Nắm Vững Niềm Tin, bài 04

Rôma 1:17

Kinh Thánh Tân Ước thường đề cập chữ “công chính” (bản dịch cũ gọi là công bình thì không chính xác, vì dễ bị lầm với công bằng). Công chính hay công nghĩa nói về sự ngay thẳng, không thiên vị. Trong Kinh Thánh, chữ công chính (righteousness) có nghĩa là vô tội, thanh sạch, chính trực. Mà trong thế giới loài người thì không thể tìm ra một ai có phẩm chất công chính như thiên đàng đòi hỏi. Một thắc mắc sẽ nảy ra là: Làm thế nào Đức Chúa Trời đặt sự công chính của Ngài vào lòng những con người đầy tội lỗi, mà vẫn giữ đức công chính của Ngài được? Nói rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng công chính cho người hoặc làm cho người trở nên công chính, thì có nghĩa gì?

Có hai cách để hiểu ý niệm được xưng công chính­­ nầy: Một là nhận định theo ý nghĩa pháp lý (forensic term); hai là xem ý niệm đó theo ý nghĩa đạo đức (moral term). Theo cách hiểu truyền thống của các giáo hội cải cách từ thời Martin Luther, người chịu ảnh hưởng của St. Augustine, thì xưng công chính có ý nghĩa pháp lý. Quan điểm nầy nhìn Đức Chúa Trời là Vị Quan án tối cao, còn loài người là những tội nhân đáng bị án chết (Rôma 3:23). Đức Chúa Trời sai Đức Chúa Jesus, Con Ngài, giáng sinh xuống trần gian sống một đời không nhuốm chút tội lỗi nào, nghĩa là không bị án chết như mọi người khác. Rồi Đức Chúa Trời cho phép người ta đóng đinh Đức Chúa Jesus trên thập tự giá để giết đi, Đức Chúa Jesus chịu chết thay cho án phạt mà nhân loại đáng phải chịu. Vì Ngài đã lãnh tội lỗi của chúng ta; cho nên Đức Chúa Trời chuyển sự công chính, vô tội, của Đức Chúa Jesus lên chúng ta, và công bố rằng chúng ta, những người tiếp nhận Tin Lành, là công chính.

Theo cách hiểu của loài người, nếu được xưng công chính kiểu nầy, thì sự công chính giống như một lớp tuyết trắng tinh bao bọc bên ngoài các cục đất có bản chất dơ dáy. Nghĩa là chúng ta luôn thật là các tội nhân ô uế, nhưng vì Đức Chúa Jesus đã hi sinh chết thay, nên được Đức Chúa Trời tuyên bố là công chính, mặc dù chúng ta không công chính chút nào (Êsai 64:6). Theo ý nghĩa Kinh Thánh bày tỏ thì sự xưng công chính thường được hiểu như vậy. Nhưng nếu chỉ hiểu chừng đó thì sẽ rất thiếu sót nếu không hiểu sự xưng công chính theo nghĩa đạo đức. Theo nghĩa pháp lý của tòa án, một khi án phạt đã được thi hành, tội lỗi đã bị trừng trị, thì tội nhân được vĩnh viễn giải thoát khỏi án phạt ấy. Nhưng tội ác bên trong người ấy vẫn không thể bôi xóa được. Vì thế, ý nghĩa đạo đức của sự xưng công chính được dùng hình ảnh của bệnh viện để giải thích:

Cách hiểu nầy xem Đức Chúa Trời như Y Sĩ đại tài, còn nhân loại là bệnh nhân đang chịu khổ vì bệnh tội lỗi chắc chắn sẽ chết nếu không được chữa trị đúng. Theo cách nầy, sự chết hi sinh của Đức Chúa Jesus vì nhân loại và sự tuôn đổ Đức Thánh Linh trên con dân Chúa được ví như tiêm chất miễn nhiễm chống lại tội lỗi (antibody) vào tâm linh chúng ta đang bị tội lỗi làm cho tổn hại. Theo đó, nếu chúng ta cứ tiếp tục nghe lời Vị Y Sĩ đại tài và đặt lòng tin cậy vào các món thuốc Ngài ban, cùng với cách điều trị phục hồi Ngài dạy, thì thuốc ấy sẽ làm cho tâm linh ta khỏe mạnh, trục xuất mọi thứ ác uế ra khỏi ta; tức là chẳng những chỉ công bố chúng ta là những người công chính vô tội, Ngài biến chúng ta trở nên công chính như Đấng Christ là công chính.–  Đến kỳ phán xét, Ngài có thể nhìn vào chúng ta và tuyên bố đây là những người công chính. Bởi vì chúng ta đã thật sự được làm cho trở nên công chính từ trong tâm linh tới đời sống bề ngoài ở thế gian.

Cả hai cách hiểu về sự được xưng công chính đều là những điều Kinh Thánh Tân Ước đã trình bày. Ai tin vào sự chết của Đức Chúa Jesus hi sinh đền tội thay cho mình, để được thoát khỏi án phạt công nghĩa của Đức Chúa Trời, thì người tin được kể là công chính về mặt pháp lý (Rôma 10:9-10); nhưng khi tâm linh tội lỗi được tẩy sạch, chữa lành và làm cho sống, tức là được xưng công chính về mặt đạo đức. Vì thế “sự công chính của Đức Chúa Trời được bày tỏ từ đức tin tới đức tin” (17), có nghĩa là phải được xưng công chính về mặt pháp lý lẫn đạo đức. Ông Phaolô không viết thư Rôma để giải thích cho người đọc biết cách làm thế nào được cứu rỗi theo ý nghĩa pháp lý; nhưng ông dùng thư nầy để chỉ dẫn cách tín đồ có thể sống công chính sau khi được cứu rỗi.

Vì vậy, Phaolô nói rằng sự cứu rỗi khởi đầu bằng sự trung tín của Đấng Christ khi Ngài chịu chết thay cho loài người. Và sự công chính đến qua Tin Mừng cứu rỗi được hoàn tất bởi sự trung thành bền bỉ của chúng ta đối với Đức Chúa Jesus Christ và đức tin của chúng ta hoàn toàn đặt vào Ngài. Cho nên, để tóm tắt chủ đề mà ông sẽ trình bày trong thư, sứ đồ Phaolô trích Habacuc 2:4 Người công chính sẽ sống bởi đức tin.“– Người đọc và nghiên cứu thư nầy sẽ hiểu điều Phaolô muốn trình bày không phải là chỉ dẫn làm thế nào để được cứu rỗi, mà là sau khi nhận lãnh ơn cứu rỗi rồi, thì tín hữu phải sống bày tỏ phúc âm như thế nào để tiếp tục được xưng là công chính. Bởi vì rất nhiều người tưởng sứ đồ Phaolô viết thư Rôma để chỉ dẫn cách đạt được sự cứu rỗi, cho nên số người ấy hiểu sai về thư tín nầy. Chúng ta phải hiểu như cách các độc giả đầu tiên đã hiểu.

Đức Chúa Jesus tuyên bố: “ Nếu sự công chính của các con không hơn sự công chính của các thầy thông giáo và người Pharisi, các con không thể vào vương quốc thiên đàng được” (Mathiơ 5:20). Dân Do-thái thời ấy rất khâm phục vẻ đạo đức bề ngoài toàn vẹn của các thầy thông giáo và người Pharisi. Cho nên, họ kinh ngạc khi nghe Chúa tuyên bố. Nhưng Đức Chúa Jesus đưa ra một số ví dụ để giải thích lời Ngài (Mathiơ 5:21–26). Nổi giận và trả đũa là tâm lý thường tình của người ta; nhưng chúng ta phải canh chừng lời nói hay phản ứng của mình để không làm sứt mẻ mối liên hệ thân tình. Ngài chỉ dẫn cách con cái Ngài phải đối xử với người phạm lỗi mà ngang ngược như thế nào (Mathiơ 18:15–19). Ai đem đến hòa bình là người mang sự công chính của Chúa.

Vậy, theo nghĩa của thiên đàng thì công chính là gì? Nó là sự thánh khiết toàn hảo của Đấng Christ, một thuộc tính vô cùng quan trọng của Đức Chúa Trời. Sự phạm tội hay tội lỗi là trái ngược với sự công chính. Cho nên, đó là tiêu chuẩn sống và hành xử duy nhất được Đức Chúa Trời chấp nhận. “Trên đường công chính có sự sống, bước đi trên lối nó không có sự chết” (Châm ngôn 12:28). Làm sao chúng ta có thể nhận được sự công chính? Chẳng ai có thể thay đổi được lòng mình cho thanh sạch. Vì vậy, đừng nỗ lực tỏ ra công nghĩa mà hãy đặt lòng tin cậy quyền phép biến đổi của Đức Thánh Linh. Ngài sẽ dạy dỗ, dìu dắt và làm cho chúng ta trở nên công chính trước mặt Ngài.

Làm cách nào để được Chúa dẫn dắt? “ Nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính” (1Giăng 1:9). Hãy sống và cư xử với mọi người bằng tình yêu thương trong sáng, siêng năng học tập và áp dụng Lời Chúa. Như lời Phaolô viết “Điều tôi cầu xin, ấy là tình yêu thương của anh em ngày càng gia tăng, cùng với sự hiểu biết và mọi nhận thức sâu sắc, giúp anh em phân biệt điều gì là tốt nhất, để trong ngày của Đấng Christ anh em được tinh sạch, không chỗ chê trách, được đầy trái công chính bởi Đức Chúa Jêsus Christ để tôn vinh và ca ngợi Đức Chúa Trời” (Philíp 1:9–11). Chúng ta hãy theo đuổi nếp sống công chính mỗi ngày, để qua chúng ta Danh Đức Chúa Trời được vinh quang.

NamVungNiemTin04.docx

Rev. Dr. CTB