Tín Đồ Của Chúa, bài 10
Giăng 20:1-18
Trong đêm các giới lãnh đạo Do-thái-giáo cật vấn Đức Chúa Jesus, Phi-e-rơ chối không biết Ngài khi bị người ta hỏi; rồi gà gáy khiến ông nhớ lại lời Ngài báo trước “Thật, Ta bảo con: Chính đêm nay, trước khi gà gáy, con sẽ chối Ta ba lần” (Mathiơ 26:33). Chúa quay lại nhìn lúc ông đang chối và gà lên tiếng gáy, khiến ông đi ra khóc cách đắng cay (Luca 22:61).
Sau khi Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, bà Mari, mẹ phần xác của Đức Chúa Jesus, và các nữ môn đồ đã đi theo từ Ga-li-lê, cùng với môn đồ thân cận nhất với Ngài là ông Giăng, con của Zebedee, tới đứng bên cạnh cây thập tự.
Trong số các nữ môn đồ có bà Mary Magdalene, người được Đức Chúa Jesus đuổi bảy quỷ dữ ra khỏi mình và biến đổi từ một người đàn bà xấu nết thành một người đi theo học đạo. Tuy các môn đồ khác của Đức Chúa Jesus đã bỏ trốn khi Ngài chịu bị bắt, nhưng vài môn đồ và các người đàn bà ấy đứng xa xa đau khổ chứng kiến cuộc hành hình (Luca 23:49).
Buổi chiều tối hôm đó, các nữ môn đồ và có lẽ cả hai ông Phi-e-rơ, Giăng đều theo dõi và biết rõ ngôi mộ nơi hai ông Nicodemus và Joseph Arimathea an táng xác Đức Chúa Jesus (Luca 23:55), họ buồn rầu trở về nơi ở tạm tại Jerusalem, có lẽ trọ tại phòng lớn trên lầu mà họ đã ăn tiệc lễ Vượt Qua cuối cùng với Đức Chúa Jesus (Mác 14:12-16).
Trước khi Đức Chúa Jesus bị bắt, Ngài và các môn đồ theo Ngài đều nghỉ đêm trong vườn Ghết-sê-ma-nê hay trên núi Olive (Mathiơ 26:30, 36), vì chẳng có bà con gì ở Jerusalem. Nhưng sau biến cố kinh hoàng ấy thì họ chưa biết tính như thế nào.
Đó là bối cảnh các môn đồ của Đức Chúa Jesus tại Jerusalem trước ngày Ngài phục sinh.
Sự khác nhau trong các sách Phúc Âm ký thuật những sự kiện diễn ra nơi ngôi mộ trống buổi sáng Đức Chúa Jesus phục sinh, chỉ là số người đàn bà tới mộ đầu tiên lúc sáng sớm (Mác 16:1, 8; Mathi ơ 28:1, 9).
Trong số ba bà thì hai bà chạy trốn vì quá khiếp đảm, chỉ có Mary Magdalene chạy về báo tin cho Phierơ và Giăng đang ở tại phòng cao; vì bà nói: “Người ta đã dời Chúa khỏi mộ, chúng tôi không biết họ để Ngài ở đâu” (Giăng 20:2).
Khi ông Giăng viết Phúc Âm nầy lâu năm về sau, theo sự yêu cầu của nhiều tín hữu, thì ông chỉ nhớ người chạy về báo tin cho ông là bà Mary Magdalene.
Được báo tin, hai ông Phierơ và Giăng vội chạy tới mộ, hoặc vì họ có chứng kiến lúc an táng xác Chúa, hoặc họ chạy theo bà Mary Magdalene đang chạy trước dẫn đường.
Mary Magdalene nán lại nơi bà thấy xác Thầy mình lần cuối cùng. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ và thấy hai vị thiên sứ, hai vị đều hỏi tại sao bà khóc, bà trả lời: “Vì người ta đã dời Chúa tôi đi, tôi không biết họ để Ngài ở đâu!“
Thị giác bị mờ qua làn nước mắt, Mary quay lại thấy dạng người hỏi mình mà không biết ấy là Đức Chúa Jesus. Giọng gọi thân quen khiến Mary nhận ra Thầy mình và mừng rỡ thốt: “Rabuni!” Rồi định ôm hôn chân Chúa theo bản năng, nhưng Ngài ngăn lại (Giăng 20:11-17).
Các chi tiết sinh động trong ký thuật nầy dạy chúng ta nhiều bài học quý báu. Theo luật pháp Đức Chúa Trời truyền cho Israel qua Môi-se, trong đại lễ chuộc tội, thầy tế lễ thượng phẩm phải ở trong tình trạng tinh sạch, không nhiễm chút ô uế nào, trước khi đem huyết sinh tế vào dâng trong gian chí thánh của Đền Thờ Đức Chúa Trời.
“Đừng chạm đến Ta, vì Ta chưa lên với Cha!” là câu nói khó giải thích nhất đối với các nhà giải kinh. Nhưng chúng ta hiểu thời điểm ấy Đức Chúa Jesus đang giữ vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trên đường đem huyết chuộc tội của Ngài vào nơi Chí Thánh của Đền Thờ ở trên trời; vì thế không người đàn bà nào được phép chạm đến Ngài; đừng nói gì tới việc ôm hôn chân Ngài.
Lúc sống lại sau khi đã chịu chết đền tội cho loài người, Đức Chúa Jesus trở thành Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời ở cõi trời (Hê-bơ-rơ 7:21-27).
Có người hỏi, khi nào Ngài mới đem huyết mình dâng ở bàn thờ trên trời? Câu trả lời là ngay sau khi Ngài sống lại từ cõi chết. Hãy để ý lời Ngài tiết lộ: “Ta đang lên với Cha Ta và Cha các con, với Đức Chúa Trời Ta và Đức Chúa Trời các con” (17b).
Nếu thế thì tại sao Ngài chưa đi mà hiện ra với bà Mary Magdalene làm chi?
Đức Chúa Jesus nán lại, chưa lên đường, để hiện ra cho Mary Magdalene thấy, thì nguy cơ rất lớn là bị bà ôm và hôn chân Ngài; nếu việc đó xảy ra thì chương trình đem huyết chuộc tội của chính Ngài lên Nơi Chí Thánh của Đền Thờ trên trời sẽ bị hỏng.
Đức Chúa Jesus, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, bị một người đàn bà chạm vào, ôm và hôn chân. Nhưng Ngài đã nán lại và hiện ra cho Mary Magdalene, một môn đồ của Ngài, biết là Ngài đã sống lại, vì hương thơm từ tâm linh thờ phượng chân thành của một người đã níu chân Ngài.
Đức Chúa Jesus sẽ trở về với vinh quang khi trước của Ngài, nhưng đã không đành lòng ra đi khi mùi thơm thờ phượng qua những giọt nước mắt đang thơm ngát khắp linh giới! Người hiến dâng tâm linh thờ phượng chân thành ấy được Đức Chúa Jesus phục sinh hiện ra gặp mặt trước tiên.
Tại sao hương thơm tâm linh thờ phượng của bà Mary Magdalene được Chúa đãi ngộ đặc biệt hơn các môn đồ khác?
Khi một con người đầy tội lỗi, bị xã hội ruồng bỏ, người đời khinh chê, và không một hi vọng nào cho tương lai, lại được Chúa của cả trời đất chấp thuận, tha thứ và biến đổi đời sống, thì không hành động nào có thể bày tỏ đầy đủ lòng biết ơn sâu đậm của người ấy đối với Đấng Thánh đã tha tội cho mình (Luca 7:48, 50).
Lòng biết ơn ấy bộc lộ ra hết khi Mary Magdalene không chạy trốn đám đông cuồng nộ, đau khổ nhìn Thầy yêu quý của mình bị hành hình; khi những người khác buồn bã tránh xa Đồi Sọ, nữ môn đồ ấy cứ ở lại bên cây thập tự trong hoàn cảnh bất lực; chứng kiến cảnh xác Thầy mình được đem xuống khỏi cây mộc hình, rồi theo dõi hai môn đồ thầm lặng Nicodemus và Joseph Arimathea chôn Ngài; bà nhất quyết không chịu rời Thầy.
Phản ứng và sự cư xử của Mary Magdalene có vẻ như cách cư xử thông thường của người ta đối với thân nhân bị chết. Nhưng thiên đàng ngửi thấy mùi thơm thờ kính Chúa từ đáy lòng của bà.
Vì khi trở vào thành, bà và hai phụ nữ khác đi mua sắm hương liệu, để sau khi ngày sa bát qua rồi, họ sẽ tới mộ để tiếp tục xức thuốc thơm bảo quản xác Đức Chúa Jesus.
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần lễ, những việc diễn ra trong ngôi mộ trống khiến cho các bà vô cùng kinh hãi và chạy trốn. Riêng Mary Magdalene tách khỏi hai bà kia, cấp tốc báo tin cho Phierơ và Giăng, rồi cùng họ trở lại mộ phần.
Họ đến xem, ngạc nhiên, phân vân ra về; Mary nán lại, không muốn rời khỏi nơi bà chứng kiến xác Thầy lần cuối. Ước ao của bà là chỉ cần biết xác Chúa ở đâu thôi. Lòng yêu thương chân thành thờ kính Chúa của Mary Magdalene đã được thưởng bằng niềm vui vô bờ.
Bài học nầy đem hi vọng tràn đầy đến cho những ai đang tưởng rằng cuộc đời tội lỗi mình là bế tắc, không lối thoát.
Đức Chúa Trời và thiên đàng của Ngài không nhìn các linh hồn qua nghi thức thờ phượng hay luật lệ tôn giáo; mà nhìn tâm trạng thật của con người đối với Ngài như thế nào.
Đức Chúa Jesus đã từng tiết lộ: “Đức Chúa Trời là thần linh, nên những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng bằng tâm linh và chân lý” (Giăng 4:24).
Hình thức lễ nghi rườm rà rùm beng bề ngoài không phải là điều Chúa vui nhận; vì ‘những người thờ phượng chân thật sẽ thờ phượng Cha bằng tâm linh và chân lý; ấy là những người thờ phượng mà Cha tìm kiếm‘ (4:23).
Mùi thơm của tâm linh thờ phượng chân thành sẽ níu Chúa đến gần chúng ta. Thờ phượng bằng chân lý tức là thờ phượng Đấng mà mình biết chắc là có thật, ơn cứu độ của Ngài là có thật và chắc chắn.
Đức Chúa Trời và thiên đàng cũng không đánh giá người ta theo quá khứ của họ, mà xét thái độ của lòng người có chân thành biết ơn được giải cứu khỏi vũng bùn tội lỗi, hay chỉ là người vô ơn theo đạo để kiếm một vé về thiên đàng.
Đức nhân từ của Đức Chúa Trời đem biết bao hi vọng cho vô số thân phận tưởng chừng đã tuyệt vọng.
Mùi thơm toả ngát từ tâm linh kính mến biết ơn Chúa một cách nồng nàn của Mary Magdalene đã níu chân Đức Chúa Jesus, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời, khiến Ngài phải dừng lại, hiện ra ban sự vui mừng không thể tả xiết cho bà và trao vinh dự báo tin mừng cho tất cả các môn đồ.
Nếu hiểu bài học nầy, chúng ta hãy chân thành sống đạo và thờ kính Chúa cách nào để hương thơm tâm linh thờ phượng từ chúng ta lan toả khắp linh giới. Thiên đàng sẽ đáp ứng mọi ước ao của những tấm lòng chân thành biết ơn Chúa phục sinh.
TinDoCuaChua10.docx
Rev. Dr. CTB