Phục Truyền Luật Lệ, bài 15

Phục Truyền Luật Lệ, bài 15

Nếu không có những luật lệ được ban truyền thì người ta sẽ đem cho Chúa những thứ mà họ không quý. Bò, chiên hay dê có khuyết tật hay có tì vết thì giá trị kém hơn con thú khoẻ mạnh và không tì vết.

Đức Chúa Trời cho biết rằng Ngài ghê tởm thái độ và sự tính toán của những người dâng cho Ngài thứ mà họ chê (1). Những người làm như vậy bởi tâm lý bị ép buộc chứ không phải dâng hiến cho Chúa vì lòng kính trọng hay yêu thương.

Trong lịch sử dân Do-thái, đã có lúc một số người dâng bánh ô uế và những con thú tật nguyền làm sinh tế, nên Đức Chúa Trời quở trách:

Các ngươi dâng bánh ô uế trên bàn thờ Ta, rồi nói rằng ‘chúng tôi có làm ô uế Ngài đâu?’ Các ngươi nghĩ rằng: ‘Bàn của Đức Giê-hô-va đáng khinh bỉ.’ Khi các ngươi dâng một con vật đui mù làm sinh tế thì điều đó chẳng phải là điều sai trái sao? Khi các ngươi dâng một con vật què hoặc bệnh tật thì đó chẳng phải là điều sai trái sao? Thử dâng nó cho quan tổng đốc của ngươi xem người có hài lòng và chấp nhận cho ngươi không?” (Malachi 1:7-8).

Áp dụng nguyên tắc nầy vào đời sống đạo của chúng ta ngày nay cũng vậy. So đo tính toán từng xu, lựa chọn tiền cũ, rách, khó xài bỏ vào túi dâng hiến; hoặc dâng số tiền lẻ, cất giữ tờ chẵn hay tiền sạch đẹp.

Mặc dù tất cả số tiền dâng đều sẽ đưa vào cất giữ trong ngân hàng, nhưng Đức Chúa Trời thấy các động lực trong lòng ta có sự yêu mến kính sợ Ngài trong sự dâng hiến đó hay không;

Nếu mỗi người đều biết rõ rằng các món bố thí của chúng ta đối với những người hầu việc Chúa hay những người nghèo khổ túng thiếu, là thái độ thật của lòng ta đối với Chúa, không che giấu được Ngài, thì chúng ta phải rất thận trọng về các dự định dâng hiến để không bị quở trách. Ai đã bị Đức Chúa Trời ghê tởm thì cơ hội được Chúa tôn trọng thật là hiếm hoi.

Ngày xưa, khi Israel được Đức Chúa Trời giải thoát khỏi xứ Ai-cập và lập giao ước với họ ở chân núi Sinaii, thì Ngài giữ trọn giao ước ấy cho đến khi giao ước được hoàn thành. Nhưng một số người sẵn sàng vi phạm giao ước thánh đó.

Vì thế Môi-se dặn dò về vấn đề có người Israel sẽ không giữ giao ước thờ kính chỉ một mình Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hoá, mà đi thờ các thần vớ vẩn của người ngoại bang, thì người ở trong thành có bổn phận phải điều tra thật rõ ràng dựa trên lời chứng của ít nhất là hai hoặc ba người mà xác định (2-7). Vì có thể có sự vu khống do thù ghét chứ không phải là điều có thật, nên hai hoặc ba người làm chứng là điều cần thiết.

Theo luật Do-thái thì người làm chứng phải là người đáng tin cậy và có khả năng làm chứng; vì thế, trẻ con, đàn bà, tôi tớ, bạn bè quen biết, kẻ thù, những người mang tiếng xấu, không trong sạch thì không được làm chứng.

Bởi vì lời chứng liên quan đến tính mạng của người bị cáo buộc, nên nếu chỉ có một người chứng thì không thể kết tội (6). Nhưng khi đã có bằng chứng rõ ràng về việc một hay nhiều người thờ tà thần, thì những người ấy phải bị xử tử để loại trừ sự gian ác khỏi Israel.

Hội thánh của Chúa ngày nay hầu như rất lơ là về vấn đề các giáo hữu vi phạm luật thánh của Chúa trong các vụ coi bói, xem tử vi, tham dự các buổi thờ cúng của người ngoại đạo, không quan tâm tới sự thánh sạch của bản thân; rồi Chúa Nhật tới nhà thờ làm ô uế buổi nhóm bởi sự có mặt của những người ấy. Những người có biết sự việc cũng ngậm miệng không dám tố cáo vì sợ bị thù oán. Các việc đó nếu xảy ra chỉ vì các giáo đồ ấy chưa bao giờ biết kính sợ Đức Chúa Trời.

Đối với các vụ án quá khó xử, thì người Israel phải đem các sự việc đó đến nơi có Đền Thờ của Đức Chúa Trời để xin ý kiến các thầy tế lễ dòng Lê-vi và các thẩm phán đương nhiệm (8-11).

Sự khó khăn trong các vụ án giết người là thân nhân của người bị giết có quyền đòi nợ máu nơi thủ phạm; nhưng có những trạng huống không phải là cố sát mà là ngộ sát. Vì thế họ phải đưa tới các thầy tế lễ dòng Lê-vi và các thẩm phán đang giữ nhiệm vụ ở địa phương có Đền Thờ sẽ được xây dựng về sau, những người ấy sẽ đưa ra phán quyết về các cuộc tranh chấp (9).

Sau khi đã có phán quyết rồi thì hai bên phải chấp nhận phán quyết ấy (10). Mệnh lệnh nầy đặt trên nền tảng sự phán quyết của các thầy tế lễ hay thẩm phán hợp với luật pháp mà Đức Chúa Trời đã rao truyền; cho nên, phán quyết ấy là tối hậu.

Nhưng trong trường hợp có phán quyết không phù hợp với luật pháp của Chúa thì sao? Điều rất rõ ràng là luật pháp của Chúa có thẩm quyền cao nhất (11).

Một trạng huống khác có thể xảy ra là phía bị xử thua hay bất lợi vì lòng tự cao hay phẫn uất vì cho là phán quyết bất công mà không chấp nhận phán quyết (12). Trường hợp ấy có thể xảy ra khi chỉ một thẩm phán đưa ra phán quyết.

Sở dĩ luật xử tử người phản đối được đưa ra ở đây là vì những vụ án khó đều được xử bởi một hội đồng gọi là ‘hội đồng công luận‘ (Sanhedrin) gồm có từ 23 tới 71 người. Hội đồng công luận ấy sẽ thảo luận, tranh luận kín nếu có bất đồng ý kiến; họ sẽ đưa ra phán quyết sau cùng mà mọi người phải vâng theo.

Một ví dụ cụ thể là việc hội đồng công luận nhóm lại xét xử hai sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng (Công vụ 4:5-21); rồi vụ xét xử các sứ đồ bị giam giữ nhưng được thiên sứ giải thoát, hội đồng nghe lời khuyên của Gamaliel (Công vụ 5:17-40).

Theo lý thuyết vào thời Môi-se, thì hội đồng công luận sẽ xử theo luật pháp của Đức Chúa Trời, nên ai phản đối, là kiêu căng, phải bị xử tử để toàn dân nghe và khiếp sợ, không dám ngỗ ngược nữa (13).

Môi-se, theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, biết rằng về sau dân Israel sẽ đòi có một vua cai trị họ (14), bắt chước các dân tộc khác trong vùng; như đã xảy ra vào thời Samuel làm thẩm phán trên Israel (1Samuel 8:4-6; 19-20).

Nhưng dân Israel không thể tự chọn người làm vua của họ mà do “Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em sẽ chọn để cai trị anh em” (15).

Tiêu chuẩn để dân Israel phải cân nhắc trước khi họ lập người nào làm vua là: Người đó phải là người Israel theo dòng tộc của các chi tộc chính của dân Israel; họ không được lập một người ngoại quốc nào lên làm vua cai trị họ.

Tiêu chuẩn nầy về sau được mở rộng ra tất cả các quan chức cai trị Israel đều phải từ dân tộc Israel mà ra: “Thủ lãnh của chúng đến từ chúng, người cai trị chúng cũng từ chúng mà ra. Ta sẽ đem người ấy lại gần, và nó sẽ đến gần Ta, vì có ai cả gan đến gần Ta? Đức Giê-hô-va phán vậy” (Giê-rê-mi 30:21).

Sau khi một người nào đó lên làm vua thì người ấy không được ham muốn có nhiều ngựa, vì sẽ kết giao với Ai-cập khiến cho dân chúng có cớ trở lại Ai-cập, nơi họ được Chúa giải thoát (16). “Vì Đức Giê-hô-va đã phán với anh em rằng: ‘Các ngươi không được trở lại con đường đó nữa.’

Thời cổ, người ta không dùng ngựa cho nông nghiệp hay kéo xe chuyên chở, mà dùng cho chiến tranh. Có nhiều ngựa để thành lập đội kỵ binh, ngựa kéo chiến xa, thì sẽ nghĩ đến chuyện gây sự với các nước láng giềng để gây chiến với họ. Cho nên, vua của Israel không được hiếu chiến mà gây tang thương cho dân chúng.

Con cái Chúa nên rất cẩn thận. Chúng ta đã được huyết Đức Chúa Jesus giải thoát ra khỏi tội lỗi rồi, nếu trở lại đường cũ, thì không còn tế lễ nào chuộc tội được nữa.

Đa thê vì háo sắc và ham tiền cũng làm cho vua lầm lạc dễ chiều theo đòi hỏi của mỹ nhân (17).

Nhiệm vụ của người làm vua là phải chép lại luật pháp do các thầy tế lễ dòng Lê-vi bảo quản thành một bản sao để vua giữ bên mình (18-19); vua phải đọc luật pháp suốt đời để tập sự kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời, tuân giữ mọi lời trong luật pháp và thực hành các mệnh lệnh.’

Dù cho Môi-se vâng lời Chúa đã cẩn thận dặn dò Israel, nhưng chỉ có vua David là tuân theo; do đó ông yêu mến, kính sợ Chúa và được Ngài ban phước. Ông nói:

11 Con giấu lời Chúa trong lòng con để con không phạm tội cùng Chúa. ……… 15-16 Con sẽ suy gẫm kỷ cương Chúa, chú tâm vào các đường lối của Ngài. Con ưa thích luật lệ Chúa sẽ không quên lời của Ngài18 Xin Chúa mở mắt con để con thấy sự diệu kỳ trong luật pháp của Chúa. 98 Các điều răn Chúa làm cho con khôn ngoan hơn kẻ thù con….. 105 Lời Chúa là ngọn đèn cho chân con, ánh sáng cho đường lối con.

Người thường xuyên đọc lời Chúa và làm theo thì sẽ không kiêu căng với anh em, không xa cách điều răn, không lầm lạc, mà người ấy và dòng dõi sẽ sống lâu hưởng phước của Chúa (20).

PhucTruyen15.docx

Rev. Dr. CTB