Chúa Nhật, February 26th, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 15


Chữa Lành Nội Tâm Để Sống Thánh Khiết (3)

1Côrinhtô 1:2

Hai phương diện của sự thánh khiết đã nói đến là được tách rời khỏi tội lỗi, điều ác, và được biệt riêng ra để làm những việc thánh thiện. Hai phương diện nầy phải diễn ra trong đời sống của chúng ta để tiến trình thánh hoá có thể diễn ra. Nhưng nói đến tiến trình thánh hoá thì phải cần thời gian. Sự thánh khiết mà chúng ta được Chúa ban cho là một kinh nghiệm đặc biệt ở thời điểm chúng ta tin nhận Ngài. Nó là một kinh nghiệm khởi đầu của một loạt các kinh nghiệm tiếp theo trong suốt cuộc đời chúng ta. Kinh nghiệm được ban sự thánh khiết lúc khởi đầu có thể ví như cây bắt đầu nẩy mầm mọc lên. Trong tiến trình lớn lên để phát triển thành một cây trưởng thành, vững vàng, cây đó phải thêm nhiều cành lá mọc ra từ cái thân ban đầu. Kinh nghiệm thánh hoá của chúng ta từ biến cố tin Chúa lúc ban đầu, rồi dần dần trưởng thành cũng giống như vậy.

Điều đó có nghĩa là chúng ta đã được thánh hoá và đang được thánh hoá. Như lời chào thăm của Phaolô trong thư thứ nhất gửi cho Hội Thánh Côrinhtô, ông nói tín hữu là những người được “thánh hoá trong Đức Chúa Giêxu Christ, được kêu gọi làm thánh đồ.” Phaolô cho biết rằng khi họ tiếp nhận Chúa, thì họ đã được thánh hoá trong Đức Chúa Giêxu Christ – sự thánh hoá khởi đầu, kinh nghiệm đầu tiên về việc được thánh hoá. – Nhưng bây giờ họ được Đức Chúa Trời kêu gọi phải tiếp tục sống cách thánh khiết mỗi ngày.

Công tác Đức Thánh Linh thánh hoá chúng ta cũng phải có đủ hai phương diện về thời gian, để Ngài có thể hoàn thành công tác thánh hoá của Ngài trên đời sống chúng ta. Chưa từng trải về kinh nghiệm được thánh hoá buổi đầu tiên, thì không thể có tiến trình thánh hoá về sau trong đời. Sự thiếu hiểu biết, hoặc không được giải thích thấu đáo về điều nầy khiến cho rất nhiều tín hữu luôn bị trở ngại trên bước đường theo Chúa, vì họ không hiểu phải sống một đời sống thanh sạch là ra sao. Nhiều người tưởng rằng sự theo đạo là tham dự đủ các buổi nhóm họp của Hội Thánh. Chứ chưa biết rằng họ đã được thánh hoá lúc khởi đầu tin Chúa và được Đức Chúa Trời kêu gọi tiếp tục tiến trình thánh hoá. Thắc mắc nẩy ra là làm thế nào người phàm có thể đạt tới nếp sống thánh khiết như Đức Chúa Trời đòi hỏi được? Đó cũng là lý do không thể kinh nghiệm những sự kiện siêu nhiên của các dấu kỳ phép lạ xảy ra trong đời mình.

Nếu chúng ta quên mất, hoặc thiếu một trong hai phương diện về thời gian của sự thánh hoá, chúng ta sẽ không biết sự đầy đủ của công tác mà Đức Thánh Linh thực hiện trên mỗi tín đồ; nếu chỉ biết hoặc chấp nhận có một tiến trình thánh hoá nhưng đã quên mất hay chưa có kinh nghiệm đã được thánh hoá lúc mới tin Chúa – được tha hết mọi tội lỗi xưa cũ, được kể là vô tội, chúng ta sẽ thấy tiến trình nầy là quá khó khăn, vượt quá sức loài người; rồi không hiểu bằng cách nào mà phép lạ siêu nhiên về sự biến hoá tâm linh từ Chúa có thể xâm nhập đời sống của tín hữu. Vì thế, nếu chưa trải qua kinh nghiệm biết mình được tha tội –thánh hoá– lúc ban đầu, thì sẽ không diễn ra tiến trình thánh hoá liên tục trong đời. Mặt khác, nếu tín hữu không kinh nghiệm được quyền phép của Chúa hành động trên chính mình trong suốt tiến trình thánh hoá, thì hoặc là đã bị nghẹt ngòi ở đâu đó, hoặc là sự tăng trưởng diễn ra rất chậm.

Những kinh nghiệm vững chắc về sự gặp gỡ Đức Chúa Trời cách mạnh mẽ qua biến cố nhận ơn cứu độ, được tha tội, biết chắc mình đã được sinh lại trong tâm linh (nhờ cảm biết rất xấu hổ về con người cũ ghê tởm của mình, thật lòng ăn năn, muốn được đổi mới và biết tội lỗi mình đã được tha thứ); rồi nhận thấy quyền phép thánh hoá của Đức Thánh Linh đang hành động để biến đổi tất cả những gì thuộc bề trong của mình. Nếu ai đang được bước đi trên tiến trình thánh hoá, thì những sự gặp gỡ đầy quyền năng với Chúa chắc chắn phải diễn ra; qua những lời khuyên lơn, dạy dỗ, cáo trách, an ủi, chỉ dẫn, vv., của Đức Thánh Linh. Ngài cứ tiếp tục làm như vậy để thúc đẩy và đưa chúng ta tiến bước trong đời sống thánh khiết. Ngài cũng thúc đẩy chúng ta tiến thêm lên trong việc tách rời khỏi tội lỗi, điều ác và những việc nào mà sự tham dự của chúng ta có cơ nguy bị ma quỷ dẫn dụ phạm tội mà mình không biết. Rồi Ngài tiếp tục biệt riêng chúng ta ra để làm những việc lành, thánh thiện. Một số kinh nghiệm vững chắc về sự gặp gỡ đầy quyền phép để dẫn chúng ta tới đời sống thánh khiết hơn, chính là những kinh nghiệm để các vết thương lòng được chữa lành.

Cũng giống như sự thánh khiết trong tiến trình được thánh hoá, sự chữa lành các vết thương lòng cũng biểu hiện như các kinh nghiệm vững chắc và cũng là một tiến trình cần có đủ thời gian để hoàn thành. Thông thường thì các vết thương thể chất cần có thời gian để cơ thể sinh sản đủ tế bào cần thiết làm lành vết thương. Cũng thông thường như vậy, một số vết thương lòng cần phải trải qua một tiến trình để được chữa lành. Không phải vì quyền phép Chúa không thể chữa lành tức khắc, nhưng vì những gốc rễ, tức là nguyên nhân gây ra sự tổn thương cần phải được nhổ tận gốc, không còn dấu vết gì nữa. Khác với những vết thương lòng đã được thời gian làm dịu đi, bị quên lãng, và tưởng rằng đã lành lặn rồi; bất chợt bị khơi lại vì những gốc rễ cũ vẫn còn nằm im chờ cơ hội phát tác trở lại; những vết thương lòng đã lâu đời của chúng ta phải được Đức Thánh Linh nhổ hết những gốc rễ là nguyên nhân gây tai hoạ, trước khi có thể được chữa lành.

Cũng có nhiều lần, giống như các tật bệnh thể chất được chữa lành ngay tức khắc qua sự cầu nguyện chữa bệnh của Hội Thánh, những vết thương lòng từ ký ức, các vết thương do những lời xúc phạm, mạt sát từ người thân hay bạn hữu, hàng xóm, hay tâm trí bị khủng hoảng vì bị chứng kiến tận mắt những hình ảnh quá khủng khiếp từ các tai nạn hoặc tai hoạ, đều có thể được quyền phép của Chúa chữa lành ngay lập tức qua sự cầu nguyện của Hội Thánh. Người nào được chữa lành trong các trường hợp như vậy thường có một cảm nhận rất rõ ràng như một gánh nặng được rũ bỏ khỏi vai, cộng với một niềm hân hoan khó tả. Điều đó gọi là kinh nghiệm sự chữa lành vết thương lòng do quyền năng của Đức Chúa Trời thể hiện. Người nhận được kinh nghiệm như thế có thể xác quyết: “Tôi đã được chữa lành.”

Tuy nhiên, người chưa có mối liên hệ tương giao thân mật, thường xuyên với Chúa, rất khó nhận được sự chữa lành qua sự cầu nguyện. Bởi vì sự chữa lành vết thương nội tâm không giống như sự chữa lành tật bệnh của thân thể. Nó liên quan đến tiến trình thánh hoá, là vấn đề đòi hỏi phải có mối liên hệ tương giao với Chúa qua công tác hiệp thông của Đức Thánh Linh, đồng thời mục đích của sự chữa lành các vết thương lòng là nhằm tạo điều kiện tăng trưởng thuận lợi trong tiến trình thánh hoá. Chúng ta phải nhất quyết thiết lập mối tương giao ấy qua thì giờ dành riêng trò chuyện với Chúa mỗi ngày. Không sự trò chuyện tâm sự nào không tạo tình thân. Biện pháp tốt nhất để các vết thương trong lòng chúng ta được chữa lành, là dành thời gian tương giao với Chúa. Ngài biết hết mọi nỗi lòng chúng ta, và Ngài sẽ đưa chúng ta lên những trình độ cao hơn bằng cách soi rọi cho chúng ta thấy những vấn đề mới hơn, lâu nay vẫn kín giấu, cần phải được Ngài chữa lành.

Có người được chữa lành lập tức lúc được khải thị. Người khác thì cần phải đi qua tiến trình của thánh vụ chữa lành lâu dài hơn. Sự chữa lành bề trong và sự thánh hoá như các kinh nghiệm phải tiếp diễn trong tiến trình thánh hoá của chúng ta. Nếu nó chỉ là một kinh nghiệm ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, thì những lãnh vực khác trong đời sống chưa được chữa lành, sẽ trở thành nguyên nhân gây thất vọng và phạm tội, cản trở bước đường tiến tới sự thánh khiết vĩ đại hơn. Nếu Đức Chúa Trời đã đòi hỏi chúng ta phải được thánh hoá trọn vẹn, thì sự chữa lành các vết thương lòng cũng phải là trọn vẹn, không chừa lại một lãnh vực nào chưa được chữa lành. Chúng ta cần kinh nghiệm sự chữa lành về phương diện thời gian cũng như sự thánh hoá vậy.

VanDeTamLinh15.docx

Rev. Dr. CTB