Phục Truyền Luật Lệ, bài 17
Phục Truyền 19:1-21
Mặc dù luật pháp của Đức Chúa Trời là nghiêm minh, nhưng Ngài rất nhân từ. Chúa biết hết mọi điều cần phải chuẩn bị trước khi người ta nghĩ ra hoặc thấy vấn đề.
Trong toàn thể nhân loại lúc bấy giờ, Môi-se là người duy nhất được trò chuyện trực tiếp với Đức Chúa Trời để nhận lãnh mọi sự chỉ dẫn và mệnh lệnh từ Ngài truyền (Dân số 12:6-8). Trong số nhiều mệnh lệnh Môi-se đã nhận, thì có lời Chúa truyền cho Israel phải dành ra một số thành làm nơi ẩn náu cho những người cần nơi trú ẩn để bảo toàn mạng sống của họ (Dân số 35:9-13).
Cho nên, trước khi tiến vào nhận xứ làm sản nghiệp, Môi-se phải căn dặn về việc dành riêng ba thành ở phía bên kia sông Jordan làm các thành ẩn náu (1-2). Họ phải chọn làm sao để khoảng cách đường đi từ bất cứ địa phương nào trong xứ tới các thành ẩn náu phải đều nhau, đủ thời gian cho người chạy trốn kẻ đòi nợ máu.
Vì vậy, Môi-se truyền lệnh: “Anh em phải lập đường sá và chia lãnh thổ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho anh em làm sản nghiệp thành ba phần” (3). Có nghĩa là diện tích ba phần lãnh thổ ấy phải tương đương với nhau và mỗi thành ẩn náu đều nằm ở khoảng giữa của phần đất, để người cần trốn tránh có thể chạy tới thành nào gần nhất đối với họ.
Sở dĩ các thành nầy phải lập ra vì đã có luật mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, vv., (Xuất Ai-cập 21:23-25), thân nhân của người bị hại sẽ hết lòng săn đuổi để đòi nợ máu của gia đình trong trường hợp vô ý hay cố ý làm chết người (4).
Sự truyền lệnh nầy nói về miền đất ở xứ Canaan phía tây sông Jordan; vì trước đó, Môi-se đã chỉ định ba thành ẩn náu trong lãnh thổ của dân Amorite mà Israel đã đánh chiếm được bên bờ đông của sông Jordan, theo lệnh của Đức Chúa Trời (Dân-số 35:14).
Các trường hợp làm ví dụ cho sự vô ý làm chết người được nêu ra (4-5), để người bị kể là thủ phạm gây án mạng không bị người ta đánh chết, khi không đáng bị chết, vì đường chạy tới thành ẩn náu quá xa, không kịp chạy tới; Môi-se nói lý do mà người Israel phải dành riêng ba thành là như vậy (6-7).
Nhưng nếu sau nầy người Israel được Đức Chúa Trời ban ơn như Ngài đã hứa với tổ phụ Abraham của họ, trong ngày Ngài lập giao ước với ông:
“Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va lập giao ước với Abram rằng: ‘Ta ban cho dòng dõi con đất nầy, từ sông Ai-cập cho đến sông lớn kia, tức sông Euphrates’” (Sáng-thế 15:18).
Và Ngài cũng hứa với dân Israel tại đồng bằng chân núi Sinaii, trước khi dẫn họ khởi hành về đất hứa: “Ta sẽ ấn định lãnh thổ con từ Biển Đỏ đến biển Philistine, từ hoang mạc đến sông cái” (Xuất Ai-cập 23:31a).
Biển Philistine tức là Địa Trung Hải, còn sông cái là sông Euphrates theo cách nói của dân vùng Trung Đông, thì Israel phải dành thêm ba thành ẩn náu nữa vì lãnh thổ lúc ấy sẽ rất rộng (8-9).
Ngoài mục đích cứu mạng những người không đáng phải bị giết chết, luật còn nhắm tới việc Israel không mắc tội làm đổ máu vô tội: “Như vậy, máu vô tội sẽ không đổ ra giữa xứ mà Giê-hô va Đức Chúa Trời anh em ban cho anh em làm cơ nghiệp và anh em cũng không mắc tội làm đổ máu” (10).
Tuy nhiên, bất cứ luật nào cũng bị người xấu lạm dụng; vì cũng sẽ có những người do thù hận mà rình rập giết chết người bị thù oán, rồi thủ phạm chạy trốn tới trú ẩn tại một trong các thành ẩn náu (11), thì cũng có luật cho trường hợp như vậy: “Các trưởng lão của thành có kẻ giết người đó phải sai người đi bắt thủ phạm về giao cho người đòi nợ máu và nó phải chết. Đừng để mắt đoái thương nó, nhưng phải tẩy sạch máu của người vô tội ra khỏi Israel thì anh em mới được phước” (12-13).
Đây là bài học cho chúng ta ngày nay về tính công minh mà mọi tín hữu phải có.
“Anh em không được dời mốc ranh giới của người lân cận vốn đã được các tiền nhân dựng lên trong phần cơ nghiệp mà anh em sẽ nhận được trong xứ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho anh em” (14).
Hành động gian dối do lòng tham vẫn thường xảy ra vào lúc chưa có các phương tiện đo đạc chính xác, hoặc ở những nơi hoang vu chẳng ai để ý.
Như hiện nay người Tàu lén lút nhổ bỏ, phi tang hoặc dời mộc giới ở biên giới phía Bắc Việt Nam để lấn chiếm đất đai, mà nhà cầm quyền dù biết và có bằng chứng vẫn không dám ho he phản đối.
Người chưa tin Chúa, hoặc mang danh tín đồ Cơ-đốc-giáo, mà không biết kính sợ Đức Chúa Trời, vẫn thường phạm tội nầy.
Để áp dụng vào đời sống hàng ngày, có rất nhiều thứ nhỏ nhặt mà người ta dễ dàng phạm sự gian lận đối với người khác giống như là lén lút dời mộc giới để lấn đất của láng giềng vậy.
Theo Josephus, sử gia nổi tiếng người Do-thái, luật không được dời mốc ranh giới đất không phải chỉ áp dụng giữa người Israel với nhau, mà còn áp dụng cho người Israel đối với các dân tộc lân bang đang sống hoà bình với họ nữa. Hễ khi nào vì lòng tham, người ta tìm cách dời mốc ranh giới đất, thì chiến tranh sẽ xảy ra giữa hai bên.
Vào thời người Israel vào sống trong xứ Canaan, người ta xếp đá chồng lên nhau làm một bức tường thấp ngăn ranh giới đất của mình với hàng xóm. Sự dời mốc ranh giới xảy ra khi loạn lạc lâu ngày, mà người trở về khu đất của mình thấy chủ đất hàng xóm lâu ngày chưa về thì sinh lòng gian tà bỏ công ra xếp đá lấn sang đất láng giềng mà chẳng ai thấy hoặc biết.
Nhưng người kính sợ Đức Chúa Trời sẽ không cư xử như vậy.
Người ta thường trả đũa hay hãm hại đối thủ bằng những lời tố cáo một chiều. Luật về nhân chứng không chấp nhận lời tố cáo hay làm chứng của chỉ một người, dù lời tố cáo hay làm chứng có thể là sự thật. Luật quy định sẽ xét xử người bị tố cáo phải dựa trên lời khai của ít nhất là hai hoặc ba nhân chứng, thì các lời chứng mới có giá trị (15).
Tuy nhiên, theo lẽ thường tình thì nhân chứng cùng chung một gia đình khó được tin cậy là chính xác. Mặc dù không thấy luật gì định về việc các nhân chứng phải là những người thuộc nhiều gia đình khác nhau trong các vụ tranh tụng ở thời đó, nhưng người ta cũng có đủ khôn ngoan để chấp nhận các nhân chứng đáng tin cậy hay không.
Dựa trên các kinh nghiệm luật pháp bị thiếu sót trong quá khứ, luật pháp thời nay không cho phép những người có liên hệ họ hàng với nhau cùng nắm giữ các chức vụ trong ban quản trị, ban điều hành, hay ban trị sự của một tổ chức phi lợi nhuận, như một Hội-thánh chẳng hạn.
Vì sẽ luôn luôn có những người làm chứng gian, bởi vì hễ người nào đã từng nói dối hoặc có tánh thường nói dối, thì chắc chắn người đó sẽ làm chứng gian; cho nên, để xác định lời chứng là thật hay dối, luật của Chúa quy định rằng:
“Nếu có một người làm chứng gian đứng lên tố cáo một người khác về hành vi sai phạm, thì cả hai bên tranh chấp phải đứng trước mặt Đức Giê-hô-va, trước mặt các thầy tế lễ và các thẩm phán đương nhiệm” (16-17).
Vào thời mà người ta chứng kiến cảnh vinh quang của Đức Chúa Trời đã hiện ra cho toàn dân Israel thấy nhiều lần, thì những người có toan tính gian dối rất sợ phải đứng trước mặt các thầy tế lễ với các thẩm phán đang giữ nhiệm vụ phân xử, tại Lều Hội Kiến, tức là trước mặt Đức Giê-hô-va. Vì sự gian dối sẽ bị phơi trần.
“Các thẩm phán phải thẩm tra kỹ lưỡng. Nếu thấy nhân chứng là kẻ chứng gian đã vu cáo anh em mình, thì anh em phải làm cho hắn như hắn đã định làm cho anh em mình; như vậy, anh em sẽ diệt trừ tội ác khỏi anh em” (19).
Thẩm tra kỹ lưỡng là phải hỏi nhiều nhân chứng để tìm ra sự thật. Kẻ tố cáo dối, làm chứng gian sẽ bị diệt trừ khỏi Israel, nghĩa là bị án tử hình, để trong xã hội ấy không còn mầm mống gian trá.
Sở dĩ ngày nay vẫn còn rất nhiều kẻ làm chứng gian, vì các kẻ ấy không bị trừng phạt cách nghiêm khắc như thời người ta còn tôn trọng đạo đức. Khi chính quyền là những kẻ nói dối và lường gạt dân trong nước, lại được bênh vực bởi các thẩm phán bất công và dối trá, thì xã hội sẽ đầy dẫy những kẻ làm chứng dối khi được trả tiền để làm việc đó.
Sự trừng phạt nghiêm minh sẽ khiến những người có ý định gian tà sẽ nghe và sẽ sợ “không bao giờ làm điều gian ác như thế giữa anh em nữa” (20).
Một lần nữa, luật về “mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (21) được nhắc lại, để kẻ gian tà không được ai thương xót.
Rất nhiều khi tính nhân đạo trong luật pháp của loài người lại khuyến khích sự phạm pháp và các hành động bất lương. Vì thế, luật pháp của Chúa vượt xa luật loài người.
PhucTruyen17.docx
Rev. Dr. CTB