Giô-Suê, bài 08

Giô-suê 7:1–26

Trước khi tiến hành kế hoạch đi vòng quanh thành Jericho bảy lần vào ngày thứ bảy, Giôsuê đã dặn dò kỹ càng về việc đừng vì lòng tham mà lấy các vật đáng bị diệt, cũng đừng lấy bạc vàng và các bình bằng đồng, bằng sắt về cho mình

 “Nhưng hãy tránh xa các vật đáng bị huỷ diệt nầy, vì nếu anh em lấy những vật đáng bị huỷ diệt đó, thì anh em sẽ làm cho trại quân Israel thành vật đáng bị huỷ diệt, và đem sự rối loạn vào trong đó” (Giô-suê 6:18).

Sự dặn dò trước về các điều bị Chúa cấm thì không bao giờ thừa. Tuy vậy, vẫn có người không kềm hãm được lòng tham nên lén lút vi phạm lệnh cấm (1).

Đã có người đặt nghi vấn về số thế hệ từ A-can, người phạm tội, tới ông tổ Giu-đa là năm thế hệ. Tới thời điểm đó thì A-can chưa qua khỏi bốn mươi tuổi. Mà Zerah, ông cố của A-can, con của Giu-đa đã có mặt trong gia đình Jacob khi cả nhà đi xuống Ai-cập để tránh nạn đói ở Canaan. Khó giải thích tại sao bốn trăm ba mươi năm mà chỉ có ba thế hệ.

Câu đầu tiên của đoạn nầy có mục đích giải nghĩa nguyên nhân thất trận trước thành A-hi bé nhỏ. Giô-suê đã làm đúng bổn phận của ông là sai người đi do thám A-hi (2).

Các chiến thắng dễ dàng trước đây cộng thêm trận thắng không tốn một giọt máu ở Jericho, khiến các thám tử Israel sinh lòng khinh địch (3). Ba ngàn chiến binh lên đánh A-hi bị đại bại phải chạy trốn, ba mươi sáu chiến sĩ bị giết, lòng dân Israel “tan ra như nước” (4-5).

Đây là thất bại quân sự đầu tiên trong tất cả các trận đánh của Israel từ khi ra khỏi Ai-cập. Giô-suê và các tộc trưởng Israel sấp mặt xuống đất trước Rương Giao Ước trong trạng thái hoang mang đau đớn:

Ôi! Chúa Giê-hô-va, sao Ngài đem dân nầy qua sông Jordan rồi lại phó chúng con vào tay người Amorite mà tiêu diệt đi? Giá như chúng con quyết định ở lại bên kia sông Jordan thì có hơn không?” (6-7). Phép lạ nước sông Jordan rẽ ra, vách thành Jericho sập xuống chưa lâu, mà Giô-suê đã mở miệng trách Chúa.

Giô-suê sợ rằng đại danh của Đức Chúa Trời sẽ bị tổn hại khi các dân tộc Canaan sẽ hợp sức bao vây tiêu diệt Israel (8-9). Nếu Môi-se còn sống, chắc ông không nói như vậy, mà ông sẽ truy tìm nguyên nhân nào Chúa không giúp sức cho Israel.

Ngày nay chúng ta được biết Chúa nhiều hơn, biết sự thành tín và đức thánh khiết của Ngài, nên mỗi khi gặp thất bại, hãy tập tránh thái độ trách móc, quy lỗi cho Chúa vì Ngài không giúp sức; mà tự xét chính mình để không bị ngã lòng trước nghịch cảnh và được Chúa chỉ dẫn cho thấy nguyên nhân dẫn tới thất bại (10-12).

Sự đáp lời của Đức Chúa Trời rất rõ ràng: “Israel đã phạm tội, họ vi phạm giao ước mà Ta đã truyền phán.” Chỉ một người phạm tội mà cả tập thể phải chịu ảnh hưởng chung.

Ý nghĩa sâu xa nầy được nhắc lại về vai trò của Hội thánh là thân thể của Đấng Christ (Êphêsô 5:23), một vết thương làm cả thân thể đều đau đớn chung. Một người phạm tội sẽ ngăn trở sự tăng trưởng của cả Hội-thánh.

Điều mà Giô-suê phải làm là: “… đứng dậy, thánh hoá dân chúng” (13). Một người phạm tội, toàn dân phải thanh tẩy; bởi vì hễ còn vật đáng diệt nào giấu giếm ở giữa dân chúng, thì “các con không thể chống cự nổi kẻ thù mình cho đến khi các con loại bỏ các vật đáng diệt ấy.” Đây là bài học khá rõ ràng để chúng ta tìm xem các nguyên nhân thất bại của Hội thánh trên mặt trận truyền giáo. Chúng ta sẽ không thể đánh bại các thế lực tối tăm đang cầm giữ linh hồn của những người quen biết, đồng bào hàng xóm láng giềng trong gông cùm của chúng, khi có người thuộc về thân thể của Đấng Christ lén lút giữ vật đáng bị diệt, tức là những tội lỗi kín giấu mà người khác khó biết.

Các lãnh vực tội lỗi thì rất rộng, từ thái độ, tính tình, sự suy nghĩ, cho tới hành động, đều có thể là nguyên nhân gây trở ngại cho Hội thánh; bởi vì những người đó là các chi thể của thân thể chung. Còn nếu lỗi của ai không ảnh hưởng gì tới Hội thánh, người đó không phải là chi thể.

Vào thời Đền Tạm của Đức Giê-hô-va còn ở giữa dân Israel, việc tìm ra người phạm lỗi theo từng chi tộc được thực hiện bằng cách trưởng các chi tộc lần lượt bước vào hành lang Đền Tạm, đi qua trước mặt thầy tế lễ thượng phẩm đang đứng trước cửa Đền Tạm.

Đức Chúa Trời nói cho thầy tế lễ thượng phẩm biết chi tộc nào có người phạm lỗi, các chi tộc khác thì vô can. Lúc bấy giờ, đại diện từng gia tộc của chi tộc bị chỉ định sẽ lần lượt đi qua trước mặt thầy tế lễ thượng phẩm; Chúa sẽ nói cho thầy tế lễ biết gia tộc nào có người phạm tội.

Đến lượt từng gia đình của gia tộc ấy đi qua trước mặt thầy tế lễ, gia đình nào bị Chúa chỉ ra, thì từng người trong gia đình sẽ đi qua để người phạm tội bị bộc lộ (14). Theo sự nghiên cứu Ngũ Kinh, thì việc chỉ định nầy không phải là bắt thăm may rủi mà là cầu hỏi Urim, như đã quy định:

Giô-suê phải ra mắt thầy tế lễ Eleazar và thầy tế lễ sẽ vì người tìm hiểu ý Đức Giê-hô-va bằng cách cầu hỏi Urim trước mặt Đức Giê-hô-va. Theo lệnh Eleazar, người và cả hội chúng Israel sẽ đi ra và đi vào” (Dân số 27:21).

Có lẽ đây là lần đầu tiên Israel phải cầu hỏi Đức Chúa Trời bằng Urim (tới nay không ai biết Urim và Thumim hình dạng ra sao), để người nào bị chỉ ra thì sẽ bị hoả thiêu cùng với cả gia đình (15).

Với dân số của mỗi chi tộc rất đông, việc cầu hỏi Urim sẽ mất nhiều thời gian; cho nên, Giô-suê và cả Israel phải dậy sớm để có đủ thì giờ (16).

Vì chỉ có mười hai chi tộc mà chi tộc Giu đa bị chỉ ra, thì các chi tộc khác vô can, không cần phải đến gần thầy tế lễ nữa. Mỗi chi tộc lại có nhiều gia tộc; đến phiên gia tộc Zerah bị chỉ ra, thì các gia tộc khác vô can.

Từng gia đình tới gần thầy tế lễ thì gia đình Zabdi bị Urim chỉ định (17). Cuối cùng là Acan, cháu của Zabdi bị Urim chỉ đích danh là người phạm tội (18).

Nếu Acan thú tội ngay từ đầu thì cả Israel đã không mất thì giờ cầu hỏi Đức Giê-hô-va bằng Urim. Chắc chắn rằng Acan không tin việc mình làm cách lén lút sẽ bị phát hiện; cho nên ông ta cứ im lặng cho đến khi bị chỉ ra. Nhiều người ngày nay cũng vậy.

Bây giờ Acan bị cật vấn (19), thấy không giấu giếm gì được nữa nên Acan nhận tội (20). Thời nay chúng ta có thể xưng tội với Chúa và từ bỏ tội ấy để được huyết Đức Chúa Jesus bôi xoá hết tội lỗi và được tha thứ.

Acan phạm tội tham của cải và tiền bạc nên đã lấy cái áo choàng Babylon (Sinêa), làm bằng vải quý nhiều màu đẹp, rất mỹ thuật và rất đắt giá, 200 shekels bạc và một nén vàng nặng 50 shekels (thời ấy người ta đo bằng trọng lượng chứ tiền bằng kim khí chưa có) (21). Chỗ giấu của cải kín đáo nhất vào thời ấy cho tới nhiều đời sau vẫn là chôn dưới đất.

Bài học nầy cũng giúp chúng ta biết cách tránh lòng tham muốn là đừng nhìn vẻ đẹp của món hàng. Mắt chưa thấy thì lòng tham muốn chưa nổi lên.

Mắt đã nhìn chăm chú vào cái gì vừa ý mình thì lòng tham sẽ nổi dậy “thì con đã tham muốn và lấy các vật ấy.” Cái áo choàng Babylon thì phải đốt bỏ, còn bạc và vàng đáng lẽ phải nộp cho kho Đền Tạm, Acan muốn lấy riêng cho mình.

Người của Giô-suê sai đi tới lều của Acan thì tìm được áo choàng và bạc giấu ở dưới. Họ lấy về đem đến trước mặt Giô-suê và toàn thể Israel (22-23). Luật của thời ấy thật là khắc nghiệt, mọi người trong gia đình Acan và tất cả thú vật thuộc về ông đều bị ném đá chết rồi bị hoả thiêu. Của cải và của ăn trộm cũng bị thiêu luôn với gia đình người phạm lỗi (24-25).

Hãy cùng nhau xem lại việc nầy để hiểu lý do tại sao những người liên quan tới người phạm tội cũng phải bị xử tử chung với kẻ vi phạm. “Hãy tránh xa các vật đáng bị huỷ diệt nầy. Vì nếu anh em lấy những vật đáng bị huỷ diệt đó, thì anh em sẽ làm cho trại quân Israel thành vật đáng bị huỷ diệt, và đem sự rối loạn vào trong đó” (Giô-suê 6:18).

Cho nên, người nào có ý phạm tội nầy vì tưởng rằng không ai biết, là người làm cho cả tập thể trở thành vật đáng bị huỷ diệt và khiến tập thể đó bị rối loạn. Trong luật lệ về sự trừng phạt các tội khác, thì chỉ người phạm tội bị phạt, gia đình không bị phạt chung.

Sau khi Acan và gia đình bị xử tử và hoả thiêu “Đức Giê-hô-va liền nguôi cơn thịnh nộ” (26). Ngày nay nếu chúng ta thấy tình trạng Hội thánh cứ bị trì trệ hoặc không có chiến thắng trong sự truyền giáo, rất có thể là vì chúng ta không thấy hoặc không biết trong nội bộ của mình có người đang phạm tội trọng với Chúa mà chưa bao giờ chịu ăn năn, hối cải.

Bài học nầy giúp chúng ta biết tỉnh táo, làm sạch đời sống và từ bỏ những gì Chúa không đẹp lòng. Từ đó chúng ta mới đủ điều kiện để được Chúa giúp đỡ truyền giáo thành công, đánh bại mọi kẻ thù trong linh giới.

Giosue08.docx

Rev. Dr. CTB