Theo Dõi Tận Thế, bài 24

Khải Huyền 2:12 – 17

Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Pergamum rằng: Đây là lời phán của Đấng có thanh gươm hai lưỡi thật sắc: ‘Ta biết nơi con ở; chỗ đó là ngai của Satan. Con đã giữ vững danh Ta và không chối bỏ đức tin nơi Ta, ngay cả trong những ngày Antipas, chứng nhân trung thành của Ta bị giết tại chỗ các con, nơi Satan cư ngụ. Nhưng Ta có vài điều trách con: Nơi con ở có những kẻ đi theo sự dạy dỗ của Balaam, người đã dạy Balak đặt đá vấp chân trước mặt các con cái Israel để họ ăn của cúng thần tượng và phạm tội gian dâm. Con lại cũng có những kẻ theo sự dạy dỗ của Nicolaitans. Vậy, hãy ăn năn đi! Nếu không, Ta sẽ nhanh chóng đến với con, dùng thanh gươm từ miệng Ta mà giao chiến với chúng.’ Ai có tai, hãy nghe lời Thánh Linh phán với các Hội Thánh: ‘Người nào thắng, Ta sẽ ban cho ma-na đang giấu kín; Ta sẽ cho người ấy một viên sỏi trắng, trên đó có viết một tên mới, ngoài người nhận thì không ai biết được.’

Đức Chúa Jesus sai ông Giăng viết lá thư thứ ba gửi cho Hội Thánh tại Pergamum lúc bấy giờ là thủ phủ vùng Tiểu Á, trung tâm quyền lực chính trị, học vấn và đầy dẫy sự thờ cúng ngoại giáo. Tại đó có đền thờ thần Zeus, thượng đế hung dữ của thần thoại Hy lạp. Người ta cũng thờ loài rắn, và mỗi công dân hàng năm đều phải thắp hương trước hình tượng được thần thánh hóa của hoàng đế La mã. “Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Pergamum rằng: Đây là lời phán của Đấng có thanh gươm hai lưỡi thật sắc” (12). Đức Chúa Jesus xuất hiện với Hội Thánh Pergamum trong hình ảnh đáng sợ như vậy, bởi vì ở đó có những người theo đạo của Balaam, ăn đồ cúng thần tượng, phạm tội tà dâm và theo sự dạy dỗ của phái Nicolaitans.

Ta biết nơi con ở; chỗ đó là ngai của Satan. Con đã giữ vững danh Ta và không chối bỏ đức tin nơi Ta, ngay cả trong những ngày Antipas, chứng nhân trung thành của Ta bị giết tại chỗ các con, nơi Satan cư ngụ” (13). Đức Chúa Jesus khen Hội Thánh Pergamum vì giữa họ có các tín hữu đã giữ đức tin trong sạch, không thỏa hiệp với tà giáo. Họ là những tín đồ trung thành với Chúa của mình ở giữa một thành phố đầy sự thờ cúng của ngoại giáo, dù cho một chứng nhân trung kiên của Chúa, là Antipas, đã bị quay sống trên lửa vì đã từ chối thờ cúng hình tượng.

Nhưng Ta có vài điều trách con: Nơi con ở có những kẻ đi theo sự dạy dỗ của Balaam, người đã dạy Balak đặt đá vấp chân trước mặt các con cái Israel để họ ăn của cúng thần tượng và phạm tội gian dâm” (14). Chúa quở trách Hội Thánh nầy vì trong vòng họ có những người giữ giáo lý sai lạc của Balaam. Balaam là một tiên tri thời cổ của người ngoại bang trong đời dân Do-Thái ra khỏi xứ Ai-cập trên đường về đất hứ

(Dân số ký 25:1–4) “Khi dân Israel đang ở Sittim, họ bắt đầu phạm tội tà dâm với các thiếu nữ Moab. Các thiếu nữ nầy mời dân chúng ăn các sinh tế cúng cho các thần của chúng. Dân chúng ăn và quỳ lạy trước các thần của chúng. Thế là dân Israel tự mình mang ách thờ cúng thần Baal Peor khiến cơn giận của Đức Giê-hô-va nổi phừng lên với Israel. Đức Giê-hô-va phán với Moses: Hãy bắt các thủ lĩnh của dân chúng, treo họ lên trước mặt Đức Giê-hô-va, dưới ánh nắng mặt trời, để làm nguôi cơn giận phừng phừng của Đức Giê-hô-va đối với dân Israel.

(Dân số ký 31:16) “Những phụ nữ nầy theo mưu kế của Balaam mà dụ dỗ dân Israel cúng thờ Peor, phạm tội trọng với Đức Giê-hô-va và khiến hội chúng của Đức Giê-hô-va phải mang họa.

(2Phierơ 2:15) “Balaam tham tiền đút lót của Balak nên bày mưu cho Balak dùng mỹ nhân kế dụ dỗ đàn ông Israel phạm tội tà dâm và ăn của cúng thần tượng.

Vì tội ấy, họ bị Đức Chúa Trời ghê tởm và trừng phạt nặng nề, đến nỗi 24,000 người đã bị phạt chết trong một ngày vì tai họa nầy.

Vào giai đoạn lịch sử của niên lịch thế giới từ AD 313 tới 590 được mệnh danh là thời kỳ Hội Thánh Pergamum, thì sự thờ cúng của ngoại giáo thường có những tập tục vô cùng nhờm tởm. Các đền thờ ngoại giáo luôn luôn có nhiều nữ tế sư mà thực chất gái mãi dâm. Và thu nhập của hầu hết các đền thờ nầy là doanh thu qua tiền công do các đàn bà mãi dâm ấy đem lại. Bởi vì một phần nghi lễ của họ là đàn ông đến thờ cúng phải trả tiền và giao hợp với các nữ tế sư nầy.

Vào thời đó, những người theo phái Bất Khả Tri cho rằng mọi thứ thuộc vật chất là tà ác. Họ tin rằng Đức Chúa Trời không dính dáng gì tới thế giới vật chất. Cho nên, mọi việc liên quan tới thân thể mình chẳng có gì quan trọng. Họ dạy rằng Thiên Chúa không quan tâm tới thân thể của loài người, Ngài chỉ quan tâm tới tâm linh người mà thôi. Vì thế, phái Bất Khả Tri cho phép mọi thứ dâm loạn. Một số người ở Hội thánh Pergamum đã vận động để áp dụng nghi lễ ngoại giáo trong sự thờ phượng của Hội Thánh, họ nói rằng: “Chúng ta là Cơ-đốc-nhân được che chở bởi ân điển, nên chúng ta muốn làm chi cũng được, bởi vì dù sao thân thể nầy sẽ không liên quan gì đến cõi đời đời.” Trước đó, sứ đồ Phierơ đã cảnh tỉnh con cái Chúa chống lại việc ấy

(1Phierơ 4:1–3) “Họ đã bỏ con đường ngay thẳng nên bị lạc lối, đi theo con đường của Balaam, con trai Beor, là kẻ ham thích tiền công của tội ác.”

Con lại cũng có những kẻ theo sự dạy dỗ của Nicolaitan” (15). Trong thư gửi Hội Thánh Ephesus, Chúa khen họ biết ghét giáo lý Nicolaitan, là sự thiết lập giai cấp giáo phẩm, tăng lữ tự tôn mình lên trên anh em giáo hữu trong Hội Thánh nhằm cai trị họ, là điều Chúa rất ghét. Dù vậy, ngày nay hiện tượng ấy vẫn tiếp diễn. Vậy, những ai tự cho mình có quyền điều khiển những quyết định tâm linh của anh chị em tín hữu, đều là người bị Chúa kể thuộc phái Nicolaitan. Đây là giai đoạn lịch sử có hai điều ác len vào Hội Thánh: Bắt đầu thờ hình tượng và khởi đầu giai cấp tăng lữ; vì thời kỳ được đặt tên là Pergamum là thời kỳ thiết lập hệ thống quốc giáo dưới triều của đại đế La-mã Constantine vào năm AD 316, thời khởi đầu của giáo hội Công Giáo La-mã. Các quan chức của vua Constantine đã biến đạo Chúa thành quốc giáo và nhập chung giáo quyền với thế quyền làm một. Điều ấy trở thành hiểm hoạ cho Hội Thánh, vì chính quyền đỡ đầu và trợ cấp khiến Hội Thánh trở nên giàu sang và có quyền lực, Hội Thánh trở thành nhà tù của chính quyền.

Pergamum nghĩa là “hôn nhân.” Ý nghĩa nầy phù hợp với sự kết hợp Hội Thánh với thế tục; hoàng đế đứng đầu Hội Thánh, và một giai cấp tăng lữ giáo phẩm có đặc quyền đặc lợi đè đầu cỡi cổ anh em giáo hữu. Việc giáo lý Balaam và Nicolaitan rộ lên trong Hội Thánh không phải là ngẫu nhiên, sự rao giảng về tiền bạc và lợi lộc của giáo lý Balaam đã khiến tín hữu thoả hiệp với thế tục, theo đuổi lạc thú xác thịt và của cải trần gian, lìa bỏ địa vị được biệt riêng ra thánh của mình.

Cũng vào giai đoạn nầy, giáo lý sai lạc về Bà Mary, mẹ phần xác của Đức Chúa Jesus, được chính thức đưa vào Hội Thánh. Năm 431, giáo hội nghị Ephesus đã tôn bà lên làm mẹ Đức Chúa Trời và bắt đầu thờ lạy hình tượng của bà, vi phạm điều răn thứ nhất và thứ nhì trong 10 điều răn Đức Chúa Trời truyền phán trong Kinh Cựu Ước. Không phải những hiện tượng của từng giai đoạn lịch sử Hội Thánh nhắc tới sẽ biến mất sau khi kết thúc giai đoạn lịch sử ấy; nó vẫn tiếp tục tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau cho tới tận thế; là ngày Chúa trở lại tiếp rước một Hội Thánh đã thật sự được thanh tẩy khỏi các lỗi lầm bị nhắc tới trong các thư gửi cho bảy Hội Thánh.

Vậy, hãy ăn năn đi! Nếu không, Ta sẽ nhanh chóng đến với con, dùng thanh gươm từ miệng Ta mà giao chiến với chúng” (16). Đức Chúa Jesus khuyên Hội Thánh Pergamum hãy mau ăn năn, bởi vì Ngài sẽ dùng thanh gươm sắc bén vô song, là Lời Ngài, nhanh chóng đến nghịch cùng kẻ khiến cho Hội Thánh phạm tội, nghĩa là giám mục của Hội Thánh ấy.

Ai có tai, hãy nghe lời Thánh Linh phán với các Hội Thánh: Người nào thắng, Ta sẽ ban cho mana đang giấu kín; Ta sẽ cho người ấy một viên sỏi trắng, trên đó có viết một tên mới, ngoài người nhận thì không ai biết được” (17). Mana là sự sống trong Đức Chúa Jesus. Ngài từng phán: “Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng Ta chẳng hề đói” (Giăng 6:35). Mana giấu kín có nghĩa là Lời Chúa được tỏ riêng cho người nhận, không phải ai cũng nhận được, mà chỉ mặc khải cho ai trung thành với Ngài.

Hòn sỏi trắng là viên đá biểu tượng sự chấp thuận trong một cuộc bốc thăm; mặt khác, nó cũng là biểu tượng được tha bổng từ toà án. Tên mới có giá trị rất quan trọng về cuộc chiến tranh trong linh giới, ma quỷ bị thua dễ dàng khi tên hoặc tông tích của nó bị bại lộ. Kẻ thù của chúng ta trong cõi linh khó tấn công hoặc hãm hại người mà nó không biết tên. Tên mới cũng có thể liên quan tới tương lai và những gì Chúa đã sắm sẵn cho người thắng trận.

Pergamum, nơi có ngôi của quỷ satan, là thời kỳ mà đạo Chúa đã bị giới giáo phẩm đem những thói tục ngoại giáo vào làm hư hoại Hội Thánh. Tục thờ hình tượng làm suy đồi nếp sống tâm linh của tín hữu và khởi đầu cho nhiều tục lệ hủ bại khác dần dần xen vào các lễ nghi thờ phượng. Thời kỳ nầy tạo đà cho một giai đoạn hết sức đen tối và vô cùng tai tiếng trong của lịch sử Hội Thánh ở Âu Châu và vùng Trung Đông. Sự suy đồi sẽ phải xảy ra khi giáo quyền và thế quyền toa rập nhau lũng đoạn tinh thần của Hội Thánh.

Ngày nay, mọi con cái Chúa đều phải tỉnh thức và sáng suốt nhận xét mọi việc để biết phân biệt giữa điều gì đẹp lòng Chúa với những thói tục sai trật do loài người đặt ra. Nếu tại những nơi được gọi là Hội Thánh của Chúa mà không biết gớm ghê cũng không úy kỵ các hình ảnh bị Đức Chúa Trời nhờm tởm, thì giám mục nơi đó hoặc là không chịu đọc Kinh Thánh, hoặc là giáo hội ấy không thuộc về Đức Chúa Trời. Tuy vậy, Đức Thánh Linh tiếp tục kêu gọi các con cái chân thật của Ngài phải thắng giữa tình trạng khó khăn ấy để nhận lãnh phần thưởng thiên đàng.

TheoDoiTanThe24.docx

Rev. Dr. CTB