Chúa Nhật, August 31st, 2014

Sáng Thế Ký, 10

Sáng Thế Ký 4:1–16

Dù A-đam và Ê-va phạm tội bất tuân, bị Đức Chúa Trời đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, nhưng họ vẫn được phước sinh sản con cái. Khi sinh con lần đầu, mọi diễn biến của tiến trình sinh nở đều rất là lạ lẫm đối với Ê-va và A-đam. Qua lời Ê-va nói, chúng ta tin rằng họ không bị bỏ bê một mình, mà được Chúa giúp đỡ: “Nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, tôi đã sinh được một người” (1).

Ca-in có nghĩa là ‘sở hữu.’ Sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời vừa có ý nghĩa là ban phước và ban sức khoẻ khi thai nghén, cũng vừa là sự trợ giúp giải quyết những việc mà Ê-va và A-đam chưa từng biết đến trong tiến trình sinh đẻ của một người đàn bà.

Vài nhà nghiên cứu Kinh-thánh cho rằng Ca-in và A-bên là anh em sinh đôi. Nhưng lời Kinh Thánh không nói như vậy. Nghĩa là Ê-va mang thai lần thứ nhì và sinh ra A-bên. A-bên có nghĩa là hơi thở, hoặc hư không (vanity). Tác giả Thi-thiên 39 đã dùng chữ nầy (c.5) để diễn đạt sự hư ảo của đời người.

Khi đặt tên người con thứ nhì như vậy, có lẽ bà Ê-va nghĩ rằng Ca-in là dòng dõi phải đến như lời Đức Chúa Trời phán khi Ngài phạt con rắn. Nếu việc sinh Ca-in là sự ứng nghiệm lời Chúa, thì có lẽ bà nghĩ rằng việc A-bên được sinh ra không còn cần thiết nữa.

Hai anh em làm hai công việc khác nhau. Vì công việc hàng ngày của A-đam là nghề nông, cho nên Ca-in nối nghề cha trồng tỉa canh nông; còn A-bên làm công việc chăn nuôi. Mặc dù gia đình loài người đầu tiên nầy chỉ có ít người, nhu cầu không nhiều, nhưng chẳng ai lười biếng ăn không ngồi rồi, mà mỗi người đều có công việc phải làm.

Mặc dù Kinh-thánh không nhắc gì tới những người con gái do bà Ê-va sinh ra vào thời gian Ca-in và A-bên đang lớn dần, vì phong tục người Do-thái, tác giả viết sách Sáng Thế Ký, không kể con gái vào gia phả; nhưng chắc chắn bà Ê-va đã sinh nhiều con gái, để những người con trai do bà sinh ra có nữ giới mà cưới làm vợ. Vì lúc đó bà là người duy nhất có khả năng sinh sản ra loài người mà thôi.

Sau một thời gian, Ca-in dùng thổ sản làm lễ vật dâng lên Đức Giê-hô-va. Còn A-bên dâng phần ngon nhất của chiên đầu lòng trong bầy mình. Đức Giê-hô-va đoái đến A-bên và lễ vật của ông, nhưng Ngài không đoái đến Ca-in và lễ vật của ông. Vì thế, Ca-in giận lắm và sa sầm nét mặt” (3–5).

Sự thờ kính Đức Chúa Trời không phải là sự sáng chế mới mẻ về sau của loài người, nhưng là một định chế đã có từ thời loài người có mặt trên thế gian. A-đam và Ê-va đã truyền lại cho con cái họ ý thức về Đức Chúa Trời.

Và thời ấy, có lẽ Chúa vẫn thỉnh thoảng thăm viếng trò chuyện với họ. Dạy dỗ con cái cách kỹ lưỡng về lòng biết kính sợ Chúa từ lúc chúng còn thơ dại là điều khôn ngoan và phải thực hiện giữa các gia đình con cái Chúa ngày nay.

Tại sao lễ vật của A-bên được Đức Chúa Trời chấp nhận, nhưng lễ vật của Ca-in lại bị Ngài từ chối? Đối với mọi người trần gian thì lễ vật của hai người đều tốt như nhau. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng thấy tư tưởng trong lòng người.

Công việc chăn bầy của A-bên khiến ông có nhiều thời gian vắng lặng để suy tư và tâm hồn hướng về Đức Chúa Trời để được gần gũi Ngài.

Trong lịch sử dân Do-thái về sau, có hai người được Đức Chúa Trời chọn làm người lãnh đạo là Môi-se và Đa-vít. Cả hai người đều làm công việc chăn chiên trong đồng vắng trước khi trở nên các nhà lãnh đạo kiệt xuất. Trong thời gian chăn chiên, họ đã dành rất nhiều thì giờ suy tưởng về Đức Chúa Trời và các mỹ đức của Ngài, cũng như những ơn lành Ngài ban cho họ.

Lúc nào cũng có sự khác nhau giữa tính tình và tính cách của những người dâng hiến lễ vật. Qua thái độ căm giận và hành động giết người em của mình, Ca-in đã bộc lộ là người có tính tình đầy tự ái, hung dữ và độc ác.

Thái độ và hành động quá độc ác của Ca-in đã giải thích rõ lý do vì sao Đức Chúa Trời đã không chấp nhận lễ vật của ông dâng lên cho Ngài. Còn A-bên có tâm hồn công chính, như lời Đức Chúa Giêxu đã xác nhận khi Ngài hành đạo ở thế gian (Ma-thi-ơ 23:35).

Cũng có sự khác nhau giữa lễ vật họ dâng lên cho Chúa. Tác giả thư Hê-bơ-rơ cho biết “A-bên dâng cho Đức Chúa Trời một sinh tế tốt hơn lễ vật của Ca-in, và nhờ sinh tế nầy ông được chứng nhận là người công chính” (Hê-bơ-rơ 11:4).

Ca-in chỉ dâng một lễ vật để công nhận sự ban phước của Đức Chúa Trời. Còn A-bên thì đem đến một sinh tế chuộc tội; máu của con thú bị đổ ra để ông được tha tội.

Về phẩm chất của lễ vật thì “Ca-in dùng thổ sản làm lễ vật dâng lên Đức Giê-hô-va,” còn A-bên thì “dâng phần ngon nhất của chiên đầu lòng trong bầy mình” (3); phẩm chất của hai thứ lễ vật, vì thế, khác nhau rất xa. Hơn nữa, A-bên dâng lễ vật bằng đức tin, Ca-in thì dâng bởi lòng tự hào, không khiêm nhường và không bởi đức tin (Hê-bơ-rơ 11:4).

Đức Giê-hô-va hỏi Ca-in: ‘Tại sao con giận? Sao con sa sầm nét mặt? Nếu con làm điều tốt thì lẽ nào con không được chấp nhận? Còn nếu con không làm điều tốt thì tội lỗi rình rập trước cửa, nó thèm con lắm, nhưng con phải quản trị nó’” (6–7).

Đức Chúa Trời nói cho Ca-in biết mối nguy hại về thái độ sai trật của lòng tự ái và cố chấp, lý do lễ vật của ông không được chấp nhận là vì cách dâng hiến của ông không tốt, tội lỗi không phải là một ý niệm mà còn là một thân vị ác độc.

Ngài cũng chỉ cho ông cách thức tránh khỏi nanh vuốt của tội lỗi là phải biết quản trị nó, tức là biết làm chủ các khuynh hướng xấu của tư tưởng thúc giục mình làm điều sai trái.

Ca-in đã không chịu nghe lời Đức Chúa Trời cảnh cáo ông, để cho sự cay đắng đâm rễ trong lòng. Ông oán hận Chúa vì Ngài không chấp nhận lễ vật của ông, chuyển sự ganh ghét người em trai của mình thành mối oán thù phải thanh toán.

Sự không vâng lời của A-đam có vẻ chỉ là một tội nhỏ, nhưng hành động ấy đã mở cửa cho tội lỗi xâm nhập thế gian và đi vào lòng người cách nhanh chóng. Tội lỗi đã phát huy ảnh hưởng tàn độc của nó tới mức tối đa bằng cách làm hư hoại bản chất của tâm tánh loài người.

Ca-in xông đến giết em mình rồi không có chút ăn năn nào hết (8–9). Ông trở thành kẻ sát nhân đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Lúc đó, Đức Chúa Trời phải giữ vai trò thẩm phán. Ngài “hỏi Ca-in: ‘A-bên, em con ở đâu?’ Ca-in thưa: ‘Con không biết. Con là người giữ em con sao?” (9). Ca-in cả gan chối vì không biết Đức Chúa Trời đã rõ hết mọi việc.

Chúa không trả lời câu hỏi của Ca-in, Ngài vạch trần sự thật và tuyên bố sự rủa sả trên Ca-in vì tội sát nhân (10–12). Máu của người công chính dù chết rồi vẫn còn lên tiếng (10; Hê-bơ-rơ 11:4).

Án phạt cho tội không vâng lời của A-đam là đất bị nguyền rủa. Nhưng án phạt dành cho tội của Ca-in đè nặng lên chính ông: “Bây giờ con bị nguyền rủa phải rời khỏi mảnh đất nầy, là đất đã hả miệng hút máu em con đổ ra bởi tay con. Khi con canh tác, đất sẽ chẳng sinh hoa lợi cho con nữa. Con sẽ lẩn trốn và phiêu bạt trên đất” (11–12). Mặc dù vì A-đam mà đất đã bị nguyền rủa, bây giờ bởi tội của Ca-in, đất lại bị nguyền rủa gấp đôi.

Lời đáp của Ca-in không phải là sự thú nhận tội lỗi mà là lời than phiền, trách móc đức công chính của Đức Chúa Trời (13–14). Ông không thấy tội của ông nặng đến mức nào, cũng không để ý đến sự nhân từ của Chúa; ông chỉ than vãn về án phạt dành cho ông là quá nặng, rồi lo lắng sẽ bị ai đó giết chết: “Ngày nay Chúa đuổi con ra khỏi đất nầy, con sẽ bị che khuất khỏi mặt Chúa và lẩn trốn, phiêu bạt trên đất; và rồi, có ai đó gặp con, họ sẽ giết con” (14).

Ca-in biết mối hiểm nguy khi bị đuổi khỏi mặt Đức Chúa Trời, tức là ra khỏi sự bảo vệ của Ngài. Có lẽ ông sợ cả cõi tạo vật đều sẽ chống lại ông. Lòng chưa biết ăn năn tội thì lúc nào cũng sống trong sự sợ hãi. Vì thế, thà rằng vì sợ mà không dám phạm tội, hơn là phạm tội rồi bị kinh hoàng sợ sệt.

Nếu Ca-in bị Chúa giết chết, thì ông sẽ bị lãng quên. Nhưng Chúa cho ông sống mà bị sự sợ hãi theo đuổi lâu dài, để người ta thấy đức công chính của Ngài.

Không ai biết Chúa đã đánh dấu gì hay đánh dấu như thế nào trên mình Ca-in, để thực hiện lời hứa của Ngài là Ca-in sẽ không bị người khác giết chết (15). “Ca-in lui ra khỏi sự hiện diện của Đức Giê-hô-va và ở trong đất Nốt, về phía đông của E-đen” (16).

Chỉ vì một tội không vâng lời của A-đam đã mở cửa cho tội lỗi có môi trường để phát tác từ thời Ca-in cho tới ngày nay.

SangTheKy10.docx

Rev. Dr. CTB