Sáng Thế Ký, bài 40

Sáng-thế-ký 35:1–29

Quan sát và xem xét các chi tiết của những sự kiện lần lượt diễn ra trong đời Gia-cốp và gia đình của ông, người ta đoán thời gian gia đình của Gia-cốp cư ngụ ở Succoth và Shechem đã trải qua khoảng tám năm.

Trong thời gian đó, chắc Gia-cốp đã về nhà thăm cha mình là Y-sác và mẹ là Rebekah, bởi vì trong lúc Gia-cốp ở Beth-El, thì bà Deborah, là vú nuôi của Rebekah, đã ở với Gia-cốp (8); mặc dù trước đó Kinh-thánh không nhắc tới nhân vật nầy.

Dân du mục thường tạm cư ở nơi nào có đồng cỏ cho bầy súc vật của họ. Gia-cốp đã trở thành thủ lãnh của một bộ tộc du mục, nên ông lưu lại Succoth khá lâu. Nghĩa là nơi đó có nhiều đồng cỏ cho bầy gia súc của ông.

Bây giờ, sau việc Si-mê-ôn và Lê-vi giết tất cả đàn ông dân thành Shechem, Gia-cốp đang lo sợ sẽ bị dân Ca-na-an trả thù, thì Đức Chúa Trời phán với ông: “Hãy mau đi lên Beth-El và ở đó. Cũng hãy lập tại đó một bàn thờ cho Đức Chúa Trời, là Đấng đã hiện ra với con khi con chạy trốn anh con là Ê-sau” (1).

Chúa phải nhắc nhở Gia-cốp vì ông đã quên mất lời hứa nguyện mình đã lập. Tám năm đã trôi qua kể từ ngày ông trở về quê cũ, nhưng ông cứ nhẩn nha chăn thú, mua đất, có lẽ để cất nhà ở lâu dài; vì hình như ông đã quên mất Beth-El.

Bài học về việc Gia-cốp chểnh mảng, quên lời hứa nguyện của ông, nhắc chúng ta nhớ lại lời khấn nguyện và nếp sống đạo cung kính của mình lúc bị hoạn nạn. Nhưng sau khi được Chúa giải thoát khỏi khổ nạn, ban cho cuộc sống yên bình, thì chúng ta nhanh chóng quên mất lời mình đã hứa.

Những người mới tin Chúa thường quyết tâm thực hiện lời nguyện hơn là tín hữu thâm niên trong đạo. Lý do Gia-cốp quên lời hứa nguyện là vì các vợ của ông đều xuất thân từ một nền văn hoá thờ hình tượng. Hơn hai mươi năm sinh hoạt trong môi trường xa cách Chúa như thế đã làm cho Gia-cốp không còn nhớ tới lời hứa nguyện năm xưa.

Shechem là hình bóng về chỗ ở an lành, ổn định của con cái Chúa người Việt ở xứ họ di cư đến. Đa số tín hữu chỉ giữ hình thức tôn giáo bề ngoài, còn đời sống linh hồn họ đã bị chiếm hữu bởi của cải vật chất và các hình thức giải trí phàm tục.

Được Chúa nhắc nhở, “Gia-cốp bảo người nhà và những người cùng đi với ông: ‘Hãy dẹp bỏ các tượng thần ngoại bang khỏi các ngươi, thanh tẩy chính mình và thay áo quần. Chúng ta hãy chuẩn bị đi lên Beth-El. Ta sẽ lập tại đó một bàn thờ cho Đức Chúa Trời, là Đấng đã nhậm lời ta trong ngày nguy khốn, và đã phù hộ ta trong suốt chặng đường’” (2–3).

Ngoài vợ con của Gia-cốp và các gia nhân đi theo ông từ Paddan Aram, bây giờ đoàn người đi theo Gia-cốp còn có cả đàn bà, trẻ con của thành Shechem vừa bị bắt làm nô lệ. Tất cả đều thờ lạy các thứ thần tượng của dân ngoại bang.

Sau khi họ nộp tất cả các tượng teraphyim, khoen đeo tai mang biểu tượng của tà thần Sin, và các tượng thần của người Ca-na-an, Gia-cốp liền chôn tất cả các món đó dưới gốc cây sồi ở thành Shechem (4).

Những việc nộp thần tượng, thanh tẩy, thay áo quần, chôn hình tượng và các vòng đeo tai đều có ý nghĩa biểu tượng rõ ràng. Những người ở với Gia-cốp phải chấm dứt sự thờ hình tượng để trở lại thờ kính một Đức Chúa Trời. Thanh tẩy tức là tắm rửa bề ngoài, dọn lòng bên trong, trừ bỏ các thói tục và quan niệm sai trật. Thay trang phục là bỏ tất cả các hình thức tôn giáo đã được biểu lộ qua cách ăn mặc. Chôn tức là không còn nhớ đến nữa, dứt khoát với những điều mình yêu thích trong đời sống cũ và niềm tin cũ.

Ơn phước Chúa ban cho Gia-cốp ngay lập tức là: Ngài “giáng kinh hãi trên các thành chung quanh đó, nên không một ai dám đuổi theo các con trai Gia-cốp” (5).

Sau khi Gia-cốp và những người đi theo ông đã đến Luz, tức là Beth-El, “ông lập tại đó một bàn thờ và đặt tên chỗ nầy là El-beth-El (nghĩa là Đức Chúa Trời của nhà Chúa), vì tại đây Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông khi ông chạy trốn anh mình” (6–7).

Lúc Gia-cốp chạy trốn và thấy Đức Chúa Trời hiện ra trong giấc chiêm bao tại địa điểm nầy, thì nơi ấy chưa có người ở. Sau nầy người Ca-na-an tới cư ngụ ở đó và đặt tên là thành Luz, tức là cây hạnh (almond). Hiện nay chỗ đó tên là Beitin.

Chắc rằng bà Rebekah, mẹ của Gia-cốp, đã qua đời, nên bà Deborah được Gia-cốp rước về ở với mình. Bà qua đời, được chôn ở Beth-El và được thương tiếc vô cùng (8).

Đức Chúa Trời hiện ra với Gia-cốp một lần nữa tại Beth-El; Ngài xác nhận tên mới của Gia-cốp là Israel, tên của một dân tộc mới, Ngài ban lời hứa lớn hơn và nhiều hơn (9–12). Khi Gia-cốp thực hiện lời hứa nguyện của mình, thì Đức Chúa Trời ban cho ông khải tượng to lớn hơn nhiều.

Điều nầy nhắc nhở chúng ta rằng, nếu ta biết hoàn nguyện lời hứa của mình đối với Chúa lúc còn trẻ, thì khải tượng ở tuổi già sẽ vĩ đại hơn nhiều so với thời trước.

Hãy nhớ lại ý nghĩa của sự lập bàn thờ tức là quyết tâm lập một nếp sống thờ phượng. Qua một đời sống biết thờ kính Chúa, thì Ngài mới bày tỏ thêm về Ngài cho ta biết: “Ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng” [El-Shaddai] (11). Đức tin của chúng ta sẽ ra sao khi được Chúa Toàn Năng hứa chắc sẽ ban phước và gìn giữ? Chắc chắn sẽ rất vững mạnh.

Một lần nữa, Gia-cốp dựng một trụ đá, đổ dầu lên, hủy bỏ tên Luz do người ta đặt, và đặt tên chỗ ấy lại là Beth-El (13–15).

Ngày nay không ai xác định được thời gian Gia-cốp lưu lại Beth-El là bao lâu; nhưng gia đình ông rời khỏi đó để tiến về phía nam (16), có lẽ việc tìm đủ đồng cỏ cho gia súc ở triền núi Beth-El bắt đầu gặp khó khăn.

Tiếng Hebrews gọi chữ “quãng đường” trong câu nầy là “chibrath” hay “chabratha,” và không ai rõ nó được dùng để nói về khoảng cách hay luống cày gập ghềnh. Nhiều học giả giải nghĩa là một dặm đường.

Trong lúc đang di chuyển thì “Rachel chuyển dạ và sinh rất khó khăn.” Rachel qua đời sau khi sinh hạ Benjamin. Gia-cốp chôn người vợ yêu quý của mình cách Beth-lehem, tức là Ephrath, khoảng gần một dặm (17–20).

Lúc còn ở Paddan Aram, khi Rachel thấy mình bị hiếm muộn, mà người chị lại sinh cho Gia cốp nhiều con trai, bà đã làm nũng buộc Gia-cốp phải làm cho mình sinh con, bằng không bà sẽ chết (Sáng-thế 35:16–20); bây giờ bà được sinh đứa con thứ nhì, nhưng bà bị qua đời. Những lời nói tưởng chừng không ảnh hưởng gì, thật ra đã dẫn đến hậu quả bi thảm.

Sự chết của thân thể không quan trọng bằng nơi đến của linh hồn người bị qua đời. Chúng ta cần phải học biết rằng chỉ Đức Chúa Trời mới biết rõ điều gì hữu ích cho con dân Ngài; vì vậy, hãy nhường cho Chúa thực hiện điều tốt nhất cho chúng ta.

Trong cơn hấp hối, Rachel đặt tên con mình là Ben-oni, nghĩa là con trai của sự đau khổ tôi. Tên con cái do cha mẹ đặt cho, nếu là nẩy sinh từ tâm trạng nặng nề của người mẹ, sẽ gán ảnh hưởng buồn đau đó trên đứa con; cho nên, hãy học biết điều nầy mà đặt tên con mang ý nghĩa vui vẻ và hạnh phúc cho con mình.

Gia-cốp không muốn gợi nỗi đau khổ mỗi lần gọi tên con, nên ông đặt tên là Benjamin, “con trai của tay hữu tôi” (18), nghĩa là đứa con rất yêu quý, niềm an ủi và nâng đỡ lúc tuổi già, giống như cây gậy trong tay hữu mình vậy.

Tháp Eder, thuộc vùng núi Hebron, cách Giêrusalem ngày nay khoảng vài dặm; nơi có nhiều đồng cỏ cho bầy gia súc của Gia-cốp. Tại đây, Gia-cốp về gần chỗ cha mình, là Y-sác, cư ngụ. Ông đã về tới quê nhà, chấm dứt cuộc đời lưu lạc nơi xứ người.

Nhưng cũng ở nơi nầy, Reuben, con trưởng nam của Gia-cốp, phạm tội gian dâm cùng vợ lẽ của cha mình là Bilhah. Gia-cốp dù đau khổ khi biết điều đó, nhưng ông không xử phạt con; có lẽ vì Bilhah vẫn mang thân phận nô-lệ, mà Reuben thì ở vai trò chủ nô (21–22). Mười hai con trai của Gia-cốp do bốn bà vợ sinh ra, sau nầy trở thành tổ phụ của mười hai chi tộc Israel (23–26).

Y-sác vẫn ở tại Kirjat-Arba, tức là Hebron, khi Gia-cốp về tới quê nhà (27). Lúc Y-sác tạ thế thì Gia-cốp đã được 120 tuổi, tức là mười hai năm sau khi đứa con trai vô cùng thương yêu của ông, là Giô-sép, bị những đứa con trai lớn ganh ghét bán qua Ai-cập làm nô lệ. Như vậy, Giô-sép lúc còn là thiếu niên đã được gặp mặt ông nội mình.

Y-sác hưởng thọ được một trăm tám mươi tuổi” (28) rồi qua đời bình an, mãn nguyện trong cuộc sống. Cuộc đời của Y-sác rất yên ổn, khác hẳn hai cuộc đời của cha mình là Áp-ra-ham và con mình là Gia-cốp. Ông “được hai con trai là Ê-sau và Gia-cốp lo an táng” (29).

Ít ra, trong đời sống của mình, Y-sác đã truyền đạt được đức tin của ông vào Đức Chúa Trời cho Gia-cốp, khi con ông còn ở nhà với ông.

SangTheKy40.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký