Sáng Thế Ký, bài 43

                                                               Chuyện Đời Giô-sép

Sáng-thế-ký 39–40

Các lái buôn Ishmael đem Giô-sép xuống Ai-cập bán cho Potiphar, một người Ai-cập làm quan chỉ huy vệ binh của Pha-ra-ôn” (1). Thế là từ một cậu ấm trong nhà có nhiều đầy tớ và nô lệ, Giô-sép bỗng bị đem đi biệt xứ và trở thành nô lệ cho một người ngoại bang.

Phải ở vào một hoàn cảnh như vậy, người ngoại cuộc mới thấu hiểu nỗi đau khổ của Giô-sép lớn đến mức nào. Nhưng niềm an ủi vô biên của Giô-sép là được Chúa phù trợ mình; cho nên ông “rất thành công trong nhà người chủ Ai-cập” (2).

Sự thành công và thịnh vượng của Giô-sép quá rõ ràng, đến nỗi người chủ phải nhận ra ấy là do Đức Chúa Trời phù hộ Giô-sép (3). Tuy nhiên, sự thành công của Giô-sép cũng nhờ ông siêng năng làm các việc do chủ giao, vì nếu lười biếng thì chẳng được gì.

Đối với Potiphar, khi “Giô-sép được ơn trước mặt chủ và trở thành phụ tá cho ông. Ông lập chàng làm quản gia và giao tất cả tài sản cho chàng” (4), thì “phước lành của Đức Giê-hô-va bao phủ trên mọi tài vật” của Potiphar từ trong nhà ra tới ngoài đồng (5). Vì thế, Potiphar trao hết tài sản cho Giô-sép cai quản.

Có lẽ người thời đó, dù làm quan, vẫn luôn bận tâm về vấn đề thu góp của cải sao cho ngày càng nhiều. Nhưng vì có Giô-sép, Potiphar không bận tâm chút nào về việc ấy (6).

Là cháu nội của Y-sác, dòng dõi của Sarah và Rebekah, hai người đàn bà có nhan sắc khuynh thành; Rachel, mẹ của Giô-sép cũng là một người đàn bà đẹp, cho nên nét khôi ngô tuấn tú của Giô-sép là điều dễ hiểu.

Nhưng sự an ổn thịnh vượng của Giô-sép không biết kéo dài được bao lâu trước khi bị bà chủ mê mẩn liếc mắt đưa tình (7).

Có lẽ lòng kính sợ Đức Chúa Trời có trong Giô-sép từ lúc ông bị mồ côi mẹ, được ở gần cha và được cha uốn nắn, truyền đạt sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Từ chối lời cám dỗ, mời mọc, rủ rê của người đàn bà đa dâm, không phải là một điều dễ dàng đối với các thanh niên đang trưởng thành như Giô-sép.

Dù sự mời mọc ấy cứ triền miên từ ngày nầy sang ngày khác, Giô-sép vẫn cự tuyệt bằng lời phân giải hợp lý: “Trong nhà nầy, không có ai lớn hơn tôi, và ông chủ cũng không giữ lại thứ gì đối với tôi, chỉ trừ một mình bà, vì bà là vợ ông. Làm sao tôi dám làm điều đại ác như thế mà phạm tội với Đức Chúa Trời?” (8–10).

Hãy phân tích lời trần tình của Giô-sép để thấy rằng tuy ông không muốn phạm tội với Đức Chúa trời hoặc phạm lỗi với ông chủ, Giô-sép nói về chính mình nhiều hơn: “Không có ai lớn hơn TÔI,…ông chủ cũng không giữ lại thứ gì đối với TÔI.…Làm sao TÔI dám làm điều đại ác …

Khi Đức Chúa Trời dự định dùng một người nào đó trong chương trình của Ngài, thì Ngài đưa người vào một môi trường được rèn luyện cho công việc sẽ được giao trong tương lai.

Làm quản gia cho Potiphar, một quan chức của Pha-ra-ôn, Giô-sép có dịp tiếp xúc với các viên quan quyền khác và nghe biết về các công việc của triều đình. Sự hiểu biết ấy rất quan trọng cho chức vụ về sau của Giô-sép. Chúa đã chuẩn bị ông cho công việc.

Hơn nữa, Chúa cũng chuẩn bị Giô-sép về lòng thanh liêm, ngay thẳng đối với ông chủ mình, cũng như lòng kính sợ Chúa, tránh xa tội lỗi.

Từ bài học nầy, con dân của Chúa học được rằng có nhiều điều đau buồn tưởng là tai họa, nhưng hóa ra là sự chuẩn bị trong thời khổ đau để tạo ơn phước cho tương lai tươi sáng.

Có lẽ Giô-sép kín đáo từ chối sự mời mọc của bà chủ vì không muốn làm bà bị mất mặt đối với các gia nhân trong nhà, nhưng phương cách lịch sự và kín đáo đó lại khiến cho người đàn bà thêm táo bạo khi bị lòng say đắm nam sắc và dục vọng xui khiến. Giô-sép thì tuột ra khỏi cái áo khoác và bỏ chạy ra ngoài, vì ông quyết tâm không chịu phạm tội tà dâm (11–12).

Ăn không được thì đạp đổ vẫn là thói điêu ngoa thường tình của người không biết kính sợ Chúa. Bà chủ dùng cái áo Giô-sép bỏ lại để làm bằng chứng cho lời vu khống của mình (13–18).

Potiphar chẳng biết tâm địa của vợ nên tin những lời bà tố cáo, ông nổi giận bắt Giô-sép bỏ vào ngục, nơi giam giữ các người tù của vua. Ông quên mất rằng, nhờ Giô-sép mà cả nhà ông được phước (19–20).

Theo một số học giả nghiên cứu các xã hội thời cổ, thì có lẽ Potiphar không hoàn toàn tin lời vu cáo của bà vợ mình. Nhưng trong xã hội Ai-cập thời ấy thì người vợ được giao toàn quyền về tài sản của gia đình; cho nên, Potiphar không muốn làm mất lòng vợ, ông đưa Giô-sép vào khu bị quản thúc, tức là nơi tạm giam giữ các tù nhân của vua.

Vì là một nô lệ, Giô-sép không được ban cho cơ hội để minh oan; vì thế, ông chẳng có một chút hi vọng nào sẽ được ra khỏi cảnh ấy. Tuy vậy, sự an ủi mà ông nhận được là dù ông ở nơi nào, Đức Chúa Trời vẫn ở bên ông trong chỗ đó.

Quan chỉ huy vệ binh, cũng là cai ngục, hoàn toàn tin cậy lòng trung thành của Giô-sép để giao công việc quản lý cho ông (21–23).

Đức Chúa Trời đã xui khiến Potiphar chọn nơi giam giữ các phạm nhân của vua để bỏ tù Giô-sép. Đó là nơi Chúa chuẩn bị cho Giô-sép sẽ được vinh quang sau nầy; vì ở đó ông gặp hai vị quan của vua Ai-cập bị tù vì tội khi quân (40:1).

Các vị quan của vua dù bị quản thúc cũng được cấp cho nô lệ hầu hạ, mà Giô-sép là nô lệ được quản ngục giao bổn phận phục vụ hai viên quan nầy (40:2–4). Theo lời tường thuật ở đây, thì Giô-sép đến phục vụ họ vào ban ngày, còn ban đêm có lẽ Giô-sép phải trở về phòng của mình (5–6).

Bản tính tốt và lòng trắc ẩn của Giô-sép đối với hai viên quan, khi ông thấy họ buồn bã, là căn nguyên của cơ hội về sau giúp Giô-sép được phóng thích khỏi nhà tù của vua. Vì nếu ông không động lòng trắc ẩn trước vẻ buồn bã của hai viên quan, thì đã không lên tiếng hỏi thăm, do đó mất cơ hội giải mộng cho hai người (7–8).

Trong câu nói: “Việc giải mộng chẳng phải thuộc về Đức Chúa Trời sao? Xin hai vị cứ thuật lại các giấc mộng ấy cho tôi đi,” chứng tỏ Giô-sép đã trải qua nhiều lần chiêm bao và được ban ơn đặc biệt hiểu biết ý nghĩa của các giấc chiêm bao ấy.

Sau khi viên quan tửu chánh, tức là người giữ chức vụ hầu rượu cho vua, kể giấc mộng thấy cây nho có ba cành đơm hoa và ra trái, khi nho chín ông hái trái ép vào chén rượu của Pha-ra-ôn rồi dâng lên cho vua; thì Giô-sép có thể hiểu ý nghĩa của giấc mộng không chút khó khăn.

Điều ấy chứng minh rằng Giô-sép đã được Đức Chúa Trời ban cho cơ hội tập luyện hiểu ý nghĩa của các chiêm bao tiên tri, kể từ khi ông thường được thấy các chiêm bao ấy.

Giô-sép nói: “Đây là ý nghĩa của giấc mộng: Ba cành nho tức là ba ngày. Ba ngày nữa Pha-ra-ôn sẽ ân xá và phục hồi chức vụ cho ông; ông sẽ dâng rượu vào tay Pha-ra-ôn như trước đây …” (9–13). Giô-sép nhân cơ hội nầy xin vị quan ấy giúp cứu mình khỏi hoàn cảnh éo le và đầy khổ đau.

Một lần nữa, ông nói nhiều lần về chính ông: “xin … nhớ đến TÔI, làm ơn tâu với Pha-ra-ôn về trường hợp của TÔI …TÔI đã bị người ta bắt cóc …TÔI chẳng làm điều gì đáng bị giam trong ngục tối” (14–15).

Vị quan kia, tức là quan hầu bánh, cũng kể giấc mơ của mình cho Giô-sép giải nghĩa (16–17). Giô-sép cho biết ý nghĩa của con số ba cái giỏ tức là ba ngày. Chim bay xuống ăn hết bánh trong giỏ đang đội trên đầu có nghĩa là: Ông ta sẽ bị xử treo cổ trên cây và bị chim chóc ăn thịt (18–19).

Qua những lời Giô-sép giải nghĩa hai giấc mộng tiên tri, người đọc Kinh-thánh phải nhận ra một điểm chung rất đơn giản, để mình chú ý tập tành hiểu ý nghĩa các giấc chiêm bao tiên tri là:

Con số của sự việc hay sự vật tượng trưng cho thời gian. Ba cành nho là ba ngày; ba giỏ bánh cũng có nghĩa là ba ngày. Kết quả tốt đẹp trong giấc mộng sẽ là kết quả tốt đẹp cho người được thấy giấc mơ; còn kết quả xấu tượng trưng cho việc chẳng lành đối với người ấy. Vì hai giấc mộng của hai vị quan đều liên quan đến chính họ. Họ thấy chính mình trong giấc chiêm bao.

Đến ngày thứ ba, là sinh nhật của Pha-ra-ôn, vua mở tiệc thết đãi tất cả triều thần, và cho quan hầu rượu và quan hầu bánh ra khỏi ngục. Vua phục hồi chức vụ cho quan hầu rượu và ông được dâng rượu vào tay Pha-ra-ôn. Nhưng vua lại hạ lệnh treo cổ quan hầu bánh, như lời Giô-sép đã giải thích” (20–22).

Lời tiên tri hoặc chiêm bao tiên tri từ Đức Chúa Trời tỏ bày cho người thì phải xảy ra như đã bày tỏ. Các sự kiện ấy một lần nữa chứng minh rằng Giô-sép đã được rèn luyện về giải nghĩa chiêm bao.

Người ta thường chẳng nhớ tới những người mà họ nghĩ là không quan trọng. Viên quan tửu chánh đã quên bẵng nỗi oan khuất của người nô lệ đã giải nghĩa chiêm bao cho mình, tên là Giô-sép (23).

SangTheKy43.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký