1 Samuel, bài 09

1Samuel 8:1–22

Sách 1Samuel không cung cấp một niên hiệu nào để người đọc có thể biết được tuổi tác trong các giai đoạn của đời sống Samuel. Nhiều học giả Kinh Thánh đoán rằng Đức Chúa Trời hiện ra với Samuel vào ban đêm trong Đền Tạm khi ông được khoảng 12 tuổi. Họ cũng đoán lúc Shiloh bị tàn phá thì có lẽ Samuel đã hơn 20 tuổi nhưng dưới 30 (3:19). Ngày Samuel cầu khẩn Chúa đánh bại quân Philistine và chấm dứt ách cai trị 40 năm của họ trên Israel, thì có lẽ ông đã được gần 50 tuổi. Vì đã hơn 20 năm trôi qua kể từ khi Rương Giao Ước đặt ở nhà của Abinadab tại Kirjathjearim (7:2). Người ta cũng đoán rằng ông làm thẩm phán xét xử dân Israel khoảng 20 năm sau khi người Philistine bị đại bại tại Ebenezer. Bây giờ, ông đã lớn tuổi nên lập các con làm thẩm phán (1).

Nhưng các con ông lại không thanh liêm như ông, họ ăn hối lộ (2–3). Có lẽ vì ông liêm khiết quá không có nhiều của cải cho các con, họ lớn lên trong cảnh thanh bần nên nhận hối lộ, làm sai lệch công lý. Sở dĩ họ tham nhũng được vì xét xử ở Beersheba xa hẳn Ramah, nơi ông Samuel ở. Sau một thời gian dài kính trọng Samuel, dân Israel muốn bắt chước các dân tộc chung quanh theo chế độ vương quyền. Thời kỳ nầy là một bước ngoặt quan trọng của lịch sử dân tộc Israel (4–5).

Samuel thấy rõ dân Israel không còn kính trọng ông nữa; tuy vậy, điều khiến ông buồn là họ không cần Đức Chúa Trời (6). Khi ông cầu khẩn Đức Giê-hô-va về việc đó, thì câu trả lời của Ngài giúp Samuel biết rõ động lực thúc đẩy dân Israel đòi phải có một vua giống như các nước chung quanh họ: “Hãy lắng nghe mọi lời của dân chúng nói với con, vì không phải họ từ khước con đâu, mà từ khước Ta, để Ta không còn làm Vua của họ nữa” (7). Đức Chúa Trời biết rõ những suy nghĩ của lòng người. Bởi vì tâm lý của con người là bắt chước điều gì có vẻ mới và văn minh hơn điều họ đang có mà có vẻ lỗi thời. Người thời nay cũng vậy, họ không biết có Chúa là tốt nhất.

Chúa nhắc ông Samuel hãy quan sát quá khứ của dân Israel: “Theo như cách họ vẫn đối xử với Ta từ khi Ta đem họ ra khỏi Ai Cập cho đến ngày nay: Họ đã chối bỏ Ta để phục vụ các thần khác, nay họ cũng đối xử với con như thế!(8). Mặc dù Đức Chúa Trời bảo ông Samuel hãy nghe theo đòi hỏi của dân Israel, nhưng ông vẫn có bổn phận phải nghiêm khắc cảnh cáo để họ biết các vua trần gian cai trị họ khác với cách cai trị của Đức Chúa Trời là ra sao (9). Sở dĩ Đức Chúa Trời muốn họ biết đòi hỏi của họ là sai trật, bởi vì đang được tự do không phải cống nạp sức người, con cái xinh tốt nhất, súc vật hoàn mỹ nhất cho ai cả. Nhưng có vua thì các thứ đó thuộc về vua.

Samuel phân tích cho dân Israel thấy những điều bất lợi cho họ khi có một vua cai trị. Họ phải đưa con trai mình cho vua sử dụng trong đủ thứ công việc; từ công việc của quân đội tới việc đồng áng và chế tạo vũ khí (10–12); họ phải cống nạp con gái mình làm việc nhà bếp, nghề pha chế nước hoa. Con gái đẹp thì bị bắt làm cung phi vĩnh viễn ở trong cung, suốt đời không được phép lấy chồng. Họ sẽ bị tịch thu đồng ruộng, vườn nho, vườn cây olive tốt nhất của họ để vua cấp cho quần thần của vua. Bao nhiêu nam nữ nô lệ ưu tú nhất của họ cũng sẽ bị bắt vào phục vụ cho triều đình của vua. Họ sẽ không được trả tiền bồi thường gì hết, vì vua có quyền chiếm hữu (13–16).

Ngoài một phần mười sản vật phải nộp cho người Lêvi và Đền Thờ, dân Israel còn bị nhà vua đánh thuế một phần mười trên bầy chiên của họ nữa. Vì làm như vậy thì triều đình của vua mới có đủ tiền bạc để tiêu pha cho đủ thứ nhu cầu không có giới hạn của vương quyền. Tới khi dân Israel hối hận thì đã quá muộn, do chính họ đã đòi hỏi như vậy và dù có cầu khẩn Đức Chúa Trời để xin Ngài thay đổi, thì cũng sẽ vô ích vì Chúa sẽ không nghe hoặc đáp lời họ khẩn cầu (17–18).

Những người chưa bao giờ bị chế độ độc tài cai trị thì không hiểu việc ở dưới ách cai trị khắt khe đó là đau đớn khổ cực như thế nào. Dân Israel thời đó đã được ở đất hứa hơn ba trăm năm, và chưa từng bị một vua Israel nào cai trị. Dù họ có bị dân Philistine đè nén một thời gian, nhưng họ vẫn có tự do, không bị gánh một cái ách cống nạp đủ thứ tốt nhất của mình. Họ nhìn các dân tộc chung quanh và thèm thuồng chế độ vương quyền của các dân tộc ấy. Họ chỉ thấy bề ngoài, không hiểu rằng để duy trì chế độ vương quyền, họ phải bị hi sinh rất nhiều quyền lợi thiết thân nhất.

Dân Israel thời đó chưa biết ước ao của họ được sống làm nô lệ vương quyền sẽ khiến xã hội họ thay đổi sâu sắc như thế nào. Người ta không hiểu rằng nếu được sống dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời, thì tương lai đời sau của họ là sẽ được ở trong Vương quốc vĩnh cửu của Ngài. Vì thế, họ đã từ bỏ niềm hi vọng vinh quang, ôm lấy một hi vọng hão huyền được giống như các dân tộc hư vong chung quanh. Đức Chúa Trời cho phép điều đó xảy ra, vì dân Israel đã được thử nghiệm suốt mấy trăm năm, và đã chứng tỏ họ không xứng đáng được hưởng vinh quang của Chúa.

Ứng dụng vào đời sống đức tin của một số tín hữu ngày nay luôn mơ tưởng được nổi tiếng, có tiền bạc và địa vị xã hội. Để được như vậy, họ phải để chúa quỷ làm chủ đời sống và điều khiển họ theo ý của hắn. Một số người say mê chạy theo ước mơ đó một thời gian, tới khi tỉnh ngộ thấy đời họ khổ biết bao; lúc ấy, họ ước ao phải chi đừng bị dính bẫy của kẻ thù linh hồn mình. Chính trong những tháng vừa qua ở nước Mỹ, chúng ta là những người chạy trốn chủ nghĩa cộng sản vì biết nó xấu xa như thế nào; trong khi đó, giới trẻ Tây phương chưa từng nếm mùi chủ nghĩa xã hội sai trật như thế nào thì lớn tiếng hô hào một cách dại dột đòi phải theo xã hội chủ nghĩa.

Sau khi ông Samuel đã trình bày cho dân Israel biết những điều tai hại và bất lợi của đời sống dưới chế độ vương quyền nô lệ, “dân chúng từ chối nghe theo lời của Samuel, và họ nói: ‘Không! Dù sao chúng tôi cũng phải có một vua. Chúng tôi cũng giống như tất cả các nước khác; vua của chúng tôi sẽ cai trị chúng tôi, sẽ đi ra dẫn đầu chúng tôi và chiến đấu cho chúng tôi’” (19–20). Hãy để ý câu nói: “Chúng tôi cũng giống như tất cả các nước khác,” tức là giống như các nước không thờ kính Đức Chúa Trời. Họ đang có Chúa, được Ngài bảo vệ, hướng dẫn, nhưng bây giờ họ không cần Ngài nữa; vì họ muốn giống các dân tộc khác từ bỏ quyền cai trị của Ngài.

Ông Samuel trình lên Chúa những gì dân Israel đã đòi hỏi. Chúa bảo ông: “Hãy nghe theo lời của họ và lập cho họ một vua” (21–22). Samuel bèn bảo họ ai nấy hãy trở về nhà của mình chờ ông thực hiện điều mà họ yêu cầu. Họ vâng lời trở về nhà, vì biết rằng ông Samuel phải lập một sự lựa chọn cẩn thận. Không thể nào Samuel chọn đại một người rồi lập lên làm vua. Ông biết Đức Chúa Trời đã có chương trình của Ngài. Ông đã kinh nghiệm về Chúa, đã biết sự thành tín của Ngài. Đồng thời, ông vẫn thường xuyên trò chuyện với Chúa và nghe rõ tiếng Ngài phán với ông.

Bài học ở phần nầy là trong các quyết định hệ trọng, nếu ai đã nếm biết sự thành tín của Chúa thì hãy trao phó hết mọi việc cho Ngài. Vì Ngài là Đấng lập quyết định cho mọi việc trong đời sống chúng ta. Nhưng nếu ai không hiểu điều ấy mà muốn ở ngoài sự chăn dắt của Chúa, thì đó là sự ước ao hoặc quyết định tai hại biết bao!

1Samuel09.docx

Rev. Dr. CTB