Thử Nghiệm Đức Tin, bài 21

2Timôthê 3:14–17

Mọi tín hữu đều nghe đọc Kinh Thánh, biết Kinh Thánh, sở hữu Kinh Thánh, và tin các lời chép trong Kinh Thánh, nhưng hầu hết không biết cách hoặc không có khả năng chứng minh những điều ghi chép trong Kinh Thánh là sự thật; bởi vì chưa được chỉ dẫn cho biết những sự thật về Kinh Thánh là như thế nào.

Kinh Thánh không phải là một quyển sách được ra đời với hình thức hoàn chỉnh ở một thời điểm lịch sử nào đó, mà là một bộ kết hợp của nhiều sách do nhiều tác giả viết rải dài suốt 1,500 năm.

Gọi Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, mặc dù không phải do chính tay Chúa viết ra, nhưng vì do một số người bình thường ở trần gian được Ngài cảm thúc để viết điều Ngài truyền; bây giờ sách ấy được Cơ-đốc-nhân chấp nhận là Kinh Thánh.

Kinh Thánh có hai phần chính gọi là Cựu Ước ghi lại cách đối xử của Chúa với dân tộc được Ngài lựa chọn, là dân Do-thái, và Tân Ước tiếp tục ghi chép đời sống và thánh vụ của Đức Chúa Jesus với vô số nhục nhằn của những tín đồ mới trong một nền văn hoá thù nghịch với họ ở thế kỷ thứ nhất.

Ngày nay người ta vẫn tranh cãi về Kinh Thánh vì một số lý do; ví dụ, trong đó chép rất nhiều về phép lạ. Trong thời đại mà nhiều người chỉ tin vào thế giới vật chất thấy được, sờ nắm được, thì những gì siêu nhiên, vượt ra ngoài thế giới tự nhiên, bị phủ nhận hay gán cho người tin là thấp kém, ít học.

Đây là định kiến không tin có phép lạ, thay vì tin rằng nếu Đức Chúa Trời có thật, thì phép lạ đâu có gì khó.

Điều nầy dẫn tới thắc mắc về chân lý, nghe có vẻ như triết lý cao siêu lắm. Thật ra nó đơn giản: Điều gì có thật, đúng, là chân lý; điều gì không thật, giả trá, là sai.

Kinh Thánh có các lời tuyên bố rất độc đáo, nói rằng Đức Chúa Trời hiện hữu, và Ngài dùng cõi thiên nhiên, lương tâm đạo đức và Kinh Thánh để giao tiếp với chúng ta.

Đức Chúa Jesus của Tân Ước tuyên bố Ngài là Đức Chúa Trời trong thể xác nhân loại và Ngài là con đường duy nhất dẫn đến Đức Chúa Trời (Giăng 14:6–7, 9).

Kinh Thánh cũng chép về sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus, các chi tiết đó trở thành cột trụ của thần học Cơ-đốc-giáo.

Các lời tuyên bố của Kinh Thánh hoặc là có thật hoặc là giả mạo. Hoặc Đức Chúa Trời có thật, Đức Chúa Jesus không phải là huyền thoại, sự phục sinh đã thật sự xảy ra, hoặc là chẳng có gì hết.

Để chứng minh những lời chép trong Kinh Thánh là thật thì phải biết dùng các bằng cớ xác đáng thay vì chỉ lý luận suông. Vì Kinh Thánh ghi chép và tường thuật những việc xảy ra rất lâu về trước, nên không thể đòi hỏi các sự việc phải được ghi âm, thu hình; mặc dù bằng chứng về sách vở vẫn còn lưu truyền.

Có năm hình thức làm bằng chứng cho Kinh Thánh. Thứ nhất là bằng chứng cụ thể về các thủ bản cổ sao chép đã tìm được.

Trong suốt lịch sử, các bản sao ấy đã được chép lại một cách chính xác, mặc cho giới hoài nghi nói rằng ‘tam sao thất bổn,’ nhưng các thủ bản cho thấy bằng chứng không phải như vậy. Mặc dù chưa có máy in vào thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, nhưng Tân Ước được sao chép vô cùng chính xác.

Sự ăn khớp và tiếp nối có mạch lạc trong nội dung các sách của Kinh Thánh, dù được viết bởi nhiều người khác nhau với thời gian cách nhau nhiều thế kỷ; mà thông điệp của các sách đó thống nhất, mạch lạc, ăn khớp, và phù hợp với nhau; đồng thời lịch sử ghi lại cũng trùng hợp với các bằng chứng lịch sử thế tục của cùng thời đại và thời gian, là chứng cớ khó chối cãi về việc chỉ có một nguồn cảm thúc thần thượng điều khiển nội dung Kinh Thánh.

Về các bản sao Kinh Thánh chép bằng tay (thủ bản) còn lưu truyền, người ta tìm được nhiều bản ghi lại sau khi các sự việc xảy ra chỉ chừng 35 tới 40 năm. Sự việc được ghi chép cận kề lúc xảy ra chừng nào, thì ít bị sai sót, cũng khó bị sao chép sai trật.

Giới hoài nghi chê bai các thủ bản Kinh Thánh ấy, trong khi họ chấp nhận bản văn của các sử gia Hy-lạp và La-mã chép lại các sự việc sau khi nó xảy ra từ 500 tới 700 năm.

Nếu so sánh với bản sao của các tác phẩm cổ tìm được thì Kinh Thánh có 66,420 bản và cuộn sách, so với 1,827 bản The Illiad của Homer đứng thứ nhì trong số sách cổ mà người ta tìm được. Càng nhiều bản sao càng dễ xây dựng lại nguyên tác.

Bằng chứng cụ thể khác về vô số các phát hiện di vật khảo cổ, là vô số địa điểm, vật dụng, bia đá, bảng gốm mà các nhà khảo cổ khai quật được ở xứ thánh, là hình thức thứ nhì, đều phù hợp với thực tế lịch sử đã được xác minh. Ấy là chưa kể tới số các bản văn cổ mà người ta tìm được.

Chính khoa khảo cổ đã làm im tiếng của giới vô thần, hoài nghi, chỉ trích Kinh Thánh ở thời đại ngày nay.

Những người ấy cho rằng nhiều chi tiết và địa danh trong Kinh Thánh là bịa đặt, vì ngày nay không tìm thấy chúng. Nhưng các cuộc khai quật khảo cổ đã đưa ra ánh sáng toàn thể các chi tiết ghi chép trong Kinh Thánh đều có thật vào thời ấy. Chỉ riêng khoa khảo cổ đã làm sáng tỏ hơn một nửa những chi tiết bị xem là khó xác minh.

Hình thức thứ ba là nhân vật Jesus trong lịch sử. Trước khi các tác giả của các sách phúc âm và sứ đồ Phao-lô đưa ra những lời chứng và những điều họ chứng kiến tận mắt, thì nhiều bản văn của người Do-thái đã ghi chép về nhân vật có thật trong lịch sử nầy.

Các văn kiện thế tục cổ khác cũng đề cập tới con người Jesus lịch sử. Sử gia La mã Tacitus viết rằng: (Hoàng đế) Nero gán tội và giáng các sự tra tấn tàn độc nhất trên nhóm người bị thù ghét vì những sự ghê tởm của họ, bị dân chúng gọi là Cơ-đốc-nhân. Christus, là người mà từ đó tên ấy được gọi, đã bị hình phạt rất nặng dưới triều hoàng đế Tiberius, dưới tay của một trong các tổng trấn của chúng ta, Pontius Pilatus …

Có tất cả 16 sử gia thế tục đề cập tới Đấng Christ, mà người ta có thể tìm thấy tất cả những điều về Ngài, không cần tìm trong Kinh Thánh Tân Ước mới biết có Đức Chúa Jesus.

Hình thức thứ tư là hàng ngàn lời tiên tri đã chép trong Kinh Thánh được ứng nghiệm, kể cả những sự mô tả đầy đủ chi tiết về các sự việc sẽ xảy ra về sau cho dân Do-thái và các dân tộc lân bang của họ.

Bằng chứng về vô số lời tiên tri được ứng nghiệm là vô cùng quan trọng, bởi vì bao nhiêu lý luận hay lời gièm chê chống đối đều phải im tiếng khi các bằng chứng về những lời tiên tri được ứng nghiệm sờ sờ trước mắt.

Những lời tiên tri được báo trước từ sáu trăm tới một ngàn năm về sự giáng sinh, đời sống, sự chết của Đức Chúa Jesus trong các sách tiên tri và Thi Thiên, thì không ai bác bỏ được.

Sự kiện dân tộc Do-thái sẽ bị trừng phạt, bị rải tan lạc khắp nơi trên thế giới, bị săn đuổi để tiêu diệt, gần hai ngàn năm sau được tụ họp trở về quê cũ tái lập quốc gia, rồi trở nên rất hùng cường, là bằng cớ không ai chối cãi nổi về các lời tiên tri đã được ứng nghiệm.

Sự ứng nghiệm các lời tiên tri không chút sai trật làm cho tính cách đáng tin của Kinh Thánh trở nên hiển nhiên, đồng thời cũng chứng minh Kinh Thánh không phải là sách sáng tác từ ý nghĩ của con người, xác định được sách có nguồn gốc từ Đấng biết trước tương lai, khiến cho mọi thứ luận điệu nghi ngờ và công kích phải thất bại hoàn toàn.

Hình thức thứ năm chứng minh Kinh Thánh không giống như các loại sách trần gian là năng lực biến đổi đời sống của người ta trong mọi nền văn hoá, dân tộc và giai tầng xã hội.

Phải dùng rất nhiều giấy mực mới có thể miêu tả được một số đời sống đã được lời Kinh Thánh biến đổi từ xấu thành tốt, tội nhân thành thánh nhân; bởi vì Kinh Thánh giới thiệu ơn cứu rỗi cho người đọc. Hãy lấy vài ví dụ:

Ông C.S. Lewis, một người tin thuyết vô thần, sau khi nghiên cứu Kinh Thánh và tiếp nhận ơn cứu rỗi, ông trở thành một nhà biện giáo Cơ-đốc hữu hiệu và có ảnh hưởng mạnh cho tới nay.

John Newton, một ông chủ tàu buôn nô lệ, sau khi ăn năn tội và tin Chúa, ông là tác giả bản thánh ca bất hủ Amazing Grace.

Norma McCorvey, người đàn bà vai chính trong vụ Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hợp pháp hoá quyền phá thai, tháng Giêng 1973, của vụ án Roe vs Wade lừng danh. Sau khi tin Chúa, hiện nay bà tích cực tranh đấu cho quyền sống của các thai nhi.

Nói tóm lại, con cái Chúa phải nắm vững các bằng cớ căn bản để chứng minh Kinh Thánh là đáng tin thì mới có thể sửa soạn trình bày Phúc Âm một cách có hiệu quả.

Cần phải hiểu rằng các bài học nầy là tài liệu bổ sung vào kiến thức đức tin của con cái Chúa, những người chưa biết rõ hoặc là rất muốn làm chứng đạo mà chưa biết phải trình bày niềm tin của mình như thế nào.

Sự học biết luôn luôn cần thì giờ ôn luyện để nắm vững gọn gàng các điểm chính quan trọng nhất.

ThuNghiemDucTin21.docx

Rev. Dr. CTB