Chúa Nhật, December 13th, 2015

Mùa Giáng Sinh 15a


Lu-ca 3:3–6

Chuyện tích về sự sinh ra và chức vụ dọn đường của Giăng Baptist luôn đi đôi với chuyện tích về sự giáng sinh của Đức Chúa Giêxu Christ.

Giăng là người được sai đến trước để sửa soạn một dân sẵn lòng cho Đức Chúa Trời (Lu-ca 1:16–17). Theo lời hứa trong sách tiên tri Ma-la-chi về việc Đức Chúa Trời sẽ sai tiên tri Ê-li trở lại thế gian:

Nầy, Ta sẽ sai nhà tiên tri Ê-li đến với các con trước khi ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va đến. Người sẽ làm cho lòng cha ông trở lại cùng con cháu, lòng con cháu trở lại cùng cha ông” (Malachi 4:5–6); và theo lời Đức Chúa Giêxu giải thích cho các môn đồ của Ngài, thì Giăng Baptist chính là Ê-li (Mathiơ 11:13–14; 17:10–13).

Nhưng có một số giáo phẩm tìm cách đánh trống lảng về việc nầy, họ sợ rằng sự công nhận ấy sẽ khiến lý thuyết thần học của họ bị phá sản vì có pha trộn thuyết đầu thai.

Người lo sợ điều đó chẳng phải vì không muốn Chúa bị xấu hổ, mà sợ chính mình bị bẽ mặt về thần học; cũng là người mong dùng lý luận để giới hạn quyền phép và chương trình của Đức Chúa Trời sao cho hợp với ý riêng của mình.

Thật ra, ai có thể ngăn cản Đức Chúa Trời sai Ê-li trở lại trần gian? Có việc gì mà Đấng Toàn Năng không làm được? Đâu phải vì Chúa sai Ê-li trở lại thế gian thì bắt buộc phải có chuyện đầu thai của người từ kiếp trước?

Chuyện Giăng là Ê-li được Chúa sai đến là trường hợp duy nhất trong Kinh-thánh do Đức Chúa Giêxu xác nhận; vì thế chiến thuật giải nghĩa Kinh-thánh kiểu đánh trống lảng, vì bị bế tắc về một chủ trương thần học nào đó, sẽ không giúp giải quyết được chuyện gì hết.

Giăng Baptist được sai đến để dọn đường cho thánh vụ của Đức Chúa Giêxu. Có bốn thứ địa thế của lối đi mà ông phải giải quyết:

Đường có nhiều trũng thấp, đường đồi núi chập chùng, đường bị quanh quẹo không ngay thẳng, và đường gập ghềnh khó đi (Luca 3:4–5).

Bốn hình ảnh tiêu biểu nầy có nghĩa bóng về vấn đề khác, chứ không phải là đường đi theo đúng nghĩa đen. Bằng cớ là lời thiên sứ Gáp-ri-ên thông báo cho Xa-cha-ri, cha của Giăng:

Con ấy sẽ lấy tinh thần và quyền năng của Ê-li mà đi trước Chúa, để đem lòng cha trở về với con cái, đem kẻ không vâng phục đến sự khôn ngoan của người công chính, và để chuẩn bị một dân tộc sẵn sàng cho Chúa” (Lu-ca 1:17).

Và Giăng đã rao giảng sự ăn năn chứ không bỏ công sức ra sửa chữa một con đường nào hết.

Đức Chúa Giêxu là đường đi bằng phẳng và ngay thẳng nhất để loài người có thể đi trên đường ấy mà đến với Đức Chúa Trời.

Mỗi chúng ta đều là chi thể trong thân thể của Đức Chúa Giêxu. Đáng lẽ tất cả tín hữu đều phải hợp lại để làm cho Hội-thánh của Chúa trở nên con đường bằng phẳng, ngay thẳng và hấp dẫn người chưa tin; hầu cho qua Hội-thánh người trần gian có thể tìm đến ơn cứu độ của Chúa.

Có khi nào con dân Chúa chịu khó nhìn lại chính mình và tình hình của Hội-thánh để nhận ra lý do nào khiến cho thân thể Chúa tăng trưởng quá chậm, thậm chí có chỗ không phát triển chút nào qua hàng chục năm?

Bởi vì tâm địa và tánh tình của mỗi người trong Hội-thánh đều tiêu biểu cho một trong bốn địa thế đường, mà ngày nay Đức Thánh Linh cần phải uốn nắn để dọn đường cho ngày lớn và đáng sợ sắp đến của Đức Chúa Trời.

Có bao nhiêu tín hữu nhận biết chính tâm tánh và cách cư xử của chúng ta đã ngăn trở người khác đến với Đức Chúa Giêxu để tiếp nhận ơn cứu độ của Ngài?

Trước khi vui mừng kỷ niệm lễ Giáng Sinh năm nay, xin mọi người hãy cùng nhau suy xét lòng mình để biết rõ mình thuộc loại địa thế nào làm cho con đường đi đến với Chúa trở thành khó khăn đối với người thế gian.

Trước hết là đường có nhiều trũng thấp tiêu biểu cho sự tự ti, hèn nhát, sợ hãi nên chưa khi nào dám nói về Tin Mừng cho người chưa tin Chúa.

Lý do nào khiến rất nhiều tín hữu nhát sợ trong sự chứng đạo, nhất là những người đã theo đạo từ mười năm trở lên thường không có chút kết quả nào?

Chưa nắm vững điều mình tin, hoặc không biết rõ những điều cần phải trình bày về Tin Mừng, là nguyên do chính khiến cho nhiều người không dám nói ra hoặc tự ti về niềm tin vào Chúa của mình.

Trốn tránh học Lời Chúa, biếng nhác không tham gia các chương trình huấn luyện, thờ ơ với số phận hư vong của vô số người chung quanh mình; mọi điều đó là tính chất của đường đầy trũng thấp.

Hãy sửa chữa bằng cách từ bỏ tánh lười biếng, ích kỷ và dốt nát về sự hiểu biết niềm tin căn bản; bắt đầu trau giồi khả năng trình bày Tin Mừng bằng cách tham dự các buổi luyện tập do Hội-thánh tổ chức;

Tham gia chương trình truyền giáo qua phương pháp có hiệu quả của các tổ tình thương; và chịu bỏ thì giờ để học Kinh-thánh, nghiên cứu những bài học in đã được phát hay nghe lại những bài giảng qua các dĩa CD mình đã có mà không tốn xu nào.

Việc được trang bị sự hiểu biết về mọi mặt của đời sống tín hữu sẽ lấp đầy các chỗ trũng của đời sống chúng ta.

Đường đồi núi chập chùng tiêu biểu cho tính kiêu căng, tự cao, hoặc tâm lý muốn được chú ý giữa đám đông, được nổi tiếng, có nhiều tham vọng, muốn người khác tôn trọng mình, hoặc xem mình là nhân vật quan trọng.

Tâm lý và thái độ ấy sẽ coi thường người khác, không chịu tập tành hay nghiên cứu học hỏi tới nơi tới chốn, bảo thủ ý kiến riêng, và là loại người tái phạm cùng một thứ lỗi lầm nhiều lần mà không nhận biết để tự sửa đổi.

Nếu loại người nầy biết tự xét thì sẽ thấy họ chưa bao giờ dẫn được một ai đến với Chúa cả; bởi vì mọi sự chú ý của họ chỉ dồn vào chính mình chứ chẳng mấy quan tâm đến tương lai của Hội-thánh Chúa.

Cách sửa chữa loại địa thế nầy dù đơn giản nhưng hơi khó thực hiện, vì sự sửa đổi sẽ chạm đến bản chất bề trong của con người chưa chịu nhường cho Đức Thánh Linh biến hóa mình thành chi thể của thân thể Chúa.

Cách sửa chữa loại đường nầy là áp dụng lời khuyên của sứ đồ Phaolô: “… anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm trí, đồng tư tưởng … Đừng làm điều gì vì lòng ích kỷ hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa. Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” (Phi-líp 2:2–5).

Ý nghĩa về tính tình của loại người tiêu biểu cho đường quanh quẹo không ngay thẳng thì rất dễ hiểu. Vì quanh co tượng trưng cho sự dối trá, không thành thật.

Gặp loại như vậy người ta biết liền. Đi trên con đường mà không thấy được phía trước thì làm sao không biết nó quanh co?

Làm sao hàng xóm hay người quen của chúng ta có thể đến với Chúa khi họ biết quá rõ miệng mình là đài nói dối ra rả? Hoặc đã thấy rõ tính tình của mình chẳng khi nào ngay thẳng mà cứ oang oang nói về Chúa?

Chúng ta hãy ăn năn về bản chất dối trá và sửa đổi bằng cách áp dụng lời dạy trong Kinh-thánh: “Hãy lột bỏ người cũ …… vốn bị hư hỏng bởi những ham muốn dối trá; nhờ Thánh Linh đổi mới tâm trí … và mặc lấy người mới, là người đã được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời trong chân lý công chính và thánh khiết… mỗi người trong anh em hãy loại bỏ sự giả dối, ‘hãy nói thật với người lân cận,’ vì chúng ta đều là chi thể của nhau” (Êphêsô 4:22–25).

Đường gập ghềnh tiêu biểu cho tính tình làm người ta khó chịu, vấp váp. Các thứ biểu hiện về loại tính tình nầy thì nhiều vô số kể!

Từ tính hay khoe khoang, tham lam, khó chịu, tự ái, nói lẫy, nhạy giận, nhỏng nhẽo, thù vặt, đố kỵ, ganh tị, hiềm khích, ngồi lê đôi mách, khoe của, hứa cuội, xấu tánh, dốt nát mà không chịu học, vv, cho tới loại ở gần kho đạn.

Có lẽ tất cả tín hữu đã có lần làm cho người khác vấp váp vì vô tình hay cố ý. Lỗi lầm của chúng ta khiến người chưa tin thấy loại đường gập ghềnh nầy thì không dám bước tới gặp Đức Chúa Giêxu, vì họ không muốn bị vấp ngã một lần nữa. Nhiều người mới theo đạo đã vội bỏ, vì khi đến Hội-thánh họ gặp phải những người có tính tình quá gập ghềnh.

Vậy, hãy thành thật nhìn nhận các nhược điểm vô cùng tai hại của mỗi chúng ta. Hãy nhường đời sống mình cho Đức Thánh Linh biến đổi trở nên ích lợi cho Vương quốc của Đức Chúa Trời, thay vì gây tai hại như tình trạng hiện nay của chúng ta. Tất cả hãy ăn năn tánh xấu của mình để được Chúa thương xót.

Anh chị em hãy dẹp bỏ những thứ tánh tình vốn là chướng ngại vật cản đường người khác đến với Chúa, sửa sang các lối đi cho sạch sẽ và hấp dẫn.

Hãy dọn đường cho Chúa, làm thẳng các lối Ngài. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải ban cho thấp; đường cong quẹo phải sửa cho ngay, lối gập ghềnh phải làm cho phẳng” (Luca 3:4–5).

TroVeNenTang31.docx (GiangSinh15a)

Rev. Dr. CTB