Chúa Nhật, December 27th, 2015

Trở Về Nền Tảng, 33 (Giáng Sinh 15c)


Luca 2:1–20

Buổi nhóm cuối năm sau lễ Giáng Sinh có nhiều điều để tất cả tín hữu hồi tưởng, suy gẫm về những biến cố đáng nhớ cả trong đời sống thể chất lẫn tâm linh đã xảy ra trong năm qua.

Qua đó, những tín hữu khôn ngoan và có lòng kính sợ Chúa sẽ nhận ra những thất bại do các nhược điểm và lầm lỗi của mình để dựa trên các kinh nghiệm ấy mà tránh không bị vấp phải lỗi lầm cũ.

Đồng thời, chúng ta cũng suy gẫm về những thành công và ơn phước mình đã nhận được, dự trù những bước kế tiếp, lập các kế hoạch và quyết định sẽ thực hiện những điều mình mong muốn cho công tác mở mang Nước Chúa, và sự trưởng thành nhiều hơn của mình trong nếp sống đức tin.

Để làm được những điều đó, chúng ta cần học vài gương mẫu trong Kinh-thánh để làm mẫu mực cho mình. Chúng ta sẽ chú ý vào phần thực hành trong chuyện tích các mục tử được báo tin Đức Chúa Giêxu giáng sinh rồi đi tìm và gặp được Ngài, trong phân đoạn Kinh-thánh Luca 2:8–20 vừa đọc.

Phản ứng đầu tiên của các mục tử là “rất sợ hãi” (9). Đối với đa số tín hữu sốt sắng thời nay, có thể có những người ước ao được thiên sứ hiện ra cho mình thấy. Những tín hữu ấy thường chưa lường trước hay chưa hiểu được phản ứng của linh hồn mình trước sự xuất hiện bất ngờ của một vị thần linh nào đó.

Đừng nói gì tới thần linh, vì chỉ cần một người xuất hiện trong một hoàn cảnh hoàn toàn bất ngờ, ví dụ như bất thình lình ta thấy một người lạ đứng ngay cửa sổ trong vòng rào nhà mình, thì ngay lúc đầu bất cứ ai cũng hoảng sợ, vì đó là mối đe doạ trực tiếp trước mắt.

Vì thế, phản ứng khiếp kinh của các mục tử chỉ là lẽ tự nhiên của con người. Vị thiên sứ liền trấn an: “Đừng sợ!” (10).

Tiếng nói từ thiên đàng luôn đem bình an đến cho lòng người đang kinh hãi; bởi vì sự hiện ra đáng sợ của vị thiên sứ chỉ nhằm đem đến cho nhóm mục tử “một Tin Lành, là niềm vui lớn cho mọi người” (10).

Vị thiên sứ cho biết tiếp tin mừng ấy là sự đáp ứng niềm ước mong của người Do-thái về Đấng Cứu Thế của lời hứa, và những chi tiết cụ thể để các mục tử có thể tìm ra Đấng vừa giáng trần trong thân xác một hài nhi (11–12).

Đây là mẫu mực để truyền rao Tin Mừng: Đem bình an cho lòng sợ hãi, đáp ứng được ước mong sâu thẳm nhất của người nghe và có đủ chi tiết cụ thể của tin mừng ấy.

Cách truyền rao phúc âm bằng thủ thuật khiến người ta sợ hãi, hay dùng các chi tiết mơ hồ thì vô ích đối với người cần nghe, không ích lợi gì cho Nước Trời; kinh nghiệm xưa nay cũng cho biết rằng cách đó chẳng bao giờ có kết quả.

Phản ứng tâm lý thứ nhì của các mục tử phải là vô cùng hào hứng và náo nức. Bởi vì họ là nhóm người duy nhất trong cả nhân loại được chứng kiến một cảnh tượng chỉ xảy ra một lần suốt lịch sử thế giới: Bài hợp ca tuyệt diệu của ca đoàn thiên sứ từ thiên đàng ca mừng Đức Chúa Trời (13).

Chúng ta sẽ phản ứng ra sao trước những dấu hiệu siêu nhiên, hoặc sẽ nghĩ thế nào trước lời chứng của anh chị em trong Chúa, nếu họ kể lại việc thiên sứ hiện ra với họ?

Có vui mừng vì mình đã có diễm phúc được nhìn thấy vật thể từ trời, hay là đặt nghi vấn về bất cứ hiện tượng siêu nhiên nào đã xảy ra hoặc nghe kể lại?

Tâm trạng của các mục tử chắc là rất nao nao khó tả, sau khi các thần binh biến mất trên không trung. Họ bàn với nhau cùng đi đến thành Bết-lê-hem “xem việc đã xảy ra mà Chúa cho chúng ta biết” (15), rồi cùng nhau lên đường.

Giả sử các gã mục tử cho rằng việc các thiên sứ hiện ra báo tin mừng chỉ là chuyện thần tiên mà họ tình cờ được thấy, hoặc chỉ là một giấc mơ đẹp, rồi họ chẳng đi đâu cả vì còn có nhiệm vụ canh giữ bầy chiên, thì họ đã không gặp được Đấng Cứu Thế, Đấng Thiên Sai mà dân tộc họ qua bao nhiêu thế hệ vẫn trông đợi.

Nhưng họ đã bỏ bầy chiên lại “vội vàng đi đến đó, gặp Mari, Giô sép, và thấy con trẻ đang nằm trong máng cỏ” (16).

Có bao nhiêu tín hữu ngày nay sẵn sàng vâng theo lời Chúa cho mình có cơ hội được biết để đi tìm và được chứng kiến tận mắt các sự kiện vô tiền khoáng hậu, mà mỗi một sự kiện chỉ xảy ra một lần trong lịch sử loài người?

Khi thấy vậy, họ liền thuật lại những lời thiên sứ nói về con trẻ đó” (17). Đấng Cứu Thế, Đấng Christ và Chúa là những điều họ nghe thiên sứ nói về hài nhi thánh.

Đối với dân Do-thái ở thời ấy thì Đấng Cứu Thế, Đấng Christ và Chúa có ý nghĩa rất trọng đại. Nước Giu-đa bị giải thể khoảng 600 năm trước đó. Sau khi bị lưu đày rồi được phép trở về quê hương, họ không được tái lập quốc gia mà chỉ là một tỉnh của các đế quốc thay nhau cai trị toàn vùng Nam Âu, Trung-đông và Bắc-phi.

Người Do-thái vẫn nuôi mộng được phục hồi chủ quyền và đất nước hùng mạnh theo lời hứa từ Đức Chúa Trời rằng sẽ có một Vị-cứu-tinh Mê-si-a được sai đến. Các mục tử kể lại lời thiên sứ nói về con trẻ theo ý nghĩa đó một cách hào hứng.

Theo ý họ tin, thì Đấng Christ sẽ đến là một Vị được Đức Chúa Trời xức dầu làm vua giải phóng dân Israel khỏi ách cai trị của ngoại bang, phục hồi vương quốc Do-thái hùng cường, thi thố những phép lạ và việc quyền năng.

Ai nghe chuyện các người chăn chiên kể cũng đều ngạc nhiên” (18). Nghĩa là lúc các mục tử tìm thấy Mari, Giô-sép và hài nhi mới sinh, thì trong chỗ ấy đã có thêm vài người trong quán trọ thức dậy xúm lại thăm hỏi; cho nên, lời kể của các mục tử không phải chỉ hai người nghe, nhưng ít ra đã có thêm vài người Do-thái khác cùng nghe.

Tuy nhiên, khác với Mari nghe kể “thì ghi tạc mọi lời ấy và suy gẫm trong lòng” (19), còn những người kia chỉ ngạc nhiên mà thôi. Chi tiết nầy  rất đáng suy nghĩ để hiểu sự phức tạp của lòng người.

Mọi người Israel đều trông chờ Đấng Mê-si-a, tức là Đấng Christ xuất hiện; rằng Ngài sẽ được sinh tại Bết-lê-hem. Dù họ không ngờ Ngài sinh ra ở một chỗ thấp thỏi như vậy, nhưng lời các mục tử thật thà kể chuyện thiên sứ loan báo con trẻ là Đấng Christ, chẳng phải là một sự bịa đặt, cũng chỉ khiến họ ngạc nhiên và không biết nghĩ sao.

Chúng ta là những người tin Chúa và đã nhận được ơn cứu độ, thì ai cũng muốn loan báo tin vui nầy cho những người chưa nhận được ơn cứu rỗi mà mình quen biết.

Nhưng anh chị em đừng ngạc nhiên khi người ta hờ hững với Tin Mừng; mặc dù người nào cũng trông mong được cứu độ thoát khỏi sự trừng phạt ngày sau. Bởi vì cách hiểu của mỗi người về vấn đề đó bị ảnh hưởng bởi những gì họ nghe từ trước; cho nên, không phải hễ mình chân thành chia sẻ về ơn cứu chuộc của Chúa cho người khác nghe thì họ sẽ vui mừng tiếp nhận.

Vì vậy, để việc truyền rao phúc âm của chúng ta có hiệu quả trong thời đại ngày nay, là thời đại mà Đức Thánh Linh đang ngự trong mỗi con cái Chúa và trong Hội-thánh chân thật của Ngài, anh chị em cần phải tham gia các khóa huấn luyện để có khả năng nói lời chứng đạo thuần thục, sắc bén, ngắn gọn, và có sức thuyết phục.

Hãy nghĩ đến các mục tử năm xưa: Họ đã tận mắt thấy Hài Nhi Thánh do thiên sứ cho biết là Đấng Christ đã giáng sinh. Họ có một bằng chứng rất vững chắc nên “trở về, tôn vinh và ngợi ca Đức Chúa Trời về mọi điều họ đã nghe và thấy, đúng như lời đã bảo trước với họ” (20).

Nghĩa là gặp bất cứ người quen nào họ cũng rao truyền rằng Đấng Mê-si-a đã đến. Theo đúng ý nghĩa thì các mục tử ấy là những nhà truyền giáo đầu tiên đi loan báo Tin Mừng.

Ngày nay cũng vậy, hễ là người thật lòng tin Chúa và tâm linh được biến cải dẫn tới đời sống đổi mới, thì các tân tín hữu là những người rất hăng hái và hào hứng thuật lại cho bạn bè mình về những gì họ đã nhận được từ ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Có thể cách họ nói còn thô thiển, nhưng nét điển hình của người đã thật sự nhận được ơn cứu độ là chân thành và hăng say trong lời chứng của họ.

Sau khi chiêm ngưỡng Hài Nhi Thánh, các mục tử trở về với bổn phận thường nhật của họ là chăn chiên. Nhưng mọi người quen biết họ đều nhận thấy sự khác biệt; bởi vì họ luôn miệng tôn vinh và ngợi ca Đức Chúa Trời. Mỗi con cái Chúa đều nên bắt chước gương mẫu nầy.

Đừng nghĩ rằng việc anh chị em có muốn rao truyền Tin Mừng hay không là quyền chọn lựa của mỗi người. Không nên mang tư tưởng rất tai hại đó. Nhiệm vụ của chúng ta là rao truyền.

Như thiên sứ năm xưa thông báo Tin Mừng cho các mục tử để họ tìm gặp Đấng Cứu Thế và trở về truyền rao điều họ nghe và thấy, ngày nay Đức Thánh Linh vẫn giục giã con dân Ngài thực hiện bổn phận truyền rao Tin Lành.

Không ai trong chúng ta muốn bị số phận bị thảm của các nhánh nho bị chặt bỏ và bị đốt vì không kết quả. Nếu anh chị em đã thật sự tìm gặp Đấng Cứu Tinh của linh hồn mình rồi, thì hãy noi gương các mục tử xưa là chân thành và hăng say nói về Ngài cho người chưa gặp.

TroVeNenTang33.docx (GiangSinh15c)

Rev. Dr. CTB