Chúa Nhật, March 18th, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 18


Hiểu Biết Linh Giới (bài nhập môn 2)

Êphêsô 6:12

Cõi linh hay linh giới và cõi vật chất đều do Đức Chúa Trời làm nên. Nếu Chúa có mục đích nhất định khi Ngài thành lập cõi trần thế thì Ngài cũng có mục đích nhất định trong việc thiết lập linh giới, nhất là cho phép thế giới tối tăm hoạt động chống lại các công việc tốt đẹp mà Ngài đã thực hiện cho vũ trụ và thế gian trên địa cầu. Một số ý kiến cho rằng có hai loại linh thuộc thế giới tối tăm. Loại một là các tà thần, tà linh, ác linh có nguồn gốc thiên sứ. Loại hai là quỷ và uế linh có nguồn gốc khác. Để biết nhận định đó có đúng hay không, chúng ta chỉ có thể căn cứ trên rất ít chi tiết mà Kinh Thánh cho biết về thế giới ấy. Từ đó tìm hiểu về chúng qua các hoạt động của chúng có liên quan đến loài người và thế giới vật chất của chúng ta. Kinh Thánh Cựu Ước hầu như chỉ đề cập tới Satan và một số tên gọi của các thứ quỷ, thần, mà thế giới ngoại giáo tôn thờ, nhưng không tường thuật gì mấy về các ảnh hưởng của chúng tác động trên loài người.

Các sách Phúc Âm và Công Vụ Các Sứ Đồ trong Tân Ước thì ký thuật về những lần các thứ quỷ bị đuổi ra khỏi người bị chúng nhập vào. Sứ đồ Phaolô đưa ra một số hướng dẫn rất đặc biệt về việc tín hữu phải chiến đấu chống lại các đẳng cấp trong thế giới tà thần, tà linh, là những thủ hạ của satan, kẻ đang cầm quyền chốn không trung. Sau nầy, các bài nghiên cứu của chúng ta sẽ đi sâu vào các chi tiết và chỉ dẫn cần thiết. Sự phiên dịch các từ ngữ Hy-lạp sang các ngôn ngữ khác về các quỷ theo sự hiểu biết chủ quan về quỷ của ngôn ngữ đó thường là thiếu chính xác. Hai chữ daimondainonion trong tiếng Hy-lạp đều được dịch ra tiếng Anh là demon hoặc quỷ trong tiếng Việt. Nhóm thứ nhì bị gọi là uế linh, và nhóm thứ ba bị gọi là tà linh hay tà thần. Tuy thế, chưa ai thật sự biết cách chính xác về nguồn gốc và sự khác nhau của bọn nầy. Hãy tạm gọi chung những loại đó là các quỷ.

Có ba giả thuyết về nguồn gốc của các quỷ: 1) Do Đức Chúa Trời dựng nên. 2) Là các thiên sứ sa ngã với satan lúc khởi đầu cuộc sáng tạo vũ trụ. 3) Là những linh của “người Nêphilim” đã bị tiêu diệt trong cơn đại hồng thuỷ. Thuyết thứ ba tin rằng linh của giống người Nêphilim không phải là linh của loài người vì họ là con của các thiên sứ bỏ chỗ nguyên thuỷ của mình (Giuđe 6) đi cưới những cô gái đẹp của loài người làm vợ, sinh ra giống người khổng lồ (Sáng Thế 6:2, 4) gọi là người Nêphilim. Cả nhân loại đã bị tiêu diệt vì chỉ còn một mình Nô-Ê là thuần chủng (Sáng Thế 6:8–9). Vì những linh của giống người Nêphilim thừa hưởng một số quyền lực siêu nhiên bị giới hạn của các thiên sứ là cha của họ, rồi vì họ cũng sẽ bị trừng phạt, nên họ trở thành các thứ quỷ có một số quyền lực siêu nhiên, chống nghịch loài người và Vương quốc của Đức Chúa Trời.

Dù nguồn gốc của chúng từ đâu ra, thì các loại quỷ, uế linh, tà linh đều nằm dưới quyền điều khiển và chỉ huy tối cao của satan, vua của thế giới tối tăm. Những công việc và thủ đoạn của các quỷ dưới quyền satan là cám dỗ loài người phạm tội, lừa dối họ vào các lý thuyết sai lầm, chống nghịch Đấng Tạo Hoá, hãm hại loài người bằng các tai hoạ, gây ra chiến tranh. Ngăn trở công tác truyền giáo của con dân Chúa, ngăn chặn sự mở mang – tăng trưởng của Hội Thánh. Loạt nghiên cứu nầy chỉ chú trọng vào phương diện tranh chấp giữa thế giới tối tăm với Hội-Thánh của Đức Chúa Trời, có liên quan trực tiếp đến đời sống tâm linh và nếp sống hàng ngày của con dân Chúa nên chỉ tập trung nghiên cứu những gì có liên quan đến công tác mở mang nước Chúa của Hội-Thánh, cũng như các hoạt động của thế giới ma quỷ chống phá Hội-Thánh và đời sống tín hữu.

Vì linh hồn người ta là đối tượng và mục tiêu giành giật của thế giới tối tăm, nên những hoạt động của chúng tập trung nơi nào có loài người sinh sống. Càng đông người chừng nào, số lượng quỷ càng nhiều chừng nấy. Ngược lại, nhiệm vụ của Hội Thánh Đức Chúa Trời là cố hết sức giải thoát những linh hồn nào còn đang bị các ác linh, uế linh trói buộc, giới thiệu họ vào hạnh phúc tuyệt vời của Tin Mừng, và giúp họ lập quyết định tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời dành sẵn miễn phí cho mọi người. Vì Hội Thánh là mối đe doạ và là đối tượng cực kỳ nguy hiểm cho thế giới tối tăm, nên các thứ tà linh, ác linh, uế linh tập trung mọi nỗ lực để phá hoại và làm cho Hội-Thánh phạm tội, không còn hiệu năng và mất uy quyền chống lại chúng.

Vì thế giới tối tăm có tổ chức hẳn hoi, nên chúng sắp xếp theo nhiều đẳng cấp từ cao xuống thấp để cai trị và điều hành những kế hoạch của chúng. Êphêsô 6:12 liệt kê các đẳng cấp tà thần cao cấp gồm có: Chủ quyền, phó quyền, quyền lực của thế giới tối tăm, tà linh gian ác ở các miền trên trời. Qua những đẳng cấp nầy, chúng ta có thể thấy để thực hành nhiệm vụ, thế giới tối tăm phải phân chia vùng hoặc khu vực trách nhiệm, bởi vì chúng không thể có mặt ở nhiều nơi cùng một lúc. Theo những ký thuật của đoạn 19 sách Công Vụ Các Sứ Đồ thì công tác truyền giáo, giảng dạy và đào tạo nhân sự của sứ đồ Phaolô tại Êphêsô đã chạm trán các quyền lực tối tăm trong linh giới ở ba đẳng cấp khác nhau: Trước hết là các quỷ, uế linh cấp thấp, loại nhập ám người, gây bệnh tật (c.12); thứ nhì là cấp tà thuật (c.19); và thứ ba là cấp chiến lược, đánh bại con quỷ nữ vương trên trời, tên là Artemi (Diana), tà thần được tôn kính khắp vùng Nam Âu và Tiểu Á. Đoạn Kinh Thánh trên cho thấy kiến trúc điển hình về quyền lực của thế giới tối tăm. Có thể chúng thay hình đổi dạng, đội lốt nầy nọ, nhưng cách kiến trúc tổ chức của chúng đều mang nguyên tắc trên. Đặc điểm: hễ một trong ba cấp bị đánh sập thì cả kiến trúc sụp đổ theo (c.27).

Căn cứ vào khuôn mẫu trên, chúng ta tin rằng cơ cấu tổ chức hoạt động của thế giới tà linh ở các nơi khác cũng giống như vậy. Hãy xem xét thực tế trong xã hội chúng ta đang sống để thấy cách tổ chức của ma quỷ. Ví dụ, mối liên hệ khắn khít giữa tín đồ và tăng lữ của Tam giáo đồng nguyên Khổng, Lão, Phật, với đủ loại đồng cốt, bói toán, tà thuật. Những người bị quỷ ám trong các gia đình theo đạo Cao đài. Tín đồ Phật giáo Hòa hảo thờ cúng các thứ quỷ: bà chúa xứ Châu-đốc, thầy pháp ma thuật vùng Thất-sơn. Vô số tín đồ Công giáo La mã mê tín với tử vi bói toán, bài bạc, nhậu nhẹt, gian lận, và quý chuộng hình ảnh con rồng, vv. Nghĩa là họ đều có liên hệ với các quỷ cấp thấp, các quỷ cấp tà đạo, và đều thờ cúng các tà thần ở cấp chiến lược.

Một vấn đề có sự bất đồng ý kiến giữa nhiều nhà thần học là: ‘có hay không có linh khu vực, linh lãnh thổ hay tà thần khu vực?’ Chữ ‘Bene-Elohim’ trong sách Phục-Truyền 32:8 có nghĩa là các ‘Con trai của Đức Chúa Trời’ cũng có nghĩa là thiên sứ. “Khi Đấng Chí Cao phân chia lãnh thổ cho các dân, khi Ngài phân tán dòng dõi A-đam, Ngài định bờ cõi của các dân, căn cứ trên số bene-Elohim.” Các bản dịch tiếng Việt và Anh dịch là ‘căn cứ trên số dân Israel.’ Nếu đúng như các bản dịch thì hoàn toàn vô lý, không áp dụng được. Vì khi Đức Chúa Trời làm điều nầy, thì dân Israel chưa thành hình; và cho đến nay, điều đó vẫn chưa xảy ra. Chi tiết nầy hé lộ một điều quan trọng là các ‘bene-Elohim,’ tức là các ‘thiên sứ ác’ được phân chia lãnh thổ để cai trị. Nhưng ranh giới của khu vực hay lãnh thổ nói trên có ý nghĩa thật là gì?

Ranh giới địa dư được lập ra bởi giới cầm quyền hành chánh thì thay đổi luôn theo sự thay đổi thời cuộc và quyền lực chính trị. Cho nên, ý nghĩa của chữ lãnh thổ ở trên không thể là ranh giới địa dư. Nếu chúng ta hiểu lòng người là đối tượng Đức Chúa Trời quan tâm, và Ngài xem xét các kết quả do lòng người sinh ra, hoặc các mục tiêu tình cảm mà họ hướng đến. Thì đối với các thành phố, đất nước và cộng đồng hay nhóm người, Đức Chúa Trời cũng xem xét theo cách ấy. Ngài không quan tâm bao nhiêu tới bề ngoài (Thi-thiên 51:6a; 1Samuên 15:22). Ý định của tập thể, lề lối hành xử chung của một cộng đồng là điều Chúa chú ý. Cho nên ranh giới cộng đồng là sự lựa chọn về đạo đức và các lề thói hành xử của cộng đồng đó. Nghĩa là cộng đồng ấy tôn thờ cái gì mới là điều đáng kể (Êxêchiên. 7:27b). Lẽ đương nhiên thế giới tối tăm là thế lực vô hình thúc đẩy những sự lựa chọn về đạo đức và lề thói hành xử của một cộng đồng. Chúng dùng quyền lực để duy trì và làm cho những lề thói xấu trở thành sự ưa thích chung, trở thành dư luận áp đảo để loại trừ những ai bênh vực đạo đức thánh thiện không thuận theo tội lỗi.

VanDeTamLinh18.docx

Rev. Dr. CTB