Chúa Nhật, November 15th, 2015

Trở Về Nền Tảng, bài 28


2Phi-e-rơ 1:1–4

Những chìa khoá, hay là bí quyết để mở những cửa bước vào thế giới đạo đức hạnh phúc của thiên đàng, vẫn thường nằm hiển hiện trước mắt con dân Chúa qua những sự dạy dỗ hết sức quý báu trong Kinh-thánh.

Những ai siêng năng tương giao với Chúa qua sự suy gẫm Kinh Thánh và chân thành tìm kiếm, thì sẽ gặp được các bí quyết ấy cách dễ dàng. Lời khuyên của sứ đồ Phi-e-rơ là một trong các chìa khoá nầy.

Chìa khoá, hay bí quyết, là sự tiết lộ những điều mầu nhiệm, hay sự chỉ dẫn cách thức thực hiện các vấn đề thuộc cõi tâm linh, mà loài người thường hiểu một cách lờ mờ, hoặc không biết làm sao để đạt tới một nếp sống đúng nghĩa của người thật lòng theo Chúa.

Phi-e-rơ viết rằng để được Đức Chúa Trời “dùng thần quyền ban cho chúng ta tất cả những nhu cầu để sống và sống đạo đức” thì chúng ta phải “thực sự hiểu biết Ngài là Đấng lấy quyền năng và đức hạnh siêu việt kêu gọi chúng ta” (3).

Để có sự hiểu biết những vấn đề mới mẻ hay xa lạ với mình, chúng ta phải nghiên cứu hay học hỏi về việc đó.

Những ai hiện nay đang làm tín đồ chân thật của Đức Chúa Giêxu phải hiểu rằng không phải mình chọn Chúa, nhưng do Đức Chúa Trời đã chọn và kêu gọi chúng ta vào ơn cứu rỗi của Ngài.

Câu trước nói rằng “nhờ sự hiểu biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giêxu Christ” thì “ân điển và bình an cứ gia tăng cho anh em” (2).

Vậy thì, mỗi tín hữu phải hiểu biết nhiều hơn về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giêxu Christ. Nghĩa là phải biết nhiều hơn về Chúa so với mức độ hiểu biết sơ sài hiện nay về Ngài qua nhận thức nhờ nghe giảng, hoặc qua lập luận của trí óc từ sự ghi nhận những lời đồn đại bình phẩm, khen hay chê của người khác.

Vì loài người thường nghĩ Ngài là Thiên Chúa của cõi thiên nhiên và là Đấng cung ứng các nhu cầu của mọi sinh vật trên thế gian. Nhưng chúng ta phải hiểu Ngài là Đức Chúa Trời của mọi ân sủng, một Đức Chúa Cha có tình yêu thương bao la không bờ bến.

Và cũng biết rõ ràng Đức Chúa Giêxu, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, tức là tư tưởng, trí tuệ và sự khôn ngoan của Cha, đã xuống thế gian làm Người để chết đền tội thay thế cho cả nhân loại.

Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời chỉ vận hành trong chỗ, gọi là CÕI, mà ân sủng và sự bình an có thể truyền đến linh hồn con người. Người ta không thể tìm được ân sủng và bình an ngoài cõi ấy.

Vì vậy, khi nói về sự hiểu biết, hoặc tri thức về Chúa, thì không phải là sự thấu hiểu nhờ học thức, nhưng nhờ sự suy gẫm sâu sắc về tình yêu bao la vĩ đại của Ngài.

Vì thế, chúng ta càng khám phá huyền nhiệm ân sủng diệu kỳ của Đức Chúa Trời chừng nào, thì càng thoả thích vui hưởng sự bình an trong tâm linh chừng đó.

Sự gia tăng ân điển và bình an còn có thể là sự thịnh vượng phong phú ở trần giới và linh giới, cả bên ngoài lẫn trong lòng.

Sự vui mừng và bình an càng gia tăng khi chúng ta cảm nhận rõ ràng mình đã được xưng công chính miễn phí, vì tội của chúng ta đã được chuộc và hoàn toàn tha thứ bởi huyết của Đức Chúa Giêxu Christ.

Mỗi khi nhắc đến Đức Chúa Trời hay Đức Chúa Giêxu, hầu hết các tín hữu đều nghĩ đến các sự đòi hỏi của Ngài về việc giữ cho trọn vẹn những điều răn của thời Cựu-ước, hoặc những mệnh lệnh của Đức Chúa Giêxu trong thời Tân-ước. Nghĩa là những sự đòi hỏi mà tín hữu bình thường khó thực hiện được.

Sự hiểu biết sơ đẳng ấy khiến cho ý chí của nhiều người bị tê liệt, không còn dám nghĩ đến việc phục vụ trong Hội-thánh, vì thấy mình thiếu sót trăm bề.

Nhưng nếu chúng ta hiểu Đức Chúa Trời là Vị Cha yêu thương chỉ muốn ban cho chứ không đòi hỏi, muốn đem tặng phẩm đến chứ không nghiêm khắc ra mệnh lệnh, thì thái độ và tâm trạng của người tin ngập tràn vui mừng, hạnh phúc, tự động hăng hái tham gia các sinh hoạt của Hội-thánh đầy hiệu quả.

Sau khi chúng ta hiểu và có lòng biết ơn về tình yêu thương của Đức Chúa Cha, ân sủng của Đức Chúa Giêxu, được Đức Thánh Linh soi sáng tâm linh để “thực sự hiểu biết Ngài là Đấng lấy quyền năng và đức hạnh siêu việt kêu gọi chúng ta” vào ơn cứu độ đầy hạnh phúc của Ngài, thì “Ngài sẽ dùng thần quyền ban cho chúng ta tất cả những nhu cầu để sống và sống đạo đức; cũng với quyền năng và đức hạnh siêu việt ấy, Ngài còn ban cho chúng ta những lời hứa rất cao quý, trọng đại, để anh em nhờ đó hưởng được bản tính Ngài, vì đã thoát khỏi tình trạng sa đoạ hư hỏng bởi dục vọng trần gian.” (3–4).

Sứ đồ Phi-e-rơ quả quyết rằng Chúa “sẽ dùng thần quyền ban cho chúng ta tất cả những nhu cầu để sống và sống đạo đức.

Nghĩa là tất cả những gì chúng ta cần để có thể đánh bại những tư tưởng ươn hèn, bạc nhược và ô uế; những gì cần thiết để củng cố nghị lực; sức mạnh tinh thần để vượt qua những trở ngại; và quyết tâm không để cho tâm tánh xác thịt của bản ngã cũ dối trá, ích kỷ và lười biếng khống chế mình, thì Đức Chúa Trời sẽ dùng thần quyền của Ngài ban cho tất cả những ai là con dân chân thật của Ngài, tức là những người đã thực sự hiểu biết Ngài.

Tuy nhiên, anh chị em cần phải biết rõ rằng không phải Đức Chúa Trời ban vào trong chúng ta một sự sống hoàn hảo và một đời đạo đức đã trưởng thành, nhưng Ngài sẽ cung cấp cho chúng ta tất cả những phương tiện để chúng ta sẽ có thể rèn luyện một nếp sống tín hữu trưởng thành trong Chúa.

Nghĩa của chữ ‘tất cả’ trong câu “ban cho chúng ta tất cả” thì chắc chắn và dứt khoát phải là tất cả. Không có điều gì cần thiết mà Chúa phải ban một cách miễn cưỡng; đồng thời cũng chẳng có điều gì ra từ khả năng riêng của chúng ta, tất cả đều là quà tặng từ Đức Chúa Trời.

Cách sống đạo đức là ý thức rằng Chúa đang hiện diện trong đời sống và lòng chúng ta. Ai ý thức được điều nầy, thì đời sống người ấy sẽ có kết quả là kính mến và tin cậy Chúa.

Như David tuyên bố: “Con hằng để Đức Giê hô-va đứng trước mặt con; con chẳng hề bị rúng động” (Thi-Thiên 16:8).

Ý nghĩa của “quyền năng và đức hạnh siêu việt” là món quà tặng không mô tả nổi về Con của Đức Chúa Trời đã ban xuống thế gian, và qua món quà ấy, Đức Thánh Linh, Thần ban cho sự sống, cũng từ Đức Chúa Trời ban xuống trên Hội-thánh Ngài và những người tin nhận Đức Chúa Giêxu Christ.

Những lời hứa là ơn cứu rỗi được hứa ban cho mọi người tin, vì không có lời hứa nào khác cho loài người. Lời hứa ấy nói về sự tha tội, sự ban cho sức mạnh, an ủi, nâng đỡ, yểm trợ, và cứu giúp trong hoạn nạn; sự sống lại vinh quang; và một thân thể tương lai bất tử, bất hoại.

Nếu chịu suy gẫm và xem xét sự vinh quang của những điều tín hữu sẽ nhận được, chúng ta sẽ thấy lời hứa ấy được kể là cao quý và trọng đại là rất đúng. Bởi vì nó là vô giá trong việc nâng đỡ và an ủi linh hồn chúng ta lúc sống trên trần gian, lại còn bảo đảm vinh dự và hạnh phúc vô tận cho chúng ta ở cõi đời sau nữa.

Mọi người sống trên đời đều dựa vào niềm hi vọng nào đó ở cõi đời nầy hay đời sau. Người không có hi vọng là giới người khốn khổ hơn hết. Hi vọng của con dân Chúa được bảo đảm vững chắc, vì có những lời hứa cao quý và trọng đại từ Đức Chúa Trời.

Hãy để những lời hứa ấy thấm sâu vào lòng và trí chúng ta, để sự sống Chúa ban cứ gia tăng và lớn mạnh. Bởi vì nếu sự sống ấy không tăng trưởng, thì chúng ta chưa đủ khả năng “thoát khỏi tình trạng sa đọa hư hỏng bởi dục vọng trần gian.” Mà ai chưa thoát khỏi tình trạng sa đoạ ấy thì chưa đủ điều kiện để “hưởng được bản tính” của Đức Chúa Trời.

Nhưng nếu tín hữu nào đã thoát khỏi tình trạng sa đoạ hư hỏng, nhờ sự sống của Chúa tăng trưởng trong lòng, thì chẳng những sẽ “hưởng được bản tính” của Chúa, mà còn tiếp tục nhận lãnh những điều thuộc về Ngài trong mỗi ngày còn sống trên thế gian, và muôn đời vô tận trong cõi vĩnh hằng.

Đối với người hưởng được bản tính của Đức Chúa Trời thì điều hoàn toàn bảo đảm là sẽ nhận được sự sống đời đời, vì Chúa chẳng bao giờ chết, nên linh hồn hưởng bản tính Ngài cũng sẽ sống vĩnh viễn như Ngài vậy.

Anh chị em cần phải hiểu bản tính của Đức Chúa Trời nói ở đây không phải là tinh túy, tức là các thuộc tính của Ngài, mà là sự thánh khiết, quyền năng và đức hạnh của Ngài.

Cho nên, khi hưởng được bản tính của Chúa thì không có nghĩa là chúng ta sẽ được nhận lãnh các thuộc tính toàn năng, toàn tri và toàn tại của Ngài; nhưng là mọi điều cần thiết để sống đời thánh thiện đạo đức.

Vì ý nghĩa của sự thánh hóa là Đức Thánh Linh truyền sự thánh khiết của Chúa trực tiếp vào trong ta.

TroVeNenTang28.docx

Rev. Dr. CTB