Chúa Nhật, January 18th, 2015
Sáng Thế Ký, 24
Sáng-thế-ký 16:1–16
Khi Đức Chúa Trời lập giao ước hứa ban dòng dõi cho Áp-ram, thì không biết lúc đó ông được bao nhiêu tuổi. Áp-ram rời Cha-ran để đến Ca-na-an năm ông được 75 tuổi. Các biến cố đã diễn ra ở Ai-cập, rồi Lót lìa ông dọn xuống sinh sống ở đồng bằng Sodom; sau đó Áp-ram phải dẫn đoàn gia nhân đi giải cứu gia đình Lót đã bị đồng minh các vua phía đông bắt làm tù binh, vv, có lẽ đã trải qua vài năm trước khi ông được Chúa lập giao ước.
Người ta đoán rằng bà Sa-rai đã chờ hơn năm năm kể từ khi nghe Chúa hứa mà chưa thấy lời hứa của Chúa được ứng nghiệm. Bà mất kiên nhẫn vì thấy mình ngày càng già thêm, không còn hi vọng có khả năng sinh con (1).
Trong câu chuyện có tính bi kịch nầy của gia đình Áp-ram, thì Sa-rai là người khởi xướng ra mọi chuyện rắc rối. Có lẽ bà tự nghĩ rằng trách nhiệm của bà là phải làm cho Áp-ram có người thừa kế.
Đối với xã hội thời ấy, việc có con để thừa kế gia tài là nỗi ước ao nung nấu hơn hết của cả Áp-ram lẫn Sa-rai. Hơn nữa, họ vẫn nhớ Đức Chúa Trời từng hứa: “Ta sẽ làm cho con thành một dân lớn” (12:2).
Bà nói với chồng: “Nầy, Đức Giê-hô-va đã không cho tôi sinh con” (2). Cả ông và bà đều chưa hiểu biết nhiều về Đức Chúa Trời. Dù Áp-ram rời bỏ quê hương, bà con, dòng họ mình là hành động bởi đức tin. Nhưng khi phải đối phó với thực tế khắc nghiệt thì rõ ràng đức tin của Áp-ram bị nao sờn. Lúc vào xứ Ai-cập, ông đã nói dối vì sợ bị người ta giết chết để cướp vợ. Đó chính là đầu mối của mọi điều rắc rối kéo dài đến mãi sau nầy.
Vua Ai-cập mê nhan sắc của Sa-rai nên hậu đãi Áp-ram: “Áp-ram được nhiều chiên bò, lừa đực, lừa cái, lạc đà, tôi trai, và tớ gái” (12:16). Có lẽ bà Sa-rai được tặng nữ nô lệ Ai-cập, A-ga, trong dịp nầy.
Theo ý nghĩa tiếng A-rập thì ‘A-ga’ là ‘chạy trốn.’ Do đó, có giả thuyết rằng có thể đây là tên do nhà Áp-ram đặt cho người nữ nô lệ, vì lý do nào đó đã chạy trốn đến nương náu dưới sự che chở của ông, và được Sa rai chọn làm nàng hầu cho bà, chứ A-ga không phải là tên nguyên thuỷ của nàng.
Vì Kinh-thánh không nói rõ, và thân phận của một người nô lệ thời ấy bị xem như vật sở hữu của người chủ, thì chẳng có gì đáng kể. Tuy người ta căn cứ trên ý nghĩa của tên A-ga rồi đặt ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc của bà, nhưng cách hành xử vì suy kém đức tin của Áp-ram lúc vào Ai-cập chính là nguyên nhân có A-ga xuất hiện trong gia đình ông.
Dù nguồn gốc của A-ga từ đâu, thì cô vẫn là một nô lệ dưới quyền sinh sát của bà chủ Sa-rai. Theo phong tục thời xã hội nô lệ, nếu người vợ không sinh được con cái, thì họ thường đưa nàng hầu gái của mình cho chồng làm vợ lẽ để sinh con. Mọi con cái do nàng hầu sinh ra đều thuộc sở hữu của bà chủ.
Từ thời ấy cho tới khoảng nửa thế kỷ 20 trước đây, tục lệ đa thê vẫn rất phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Cho nên, việc có nhiều vợ không phải là một tội lỗi mà các tổ phụ người Do-thái phải tránh.
Về đề nghị của bà Sa-rai, thì có lẽ Áp-ram không chấp thuận liền. Bởi vì ông là người có đức tin vào lời hứa của Chúa và rất yêu thương vợ. Nhưng chắc rằng Sa-rai đã nhiều lần thúc giục khiến ông bị nao núng. Có lẽ ông nghĩ rằng đứa con do A-ga hay Sa-ra sinh ra cũng là từ gan ruột ông mà ra, theo như lời Đức Chúa Trời đã phán (15:4).
Tội lỗi do tâm lý hay suy diễn vẫn thường xảy ra. Cả Sa-rai lẫn Áp-ram đã không hành động theo đức tin trong toan tính nầy, mà theo sự suy diễn của lý trí.
Mối quan tâm chính của Sa-rai là nỗi nhục không có con. Vào thời của bà, những người đàn bà không sinh được con cái là một nỗi nhục không gột rửa được đối với xã hội chung quanh.
Vì không muốn là một bà chủ lớn lại bị mất mặt vì không có khả năng sinh con, Sa-rai đã nghĩ đến cách cuối cùng là cho nàng hầu thay mình sinh con cho chồng.
Mục sư Bob Deffinbaugh ở Dallas phát biểu về việc nầy như sau: “Đức tin không bao giờ cố gắng ép Chúa phải hành động, cũng không thay chỗ của Chúa mà thực hiện, cũng không hoàn thành được những việc siêu nhiên bằng sức của xác thịt.”
Sự suy diễn của Sa-rai đã ảnh hưởng trên Áp-ram và khiến ông cũng suy diễn là con do vợ nào sinh ra cũng là con của ông thôi; vì thế Áp-ram nghe theo lời bàn của Sa-rai mà ăn ở với A-ga khiến nàng thụ thai (2–4).
Có lẽ A-ga được Áp-ram sủng ái vì trẻ và có thể mang thai; cho nên lên mặt khinh thường bà chủ của mình. Trong một xã hội kiểu bộ lạc như thời Áp-ram, thì tâm lý của nữ nô được làm vợ lẽ của ông chủ rồi coi thường bà chủ mình cũng không có gì lạ.
Bà Sa-rai đem điều đó than oán và quy trách nhiệm cho chồng (4–5). Bà lờ đi không nhắc nguyên nhân là do ý kiến của bà. Cũng có thể là vào lúc đó Áp-ram tỏ ra sủng ái A-ga và ít gần gũi với Sa-rai như trước khiến bà nổi cơn ghen. Bà không ra tay hành hạ A-ga trước khi được chồng cho phép.
Áp-ram thì rất tôn trọng vợ và tập quán của xã hội thời nô lệ. Nghĩa là, nô lệ không được quyền coi thường bà chủ, và dù được làm vợ lẽ của Áp-ram, A-ga vẫn là nô lệ của Sa-rai.
Được chồng xác nhận quyền làm chủ nô của bà, Sa-rai ra tay hành hạ A-ga cho hả giận. Có lẽ A-ga bị đánh đòn đau mà không dám chống trả, bà chịu không nổi phải bỏ trốn (6).
Trong mấy câu đầu của đoạn 16 tới chỗ nầy, danh của Đức Giê-hô-va chỉ được Sa-rai nói tới một lần, nhưng không phải để tôn vinh mà để trách móc: “Nầy, Đức Giê-hô-va đã không cho tôi sinh con.” Sau đó, trong sự suy diễn, tính toán, chẳng ai nhắc đến Chúa nữa.
Cả Áp-ram lẫn Sa-rai đều không để tâm cầu hỏi ý Chúa xem Ngài định thể nào. Có thể là Áp-ram vẫn cầu khẩn Đức Chúa Trời trong đời sống mỗi ngày, nhưng hình như ông chưa lần nào được Chúa đáp lời khẩn cầu của ông.
Chưa thấy Kinh-thánh chép chút nào về vấn đề nầy. Nghĩa là Áp-ram chỉ chờ đợi được Chúa đến thăm và trò chuyện với ông theo chương trình của Ngài, chứ không dám mong Ngài đáp lời cầu xin.
Khi Kinh-thánh Cựu-ước nói Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra (7), thì thường có nghĩa là chính Đức Chúa Trời hiện ra trong hình ảnh một Thiên sứ.
Shur là một thành về phía đông nước Ai-cập. A-ga định trốn về quê hương Ai-cập trên đường trốn chủ. Suối nước ở đây thật ra chỉ là một mạch nước giếng. Giếng nước ấy nằm cạnh bên con đường tới Shur giữa Kadesh và Bered vùng hoang mạc Paran.
Đây là chỗ đầu tiên trong Kinh-thánh ký thuật Thiên-sứ hiện ra. Thiên sứ hỏi: “Nầy A-ga, tớ gái của Sa-rai, ngươi từ đâu đến, và định sẽ đi đâu?” (8). A-ga không thể giấu giếm tông tích gì được, nên trả lời: “Tôi trốn khỏi Sa-rai, bà chủ tôi.” Việc thiên sứ bảo A-ga hãy trở về chịu luỵ dưới tay chủ (9) là để bảo vệ sự sống của A-ga và của đứa trẻ trong bụng bà nữa.
Việc A-ga ngay lập tức vâng lời Thiên-sứ dạy bảo, chứng tỏ rằng bà nhận ra đó là Thiên-sứ, không phải loài người.
Thiên sứ cho biết bà đang mang thai và sẽ sinh một trai. Đó là một sự vui mừng và an ủi không kể xiết; bởi vì từ khi dựng nên trời đất và loài người, cho tới vài chục năm trước đây, người ta không biết bào thai trong bụng là nam hay nữ, cho đến lúc đứa trẻ được sinh ra mới rõ là trai hay gái.
Lời tiết lộ bà đang mang thai một bé trai đã làm cho A-ga đầy tràn niềm hi vọng (11). Tập quán cổ xưa của người vùng Trung-đông giống như tập quán của người Á-châu vẫn trọng nam khinh nữ.
Thiên sứ của Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi tăng gấp bội, đông đến nỗi không thể đếm được” (10). A-ga nghe lời đó thì biết rằng chính Đức Chúa Trời đang phán với bà. Đức tin của bà được gây dựng trong cơn sầu khổ là như vậy.
Thiên-sứ cũng bảo phải đặt tên đứa con trai sẽ sinh ra đời là Ismael, nghĩa là Đức Chúa Trời lắng nghe (11). Những lời tiên báo về dòng dõi của đứa trẻ, mà sau nầy là tổ phụ của các sắc dân A-rập, đều đã ứng nghiệm (12 Sáng-thế 25:12–18).
A-ga yên lòng trở về chịu lụy dưới tay Sa-rai theo lời Thiên sứ của Đức Giê-hô-va là như vậy. A-ga đặt tên giếng nước là Be-er La-chai-Roi, nghĩa là Đức Chúa Trời đoái xem (13–14).
“A-ga sinh cho Áp-ram một con trai và Áp-ram đặt tên con trai đó là Ismael” (15).
Toan tính của Sa-rai từ tâm lý thất vọng không chờ đợi Chúa đã đem đến các hệ lụy buồn khổ khi Ismael ra đời. Áp-ram đã 86 tuổi, Sa-rai thì không được vui vì đứa trẻ, mà sự thù ghét càng ngày càng sâu đậm.
Bài học nầy nhắc chúng ta đừng quên Chúa, suy diễn theo ý riêng, chỉ tạo ra nhiều điều tai hại và buồn khổ mà thôi.
SangTheKy24.docx
Rev. Dr. CTB