Truyền Giáo Vững Vàng, bài 20

1Phierơ 4:7-11

Sau khi nghe về các ơn đặc biệt từ Đức Thánh Linh ban cho con cái Ngài, nhiều người trong chúng ta thường không dám nghĩ mình sẽ được Chúa ban cho một trong các ân tứ đó.

Não trạng ấy là tâm lý chung, nhưng chúng ta cần phải hiểu nếu mình là một chi thể của thân thể, thì Chúa sẽ ban cho mình một ơn nào đó để cống hiến cho thân thể hoạt động bình thường.

Vì sứ đồ Phao-lô cho biết “Sự thể hiện của Thánh Linh được ban cho mỗi người là vì lợi ích chung” (1Côrinhtô 12:7). Cho nên đừng bao giờ mang tâm lý bi quan rằng mình khó nhận các ơn đặc biệt từ Đức Thánh Linh.

Sở dĩ con dân Chúa có tâm lý bi quan là vì các việc siêu nhiên thì quá hiếm hoi, nếu không nói là chẳng bao giờ thấy diễn ra trong Hội Thánh. Nghĩa là tình trạng thiếu quyền năng trong các tổ chức tự xưng là Hội Thánh của Đức Chúa Trời đã trở nên bình thường.

Thật ra, đối với Đức Chúa Trời thì Hội Thánh mà có tình trạng ấy là bất bình thường. Nhưng vì quen với thực trạng ấy quá lâu ngày nên chẳng ai thấy mình đang thiếu hụt điều chi. Thành viên lâu năm ở các Hội Thánh vẫn thấy đó là điều bình thường, không có gì đáng quan tâm.

Bây giờ, vì Chúa đã phục hồi các ân tứ quyền năng cho một số Hội Thánh Ngài, nên chúng ta vẫn hi vọng được Chúa ban cho những ân tứ để giúp Hội Thánh tăng trưởng theo điều Chúa thấy là cần thiết. Trong khi chờ đợi được Chúa phục hồi các ân tứ đặc biệt thì chúng ta hãy cùng nhau vận dụng một ơn phổ thông không cần quyền phép siêu nhiên, đó là sự phục vụ.

Ơn nầy không phải là một khả năng hay tài năng đặc biệt, cũng không phải là thuộc tính của một thứ nhân cách siêu việt nào đó; nó chỉ là biểu hiện của Đức Thánh Linh qua đời sống ta để phục vụ thân thể Ngài.

Đức Thánh Linh ban ơn cho con cái Ngài để phục vụ lẫn nhau. Nghĩa là tất cả chi thể đều cần đến nhau và lệ thuộc lẫn nhau:

Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân, mỗi chi thể theo ý Ngài muốn. … 22 những chi thể nào trong thân xem ra yếu đuối hơn, lại là rất cần thiết” (1Côrinhtô 12:18; 22).

Sứ đồ Phierơ thì khuyên “Mỗi người hãy dùng ân tứ mình đã nhận mà phục vụ nhau, như người quản lý trung tín khéo sử dụng ân điển của Đức Chúa Trời nhiều cách khác nhau. …; nếu có ai phục vụ thì hãy phục vụ bằng sức mạnh của Đức Chúa Trời ban cho” (Phierơ 4:10-11).

Nhưng làm thế nào biết được Chúa ban cho mình ân tứ gì? Mình có được ân tứ phục vụ hay không? Việc đầu tiên phải làm là dành thì giờ cầu nguyện, bày tỏ nỗi lòng với Đấng ban cho ân tứ, thì Ngài sẽ dùng nhiều cách để bày tỏ cho con cái Ngài biết họ có ân tứ gì. Rồi Ngài cũng chỉ dẫn cho biết cách sử dụng nào tốt và có lợi nhất, giống như người thợ chỉ dẫn học trò tập dùng dụng cụ.

Cộng thêm với sự cầu nguyện, hãy chậm rãi đọc các đoạn Kinh Thánh 1Côrinhtô 12, Rôma 12:3-8,Êphêsô 4:11-13, tức là các phần nói về ân tứ. Ai có các sách nói về ân tứ, cũng nên đọc để học kinh nghiệm của người khác.

Những anh chị em ở chung Hội Thánh biết rõ về mình cũng là nguồn tiết lộ cho mình biết mình có ơn đặc biệt nào, hoặc là ưu điểm nào nổi bật. Hãy thực hiện lời khuyên của sứ đồ Phierơ là “hãy dùng ân tứ mình đã nhận mà phục vụ nhau.

Bây giờ, hãy áp dụng vài cách để biết mình có ân tứ phục vụ hay không:

1. Nếu mình có ân tứ phục vụ thì mình nhanh chóng nhận ra các nhu cầu hay những điều mà anh chị em mình đang rất cần, rồi mình là người sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu ấy. Bởi vì Đức Chúa Trời ban sự nhạy bén đặc biệt cho những tín hữu có ân tứ phục vụ và lòng sẵn sàng giúp đỡ.

2. Người có ân tứ phục vụ luôn vui mừng khi thấy anh chị em mình thành công. Đây là nguyên tắc nhận ơn phước của Kinh Thánh: Nếu chúng ta hết lòng giúp cho người khác qua cơn ngặt nghèo hoặc hết lòng yểm trợ cho những người ấy thành công, thì Chúa sẽ chuyển các ơn phước của Ngài về phía chúng ta. Vì ai gieo giống chi sẽ gặt giống ấy (Galati 6:7).

3. Người có ân tứ phục vụ sẽ làm việc không mệt mỏi, không ngừng nghỉ; bởi vì niềm vui thấy anh chị em được giúp đỡ hay thành công trong việc nào đó là động lực thúc đẩy người ấy tiến tới. Hãy quan sát để nhận ra ấy là những người làm xong hết mọi việc chung rồi mới nghỉ.

4. Người có ân tứ phục vụ không có tính ích kỷ. Chúa đặt trong lòng của những người nầy một sự thúc đẩy đặc biệt về ước muốn thoả đáp các nhu cầu của người khác. Hầu như ít khi nào họ từ chối sự yêu cầu giúp đỡ của người đang cần điều chi đó. Những người như vậy thường nổi bật và vượt xa đám đông ích kỷ chỉ chăm chú vào ích lợi riêng của họ.

5. Người có ân tứ phục vụ rất nhạy bén và có trí nhớ tốt về những điều bạn mình thích hay không thích. Chúa đã ban cho những người ấy một năng lực đặc biệt để khi phải phục vụ người khác thì không làm những điều người ta ghét hay không thích; vì phục vụ là làm hài lòng người khác.

6. Một đặc điểm khác của người có ân tứ phục vụ là thích hoà đồng với mọi người, không phải là loại người thích biệt lập; mặc dù người ấy vẫn dành thì giờ ở riêng với Chúa, nhưng ở Hội Thánh thì hoà nhập với tập thể, không có tánh khó chịu, rút lui một mình hoặc khó tiếp xúc.

7. Người có ân tứ phục vụ giúp đỡ người khác mà không cần được trả ơn hoặc khen tặng, mặc dù người đó rất muốn biết sự giúp đỡ hay phục vụ của mình có ích lợi gì cho người nhận hay không. Về phần người được giúp phải biết cảm ơn người đã phục vụ mình. Lời cảm ơn vừa tỏ bày tính nhã nhặn, vừa tạo niềm vui cho nhau, vừa giúp người phục vụ biết việc họ làm có hiệu quả.

Trong các Hội Thánh thường có một số người có ân tứ phục vụ nhưng ít được lưu ý tới hoặc giới lãnh đạo chưa nhận ra những người như vậy để khích lệ họ.

Chẳng phải vì không có ơn nào khác nên phải làm công tác phục vụ. Trong nhà Chúa chẳng có công việc nào bị xem là nhỏ nhặt, tầm thường; bởi vì trong Hội Thánh có cả ngàn việc cần phải làm mà vì đa số tín hữu tới nhà thờ thấy mọi việc đã tươm tất, sẵn sàng tuần nầy qua tuần khác nên quen mắt, và chẳng mấy ai đặt câu hỏi: Ai đã âm thầm phục vụ tập thể nhà Chúa như vậy?

Có lẽ đó là một trong nhiều lý do mà Chúa chưa thể ban các ân tứ siêu nhiên cho nhiều tín hữu trong các Hội Thánh người Việt so với những Hội Thánh thuộc nhiều dân tộc khác. Bởi vì Chúa sẽ chẳng thể ban ân tứ cho những ai quá ích kỷ hay lười biếng, không có một chút ý hướng hay định ý nào phục vụ anh chị em mình.

Người có tinh thần phục vụ là người có tinh thần hi sinh. Đó là những người khi thấy có việc cần phải làm thì không chờ người khác, mà bắt tay vào việc: lượm rác, dọn dẹp, lau chùi, thu xếp mọi thứ gọn gàng, ngăn nắp, sẵn sàng hi sinh một ít sức lực và thì giờ vì ích lợi chung của Hội Thánh.

Đồng thời, những người có tinh thần phục vụ là những người sẽ được Đức Chúa Trời dùng trong các linh vụ của nhà Ngài. Bởi vì ai đã chứng tỏ tính siêng năng trong các việc nhỏ thì sẽ được Chúa giao cho những việc lớn hơn.

Người phục vụ Chúa cũng là người biết phục vụ anh chị em mình trong Hội Thánh qua các lời nói hay hành động khích lệ, chia sẻ của cải vật chất đối với anh chị em bị lâm vào cảnh khó khăn; cảm thông những người bị hoạn nạn bởi tình yêu nhân hậu mà Chúa đã ban cho mình; hết lòng giúp đỡ người hầu việc Chúa hoàn thành nhiệm vụ.

Tinh thần phục vụ cũng biểu lộ qua hành vi tiếp khách, nhất là những khách đến viếng thăm Hội Thánh. Quý ông bà anh chị em hãy tập một thói quen mới của những người đã được đổi mới trong tâm linh, đó là thói quen vui vẻ chào đón, tiếp đãi, trò chuyện với những người lần đầu tiên tới Hội Thánh.

Chúng ta hãy rũ bỏ tính cách ngại ngùng bất lịch sự của người Việt. Nếu mình đã từng thấy vui và có cảm tình tốt khi tới một chỗ lạ mà được vui vẻ tiếp đãi, thì hãy áp dụng kinh nghiệm đó đối với khách viếng thăm Hội Thánh.

Hãy tạo một không khí thân thiện, vui vẻ, thoải mái, và dễ chịu đối với khách, khiến cho họ có cảm nghĩ tốt, quý mến Hội Thánh, và có ý định sẽ trở lại thăm trong tương lai.

Tóm lại, một tinh thần sẵn sàng phục vụ Chúa, phục vụ nhau và vui vẻ tiếp đãi khách là yếu tố chính dẫn đến đời sống tăng trưởng thuộc linh, thành công trong cuộc sống đạo và truyền giáo của cá nhân và của Hội Thánh.

Hãy chú tâm vào những điều giúp tâm linh ta trưởng thành trong Chúa; để từ đó sẽ được nhận nhiều ân tứ siêu nhiên cao trọng của người được Chúa tin cậy.

TruyenGiaoVungVang20.docx

Rev. Dr. CTB