Chúa Nhật, January 29, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 11


Biện Pháp Chữa Trị

2Timôthê 1:6–7

Trong bài học trước về nguyên nhân căn bản khiến cho một số tín hữu dù theo Chúa lâu năm vẫn chưa nhận được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh cách rõ ràng trong đời sống mình, nói tới hai lỗi lầm thường thấy là không biết mình có thể nhận lãnh quyền lợi ấy, và sợ Đức Thánh Linh qua các biểu hiện của người khác, hay thấy một số người xưng đã nhận lãnh báp têm Đức Thánh Linh, nhưng sau đó đã bị sa ngã trầm trọng. Một lý do nữa là có người đã có lần nhận rồi, nhưng chưa thấy lửa quyền năng đó bùng cháy trong đời sống mình, thì nghi ngờ lời hứa của Chúa, và tâm lý bi quan nghĩ rằng có lẽ mình sẽ chẳng bao giờ nhận được; vì thế, ngọn lửa bị tàn tắt  Có lẽ Timôthê là người nằm trong trường hợp nầy vì tính nhút nhát của ông. Phaolô viết thư nhắc nhở Timôthê, vì ông biết Timôthê đã nhận được ân tứ Đức Thánh Linh khi ông đặt tay, nhưng các ân tứ ấy có lẽ đã bị Timôthê làm cho tàn tắt cách lặng lẽ vì tâm thần nhút nhát của mình.

Phaolô khuyên Timôthê hãy khơi lại, làm cho lửa cháy rực lên, lấy đó làm biện pháp chữa trị tình trạng thiếu sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Những ai tự biết mình đã bị vướng hoặc là cả ba lý do, hoặc là một hay hai nguyên nhân cản trở, thì cần phải áp dụng lời khuyên nầy để sẽ bắt đầu kinh nghiệm đời sống có ân tứ của Chúa hành động cách rõ ràng. Mọi biện pháp chữa trị các nguyên nhân nầy đều nhắm mục đích làm cho lửa Thánh Linh bùng cháy trong lòng, để được chỉ dẫn, đầy dẫy, đánh bại mọi sự cám dỗ, và thiêu rụi mọi ham muốn của bản ngã xác thịt. Nền tảng ấy là điều mọi tín hữu cần có để nhận được một đời sống có quyền năng và thánh khiết, công tác truyền giáo cho người thân quen sẽ phát huy mạnh mẽ.

Lấy sự cháy thiên nhiên làm ví dụ minh giải, ngoài yếu tố nhiên liệu làm chất cháy, thì gió là tác nhân duy trì sự cháy. Một lò lửa bị nghẹt vì không có đường thông gió, lửa sẽ không thể cháy được. Lòng chúng ta cũng vậy, cần phải có một số điều kiện để lửa Thánh Linh có thể tiếp tục cháy và cháy mạnh. Như vậy, chúng ta phải đặt lòng mình ở vị trí như thế nào để gió có thể thổi vào cách dễ dàng. Có ba yếu tố cần thiết cho điều kiện nầy:

1. Trước hết phải tin rằng Đức Thánh Linh có thể làm được điều Ngài hứa Ngài sẽ làm – khiến lửa của Ngài cháy mạnh trong lòng chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy hoặc kinh nghiệm lửa Thánh Linh bùng cháy, nếu chúng ta không tin, hoặc không dám tin là điều đó có thể xảy ra. Dù vì lý do nào, lòng không tin, hoặc tâm trí đã đinh ninh rằng nếp sống bình thường của một tín hữu chỉ là những gì ta hiện đang có, hoặc tình trạng thiếu quyền năng của chúng ta và Hội Thánh là bình thường, thì lòng không tin, hoặc tâm lý đó sẽ không giúp đời sống tâm linh ta tăng trưởng hay kinh nghiệm biến cố siêu nhiên nào được. Nếu người nào cứ luôn nghi ngờ ý muốn của Chúa thì người ấy đang tin cái chi? Mong ước nhận được gì qua đạo mình tin? Vậy, muốn cho lửa lòng mình cháy bùng lên thì phải thổi bằng gió đức tin, tin vào quyền năng của Đức Thánh Linh.

2. Muốn được có gió thổi và lửa bùng cháy thì phải ở chỗ nào có gió và gần lửa, tạo điều kiện cho lửa có thể bén vào lòng chúng ta. Ý nghĩa của hình ảnh lửa cháy bừng lên là trở nên thân mật với Đức Chúa Giêxu. Trở nên thân mật bằng cách nào? Hãy hết lòng thờ kính Chúa ở chỗ riêng tư và công khai. Tập luyện cách bày tỏ mới về tình cảm yêu thương của mình dành cho Ngài. Ai chịu tập luyện điều nầy, thì tình yêu mến trong tâm linh bắt đầu bén lửa và cháy lớn dần. Hãy tập khát khao nghe tiếng Đức Chúa Trời khải thị cho mình, nếu mình thật lòng muốn tương giao với Ngài. Đức Chúa Giêxu hứa sẽ khải thị cho người nào thật lòng yêu mến Ngài bằng cách giữ các điều răn yêu thương của Ngài (Giăng 14:21). Hãy thường xuyên suy gẫm Kinh Thánh mỗi ngày, có khi phải dành nhiều thì giờ cầu nguyện và kiêng ăn cho đến chừng nghe được tiếng phán êm dịu nhỏ nhẹ của Đức Thánh Linh. Ai khát khao nghe tiếng Chúa, người đó sẽ nhận được khải thị.

Người nào khát khao nhận được lửa quyền phép mạnh mẽ của Đức Thánh Linh, thì người ấy phải dấn thân vào những thánh vụ mà Đức Chúa Trời phải bày tỏ quyền phép theo như lời Ngài đã hứa (Mác 16:17–18); có nghĩa là dám liều mình vì lợi ích của Vương quốc Đức Chúa Trời. Can đảm cầu nguyện chữa lành người bệnh, sẵn sàng chiến đấu chống lại quyền lực của ma quỷ, dạn dĩ rao giảng phúc âm cho người thân, cho bạn bè quen biết. Khi chúng ta tập luyện và giữ kỷ luật về giờ giấc tương giao với Chúa hàng ngày, ta sẽ thấy sự gần gũi với Ngài gia tăng thêm lên mỗi ngày. Càng gia tăng mức thân mật với Chúa, thì mức độ quyền phép, sự khải thị, và lửa của Đức Thánh Linh trong ta càng tăng theo tỷ lệ thuận.

Đối với người đã bị tàn tắt lửa Thánh Linh thì phải làm gì? Dập tắt lửa Thánh Linh tức là đã làm ngơ trước sự hành động của Đức Thánh Linh trong lòng chúng ta, vì ý riêng không thích vấn đề Đức Thánh Linh thúc giục ta làm. Chúng ta phải hiểu mục đích Đức Chúa Trời đổ đầy Thánh Linh Ngài trong chúng ta là để làm gì. Vì nếu không hiểu, chúng ta sẽ cầu xin được đầy dẫy Đức Thánh Linh nhằm những mục đích sai trật, trái ngược với ý muốn của Đức Chúa Trời. Lý do chủ yếu làm cho nhiều tín hữu chưa được đổ đầy Đức Thánh Linh là không hiểu ý muốn Đức Chúa Trời trên đời sống mình, nên thường hành động nghịch lại ý muốn đó.

Được đầy dẫy hoặc báp têm Đức Thánh Linh không nhằm làm cho tín hữu kinh nghiệm các cảm giác dị thường. Hình thức thờ phượng thường xuyên mỗi ngày trong đền thờ Đức Chúa Trời ngày xưa là các tế lễ thiêu hằng dâng. Ngày nay, sinh tế đẹp lòng Đức Chúa Trời là đời sống của con dân Ngài dâng lên cho Chúa như một tế lễ sống và thánh. Đức Chúa Trời đổ đầy Đức Thánh Linh của Ngài cho chúng ta nhằm mục đích làm tâm linh chúng ta luôn luôn sống và thánh thiện trong mọi cách ăn ở. Lửa Thánh Linh cứ tiếp tục thiêu đốt, tinh luyện đời sống con cái Ngài, cho đến khi không còn bợn nhơ nào cản trở một đời sống đầy quyền năng; giống như sinh tế trên bàn thờ ngày xưa phải bị thiêu cháy hoàn toàn không còn sót lại chút gì.

3. Bước kế tiếp để được đầy dẫy Đức Thánh Linh là tận hiến; nghĩa là nhường cho Đức Thánh Linh toàn quyền hướng dẫn và thay đổi đời sống chúng ta. Người nào không lập quyết định nầy vào buổi đầu thật lòng tiếp nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Trời, sau nầy sẽ phải đối diện một quyết định cực kỳ khó khăn: Hoặc bằng lòng cho phép Đức Thánh Linh đốt cháy những lãnh vực phải bị thiêu huỷ, hoặc là dập tắt lửa Thánh Linh – trở về cuộc sống không chút hy vọng được về đất hứa. Muốn được đầy dẫy Đức Thánh Linh, chúng ta phải trả một giá đắt; bởi vì lửa của Ngài sẽ chạm đến những lãnh vực mà từ trong đáy lòng chúng ta không muốn từ bỏ. Hình ảnh lửa từ trời giáng xuống thiêu đốt mọi lễ vật trên bàn thờ tại lễ khánh thành đền thờ của vua Salômôn là tiêu biểu cho ý nghĩa tận hiến nầy: “Khi Salômôn cầu nguyện xong, lửa từ trời giáng xuống đốt của lễ thiêu và các hi sinh, sự vinh quang của Đức Giêhôva đầy dẫy trong đền” (2Sử Ký 7:1).

Đức Chúa Giêxu phải báp têm cho chúng ta bằng Đức Thánh Linh, để lửa của Thánh Linh có thể thiêu đốt hết những gì ngăn trở con cái Ngài tiếp nhận sự đầy dẫy vinh quang Đức Chúa Trời. Đầy dẫy vinh quang Chúa có nghĩa là có sự hiện diện quyền năng hiển hiện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta ở trần gian. Báp têm bằng Đức Thánh Linh là sự thiêu đốt bằng lửa thánh của thiên đàng, chuẩn bị cho sự hiện diện vinh quang của Đức Chúa Trời trong đời sống của tín hữu. Mục đích của Đức Chúa Trời đối với con cái và Hội Thánh của Ngài không phải là duy trì những tâm linh bạc nhược của các cá nhân, những Hội Thánh không hiệu quả và chẳng ích lợi cho bất cứ điều gì. Chúa muốn các con cái Ngài phải biết mục đích đời sống mình, sẵn sàng mời Thánh Linh vào chuẩn bị cho sự hiện diện của quyền phép vinh quang Đức Chúa Cha. Chúa muốn mỗi cá nhân tín hữu và mỗi Hội Thánh có thể kinh nghiệm thiên đàng ngay trên đất. Ai dành thì giờ suy gẫm ăn năn tội lỗi, hoan nghênh lửa thiêu đốt của Chúa, thì sẽ được tiếp đón vinh quang của Đức Chúa Trời vĩ đại hằng sống.

VanDeTamLinh11.docx

Rev. Dr. CTB