vẫn có thể vận hành trong ân tứ đó một thời gian rồi tàn lụi dần. Đến mức giống như Sam-sôn thời xưa, không biết rằng Thần của Đức Chúa Trời đã lìa khỏi ông (Quan Xét 16:20). Các đặc điểm trên thể hiện rõ qua các dấu hiệu báo động: 1) Nhắm tới mục tiêu không có nền tảng Kinh-thánh; 2) Những sự trích dẫn Kinh-thánh chỉ nhắm hỗ trợ cho lý thuyết hay thành kiến của mình, nhưng Chúa chứng minh cho tín đồ thấy các lý thuyết ấy là sai trật. 3) Những lời giảng của người lãnh đạo được những người trung thành với lãnh tụ xem như là chân lý thần thượng, chẳng biết chúng không thể áp dụng cho những phần khác của Kinh-thánh nói về cùng một vấn đề. 4) Những dấu hiệu báo động của Chúa bị bỏ qua, và từ chối không chịu khép mình vào kỷ luật.

 

Một dấu hiệu khác không thể nhầm lẫn đó là sự lừa bịp luôn luôn đi trước nguyền rủa. Thực trạng tâm lý của các tín đồ sẽ chứng minh cho dấu hiệu nầy. Đó là bầy chiên vui thích khi bị điều khiển và lợi dụng bởi người lãnh đạo. Họ sinh hoạt biệt lập với các anh chị em khác có đồng đức tin, ít có cơ hội so sánh nhóm của họ với các nhóm khác. Mọi quyết định của đời sống đức tin họ đều do người lãnh đạo lập sẵn cho. Loại lãnh đạo đó biết rằng hễ nhóm tín đồ có cơ hội suy nghĩ độc lập, thì chính nền tảng mà họ đã thiết lập để kiểm soát, lợi dụng và lừa bịp sẽ bị đe doạ, lung lay; cho nên, sẽ tìm cách loại trừ những người mà họ sợ là mối đe doạ cho địa vị lãnh đạo của họ.

 

Việc tương tự đã có từ xưa: “Trong đất nầy đã xảy ra một việc rùng rợn và kinh tởm. Các nhà tiên tri nói tiên tri dối, và các thầy tế lễ cai trị theo chỉ đạo của các nhà tiên tri ấy; vậy mà dân Ta lại ưa thích! Nhưng đến hồi kết cục, các ngươi sẽ làm gì?” (Giêrêmi 5:30–31).

 

Chúng ta cần phải biết các nguyên nhân trong lòng người dẫn tới nguy cơ nguyền rủa người khác. Vừa để cẩn thận gìn giữ lòng mình, vừa để giúp đỡ, khuyên nhủ, góp ý, ngăn chận nguy cơ người lãnh đạo bị sa vào cái bẫy độc hại đó của kẻ thù. Một Cơ-đốc-nhân có thể nguyền rủa một tín hữu khác khi trong lòng ôm ấp một tinh thần ganh đua vì ghen ghét, nhỏ nhen, ưa phô trương; tranh chấp địa vị, sợ người khác nổi danh hơn mình; bất hoà vì độc đoán, không thể cộng tác với những người khác quan điểm; có lòng bất an sợ địa vị bị lung lay, nghi ngờ những người không đồng ý với mình; lập một nhóm riêng biệt và chỉ cho nhóm đó biết các ý định của mình mà thôi; sẵn sàng chỉ trích, sẵn sàng nói xấu nói lén để cô lập người bị nhắm tới; có não trạng tự tôn đến nỗi nghĩ rằng chỉ có mình mới đủ khả năng lãnh đạo, thậm chí trở thành cứu tinh của dân tộc.

 

Tất cả những điều vừa kể đều xuất phát từ niềm đam mê cái tôi và có tham vọng quá lớn. Hễ người nào có vẻ là cớ sẽ ngăn trở tham vọng ấy đều có nguy cơ trở thành mục tiêu của sự nguyền rủa. Vì thế, để canh giữ lòng chúng ta không bị sa vào cái bẫy trên, mỗi tín hữu, nhất là những ai đang ở địa vị lãnh đạo đều phải cảnh giác với sự tự cao thuộc linh và sự ưa thích quá mức muốn trở nên vượt trội so với anh chị em của mình trong Chúa. Sứ đồ Giăng có đề cập tới một người tên là “Đi-ô-trép, người thích đứng đầu” (3Giăng 9); người đã nói “những lời độc ác chống chúng ta.” Ý tưởng và mục tiêu của Đi-ô-trép là phải làm người lãnh đạo; thần tượng của ông ta là địa vị và quyền thế. Cho nên, người nầy cả gan xem thường và nói những lời độc ác, tức là nói lời nguyền rủa, chống lại sứ đồ Giăng, một sứ đồ được Đức Chúa Giêxu yêu thương đặc biệt.

 

Ngày nay nguy cơ nầy vẫn tiềm tàng trong tâm tánh xác thịt chưa chịu đầu phục Chúa trong chúng ta. Vì vậy, để tránh không phạm tội lỗi gian ác nầy, chúng ta hãy nhắc nhở lẫn nhau cảnh giác với cái tôi bên trong phần hồn của chúng ta. Và xin Chúa giúp chúng ta chiến thắng kẻ thù đang ẩn nấp trong chính lòng mình.

VanDeQuanTrong04.docx  (Sách tham khảo: Breaking Christian Curses, của Dennis Cramer)

Rev. Dr. CTB