Theo Dõi Tận Thế, bài 51

Khải Huyền 14:9–13

Sau khi vị thiên sứ thứ nhất bay giữa trời rao truyền Tin Lành đời đời, công bố quyền phép vô cùng của Đấng Tạo Hóa, vị thiên sứ thứ nhì bay theo sau rao rằng quyền lực chống trả Đức Chúa Trời của thế lực tàn độc trên thế gian, tiêu biểu là thành phố lớn cầm quyền trên tất cả các dân tộc và các nước thế giới, với biệt danh là Babylon lớn, đã bị sụp đổ rồi. Phúc Âm, tức là Lời của Đức Chúa Trời đã toàn thắng cái thành phố ma quỷ đã dụ tất cả các nước uống rượu vô luân của nó, rủ rê họ hợp lại để giao chiến với thế lực thiện của Đức Chúa Trời (14:6–8). Tiếp theo sau thì có:

Một thiên sứ khác, là vị thứ ba theo sau, nói lớn tiếng rằng: Nếu người nào thờ lạy con thú cùng hình tượng nó và nhận dấu trên trán hay trên tay mình, thì người ấy sẽ uống rượu thịnh nộ không pha của Đức Chúa Trời rót vào chén thịnh nộ của Ngài, sẽ bị đau đớn trong lửa và lưu huỳnh trước mặt các thiên sứ thánh và trước mặt Chiên Con. Khói sự đau đớn của họ cứ bay lên đời đời. Những người thờ lạy con thú cùng hình tượng nó, và bất cứ ai nhận dấu của tên nó thì ngày hay đêm đều không được an nghỉ” (14:9–11).

Khi con thú thứ nhất xuất hiện, giao chiến với các thánh đồ và chiến thắng họ, quyền hành của nó đè nặng trên các tộc người, các dân, các thứ tiếng, và các nước, thì: “Tất cả những người sống trên mặt đất sẽ thờ lạy nó, tức là những người không có tên ghi trong sách sự sống của Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế” (13:8). Theo ngôn ngữ của sách tiên tri về thời tận thế, thì sự thờ lạy không phải hoàn toàn là quỳ lạy dâng hương cho con thú, nhưng là tự nhận mình thuộc về nó, ủng hộ mọi thứ lý luận và chủ thuyết của nó đưa ra. Bởi vì hiện nay có vô số người nguồn gốc thuộc gia đình theo đạo Chúa, nhưng hoàn toàn ủng hộ những việc gian tà của thế lực chống Chúa.

Lời cảnh cáo của vị thiên sứ thứ ba nói rằng: Hình phạt đau đớn vĩnh viễn sẽ giáng trên những người “thờ lạy” con thú cùng hình tượng nó và nhận dấu của con thú trên trán hay trên tay mình (9). Như bài trước đã giải thích: Nhận dấu trên trán hay trên tay có nghĩa là sự công khai xưng nhận rằng mình thuộc về con thú. Có thể là trở thành đảng viên của đảng chính trị thù ghét Chúa, hoàn toàn đồng ý với mọi chủ trương của thế lực chính trị đó, hoặc là luôn luôn bỏ phiếu cho đảng ấy. Cũng sẽ có một số người hèn nhát quỵ lụy thế lực chính trị chống Chúa vì sợ hãi chúng, hoặc vì món lợi thấp hèn, hoặc muốn giữ mạng sống mình vì sợ chết. Tất cả những người đó đều là những người thờ lạy và nhận dấu hiệu của con thú, tức là công khai thuộc về nó.

Thiên sứ cũng cảnh cáo trước cho những ai thờ lạy con thú thì người đó phải uống rượu thịnh nộ không pha của Đức Chúa Trời rót vô chén thịnh nộ của Ngài (10). Có nghĩa là toàn thể hình phạt sẽ áp dụng, không được giảm chút nào. Hình ảnh đó diễn tả cơn giận dữ của Đức Chúa Trời đối với thế lực chống Chúa. Những người bị giam cầm ở thế gian thường hi vọng được giảm bớt mức dữ dội của hình phạt nào đó. Nhưng hình phạt ở đây là lửa và lưu huỳnh không bao giờ tắt; những người bị hình phạt cũng không bị cháy tiêu, mà bị đốt đau đớn triền miên. Sự tiết lộ nầy khiến chúng ta không muốn bị lọt vào số những người sẽ bị trừng trị vì đứng về phe với con thú.

Khói sự đau đớn của họ cứ bay lên đời đời. Những người thờ lạy con thú cùng hình tượng nó, và bất cứ ai nhận dấu của tên nó thì ngày hay đêm đều không được an nghỉ” (11). Khi còn sống trên trần gian, người làm việc vất vả và mong sẽ tới giờ được khoan khoái nghỉ ngơi khỏi sự nhọc nhằn sau một ngày làm việc. Nhưng hình phạt cuối cùng đối với những người thờ lạy hay mang dấu của con thú thì không còn sự an nghỉ nữa. Để được thoát khỏi tình trạng bị ở trong hổ lửa lưu huỳnh, trong khi còn sống và chưa được Chúa tiếp rước về nước Ngài, mọi thánh đồ của Đức Chúa Jesus phải kiên nhẫn giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin nơi Đức Chúa Jesus. Nghĩa là phải đeo đuổi sự công chính trước những sự cám dỗ, và từ chối mọi thứ hình tượng (12).

Đối với người còn sống thì người bị chết là vô phước. Nhưng thiên đàng tuyên bố rằng: “Hãy viết đi: Từ nay trở đi, phước cho những người chết là chết trong Chúa! Thánh Linh phán: Thật vậy, họ được nghỉ ngơi khỏi những khổ nhọc của mình và những công việc của họ đi theo họ” (13). Lời phán từ trời nầy có nhiều ý nghĩa. Đang khi cơn đại nạn diễn ra dữ dội trên khắp thế giới, sống để chịu tai họa thì không có gì là hạnh phúc. Nhưng chết rồi sẽ bị ném vào hỏa ngục thì quá đau đớn; vì thế, những ai giữ được đức tin và điều răn của Đức Chúa Trời mà được cất đi khỏi thế giới của người sống để bước vào nơi được an nghỉ, thì sự chết ấy quá hạnh phúc.

Những người chết nầy không phải chỉ là những người bị tử đạo. Bất cứ ai thuộc về Chúa mà qua đời đều là những người được phước. Phước thứ nhất là người chết trong Chúa không còn bị hành hạ khổ cực thân xác lẫn vất vả tinh thần. Phước thứ nhì là những công việc thiện lành của họ đi theo họ vào thiên đàng để được thưởng. Công việc thiện lành gồm có tinh thần giữ vững đức tin và những nỗ lực khó nhọc vì tình yêu thương đối với người khác. Nhóm chữ: “Từ nay trở đi” khiến người đọc phải suy nghĩ vì có phần khó hiểu. Bởi vì những người chết trong Chúa trước đó có chút phước lành nào không? Thật ra ý nghĩa của câu ấy là con cái Chúa bị chết vì tử đạo hoặc vì lý do gì khác đều được vui mừng vì từ đó trở đi sẽ không còn thấy sự hung dữ đổ thêm xuống thế gian.

Những lời tuyên bố từ trời nầy cũng để an ủi những người than khóc cho người thân của mình bị tử đạo trong thời đại sự vô tín hắc ám lan tràn, khiến cho tín hữu còn sống không dám tin rằng mình sẽ được hưởng sự sống lại tốt hơn. Đối với người thế gian thì người đã chết rồi là ngàn thu vĩnh biệt. Bởi vì từ các tôn giáo trần gian tới các chủ nghĩa vô thần đều không có chút khái niệm gì về sự sống lại ở đời sau. Nhưng Lời Chúa nhắc chúng ta hãy vững tin. Niềm hạnh phúc và an ủi vô cùng lớn cho tất cả những ai tin nhận Chúa là sẽ được bước vào một thế giới huy hoàng đầy phước hạnh. Những ai đang có đức tin bị chao đảo vì những điều ác và sự đe dọa của dịch lệ, hãy vững lòng: Vì những người chết trong Chúa là chết đầy hạnh phúc.

TheoDoiTanThe51.docx

Rev. Dr. CTB