Quan Xét, bài 14

Quan Xét 13:1-25

Từ khi Chúa lập giao ước với Abraham, rằng Ngài sẽ ban xứ Canaan cho dòng dõi ông làm sản nghiệp, tới ngày Ngài giải thoát Israel khỏi kiếp nô lệ tại Ai-cập, thì thời gian đã trải qua hơn sáu trăm năm. Lời hứa ấy được lưu truyền từ thời ông qua Isaac, Jacob, rồi tới các tổ phụ và nhiều đời con cháu họ.

Sau bốn mươi năm lang thang trong hoang mạc, bước vào đất hứa, thì Israel thấy chung quanh mình toàn là kẻ thù. Hễ họ vâng theo tiếng Chúa thì được bình an, nhưng khi họ phản bội Ngài thì đều bị các kẻ thù đánh bại và áp bức họ. Lần nào bị kẻ thù đè nén và đày đoạ, Israel lại kêu xin Đức Giê-hô-va và cầu khẩn Ngài giải cứu, Chúa dấy lên những vị anh hùng đánh bại các kẻ thù.

Nhưng sau khi được bình an một thời gian, Israel lại tiếp tục giở trò phản bội. Tuy nhiên vào thời ấy, không phải các Quan Xét cai trị trên toàn Israel, mà mỗi vị chỉ một vùng nhỏ.

Cho nên, trong khi Giép-thê, Ibzan, Elon, và Abdon làm quan xét ở vùng đông bắc của Israel, thì phía tây nam bị người Philistine cai trị. Có lẽ Samson ra đời năm 1097 trong chi tộc Đan, nằm ở phía tây của Giu-đa, lúc Giép-thê làm quan xét xứ Galaát, sau khi Samuel được sinh ra khoảng ba năm trước đó.

Sự hiểu biết các niên đại sẽ giúp người đọc Kinh Thánh có thể sắp xếp các sự kiện đúng thứ tự thời gian và không bị lầm lẫn. Cũng cần phải biết rằng người Philistine là một dân tộc xuất phát tử đảo Crete, di dân xuống chiếm vùng duyên hải xứ Canaan và định cư ở đó khá lâu trước khi ông Abraham di cư tới xứ ấy.

Sự cai trị hà khắc 40 năm của dân Philistine (1) kết thúc ở trận Ebenezer (1Samuel 7:11-13), lúc Samuel làm quan xét trên toàn Israel. Chuyện Samson diễn ra vào khoảng thời gian Rương Giao Ước bị người Philistine chiếm đoạt khi Israel thua trận, và thầy tế lễ Eli ngồi trên ghế ở cửa Đền Tạm nghe tin ấy té chết vì bị gãy cổ (1Samuel 4:17-18).

Chuyện về quan xét Samson bắt đầu từ việc Thiên-sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra nói chuyện với Hazelelponi (không ghi trong KT), vợ của Manoah, một người đàn bà bị hiếm muộn (2-3). Hãy để ý tới trường hợp các bà mẹ bị hiếm muộn trong Kinh Thánh được Chúa thăm viếng, thì con của họ đều là những người đặc biệt (Sarah, Rebecca, Rachel, Hazelelponi, Hannah, Elizabeth).

Thiên sứ cho biết bà sẽ thụ thai và sinh một trai. Vì nó sẽ làm người Naxirê cho Đức Chúa Trời từ trong lòng mẹ, nên bà không được uống rượu hay chất gì có men, cũng không được cạo đầu con trẻ, vì nó sẽ được dùng để giải cứu Israel (4-5). Vợ bèn thuật lại với chồng, nói rằng “Một người của Đức Chúa Trời đã đến với tôi, diện mạo người ấy rất đáng sợ, giống như diện mạo thiên sứ của Đức Chúa Trời.” Bà cũng kể lại lời của thiên sứ. Manoah cầu xin Chúa cho người ấy trở lại chỉ dẫn ông (6-8).

Thiên sứ lại hiện ra với người vợ đang ở ngoài đồng trong khi Manoah không có ở đó. Người đàn bà chạy đi gọi chồng. Manoah vội đi theo vợ ra ngoài đồng, thấy người ấy liền hỏi rằng: “‘Ông có phải là người đã phán dặn vợ tôi chăng?’ Người ấy đáp ‘Phải, chính Ta.’

Manoah lại hỏi đứa trẻ sinh ra phải tuân theo luật nào và nó phải làm những gì? (9-12). Thiên sứ nhắc lại một lần nữa về việc người mẹ không được ăn bất cứ vật gì từ vườn nho, chớ uống rượu hay thức uống có men, cũng không được ăn vật gì không tinh sạch (13-14). Người mẹ phải kiêng cữ để không ảnh hưởng đến cái thai trong bụng mình, vì đứa trẻ phải theo đúng luật của người Naxirê, tức là người biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời (Dân-số 6:2-5).

Theo nguyên văn tiếng Hebrew thì lời Manoah xin thiên sứ ở lại để ông dâng thịt một con dê con thì có nhiều nghĩa, khác với cách dịch tiếng Việt.

Có thể Manoah nghĩ đây là một tiên tri, hoặc ông nghi vị ấy không phải loài người, nên mời ở lại để dọn ăn là một cách thử nghiệm (15). Câu nói: “Xin cho phép chúng tôi được cầm ông lại để dọn cho ông một con dê con” thì ý nghĩa có thể là dọn một bữa ăn, nhưng cũng có nghĩa “dâng một tế lễ.” Vị Thiên Sứ trả lời: “Dù ngươi cầm Ta lại, Ta cũng không ăn thức ăn của ngươi được. Nhưng nếu ngươi muốn thì hãy làm một tế lễ thiêu dâng lên Đức Giê-hô-va” (16).

Cách dịch tiếng Việt ở câu nầy có thể khiến người đọc hiểu lầm là vì thiên sứ từ cõi thần nên không thể ăn thức ăn của loài người được; bởi Thiên Sứ nói: “Ta sẽ không ăn bánh của ngươi” chứ không phải “Ta cũng không ăn thức ăn của ngươi được.

Đối với người Do-thái, mọi thứ thức ăn đều gọi là ‘bánh.‘ Rồi Thiên Sứ bảo Manoah hãy dâng tế lễ thiêu cho Đức Giê-hô-va, vì lúc bấy giờ người Israel dâng tế lễ cho đủ thứ tà thần, mà có thể Manoah tưởng Thiên Sứ là sứ giả của một thần lạ nào đó.

Manoah vốn không biết đó là Thiên Sứ nên hỏi (đúng nguyên văn) “Tên của ông là Ai? Để chúng tôi tôn trọng ông khi lời ông nói được ứng nghiệm.” Nghĩa thứ nhất, xin cho biết ông là ai? Nghĩa thứ nhì, tên ông là gì? Vì chúng tôi sẽ tặng cho ông một món quà tôn kính giống như tặng quà cho một tiên tri khi lời ông nói được ứng nghiệm (17).

Thiên Sứ đáp: “Sao ngươi hỏi danh Ta? Danh Ta rất diệu kỳ” (18), nghĩa là ngươi không thể hiểu nổi ý nghĩa Danh Hiệu của Ta. Các thần học gia tin rằng Thiên Sứ ở đây chính là Đức Chúa Trời; có vị nghĩ rằng ấy là Ngôi Hai của Chúa. Lý do họ nghĩ như vậy là vì khi Giô-suê thấy Vị Tướng chỉ huy đạo quân của Đức Giê-hô-va, thì một số thần học gia tin rằng đó là Ngôi Hai Thiên Chúa (Giôsuê 5:14-15). Manoah và vợ rất hãi hùng khi thấy người mà họ vừa nói chuyện bay lên trời trong ngọn lửa tế lễ thiêu họ vừa dâng lên (19-20).

Manoah nghĩ rằng họ sẽ phải chết “vì đã thấy Đức Chúa Trời!” Nhưng vợ ông suy nghĩ có chiều sâu hơn: “Nếu Đức Giê-hô-va muốn giết chúng ta, lẽ nào Ngài nhậm tế lễ thiêu và tế lễ chay chúng ta dâng lên, và lẽ nào Ngài lại cho chúng ta thấy các việc lạ nầy, cũng như cho chúng ta nghe những lời như hôm nay” (21-23).

Lời nói của người vợ giúp cho chúng ta rút ra một bài học về thiện ý của Đức Chúa Trời đối với con cái Ngài. Bởi vì khi có việc gì xảy ra mà chúng ta chưa hiểu rõ, thì tư tưởng về một Đức Chúa Trời nghiêm khắc chiếm hữu toàn thể ý nghĩ của chúng ta, thay vì xem xét lại hết những chi tiết diễn ra chung quanh việc đó, để nhận thấy ý định thiện hảo của Chúa muốn dành cho con cái Ngài. Nếu chúng ta đã từng kinh nghiệm sự đối xử nhân từ và tốt lành của Chúa đối với mình, thì hãy biết rằng Ngài không bao giờ thay đổi ý định của Ngài.

Sau việc ấy rồi thì người đàn bà có thai và sinh một con trai, đặt tên là Samson. Đứa trẻ lớn lên trong sự ban phước của Đức Chúa Trời (24). Các thần học gia đều tìm hiểu tại sao cha mẹ đặt tên cho con là Samson với ý nghĩa gì. Họ thấy chữ ‘shemesh‘ trong tiếng Hebrew nghĩa là mặt trời, cộng với ‘on‘ là sức mạnh, nên suy diễn rằng Samson có nghĩa là ‘mạnh như mặt trời.‘ Nhưng, chưa ai dám quả quyết thật sự Samson có nghĩa gì; dù vậy, đứa trẻ lớn dần lên trong ơn phước và ân sủng đặc biệt của Chúa.

Thần của Đức Giê-hô-va bắt đầu tác động trên Samson khi chàng ở trong trại Đan, giữa khoảng Zorah và Eshtaol” (25). Câu nầy có nghĩa là sức mạnh phi thường bắt đầu phát triển bên trong Samson. Trại của Đan có thể là một trại quân được thiết lập, cũng có nghĩa là trong lãnh thổ của chi tộc Đan. Zorah và Eshtaol là hai thành của Đan nằm giáp ranh Giu-đa.

QuanXet14.docx

Rev. Dr. CTB