Phục Truyền Luật Lệ, bài 16
Phục Truyền 18:1-22
Chi tộc Lê-vi được Đức Chúa Trời chọn làm những người phục vụ Ngài tại Đền Thờ. Dù sau nầy khi đã vào đất hứa, người Lê-vi được cấp cho bốn mươi tám thành nằm rải rác trong các lãnh thổ của mười hai chi tộc kia (Giô-suê 21:41), họ được cấp nhà ở tại các thành ấy và thay phiên nhau phục vụ tại Đền Thờ theo lịch định cho từng gia tộc, thì “các thầy tế lễ dòng Lê-vi và cả chi tộc Lê vi sẽ không được chia phần sản nghiệp với Israel. Họ sẽ sống bằng các sinh tế dùng lửa dâng lên Đức Giê-hô-va, là phần thuộc về Ngài” (1).
Lúc luật nầy được ban ra thì trong cả Israel chỉ có vài thầy tế lễ, và toàn dân đều đóng trại vây quanh Đền Tạm. Sau khi đã vào đất hứa thì số thầy tế lễ gia tăng trong dòng dõi các con của A-rôn sẽ phục vụ ở Đền thờ, còn sự sinh sống của người Lê-vi ở các nơi dựa vào thuế một phần mười thổ sản mà dân Israel nộp cho Đức Chúa Trời; vì “họ không có cơ nghiệp giữa anh em mình; chính Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp của họ” (2).
Các quy định về phần của các sinh tế dành cho các thầy tế lễ thì chỉ áp dụng ở Đền Thờ (3); vì dân Israel không được phép giết các con thú làm sinh tế ở bất cử địa điểm nào khác. Các phần của con thú sinh tế được chia cho các thầy tế lễ nói ở chỗ nầy là các tế lễ bình an và tạ ơn, chứ không phải các tế lễ chuộc tội.
Những thầy tế lễ và người Lê-vi được hưởng “các sản vật đầu mùa gồm ngũ cốc, rượu, dầu, và lông chiên mới hớt lần đầu” (4). Lông chiên phải màu trắng và nặng mười shekels ở Ga-li-lê, tương đương năm shekels của Giu-đa, đủ để dệt một cái áo nhỏ.
Người Israel thuộc các chi tộc khác đều được chia đất để cày xới trồng trọt và chăn nuôi. Người Lê-vi chỉ có các đồng cỏ chung quanh thành họ để nuôi gia súc mà thôi. Nghĩa là người Lê-vi không thể giàu có được, vì họ không sản xuất được gì để bán, họ chỉ có thể bán phần dư thừa sau khi dùng không hết (5).
Nhưng nếu người Lê-vi nào đang ở một trong bốn mươi tám thành dành cho họ, có tài sản là nhà cửa cấp cho mình mà cảm thấy muốn được trọn đời hầu việc Chúa ở Đền Thờ, thì được phép làm như vậy.
Một ví dụ là Samuel, con của Elkanah, dòng dõi của Kê-hát, con Lê-vi (1Sử ký 6:22-28), mặc dù quê quán ở Ramathaim Zophim, vùng núi Ép-ra-im, được mẹ gửi hầu việc Chúa trọn đời tại Đền Tạm ở Si-lô (1Samuel 1:1, 24; 2:11), nhưng không được giữ chức vụ thầy tế lễ (6-8).
Thế thì, người Lê-vi nào muốn phục vụ lâu dài tại Đền Thờ đều được phép phục vụ và phải được chia phần lương thực thực phẩm ngang bằng với những người phục vụ theo phiên thứ. Người ấy cũng có thể bán tài sản của gia đình để chi dùng cho cá nhân họ.
Ngoài các thứ tội lỗi đáng nhờm tởm mà dân Amorite làm cho đất bị ô uế và bị đất mửa ra (Lê-vi-ký 18: 21-25), họ còn dính líu tới tà thuật và thế giới vô hình của ma quỷ.
Những thói tục ấy bị Đức Chúa Trời ghê tởm, nên Israel được dặn là không nên bắt chước hay học đòi theo tập tục của cư dân sống ở đó (9).
Mọi người đều tò mò muốn biết trước tương lai của mình sẽ ra sao; cho nên, những người mê tín trở thành mồi ngon cho bọn thầy bói, chiêm tinh, đồng bóng, chiêu hồn, rồi dính líu tới phù thuỷ, thầy pháp, và bùa ngải (10-11).
Lệnh cấm nầy là tuyệt đối: “Giữa anh em không một ai được làm lễ thiêu sống con trai hay con gái mình, không được làm thầy bói, chiêm tinh, phù thuỷ, thầy pháp, dùng bùa ngải, đồng bóng, chiêu hồn.” Ngày nay, việc tế lễ bằng cách thiêu sống con cái không còn nữa, nhưng việc lén lút xem bói vẫn xảy ra trong các giáo hữu.
Đây là vấn đề rất nghiêm trọng mà giáo hữu thời nay không biết rằng đó là những tội nặng khi đi xem bói, xem chỉ tay hoặc số tử vi.
Những thói tục nầy dựa trên khái niệm là các thần linh hay thân nhân đã chết có thể chỉ dẫn người còn sống được may mắn và tránh khỏi tai hoạ. Khái niệm nầy tin rằng các linh có thể thấy trước tương lai vì họ ở trong cõi linh.
Điều thứ nhất tín hữu cần phải biết là các thứ “linh” ấy là các quỷ hay tà linh (Công vụ 16:16-18). Người đã chết đều về hay bị đưa đến một trong hai chỗ: Hoặc là cõi vui vẻ bình an chờ được thưởng trong ngày phán xét cuối cùng, hoặc vào chốn khổ hình chờ bị phán xét rồi bị ném vào hồ lửa vĩnh viễn; cho nên họ không thể nào liên lạc được với người còn sống trên trần gian.
Vậy, nếu thân nhân của chúng ta đã chết và không thể liên lạc với chúng ta, làm thể nào bọn đồng bóng và thầy bói tiếp xúc với họ được?
Còn chiêm tinh và tử vi thì sao? Người ta đã thực hành các điều ấy từ hơn 3000 năm trước công nguyên. Lời Chúa phán như sau: “Ngươi đã nhọc sức vì lắm lời bàn. Những kẻ nhìn trời, xem sao, xem trăng mới mà đoán việc tương lai; Bây giờ hãy đứng lên và cứu ngươi khỏi những việc sẽ xảy đến trên ngươi” (Ê-sai 47:13).
Người ta không chịu hỏi Đấng dựng nên các ngôi sao và các chòm sao, mà cứ nhìn các ngôi sao ấy đoán mò về tương lai người khác.
Mấy người thầy bói vẫn bị ở tù vì không biết trước tương lai của họ. Trong khi đó nhiều người khác cứ hi vọng người ta có khả năng cho mình biết tương lai để nuôi hi vọng.
Nếu tính các lá số tử vi đông phương thì tổng cộng là 554,000 lá. Nghĩa là trên thế gian phải có hàng ngàn người giống hệt nhau về tất cả các phương diện từ thể chất đến tính tình. Nhưng thực tế không thể có như vậy được.
Sở dĩ Đức Chúa Trời ghê tởm kẻ nào làm các việc ấy (12), vì họ tạo điều kiện cho ma quỷ hoành hành.
Israel phải trung thành với Đức Chúa Trời, dù cho các dân tộc khác có thực hiện tà thuật hay bới khoa, họ cũng không được bắt chước. Nếu thi hành tà thuật và bói khoa mà vẫn bị Đức Chúa Trời đuổi ra khỏi xứ và tiêu diệt họ, thì người bắt chước cũng không được bình an (13).
Áp dụng vào đời sống chúng ta ngày nay cũng vậy; những người theo đạo mà không chịu học để hiểu biết Lời Chúa dạy dỗ trong Kinh-thánh thì dễ bắt chước những người chung quanh mình; thậm chí có giáo phẩm rất dốt nát về lãnh vực nầy công khai tham gia lễ thờ tự của cộng đồng để tỏ tình đoàn kết!!! Chúng ta hãy gần gũi Chúa để biết tránh xa những gì Ngài ghê tởm (14).
Môi-se đang giảng các bài từ giã toàn dân Israel, ông nói cho họ an tâm rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ một tiên tri như ông vậy; cho nên, họ phải nghe lời tiên tri ấy (15).
Môi-se đang nói tiên tri về Đấng Mết-si-a sẽ đến trong tương lai để dùng Lời Chúa nói với mọi người nghe, bởi vì dân Israel, hoặc cả nhân loại, đều không dám nghe Đức Chúa Trời phán trực tiếp với họ (16, Phục truyền 5:24-27). Lời tiên tri của Môi-se đã được ứng nghiệm qua Đức Chúa Jesus Christ, Ngài đem Lời của Đức Chúa Trời đến cho loài người và mọi người đều có thể nghe mà không sợ hãi.
Môi-se nhắc lại lời nài nỉ của Israel vào ngày Đức Chúa Trời giáng lâm trên núi Sinaii, cũng có tên là núi Hô-rếp: “Xin đừng để chúng tôi nghe tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời hay thấy đám lửa hừng nầy nữa, kẻo chúng tôi phải chết chăng!” (16). Khi Đức Chúa Jesus đến, Ngài dạy dỗ và nói với Israel những lời Đức Chúa Trời truyền dặn Ngài (17-18; Giăng 4:25; 5:19, 45-47).
Người nào không chịu vâng theo lời Đấng mà Đức Chúa Trời sai đến, thì sẽ bị Đức Chúa Trời hỏi tội (19). Còn những ai tự ý nói những lời không phải do Đức Chúa Trời bảo phải nói, hoặc nói theo sự cám dỗ, hay ham muốn, hay để chứng tỏ lý thuyết mình nêu ra là đúng, hay nói theo lý thuyết của người nào đó được người ta ca tụng thì người ấy sẽ hư vong trong hồ lửa đời đời; theo như lời chép là “kẻ tiên tri ấy phải chết” (20).
Sự áp dụng ý nghĩa nầy không phải chỉ thu hẹp trong người nhân danh Chúa nói tiên tri, nhưng mở rộng ra cho tất cả những người nhân danh Chúa giảng dạy điều sai trật, hoặc sáng chế lý thuyết theo ý riêng nữa.
Những ai thường xuyên đọc Kinh-thánh và suy gẫm lời Chúa thì sẽ dễ dàng nhận ra những ý kiến, lý thuyết hay lý luận không phải từ Chúa đến. Nhiều người thường thắc mắc không biết lời mình nghe giảng có đến từ Chúa hay không, vì những người ấy ít hay không đọc Kinh-thánh mỗi ngày (21).
Xưa cũng như nay, “khi có một kẻ tiên tri nhân danh Đức Giê-hô-va mà nói, nhưng lời người đó nói không xảy đến và không ứng nghiệm, thì đó không phải là lời mà Đức Giê-hô-va đã phán. Kẻ tiên tri đó đã nói cách tự phụ” (22).
Trong vòng các hệ phái Ngũ Tuần và Ân Tứ thường có những người như vậy. Chúng ta cứ áp dụng phương châm do Đức Chúa Jesus dạy: “Xem trái biết cây” (Mathiơ 7:15-18), thì sẽ luôn luôn an toàn tránh khỏi các tiên tri giả.
PhucTruyen16.docx
Rev. Dr. CTB