Sáng Thế Ký, bài 41


Sáng-thế-ký 36–37

Những chi tiết về tên các bà vợ của Ê-sau ở phần nầy thì hơi khác với tên của họ ở các đoạn trước. Sáng-thế 26:34 chép: “Khi được bốn mươi tuổi thì Ê-sau cưới vợ, một người tên là Judith, con gái của Beeri, người Hittite, và một người tên là Basemath, con gái của Elon, cũng người Hittite.

Sau khi Gia-cốp đã đi khỏi nhà, “Ê-sau biết rằng các cô dâu Canaan không vừa ý Y-sác, cha mình, cho nên ngoài hai người vợ đã có, Ê-sau đến nhà Ishmael cưới thêm Mahalath là con gái của Ishmael, cháu nội của Áp-ra-ham và em của Nebaioth” (Sáng-thế 28:8–9).

Nhưng tới chỗ nầy thì tên người vợ đầu tiên là Adah, con gái Elon, người Hittite; người vợ thứ nhì là Aholibamah, con gái Anah, cháu ngoại của Zibeon, người Hivite; bà vợ thứ ba là Bashemath, con gái của Ishmael, cũng là em gái của Nebaioth (1–3); không thấy nhắc tới người vợ tên Judith nữa.

Các học giả Kinh-thánh tin rằng có lẽ Judith đã qua đời mà không có con; cho nên, người có tên là Basemath ở 26:34 thì ở chỗ nầy được gọi là Adah; bởi vì bà là con gái của Elon, người Hittite.

Vào thời bấy giờ, đàn bà có hai tên thì không phải là hiếm hay bất thường; vì thế, Mahalath, con gái của Ishmael, cũng có tên là Bashemath. Còn Aholibamah, người Hivite, thì có lẽ là người vợ mà Ê-sau cưới thêm, sau khi Judith đã qua đời mà không sinh con.

Giả thuyết trên được củng cố bởi các bằng chứng của các sự kiện về sau trong đời của Ê-sau. Vì hai chữ ‘Hivi’ (Hivite) và ‘Hori’ (Horite) chỉ khác nhau ở mẫu tự giữa có một nét dài hơn một chút, nên sự sao chép tiếng Hebrews thường mắc phải sự lầm lẫn ấy.

Có nghĩa là Aholibamah là người Horite, chứ không phải người Hivite. Đó là lý do tại sao Ê-sau có thể thừa hưởng vùng núi Seir của người Horite. Vào thời ấy, bởi sự giàu có của Y-sác, mà Ê-sau được thừa hưởng của cải, nên ông có thể cưới Aholibamah, con gái Anah, một quận công của người Horite; mặc dù người Horite không được xem là cao trọng như dòng giống Hittite.

Sự phân biệt sang hèn, cao thấp của các giống dân trong các xã hội chưa văn minh, thì căn cứ trên kiểu nhà và địa thế mà các dân tộc ấy cư trú. Cho đến ngày nay, giữa các sắc tộc thiểu số, thì người ở đồng bằng vẫn khinh thường các sắc dân ở vùng cao. Mà chỗ cư trú của người Horite thời đó khoét trong các vách núi đá.

Ba bà vợ ấy đã sinh cho Ê-sau năm người con trai (4–5). Việc Ê-sau dọn về vùng núi Seir, để cư ngụ lâu dài, đã xảy ra nhiều năm trước khi Gia-cốp trở về quê hương. Việc nầy dù không chép lại trong Kinh-thánh, nhưng vì Y-sác chia gia tài đồng đều cho hai con trai, khi Gia-cốp chưa trở về nhận phần gia tài, thì các đồng cỏ ở khu vực Kirjat Arba không đủ chỗ cho hai đàn gia súc đã được phân chia (6–8).

Có thể là Ê-sau còn để một phần bầy gia súc ở gần cha để ông có thể trở lại thăm cha; nhưng khi Gia-cốp đã về thì ông dọn tất cả lên vùng núi Seir và dòng dõi ông trở thành dân tộc Ê-đôm.

Các cháu nội của Ê-sau là mười ba tộc trưởng của dân Ê-đôm trước khi họ thành lập vương quốc (9–19). Nhưng đừng bị lầm lẫn như một số người, vì Amalek, cháu nội của Ê-sau, không phải là tổ phụ của dân Amalek đã có từ thời Áp-ra-ham (Sáng-thế 14:7).

Dân tộc Ê-đôm đã thành hình bởi sự pha trộn giữa các con cháu của Ê-sau với người Horite ở vùng đồi núi Seir; vì thế, Kinh-thánh cũng ghi chép tên các con cháu dòng dõi của Seir, người Horite (20–30).

Trước khi dân Ê-đôm trở thành một vương quốc với các vị vua nối ngôi nhau cai trị (31–39), thì các chi tộc của họ phân chia ranh giới sống độc lập với nhau. Họ chỉ kết hợp thành một dân tộc nhờ việc thực hành chung một tôn giáo.

Rồi sau khi thành lập vương quốc, các vua không truyền ngôi cho con cháu, nhưng các vua kế vị nhau lại thuộc các gia tộc và chi tộc khác với vị vua trước; thường là do có lực lượng mạnh hơn người khác.

Sau thời kỳ ấy, chỉ còn mười một tộc trưởng Ê-đôm được nêu tên, trong đó chỉ còn hai tên cũ là Kê-na và Thê-man (40–43); có lẽ mười một người được lưu danh vì đã có công ổn định các cuộc tranh giành quyền lực.

Từ phần nầy trở đi, sách Sáng-thế chỉ tường thuật mọi chi tiết, các biến cố liên quan đến con cháu, dòng dõi của Gia-cốp, sau nầy trở thành dân tộc Israel (37:1–2).

Trong số mười hai con trai do bốn bà vợ sinh cho Gia-cốp, Giô-sép là con trai của Rachel, vợ rất yêu qúy của Gia-cốp. Giô-sép được cha thương yêu hơn các anh mình nên bị họ ganh ghét (2–4).

Những người con của Gia-cốp đều sống cạnh mẹ của họ, là dân thờ hình tượng và có đủ thói xấu của người từ vùng Paddan Aram. Giô-sép và Benjamin sống gần cha, vì Rachel đã qua đời, nên học được lòng biết kính sợ Đức Chúa Trời.

Giô-sép được Chúa ban cho khả năng thấy các chiêm bao tiên tri, và về sau thì được ơn giải mộng hoàn toàn chính xác. Khi Giô-sép mười bảy tuổi thì bắt đầu được ơn chiêm bao. Cậu thật thà kể chiêm bao mình cho các anh nghe, nên càng bị họ ghét thêm (5–10).

Gia-cốp đã từng được Chúa ban cho nhiều chiêm bao thần thượng và những lần diện kiến với thần linh từ thiên đàng, nên ông rất chú ý ghi nhớ các giấc chiêm bao của Giô-sép (11).

Là người đã được Đức Chúa Trời ban cho nhiều kinh nghiệm siêu nhiên, mà chiêm bao là điều thường xảy đến với Gia-cốp, thì ơn ấy đã truyền xuống đời con của ông, là Giô-sép, một người đặc biệt được Chúa chọn trong số mười hai con trai của ông.

Điểm đặc biệt của Giô-sép là tính tình thành thật và lòng rất kính sợ Đức Chúa Trời. Rachel, mẹ của Giô-sép, qua đời khi cậu chỉ là một thiếu nhi khoảng sáu tuổi. Giô-sép ở gần và thừa hưởng tánh tình người cha đã được biến đổi sau cuộc vật lộn với Thiên-sứ của Đức Chúa Trời (Sáng-thế 32:24–30). Nhờ được lột xác sau biến cố Peniel, Gia-cốp mới có thể truyền đạt cho Giô-sép sự hiểu biết Chúa và lòng kính sợ Ngài.

Đức Chúa Trời chỉ có thể sử dụng người có lòng thành thật và biết kính sợ Ngài cho những việc vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng đến sự sống và số phận của nhiều người.

Điều nầy không có nghĩa là người được Chúa dùng thì sẽ luôn được bình an, hoặc chẳng bao giờ gặp hoạn nạn. Trái lại, Đức Chúa Trời thường dùng khổ nạn để rèn luyện những người mà Ngài muốn dùng họ trong những công tác đặc biệt.

Gia-cốp sai Giô-sép đi thăm các con lớn mình đang chăn chiên xa nhà (12–14). Ông không ngờ các con ông lại có ý tưởng tàn độc đối với em mình (15–20).

Điều nầy có thể xảy ra khi người cha có nhiều dòng con khác nhau. Vì từ nhỏ, các con đều sống gần mẹ và bị tiêm nhiễm những lời nói ganh ghét của các bà mẹ đối với người được cha yêu thương hơn.

Dù đều là con của Gia-cốp, nhưng mười người anh của Giô-sép chưa học được lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Reuben, người anh cả, người đã phạm lỗi nặng với cha mình, bây giờ là nhân vật muốn cứu em khỏi bị các người anh ác độc giết chết (21–22).

Chín người kia thấy lời bàn của Reuben hợp lý, nên Giô-sép bị họ ném xuống cái hố khô, không có nước (23–24). Ném em mình xuống một cái hố rồi ngồi mà ăn uống; điều nầy chứng tỏ lòng các người anh của Giô-sép rất chai đá và tàn nhẫn. Họ chẳng mảy may xúc động hay ân hận về hành động vô đạo đức của họ (25).

Giu-đa, người con trai thứ tư do Lê-a sinh cho Gia-cốp, lại có ý kiến: “Giết em rồi giấu máu nó đi thì ích lợi gì cho chúng ta? Thôi, chúng ta bán nó cho dân Ishmael và đừng động tay vào nó vì nó là em, là cốt nhục của chúng ta” (26–27).

Có hai lý thuyết về việc cùng một nhóm người lái buôn nhưng có tên là Ishmael và Mađian. Thuyết thứ nhất cho rằng họ chẳng có liên hệ huyết thống gì với các dòng con của Áp-ra-ham là Ishmael, con trai của Aga, hay Mêđian, con trai của Kê-tu-ra; họ chỉ là một nhánh của người Ca-na-an chuyên buôn bán đường dài (28). Sở dĩ gọi họ bằng hai tên đó là vì con cháu của Ishmael lẫn Mê-đian đều chịu ảnh hưởng nghề buôn bán của họ.

Thuyết thứ nhì tin rằng họ là dòng dõi của Ishmael và Mêđian; cho nên, Giô-sép bị bán cho dòng dõi khác của Áp-ra-ham.

Có lẽ Reuben đi đâu đó để tìm dịp cứu Giô-sép, nhưng khi tới nơi thì đã quá trễ (29–30).

Các anh của Giô-sép lừa dối cha để che giấu tội lỗi (31–32). Gia-cốp thì tưởng con trai cưng của mình thật đã bị thú dữ xé xác; ông quyết chí để tang con lâu ngày, từ chối hết mọi lời an ủi của “tất cả con trai, con gái” và cứ khóc thương con mình (33–35).

Giô-sép thì bị “bán cho Potiphar, quan chỉ huy vệ binh của Pharaôn” vua Ai cập (36).

Cậu trai trẻ bắt đầu thân phận nô lệ, xa gia đình của mình, một thời gian khổ lẫn vinh hoa dài đằng đẵng ở xứ người.

SangTheKy41.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký