Chúa Nhật, August 3rd, 2014
Sáng Thế Ký, 06
Sáng Thế Ký 1:24–31
Chuyện tích về sự sáng tạo các động vật trên cạn của ‘ngày’ thứ sáu được phân ra thành hai loại tạo vật: Các động vật sống trên đất và loài người.
Về phần các động vật sống trên đất thì lại được chia ra thành ba nhóm khác nhau: Gia súc, các loại bò sát và thú rừng (24).
Người đọc Kinh Thánh cần để ý các chi tiết nầy; bởi vì nếu xem xét kỹ, thì công việc của Đức Chúa Trời tạo nên các loài động vật sống trên cạn không phải là một đám hỗn độn các loài thú và loài bò sát chung với nhau, như vẫn thường được quan niệm bởi người chỉ đọc qua mà không dừng lại suy gẫm.
Một lần nữa, sự sáng tạo trong ‘ngày’ thứ sáu được bắt đầu bằng lời phán, tức là mệnh lệnh thiên thượng: “Đức Chúa Trời phán: ‘Đất phải sinh các động vật tuỳ theo loại: gia súc, các loài bò sát và thú rừng tuỳ theo loại,’ thì có như vậy” (24).
Nhưng câu tiếp theo thì giải thích cho độc giả biết sự việc diễn ra: “Đức Chúa Trời tạo nên các loài thú rừng tuỳ theo loại, gia súc tuỳ theo loại, và mọi loài bò sát trên đất tuỳ theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp” (25).
Nhóm người chủ trương thuyết tiến hoá hữu thần có thể vin vào chỗ nầy để chứng minh cho luận điểm của họ là: Nguồn gốc các sinh vật là do sự tiến hoá từ hình thức thấp lên hình thức cao hơn. Thế nhưng, Kinh-thánh không nói như vậy.
Khi xem xét đoạn kế tiếp, người đọc mới thấy sự việc. Ở đoạn 2 Kinh-thánh kể rằng, sau khi đã dựng nên A-đam là người đầu tiên, Đức Chúa Trời bảo ông đặt tên cho tất cả các loài sinh vật.
Tác giả ghi chi tiết về cách thức Đức Chúa Trời dựng nên các động vật: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy đất nắn nên mọi loài thú đồng và chim trời, rồi đưa đến trước mặt con người để xem con người đặt tên chúng là gì, và bất cứ tên nào con người đặt cho mỗi sinh vật đều thành tên riêng của nó” (2:19).
Như thế, không có sự mâu thuẫn trong sự tạo nên các động vật; bởi vì những sự mô tả ở đoạn 1 về sự xuất hiện của các sinh vật, chỉ là cách tường thuật vắn tắt sự việc đã được quan niệm của mọi người thời tác giả công nhận là chân lý.
Bây giờ khi so sánh các chỗ nói tương tự nhau về mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, và kết quả của sự việc xảy ra, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn.
Ở 1:11 “Đất phải sinh thảo mộc: cỏ kết hạt giống, cây trên đất tuỳ theo loại mà ra trái và kết hạt, thì có như vậy,” rồi “đất phải sinh các động vật tuỳ theo loại …, thì có như vậy” (24), thì người đọc hiểu rằng Đức Chúa Trời đã tạo nên từng loại cây và từng loại hay giống động vật bằng quyền phép và sự khôn ngoan của Ngài.
Đất là môi trường cho cây mọc lên và đứng vững, nuôi dưỡng cỏ cây để chúng lớn lên và ra hoa trái rồi kết hạt tuỳ theo loại, mà Đức Chúa Trời đã sáng tạo chúng theo mục đích khôn ngoan của Ngài. Về các loài động vật thì cũng do Đức Chúa Trời nắn thành hình, chứ không phải đất tự sinh ra chúng.
Dù hai hình thức sự sống giữa loài thảo mộc và động vật là khác nhau, nhưng đều tới từ Đức Chúa Trời.
Điều kỳ diệu của công cuộc sáng tạo vạn vật là những thế hệ sau của mỗi loại tạo vật đều được sinh ra từ thế hệ cha mẹ của chúng. Hột giống của mỗi loại thảo mộc đều mang đầy đủ đặc tính của cây đã sinh ra nó.
Các loài động vật trên cạn hay dưới nước cũng sinh sản và truyền giống y như chúng đã được tạo ra. Sự truyền giống là quyền năng sáng tạo của Đức Chúa Trời đã lập nên từ ban đầu.
Như sứ đồ Phao-lô xác nhận: “Đức Chúa Trời ban cho hạt giống hình thể tuỳ ý Ngài muốn, mỗi loại hạt giống một hình thể riêng” (1Cô-rinh-tô 15:38).
Quan sát hình dạng khác nhau của các loài động vật, người ta phải biết rằng chúng đã được tạo nên theo ý muốn của Đấng Tạo Hoá. Dù người ta chưa thể hiểu thấu hết mục đích hay lợi ích của từng loài động vật, côn trùng hay thảo mộc, nhưng khoa học đã khám phá ra rằng không một loài nào là hoàn toàn có hại hay vô ích. Người ta chỉ chưa biết hết ứng dụng của mọi loài tạo vật đã được Đức Chúa Trời dựng nên nhằm mục đích gì mà thôi.
Như vậy, công trình sáng tạo muôn loài của Chúa được ghi nhận là vô cùng khôn ngoan, trước khi Ngài dựng nên loài người.
Sự tạo nên loài người được mô tả đặc biệt, khác hẳn sự dựng nên các loài trong mấy ‘ngày’ trước, kể cả sự tạo nên các loài động vật ở phần đầu của ‘ngày’ thứ sáu. Mặc dù việc tạo thành loài người cũng khởi đầu bằng nhóm chữ quen thuộc: “Đức Chúa Trời phán…” (26).
Nhưng lần nầy không phải là lời truyền lệnh, mà là lời nói về ý định của Ngài: “Chúng Ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta, để quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài gia súc, và khắp cả đất, cùng mọi loài bò sát trên mặt đất” (26b).
Hơn nữa, trong các cuộc sáng tạo trước, các loài được tạo nên “tuỳ theo loại” của chúng, đến phiên loài người thì lại được tạo nên y theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và giống như Đức Chúa Trời.
Hai điều nầy là cực kỳ quan trọng, vì nó tách biệt loài người khỏi mọi loài sinh vật mà Đức Chúa Trời đã sáng tạo. Hình ảnh của Đức Chúa Trời là chi tiết quan trọng nhất được chú ý ở đây.
Vì thế, câu 27 nhấn mạnh hai lần: “Đức Chúa Trời sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Ngài sáng tạo loài người theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài sáng tạo người nam và người nữ.”
Như vậy, hình dáng mà loài người đang mang ngày hôm nay là hình ảnh của Đức Chúa Trời. Mỗi lần Kinh-thánh mô tả về hình ảnh Chúa hiện ra cho các tiên tri thấy, đều nói rằng “giống như hình người” (Ê-xê-chi-ên 1:26), hoặc “giống như con người” (Khải-huyền1:13).
Nhiều nhà thần học bàn cãi về chữ ‘hình ảnh.’ Họ cho rằng các nhóm chữ ‘theo hình ảnh’ và ‘giống như’ là nói về bản chất, linh hồn, sự thanh sạch và ngay thẳng. Theo họ thì hình ảnh của Đức Chúa Trời trên loài người gồm có tri thức, sự công chính và sự thánh khiết thật.
Nhưng sau nầy, khi A-đam sinh ra Sết, thì Kinh-thánh lại dùng đồng một từ ngữ nói về sự giống nhau có lẽ là ngoại hình và tính cách: “A-đam được một trăm ba mươi tuổi thì sinh một con trai, hình dạng giống như mình và đặt tên là Sết” (Sáng-thế 5:3).
Thế thì, việc loài người được sáng tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời và giống như Đức Chúa Trời là vinh dự đặc biệt cần được suy gẫm kỹ càng.
Cả khoa học ngày nay cũng đặt sự xuất hiện của loài người trên trái đất là rất trễ so với lịch sử về địa dư. Bằng chứng khảo cổ kỹ càng nhất cho thấy con người chỉ xuất hiện cách nay khoảng 30,000 năm trước mà thôi.
So với những vật hoá thạch mà khoa học công nhận là của các loài có sự sống trên địa cầu trước đây có thể là nhiều triệu năm, thì loài người chỉ mới hiện hữu chưa được bao lâu cả.
Việc ấy cho thấy thuyết tiến hoá về nguồn gốc loài người từ sinh vật cấp thấp tiến lên thành vượn người, rồi tiến hoá thành người là không giải quyết được về thời gian. Bởi vì tiến trình ấy, nếu có, phải trải qua hàng trăm triệu năm mà chưa chắc còn sống sót để thành một sinh vật đẳng cấp khác.
“Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán: ‘Hãy sinh sản, gia tăng gấp bội và làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời và mọi loài bò sát trên mặt đất’” (28).
Trước đó, ở ‘ngày’ thứ năm, Đức Chúa Trời đã ban phước cho các loài cá dưới nước và chim bay trên không. Bây giờ thì Ngài ban phước cho loài người là loài được tạo dựng trễ nhất.
Ban phước tức là ban cho khả năng sinh sản con cái thêm nhiều trên đất. Chúa giao nhiệm vụ cho người là quản trị đất và tất cả loài sinh vật khác.
Tạo dựng các sinh vật sống thở khí trời là đã xong. Nhưng vấn đề lương thực và thực phẩm dinh dưỡng cho mọi sinh vật phải được nói đến: “Đức Chúa Trời lại phán: ‘Nầy Ta sẽ ban cho các con mọi thứ cỏ kết hạt mọc khắp mặt đất, cùng mọi loài cây ra trái có hạt. Đó sẽ là thức ăn cho các con’” (29).
Điều nầy có nghĩa là các thứ cây có trái ăn được, thì đã được tạo thành trước khi dựng nên loài người khá lâu. Vì nó phải đủ lớn để ra trái làm thức ăn cho con người vừa mới được tạo dựng.
Ở chỗ nầy Kinh-thánh chưa nói gì đến lửa; có lẽ người chưa biết hay chưa cần đến.
Còn các động vật khác đều ăn cỏ xanh là chi tiết đáng ngạc nhiên. Bởi vì thú rừng thì có hai loại: loại ăn cỏ và loại ăn thịt. Nhưng tác giả chép lời Chúa phán là chúng đều dùng cỏ xanh làm thức ăn chính của chúng (30).
“Đức Chúa Trời thấy mọi việc Ngài tạo dựng thất rất tốt đẹp. Vậy, có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày thứ sáu” (31).
Xem xét mọi việc Đức Chúa Trời đã sáng tạo trong vũ trụ và trái đất, chúng ta chỉ biết sấp mình kính sợ Đấng Toàn Năng.
SangTheKy06.docx
Rev. Dr. CTB