1Samuel, bài 08

1Samuel 7:3–17

Sau khi bị quân Philistine đánh bại ở Aphek và Rương Giao Ước của Đức Chúa Trời bị chúng cướp được đem về Ashdod (5:1), quân Israel đại bại chạy trốn ai về nhà nấy. Theo lịch sử truyền khẩu thì sau đó quân Philistine kéo đến Shiloh triệt hạ Đền Thờ Tạm, tức là chiếc lều được chế tác khoảng bốn trăm năm trước. Cho nên, sau bảy tháng Rương Giao Ước gieo rắc kinh hoàng khắp lãnh thổ Philistine, khiến họ phải líu ríu trả lại cho Israel, thì không có chỗ chính thức nào để đặt Rương ấy cả. Vì lúc người ở Kirjathjearim xuống Beth-Shemesh để thỉnh Rương Giao Ước về, họ phải gửi Rương trong nhà của Abinadab, có Eleazar, con trai Abinadab, trông coi (7:1).

Kinh Thánh không nói trong thời gian hai mươi năm Rương Giao Ước được đặt trong nhà của Abinadab thì Samuel ở đâu. Sau khi hai con trai của thầy tế lễ Eli đều tử trận, và Eli nghe tin dữ té gãy cổ chết, rồi quân Philistine đến Shiloh phá hủy Đền Tạm, thì có lẽ Samuel về nhà ở Ramah sinh sống với gia đình cha mẹ ông; vì lúc ấy Samuel vẫn còn là một cậu bé khoảng mười hai hay mười ba tuổi. Sau khi rời khỏi Shiloh, Samuel sống trọn đời còn lại ở Ramah. Hai mươi năm trôi qua dưới ách cai trị hà khắc của người Philistine, Samuel lớn lên và được toàn dân Israel tôn trọng, nên ông được họ cử làm thẩm phán xét xử những chuyện tranh tụng giữa họ với nhau.

Khi Samuel nghe dân Israel than khóc và tìm kiếm Đức Giê-hô-va, thì ông gọi họ đến nói rằng “Nếu anh em hết lòng trở lại với Đức Giê-hô-va, thì hãy loại bỏ khỏi anh em những thần lạ và tượng nữ thần Astarte. Hãy hướng lòng về Đức Giê-hô-va và chỉ phụng sự một mình Ngài mà thôi, thì Ngài sẽ giải cứu anh em khỏi tay người Philistine(3). Những thần lạ tức là ba thứ thần Baal, gồm có Baal-Peor, Baal-Berith và Baal Zebub, được đúc thành nhiều thứ tượng khác nhau, mà người Canaan và dân Philistine vẫn thờ cúng. Nữ thần Astarte còn có tên là Istar hay Asherah, là nữ thần mà người Canaan và Philistines thờ cúng. Ảnh hưởng của sự thờ cúng ấy trên dân Israel rất sâu đậm. Mặc dù họ thờ Đức Chúa Trời chỗ chung, nhưng thờ các thần lạ ở nhà.

Ngày nay, đời sống riêng tư của nhiều tín đồ trong Hội Thánh của Chúa không khác gì Israel thời xưa. Chúa nhật tới nhà thờ để nghe giảng và thờ phượng Chúa. Nhưng sau khi ra khỏi nhà thờ thì đời sống riêng vẫn còn đầy các thứ thần lạ, tức là những điều thuộc trần gian mà họ quý trọng nhưng bị Chúa nhờm tởm. Có thể nói rằng những người nầy tệ hơn dân Israel thời xưa, vì họ được nghe giảng dạy lời Chúa mỗi tuần, có Kinh Thánh để đọc và suy gẫm hàng ngày, còn lúc ấy dân Israel không có Kinh Thánh để đọc; vài chục năm họ mới được nghe luật pháp một lần, mỗi năm chỉ có vài cơ hội tới Đền Thờ Tạm để thờ phượng, mà chưa chắc được nghe giảng dạy lời Chúa.

Samuel hứa với dân Israel rằng nếu họ chỉ phụng sự Đức Chúa Trời mà thôi, thì Ngài sẽ giải cứu họ khỏi tay người Philistine. Lúc ấy, dân Israel mong muốn được giải thoát khỏi ách cai trị của người Philistine càng sớm càng tốt nên vâng lời Samuel (4). Khi tình thế đã thuận lợi, Samuel bảo người Israel: “Hãy tập hợp toàn thể Israel tại Mizpah, tôi sẽ cầu nguyện với Đức Giê-hô-va cho anh em(5). Kinh Thánh chép: “Vậy, họ tập hợp tại Mizpah, múc nước đổ ra dâng lên Đức Giê-hô-va. Trong ngày đó, họ kiêng ăn, và tại đó họ xưng nhận rằng: Chúng tôi đã phạm tội với Đức Giê-hô-va. Samuel xét xử dân Israel tại Mizpah(6).

Sự ăn năn từ bỏ tâm tánh thờ thần tượng phải biểu lộ ra bằng hành động của toàn dân. Họ múc nước đổ ra dâng lên Đức Giê-hô-va, kiêng ăn và xưng tội. Đây là chỗ duy nhất trong Kinh Thánh Cựu Ước mô tả việc múc nước đổ ra để xưng tội. Có lẽ hình ảnh nước đổ ra trên đất là biểu tượng lòng họ tan nát ăn năn thống hối trước mặt Đức Chúa Trời giống như nước đổ ra. Đồng thời, nước cũng dùng để tẩy sạch, là biểu tượng của dân Israel tình nguyện được tẩy sạch mọi thứ ô uế của xác thịt và tâm linh. Tại đó, Samuel vạch tội thờ tà thần của người Israel để họ biết rõ họ đã phạm tội như thế nào. Xét xử tức là nhắc lại luật pháp và điều răn của Đức Chúa Trời mà họ đã phạm.

Các lãnh chúa Philistine nghe báo tin dân Israel tập hợp tại Mizpah, thì nghĩ rằng Israel đang tụ tập quân đội chống lại sự cai trị của họ; cho nên, chúng kéo quân lên đánh dẹp. Dân Israel thấy quân thù kéo tới thì kinh hãi, vì hơn hai mươi năm trước họ đã đại bại trước sức chiến đấu dũng mãnh của quân Philistine, và tâm lý bị cai trị hơn hai mươi năm qua khiến họ bị khiếp đảm trước những kẻ cai trị mình. Vì vậy, Samuel là người duy nhất mà họ nương cậy vào lúc nầy, vì ông mới vừa đại diện Đức Chúa Trời lên án họ (7–8). Họ nói “Xin ông không ngừng kêu cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho chúng tôi, để Ngài giải cứu chúng ta khỏi tay người Philistine” (8).

Hãy tưởng tượng tình cảnh của Samuel lúc bấy giờ. Ông sợ hãi hay ông vững tin vào quyền phép của Chúa? Mặc dù không còn được phục vụ Chúa ở Đền Tạm suốt hai mươi năm, chắc chắn Samuel vẫn còn nhớ nhiều lần Chúa đã hiện ra chỉ dẫn và dạy dỗ ông. Bởi vì ngoài Môise ra, chưa một ai khác được diễm phúc như Samuel; vì “Đức Giê-hô-va tiếp tục hiện ra tại Shiloh; vì tại đó, Đức Giê-hô-va mặc khải cho Samuel qua lời của Ngài” (3:21). Bây giờ, ông đặt lòng tin cậy Chúa, Đấng đã hiện ra với ông, “Samuel bắt một con chiên còn bú làm tế lễ toàn thiêu dâng lên Đức Giê-hô-va. Sau đó, Samuel cầu khẩn Đức Giê-hô-va cho Israel, và Đức Giê-hô-va nhậm lời ông” (9).

Trong lúc Samuel dâng tế lễ thiêu, người Philistine kéo đến gần để giao chiến với Israel. Nhưng trong ngày đó, Đức Giê-hô-va khiến sấm sét nổ vang trên người Philistine, làm cho chúng hỗn loạn, và chúng bị đánh bại trước mặt người Israel. Từ Mizpah, người Israel đi ra đuổi theo người Philistine, và đánh chúng cho đến phía dưới Bethcar” (10–11). Từ chỗ kinh khiếp, run rẩy, dân Israel lấy lại tinh thần khi thấy Đức Chúa Trời khiến sấm sét nổ vang trên đạo quân Philistine. Có lẽ họ quá mừng rỡ vì lời cầu khẩn của Samuel được Chúa nhậm, và Ngài ra tay đánh đạo quân Philistine bằng sấm sét. Về phần Philistine bị sét đánh thì phải rối loạn, đại bại và chạy trốn.

Ở đoạn nầy chép rằng sau khi thắng trận, Samuel lấy một tảng đá đặt giữa Mizpah và Shen, đặt tên là Ebenezer, có nghĩa là “Tảng đá giúp đỡ,” vì như Samuel nói: “Đức Giê-hô-va đã cứu giúp chúng ta cho đến bây giờ” (12). Trận đánh Ebenezer làm đảo lộn cục diện đối đầu giữa Israel và Philistine. Từ kẻ cai trị rồi bị thua tan tác trong trận đánh ở Mizpah, Philistine trở thành kẻ yếu thế: “Người Philistine bị khuất phục, không còn xâm lấn lãnh thổ của Israel nữa. Trọn đời Samuel, tay của Đức Giê-hô-va chống lại người Philistine. Các thành mà người Philistine đã chiếm lấy của Israel từ Ekron đến Gath, đều được trả lại cho Israel. Dân Israel giải thoát địa phận các thành ấy khỏi tay người Philistine. Hòa bình cũng được lập lại giữa Israel và dân Amorite” (13–14).

Câu chuyện nầy là một bài học quá rõ ràng cho chúng ta. Có hai điểm chính: Thứ nhất là phải biết ăn năn, hạ mình xưng tội và từ bỏ thói thờ hình tượng tà thần. Việc nầy không phải chỉ nói là đủ; người Israel phải đem các hình tượng mà họ thờ cúng ra để đập bỏ. Sự ăn năn phải có bằng cớ chứng minh. Trước đó thì người Israel đi hàng hai, vừa thương nhớ Đức Chúa Trời, vừa thờ cúng lạy lục tà thần. Ông Samuel bảo họ phải “loại bỏ khỏi lòng và nhà họ những thần lạ và tượng nữ thần Astarte” (3). Thứ nhì là phải được lãnh đạo bởi một lãnh tụ thánh thiện và có mối tương giao thân mật với Đức Chúa Trời, thì mới được Đức Chúa Trời giúp đỡ. Hai mươi năm trước, hai con trai thầy tế lễ Eli tội lỗi đầy mình lãnh đạo Israel ra trận nên bị đại bại, mất luôn Rương Giao Ước.

Ngày xưa, dân Israel luôn dùng một tảng đá để làm bằng chứng về sự can thiệp của Đức Chúa Trời. Samuel cũng vậy, nhưng chắc chắn một người không thể lăn nổi tảng đá. Rất nhiều người đã chung sức làm việc đó. Tảng đá Ebenezer là chứng cớ Đức Chúa Trời đã can thiệp khiến Philistine đại bại, rồi kể từ đó ách cai trị trên Israel cũng chấm dứt. Samuel giữ vai trò thẩm phán xét xử các vụ kiện tụng, va chạm giữa người Israel với nhau. Ông vẫn ở tại quê hương mình là Ramah và cần mẫn đi tuần tra khắp xứ (15–16). Samuel lập một bàn thờ cho Đức Chúa Trời tại quê hương Ramah của ông, vì Đền Thờ Tạm đã bị hủy phá, không còn chỗ chính thức đặt Rương Giao Ước (17).

1Samuel08.docx

Rev. Dr. CTB