Chúa Nhật, February 19, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 14


Chữa Lành Nội Tâm Để Sống Thánh Khiết (2)

1Têsalônica 5:23–24

Lý do chúng ta phải kinh nghiệm sự chữa lành của Chúa cho các vết thương lòng của mình trong quá khứ, là vì nếu không được chữa lành ngay bây giờ, thì bốn nguồn chính gây ra các vết thương lòng là những ước muốn không đạt được, những kinh nghiệm khổ đau, hệ quả các mối liên hệ với người khác, và các tội lỗi do bản chất tội lỗi của mình gây ra, sẽ biến thành những nguồn gây thất vọng trong hiện tại; rồi những nguồn gây thất vọng trong hiện tại sẽ hoá thành những nguồn gây ra tội lỗi trong tương lai. Khi chúng ta hiểu sự thánh hoá theo phương diện tách rời khỏi tội lỗi và điều ác, thì sự thánh hoá ấy có nghĩa là loại trừ những nguyên nhân gây ra những nỗi thất vọng hoặc tội lỗi. Vì vậy sự thánh hoá không phải chỉ là được thanh tẩy khỏi những ô uế của tội lỗi, mà còn là được tẩy sạch khỏi những nền tảng gây ra sự phạm tội.

Những vết thương lòng của chúng ta phải được dẫn tới chỗ đối diện với tình yêu dịu dàng và quyền năng vô song của Đức Chúa Trời để Ngài chữa lành chúng ta hoàn toàn. Sự chữa lành diễn ra khi chúng ta chấp nhận tình yêu vô điều kiện mà Chúa hiến cho chúng ta. Chúng ta phải lập quyết định chấp nhận Đấng ban tình yêu trước khi được ban cho tình yêu ấy. Tình yêu đó chính là sự tha thứ đầy nhân từ đối với các lỗi lầm của chúng ta. Vì khi chúng ta nhận thức được cái giá mà Đức Chúa Trời phải trả để bày tỏ tình yêu của Ngài cho những con người hoàn toàn không xứng đáng, thì lòng biết ơn Chúa sâu xa sẽ dẫn chúng ta đến sự ăn năn thật; quyền phép chữa lành bắt đầu thể hiện hiệu quả. Từ đó, sau khi được khoẻ mạnh, chúng ta sẵn sàng chấp nhận tha thứ những người đã gây đau khổ cho mình. Năng lực mới Chúa ban cũng sẽ giúp chúng ta dứt khoát với quá khứ, từ bỏ được những thói tật hư, và những ham muốn xấu cách dễ dàng.

Không có nghĩa là tiến trình nầy sẽ dẫn chúng ta tới sự thánh thiện vượt bậc ngay lập tức, vì việc ấy còn tuỳ thuộc vào lòng ao ước tự nguyện của mỗi người. Nhưng, sự chữa lành nội tâm sẽ giúp chúng ta được giải thoát khỏi những đồn luỹ vẫn thường xuyên ngăn trở không cho chúng ta đạt tới đời sống mà Chúa kêu gọi chúng ta đạt tới. Tức là những đồn luỹ trước đây vẫn xui khiến, thúc đẩy, ép buộc chúng ta sa vào tội lỗi, thì nay đã bị phá sập, không còn quyền lực. Thay vào đó là một ý chí tự do lập quyết định mình có muốn sống thánh khiết hay không. Sự chữa lành nội tâm và sự thánh hoá về phương diện tách rời chúng ta ra khỏi tội lỗi và điều ác là như vậy.

Phương diện khác của sự thánh hoá không phải là những điều ác và xưa cũ của quá khứ, mà là những gì thiện hảo và những gì đến trong tương lai. Đó là sự thánh hoá được biệt riêng ra làm điều thiện. Chúng ta được thánh hoá – tách rời khỏi điều ác – cũng được dành riêng ra để làm điều tốt lành nữa. Nếu thánh hoá chỉ là tách rời khỏi điều ác, thì chúng ta hoàn toàn tách rời khỏi trần gian, đi ngược lại ý muốn của Đức Chúa Trời là chúng ta phải làm muối và sự sáng cho thế giới tối tăm quanh mình (Mathiơ 5:13,14). Chúng ta được Chúa đặt ở lại thế gian để hoàn thành một sứ mạng. Ngài đã thánh hoá và biệt riêng chúng ta ra để thực hiện sứ mạng ấy.

Sự chữa lành các vết thương nội tâm trong tiến trình thánh hoá cũng nhằm phục vụ mục đích được biệt riêng ra nầy. Ví dụ thái độ khắt khe cứng rắn đối với tín hữu của vị mục sư là biểu hiện của một vết thương nội tâm xảy ra trong quá khứ mà chưa được chữa lành. Vị mục sư được Chúa dành riêng ra cho công việc thánh vụ. Nếu vết thương ấy chưa được chữa lành thì tín hữu trong Hội Thánh sẽ sợ hãi tính nghiêm khắc, thiếu vị tha của vị mục sư. Đương nhiên là họ sẽ từ từ rời Hội Thánh ấy để tới một chỗ mà họ được chân thành yêu thương và chăm sóc. Một người truyền giáo thật giỏi, lúc nhỏ bị cha mẹ coi thường, sau một thời gian thành công bỗng thấy thánh vụ có vẻ không còn sự xức dầu. Nguyên nhân là vị nầy mong được nổi tiếng, được người ta trọng vọng làm cho mình trở thành trung tâm sự chú ý, không còn dâng vinh quang cho Đức Chúa Trời.

Không phải chỉ có tín hữu mới cần sự chữa lành các thương tổn trong lòng. Bất cứ ai là con cái Chúa đều cần sự chữa lành của Ngài cho các vết thương lòng. Vì vậy, những sự hiểu biết nầy rất quan trọng đối với những công tác mà Chúa đã biệt riêng chúng ta ra để hoàn thành sứ mạng mở mang Vương-quốc của Ngài trên đất. Rất nhiều thương tổn chưa được chữa lành là nguyên nhân của vô số trục trặc cản trở Hội Thánh trở nên nguồn phước cho cộng đồng quanh mình. Sự chữa lành các vết thương nội tâm phải được giảng dạy, hiểu biết và thực hiện để giúp mỗi chúng ta tiến mạnh mẽ trên con đường thánh hoá. Sự giấu giếm không đem tới ích lợi gì hết. Mỗi người cần tự xét lòng mình để nhận ra các vết thương nào vẫn hoành hành, cản trở chúng ta tiến bước.

Sự chữa lành các vết thương nầy để được biệt riêng ra cho những việc tốt lành của Chúa đòi hỏi hai giai đoạn. Trước hết nó vẫn phải là được chữa lành bởi tình yêu và quyền năng của Chúa. Kế đến nó đòi hỏi một sự tiếp xúc với quyền phép của Đức Thánh Linh mà qua đó chúng ta nhận được sự xức dầu của Ngài. Không có một phương pháp hoặc công thức nào để đem áp dụng mà chúng ta có thể nhận được sự xức dầu. Sự xức dầu của Đức Thánh Linh có thể ví như sự đổ đầy dầu vô một bình chứa. Bình chứa ấy tượng trưng cho lòng chúng ta. Các vết thương là những lỗ lủng cần phải được bít lại để giữ cho dầu không bị chảy ra hết. Sự xức dầu chắc chắn sẽ đến cho những ai cầu xin bởi đức tin.

Tuy nhiên chúng ta cần phải hiểu mục đích và kết quả sự xức dầu của Đức Thánh Linh là để làm gì? Kinh Thánh chép: “Thánh Linh của Chúa ngự trên Ta, vì Ngài xức dầu cho Ta để truyền giảng Tin Lành cho người nghèo, sai Ta công bố giải phóng tù nhân, cho người mù được sáng, trả tự do cho người bị áp bức. Và tuyên cáo năm lành của Chúa” (Luca 4:18). Truyền giảng Tin Mừng cho người thân, bạn bè, người quen biết, tức là những người có tâm linh nghèo khổ, sống trong bóng tối tuyệt vọng, chưa thấy ánh sáng của ơn cứu độ, là nhiệm vụ đầu tiên; kế đến là giải thoát những người đang bị tội lỗi và quyền lực tối tăm cầm giữ; rồi chữa lành những thứ tật bệnh mù loà, tàn tật; tiếp theo là tranh đấu cho sự công bằng xã hội, giải thoát những kiếp người bị ép buộc làm nô lệ phục vụ kẻ ác, hoặc người có quyền thế; và cuối cùng là tuyên cáo năm lành của ơn cứu độ từ Chúa đã đến trên khắp thế gian cho loài người.

Nếu chúng ta theo Chúa, hay phục vụ Hội Thánh với các mục đích khác hẳn với những mục đích trên, hoặc không muốn làm những điều Chúa giao nhiệm vụ cho mình làm, thì chắc sự xức dầu sẽ không đến! Để những việc trên có thể xảy ra, chúng ta cần phải kinh nghiệm gặp gỡ Đức Thánh Linh theo cách mà Ngài có thể ngự trên chúng ta và xức dầu cho chúng ta. Nhưng để cho sự gặp gỡ đặc biệt ấy có thể diễn ra, thì điều vô cùng cần thiết là chúng ta phải được chữa lành các vết thương lòng trước đã. Đức Thánh Linh chưa thể tuôn đổ dầu của Ngài vào các bình còn quá nhiều lỗ thủng chưa được bịt lại. Có thể đoan chắc rằng dù cho những vết thương trong lòng chúng ta do những người khác gây ra, nhưng nguyên nhân chính vẫn do các phản ứng của mình, lúc chưa được Chúa hướng dẫn hay khi chưa biết Chúa, đã tạo ra các vết hương sâu đậm ấy.

Ăn năn lỗi lầm để được tha thứ, tha thứ cho những người phạm lỗi với mình, quyết định dứt khoát không còn vương vấn tới những kỷ niệm buồn, hoặc những khổ đau ấy nữa, chính là cách thức hiệu quả nhất để tình yêu dịu dàng và quyền phép vô biên của Đức Chúa Trời có thể bắt đầu công tác chữa lành những vết thương lòng lâu nay vẫn cản trở tiến trình thánh hoá của chúng ta. Chúng không gì khác hơn là các “gánh nặng và tội lỗi cản trở” (Hêbơrơ 12:1) mà chúng ta phải cất bỏ. Hãy cầu xin Chúa dò xét và chỉ ra cho chúng ta thấy những vết thương nào trong lòng chúng ta, dù tưởng đã ngủ yên mà hễ chạm đến vẫn còn tươm máu. Chúng phải được chữa lành để mỗi chúng ta có thể thực hiện những công tác thánh mà mình đã được biệt riêng ra để làm.

VanDeTamLinh14.docx

Rev. Dr. CTB

Bài soạn sau khi đọc “Inner Healing to Live in Freedom” của Dr. Carlos Mraida