Chúa Nhật, February 12, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 13


Chữa Lành Nội Tâm Để Sống Thánh Khiết (1)

1Têsalônica 5:23–24

Sự thánh khiết của Cơ-đốc-nhân không đơn giản chỉ là sống thánh sạch, tránh xa tội lỗi. Sự thánh khiết có hai phương diện khác nhau. Một là tách rời ra khỏi điều ác, hai là biệt riêng ra để chuyên tâm làm điều lành. Cho nên, khi Đức Thánh Linh dẫn chúng ta đi trên tiến trình thánh hoá, Ngài sẽ ở cạnh bên để giúp đỡ chúng ta thể hiện hai mục tiêu chính ấy, đó là tách rời khỏi tội lỗi, điều ác và thế giới cũ mà chúng ta vẫn lặn ngụp trước đây; rồi chỉ dẫn thúc đẩy chúng ta tận tuỵ hiến mình cho những việc lành, thánh sạch, thanh khiết. Sự dốt nát về hai phương diện nầy đưa tín hữu tới những thái cực nguy hiểm. Nếu chúng ta chỉ hiểu sự thánh hoá là tách rời khỏi tội lỗi, điều ác mà thôi, thì chúng ta làm giảm tính quan trọng của thánh hoá và chỉ giới hạn trong một số điều mà các Cơ-đốc-nhân không được phép làm. Kết quả của quan điểm nầy là tạo nên các ‘xóm nhà lá’ Cơ đốc, chỉ chơi với nhau chứ không tiếp xúc với các cộng đồng quanh mình; quên mất mục đích của họ là tạo ảnh hưởng hoặc làm biến đổi thế giới.

Mặt khác, nếu quan niệm rằng đời sống thánh khiết chỉ nhắm vào phương diện biệt riêng ra để hiến dâng đời mình cho sự thánh sạch, thì quan điểm đó sẽ dẫn tới sự hình thành một đạo binh những nhà hoạt động thiếu mất các đức tính hỗ trợ cho hành động của mình. Những người nầy sẽ cố gắng tận tình làm biến đổi thế giới, nhưng luôn luôn thất bại vì chỉ chuyên rao giảng sứ điệp quên mất họ là sứ giả của sứ điệp. Khi đọc kỹ Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy rằng không thể nào chỉ chọn một trong hai. Sự thánh khiết trọn vẹn mà Chúa đòi hỏi và hướng dẫn chúng ta đạt tới có đủ cả hai phương diện. Muốn đạt được cả hai phương diện nầy thì chúng ta phải có những lần gặp gỡ Chúa cách rõ ràng và đầy quyền phép của Ngài. Không có sự ban cho ân điển quyền phép của Chúa, không ai có thể tận tình tách rời khỏi điều ác như Chúa mong muốn nơi chúng ta.

Đức Thánh Linh dẫn con dân Ngài tiến bước trên con đường thánh hoá là để họ có thể thành muối của đất và ánh sáng của thế gian (Mathiơ 5:13,14). Như vậy, nếu thiếu quyền năng Đức Thánh Linh thì chúng ta không thể nào làm thay đổi lòng người cũng như làm biến đổi cấu trúc đầy tội lỗi của xã hội. Chúng ta phải bắt đầu kinh nghiệm quyền phép làm tách rời khỏi tội lỗi và dành riêng ra để hiến dâng cho mục tiêu thánh khiết kể từ hôm nay, nếu chúng ta chưa kinh nghiệm sự thăm viếng đó của Đức Thánh Linh lúc mình quy đạo. Bởi vì trên thiên trình của chúng ta, sự đổi mới và tăng trưởng vững vàng qua kinh nghiệm gặp Chúa cách sâu sắc phải diễn ra luôn. Nếu ta thiếu biến cố khởi đầu, thì không thể diễn ra tiến trình thánh hoá. Hiểu được điều nầy, chúng ta mới thấy sự cần thiết của vấn đề chữa lành nội tâm trong sự thánh hoá của đời mình. Bởi vì một tâm linh không khoẻ mạnh sẽ không thể đạt đến sự thánh khiết trọn vẹn.

Sự tách rời khỏi tội lỗi và điều ác đòi hỏi tấm lòng bên trong phải được chữa lành trước đã. Lý do là vì tội lỗi không chi khác hơn những thất bại tích tụ mà chúng ta cố gắng giải quyết bằng những cách trái với ý muốn của Đức Chúa Trời. Ví dụ như một người lớn lên trong sự nghèo khổ túng thiếu thường tìm cách giải quyết tâm lý ước ao được đầy đủ sung túc bằng cách phát triển một cá tánh tham lam và đầy tham vọng. Người khác lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm thường xuyên thay đổi tình nhân để tìm cho được tình thương mà mình mong muốn. Tóm lại, những nan đề của tín hữu từ các tính xấu, bất hoà, dễ xung đột với nhau, ăn ở bừa bãi, dơ dáy không ngăn nắp, không thắng nổi những ham muốn xấu xa, vv, đều bắt nguồn từ những tổn thương trong nội tâm chưa được chữa lành. Vì thế tiến trình thánh hoá luôn luôn trầy trật, không tiến lên nổi.

Con dân Chúa cần phải biết lường trước cái giá mình phải trả khi muốn được thánh hoá. Cái giá ấy sẽ là những sự nghiêm cấm khắt khe về tất cả những mối quan tâm thế tục của chúng ta và là sự trau giồi hết sức về tất cả những điều thánh thiện mà chúng ta mong đạt tới. Thánh hoá có nghĩa là hoàn toàn chú tâm vào quan điểm của Đức Chúa Trời; cũng có nghĩa là hết sức gìn giữ thân, hồn, linh của chúng ta cho mục đích của Chúa mà thôi. Cho nên, chúng ta phải lường trước cái giá phải trả, thái độ, lập trường và quyết định mà chúng ta phải có khi Chúa tách rời chúng ta ra khỏi tội lỗi và điều ác, để Ngài có thể thực hiện mọi điều Ngài muốn khi tách rời con dân Ngài khỏi thế giới lạc lầm cũ của họ. Đối với một số người tiến trình thánh hoá chưa diễn ra được, bởi vì họ chưa hiểu sự thánh hoá theo quan điểm của Chúa. Ấy là hiệp nhất với Đấng Christ để được điều khiển bởi cùng một bản chất đã điều khiển Ngài. Cái giá ấy là phải cổi bỏ hết những gì còn trong chúng ta không phù hợp với bản thể và ý muốn của Ngài.

Một lãnh vực rất quan trọng trong những điều cần phải được cổi bỏ ấy là những vết thương lòng cần phải được chữa lành. Bởi vì những vết thương lòng chưa được chữa lành ấy là động lực đẩy chúng ta tới các hành vi phạm tội. Phản ứng thường tình của các cộng đoàn dân Chúa đối với người có lỗi là lên án, tẩy chay, áp dụng các biện pháp kỷ luật, khuyên nhủ, khải đạo, học Kinh Thánh, vv. Các biện pháp ấy chẳng giúp gì được cho những người có các vết thương lòng chưa được chữa lành. Họ không cố ý phạm lỗi; nó chỉ là hậu quả, biểu hiện của nan đề tiềm ẩn dưới bề mặt. Không thể đòi hỏi sự thanh sạch đối với những tâm linh, tâm hồn còn bị nhiều thương tổn từ nhiều năm tích tụ. Nếu bị thúc bách, các anh chị em ấy sẽ bị đẩy tới mặc cảm tội lỗi và thất vọng. Biện pháp chữa trị phải là hướng dẫn những tấm lòng đau khổ đó gặp gỡ quyền năng chữa lành của Đức Chúa Trời, để họ có thể sống một đời thánh thiện.

Khi những nhu cầu và các ước muốn của những cá tính hình thành bởi nhiều tổn thương vẫn còn hoành hành trong lòng họ chưa được thoả mãn, người ta không có cách giải quyết nào khác hơn là bộc lộ bằng các phản ứng tội lỗi. Còn phương cách của Đức Thánh Linh là dùng ân điển của Đức Chúa Trời chữa lành hoàn toàn các tổn thương ấy. Khi những nhu cầu và ước muốn do các vết thương tạo nên cá tính không còn nữa, thì sự biến đổi đời sống, thay đổi tánh tình mới có thể diễn ra thật ổn định, vì những động lực thúc đẩy người ta phạm tội đã bị loại trừ. Sự xưng tội là một yếu tố không thể thiếu trong tiến trình thánh hoá. MS Carlos Mraida nói rằng: “Nó không phải là thời khắc mà cuối cùng chúng ta có thể làm thay đổi tâm trí của Đức Chúa Trời và thuyết phục Ngài tha tội cho chúng ta. Nhưng là, thời điểm mà tâm trí của chúng ta được thay đổi để có thể thấy rõ ràng nhu cầu của mình và chấp nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời.

Sự chữa lành là như thế. Khi chúng ta nhận thức rằng Đức Chúa Trời thánh khiết ghét tội lỗi nhưng yêu thương tội nhân, thì sự thánh khiết mà chúng ta đeo đuổi không phải chỉ là ghét tội lỗi nhưng còn phải biết yêu thương con người tội nhân trong chính mình. Chúng ta phải yêu thương mình đủ để tìm sự chữa lành cho quá khứ của mình, hầu cho không còn tái phạm những lỗi lầm, hoặc làm những điều tai hại cho chính mình. Thánh nhân của Đức Chúa Trời là những người đã thấy được chính họ là những tội nhân tồi tệ đang cần được chữa lành. Thử nghiệm về việc chúng ta có đời sống thánh khiết đến cỡ nào không căn cứ trên cảm nhận mình gần gũi Chúa được mức nào nhờ cách hành xử của mình, nhưng là mình có biết mình cần Ngài đến mức nào hay không.

Tất cả chúng ta đều đã bị tổn thương vào những thời điểm nào đó trong đời. Một số người bị tổn thương vì nỗi ao ước tình cảm, thể chất, hay vật chất không đạt được. Người khác thì bị trải qua những kinh nghiệm khổ đau, như là người thân yêu nhất qua đời, bị tai nạn, bị hiểm nguy, bị hãm hại, vv. Người khác nữa thì bị tổn thương qua các mối liên hệ với người khác như, bị lừa gạt lợi dụng, bị hạ nhục, hạ phẩm giá, hất hủi, oán hận, xung đột, tức giận, thù oán, vv. Nhưng tất cả chúng ta đều bị tổn thương do hậu quả của các tội lỗi chính mình gây ra, hoặc những quyết định sai lầm đưa đến các tổn thất đau đớn. Bốn nguồn chính tạo ra những vết thương trong lòng chúng ta cần phải được nhận diện và giải quyết. Các bài học tiếp theo sẽ giúp chúng ta phân tích để mỗi người tự thấy được nhu cầu của mình; rồi nhờ Đức Thánh Linh giải quyết rốt ráo.

VanDeTamLinh13.docx

Rev. Dr. CTB