Chúa Nhật, January 25th, 2015

Sáng Thế Ký, 25

Sáng-thế-ký 17:1–27

Mười ba năm đã trôi qua kể từ ngày Ismael được sinh ra, Áp-ram đã được 99 tuổi. Mười ba năm gắn bó với đứa con nhỏ trong lúc tuổi đã già và chỉ biết bước đi bởi đức tin.

Chuyện tích về đời Áp-ram được kể một cách vắn tắt nhiều sự việc nối tiếp nhau, làm cho chúng ta tưởng rằng cuộc sống mỗi ngày của Áp ram toàn là những dấu hiệu siêu nhiên. Thật ra, những lần ông được Chúa hiện ra gặp gỡ hoặc lời Ngài đến qua khải tượng, thì đã được dàn mỏng ra trong 24 năm của đời ông.

Sau mười ba năm, có lẽ những việc diễn ra trước mắt trong đời đã đẩy lùi những điều không thấy được. “Khi Áp-ram được chín mươi chín tuổi, Đức Giê-hô-va hiện đến với ông và phán: ‘Ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng; con hãy bước đi trước mặt Ta và sống thật trọn vẹn’” (1).

Đức Chúa Trời Toàn Năng trong tiếng Hê-bơ-rơ là El-Shaddai, danh xưng được dùng 31 lần trong sách Gióp, và 17 lần ở những chỗ khác trong Kinh-thánh; có nghĩa là không ai quyền năng bằng Ngài.

Bước đi trước mặt Chúa có nghĩa là sống trong một ý thức có Đức Chúa Trời thấy và theo dõi từng hành động của mình.

Sau khi Áp-ram và Sa-rai tính toán dùng một đàn bà khác để tạo ra con cái dòng dõi, giúp Chúa hoàn thành lời hứa của Ngài, thì bây giờ Đức Chúa Trời hiện đến với Áp-ram để nói rõ với ông rằng:

Nếu Áp-ram muốn nhận những phước lành bởi giao ước theo lời hứa của Chúa, thì ông phải là một đầy tớ trung tín và vâng lời Ngài. Đức tin của ông phải được kèm theo bởi sự vâng lời đến từ đức tin; đó là ý nghĩa của lệnh “sống thật trọn vẹn.

Mười ba năm thương yêu và tuổi già được an ủi bởi đứa con muộn Ismael, Có lẽ lời hứa đứa con kế tự đã phai mờ dần trong lòng của Áp-ram. Có thể ông tưởng rằng Ismael chính là đứa con của lời hứa. Khi lòng tin của ông bị chao đảo, thì sự hiện ra của Đức Chúa Trời làm cho lòng tin ấy sống dậy và vững vàng.

Chúng ta cũng thường có tâm trạng đó. Cái gì đang nắm trong tay dù nhỏ nhưng vẫn chắc ăn hơn điều lớn lao được hứa mà chưa thấy thực hiện. Chúng ta hi vọng Chúa sẽ hài lòng với các ‘Ismaels’ của chúng ta, hi vọng Ngài sẽ không xoá bỏ hiện trạng chúng ta đang có, và đừng bắt chúng ta sống trong hi vọng về những điều chưa thấy xảy ra.

Ta sẽ lập giao ước với con và làm cho dòng dõi con gia tăng gấp bội” (2). Giao ước Chúa đề xướng ở 15:18 là giao ước về đất làm sản nghiệp, bây giờ Ngài thiết lập một giao ước đời đời với Áp-ram và dòng dõi của ông bằng một dấu hiệu đặc biệt trên thân thể họ.

Áp-ram quỳ sấp mặt xuống đất. Đức Chúa Trời phán với ông: ‘Về phần Ta, đây là giao ước Ta lập với con: Con sẽ là tổ phụ của nhiều dân tộc’” (3–4).

Chúa bảo Áp-ram phải bước đi trong sự hiện diện của Ngài, rồi Ngài lập giao ước với ông. Ngài ấn chứng cho giao ước ấy bằng cách đổi tên của Áp-ram thành Áp-ra-ham, vì Chúa lập ông làm cha của nhiều dân tộc (5). Từ ông, nhiều dân tộc sẽ thành hình, dòng dõi của ông sẽ sinh sôi nẩy nở thật nhiều, ông sẽ là tổ phụ của nhiều vị đế vương (6).

Giao ước mà Chúa lập với Áp-ra-ham cũng áp dụng cho dòng dõi của ông nữa. Vì nếu giao ước chỉ lập cho Áp-ra-ham mà thôi, thì giao ước ấy sẽ chấm dứt sau khi Áp-ra-ham qua đời; nhưng “Ta sẽ lập giao ước với con và dòng dõi con từ thế hệ nầy qua thế hệ khác; vì đây là giao ước đời đời để Ta làm Đức Chúa Trời của con và của dòng dõi con” (7), chúng ta ngày nay cũng là dòng dõi đức tin của Áp-ra-ham nữa (Ga-la-ti 3:7).

Ở đây chúng ta thấy Đức Chúa Trời đặt các nền móng của một giao ước ân điển với loài người. “Một giao ước đời đời” tức là giao ước không bao giờ thất bại; bởi vì Đức Chúa Trời khởi xướng giao ước ấy, bất kể việc loài người dễ sa bại về đạo đức.

Mặc dù không ai dám nói là phía loài người sẽ thực hiện được giao ước ấy, nhưng các mục đích của Đức Chúa Trời được hoàn thành bởi một Người thuộc dòng dõi Áp-ra-ham, tức là Đức Chúa Giêxu, Đấng Mê-si-a được sai đến, sẽ đem vô số người trong nhân loại vào gia đình của Đức Chúa Trời, tham dự vào giao ước thánh, trở thành những con cái có mối tương giao mật thiết với Cha trên trời.

Chúa nhắc lại một lần nữa về miền đất Ca-na-an sẽ vĩnh viễn là cơ nghiệp của dân Israel (8). Dù cho ngày nay các kẻ thù của dân Chúa và những kẻ vô cớ thù ghét Đức Chúa Trời đang gắng sức hô hào lấy đất ấy cho người Palestine.

Dấu hiệu về giao ước mà Áp-ra-ham và con cái, cũng như mọi người nam thuộc về ông đều phải giữ, đó là phép cắt bì, một dấu hiệu về giao ước trên thân thể (9–14).

Những ai muốn Đức Chúa Trời là Chúa của mình, thì phải quyết tâm làm dân của Ngài. Ý nghĩa thuộc linh của giao ước cắt bì đối với con dân của Hội-thánh Đức Chúa Giêxu bây giờ không phải là quyền sở hữu đất Ca-na-an như con cháu của Y-sác ngày xưa, mà là thiên đàng qua Đức Chúa Giêxu Christ.

Dấu hiệu bên ngoài của tín hữu cũng không phải là phép cắt bì trên thân thể (Ga-la-ti 5:2–6), nhưng là phải tham dự Hội-thánh chân chính của Chúa; còn bên trong thì có ấn chứng của Đức Thánh Linh (Ê-phê-sô 1:13), một dấu hiệu chỉ có Đức Chúa Trời mới biết và nhìn thấy được trong lòng. Ai coi thường luật Chúa đã truyền, người ấy chắc phải bị hư vong.

Đức Chúa Trời cũng đổi tên Sa-rai thành Sa-ra (15–16); mặc dù ý nghĩa cả hai tên đều là công chúa, thế nhưng Sa-rai có nghĩa là ‘công chúa của tôi,’ còn Sa-ra là ‘bà công chúa,’ vì bà sẽ là tổ mẫu của nhiều dân tộc và vua chúa sau nầy.

Ý nghĩa thuộc linh của sự đổi tên từ Sa-rai thành Sa-ra rất đáng để ý. ‘Công chúa của tôi’ là người yêu quí nhất hay thần tượng của một người, vinh dự ấy chỉ ở trong phạm vi một gia đình. ‘Bà công chúa’ là một danh xưng cao trọng đối với mọi người, nhưng mọi thói quen hoặc tính tình của bà công chúa thường hờn giận, làm nũng, nhỏng nhẽo với chồng hoặc người nhà của mình, thì phải chấm dứt tánh tình và cách cư xử đó. Khi Chúa đổ ân huệ Ngài trên chúng ta nhiều chừng nào, thì hãy bớt tự cao chừng nấy.

Đức Chúa Trời không quên lời Ngài hứa như người ta thường nghĩ. Ngài nói về Sa-ra “Ta sẽ ban phước cho nàng, và qua nàng Ta sẽ ban cho con một con trai” (16). Đây là lời hứa phán không thể bị hiểu lầm hay suy diễn gì được. Chắc chắn là một lời phán khiến Áp-ra-ham sửng sốt.

Áp-ra-ham quỳ sấp mặt xuống đất, cười và thầm nghĩ trong lòng: ‘Một người đã trăm tuổi mà vẫn có con chăng? Sa-ra đã chín mươi tuổi mà còn sinh đẻ được sao?” (17). Đây là nụ cười hết sức vui mừng và sung sướng của Áp-ra-ham, không phải là nụ cười chế nhạo, không tin của ông.

Đức Chúa Giêxu nhắc lại sự kiện nầy với người Do-thái: “Cha các ngươi là Áp-ra-ham vui mừng mong được thấy ngày của Ta, người đã thấy và mừng rỡ” (Giăng 8:56). Như vậy tiếng cười của Áp-ra-ham không phải là cười vì tin không nổi, nhưng cười vì đức tin đã giúp ông thấy trước tương lai của dòng dõi ông sẽ sinh ra một Đấng Cứu Thế.

Áp-ra-ham, sợ rằng đứa con Ismael mà ông yêu thương trong mười ba năm qua sẽ bị Chúa bỏ và quên mất, nên ông lên tiếng cầu xin ơn phước cho con mình (18). Đức Chúa Trời sẽ không bỏ qua những điều chúng ta cầu xin cách rõ ràng. Bất cứ điều gì chúng ta quan tâm và lo lắng, cứ mạnh dạn trình ra trước mặt Ngài trong lời cầu nguyện của mình.

Bổn phận của cha mẹ là không ngừng cầu thay cho con cái; mà điều lớn lao chúng ta phải ước ao cho các con là chúng giữ vững đức tin vào Chúa, được Ngài gìn giữ trong giao ước thánh, và được ơn Chúa ban để chúng có thể sống cách ngay thẳng và công chính trước mặt Chúa.

Đức Chúa Trời hứa sẽ ban cho Ismael mọi phước lành đặc biệt hơn bình thường, vì đức tin của Áp-ra-ham (20); nhưng các phước lành trong giao ước Ngài lập với Áp-ra-ham thì dành cho Y-sác, là con sẽ do Sa-ra sinh ra (19, 21).

Sau khi Đức Chúa Trời đã lìa khỏi Áp-ra-ham (22), ông thực hiện phép cắt bì cho ông và mọi người nam trong nhà ông (23–27). Đến nay phép cắt bì nầy vẫn còn lưu truyền trong Do-thái-giáo và Hồi giáo.

Vì các sắc dân A-rập, là dòng dõi của Ismael, và dòng dõi năm người con trai khác do bà vợ cuối cùng, Kê-tu-ra, sinh cho Áp-ra-ham, vẫn tôn trọng giao ước của Đức Chúa Trời đã lập với tổ phụ họ.

Mặc dù tính cách của thánh Allah, danh xưng của Hồi-giáo gọi Đức Chúa Trời, thì hoàn toàn khác hẳn bản thể và tính cách Đức Chúa Trời của Kinh-thánh. Tuy vậy, chúng ta ngày nay phải học gương trung tín của họ đối với lời dạy của tổ phụ Áp-ra-ham. Mặc dù chúng ta chỉ cần phép cắt bì trong lòng do Đức Thánh Linh thực hiện, tức là dứt bỏ tánh xác thịt, không cần hình thức cắt bì trên thân thể như họ nữa.

SangTheKy25.docx

Rev. Dr. CTB