Ruth, bài 03

Ruth 3:1-18

Ruth đi mót lúa trong ruộng của Bô-ô suốt mùa gặt để nuôi mẹ chồng. Naomi không muốn nàng dâu hiếu thảo của mình sẽ bị bơ vơ, không bà con hay bạn bè gì ở Bethlehem, sau khi mình qua đời; nên bà nói với Ruth là phải tìm cho nàng một chỗ an thân để được hạnh phúc, tức là tìm một người chồng có thể bảo bọc cho Ruth (1).

Có lẽ bà Naomi đã quan sát và nghe ngóng về Bô-ô, người bà con giàu có bên phía chồng của bà, nên biết Bô-ô sẽ làm gì sau khi mua gặt đã xong: “Tối nay ông ấy sẽ đi sảy lúa mạch ở sân đập lúa” (2). Bà bày kế cho Ruth hãy tắm rửa, xức dầu thơm và mặc quần áo tốt nhất rồi kín đáo đi xuống sân đập lúa, mà đừng để cho Bô-ô thấy.

Cũng để ý quan sát chỗ ngủ của Bô-ô sau khi ông ăn xong, để khi ông ấy đã ngủ say thì tới giở mền dưới chân ông mà nằm đó (3-4). Ruth rất ngoan và dạn nữa, vì nàng biết ý của mẹ chồng (5).

Ruth làm đúng theo lời Naomi dặn, đi nhẹ nhẹ đến giở mền dưới chân của Bô-ô và nằm xuống (6-7). Tại sao Naomi bảo Ruth phải làm như vậy? Theo phong tục của thời ấy, đó là cách Ruth phải nhắc nhở Bô-ô về bổn phận chuộc lại sản nghiệp của người chồng đã quá cố.

Khi Bô-ô nằm ngủ ở sân đập lúa, một chỗ ngủ tạm trong lúc tất cả lúa thu hoạch chưa được đem vào kho, nên Bô-ô vẫn mặc trọn quần áo của mình khi nằm xuống ngủ. Ruth nằm dưới chân ông chủ không phải để khơi lòng dục của ông, mà chỉ để nhắc nhở ông. Cho nên, khi Bô-ô trở mình đạp phải Ruth, biết có một người đàn bà đang nằm dưới chân mình (8), thì ông giật mình hỏi và vì trời tối không rõ mặt người, ông chẳng biết đó là phụ nữ nào.

Có lẽ Ruth hồi hộp nằm chờ, nên vội vàng lên tiếng: “Con là Ruth, tớ gái ông. Xin ông đắp mền trên con vì ông có quyền chuộc sản nghiệp con” (9).

Câu nói: “Xin ông đắp mền trên con” có nghĩa là hãy tiếp nhận con và xem con như một người vợ của ông, theo phong tục thời đó. Ẩn dụ nầy được Đức Chúa Trời nhắc lại ở Ê-xê-chi-ên 16:8Khi Ta đi ngang qua và nhìn người, thấy ngươi đã lớn, đến tuổi yêu đương. Ta lấy áo ngoài trùm trên ngươi để che sự trần truồng của ngươi. Phải, Ta đã thề với ngươi, kết ước với ngươi và ngươi thuộc về Ta. Chúa Giê-hô-va phán vậy.

Như vậy, Bô-ô hiểu ý của Naomi là ông nên cưới Ruth để mua và làm chủ sản nghiệp của Mahlon, con Elimelech. Bô-ô rất cảm kích lòng hiểu thảo của Ruth, vì có lẽ ông đã lớn tuổi mà chưa lấy vợ: “Nầy con gái ta, nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho con! Việc hiếu nghĩa con làm lần nầy còn lớn hơn lần trước, vì con chẳng chạy theo những gã trai trẻ, vô luận nghèo hay giàu” (10-11).

Bô-ô hứa chắc ông sẽ thực hiện lời yêu cầu của Ruth, với điều kiện là người bà con có liên hệ với Êlimelech gần hơn ông từ chối quyền chuộc sản nghiệp đó. Có lẽ trong lòng của Bô-ô rất mừng vì Ruth chẳng những là một phụ nữ đức hạnh, mà còn là một phụ nữ trẻ có nhan sắc (12). Nhưng vì có một người bà con khác có liên hệ họ hàng với chồng của Ruth gần hơn ông, nên ông không thể cưới Ruth mà không có sự đồng ý của người ấy.

Nếu người kia muốn chuộc sản nghiệp, tức là phải cưới Ruth làm vợ, thì cũng tốt cho Ruth; bằng không, Bô-ô lấy danh Đức Giê-hô-va thề rằng chính ông sẽ cưới Ruth và chuộc lại sản nghiệp của chồng nàng (13).

Bô-ô bảo Ruth hãy ở lại sân đập lúa trong đêm ấy, đừng vội vàng rời nơi đó về nhà. Ông nói như vậy là để bảo vệ an toàn cho Ruth. Bởi vì nếu Ruth ra về trong đêm vào giờ khuya khoắt, nếu có người bắt gặp Ruth trên đường về thì danh dự của Ruth sẽ bị vết hoen ố, nhục nhã hay nguy hiểm.

Ruth vâng lời nằm ngủ dưới chân Bô-ô, nhưng dậy rất sớm lúc trời còn rất tối, người ta không thể thấy rõ mặt mà nhận ra nhau. Bô-ô cũng vậy. Ông không muốn bị tiếng đời dị nghị là có người đàn bà vào sân đạp lúc để ngủ với ông (14). Người Israel thời ấy rất trọng danh dự, nên họ hết sức bảo vệ danh giá của mình.

Con cái Chúa ngày nay cũng phải biết cư xử vừa ngay thẳng vừa trong sạch, để không ai có thể nghĩ xấu hay bêu xấu. Chúng ta hãy thoát ra khỏi tính cách tầm thường của người chưa tin Chúa thiếu lòng tự trọng. Bởi vì thói quen và tập quán của người thời nay đã bị mất hẳn tính liêm khiết và lòng tự trọng của những người được giáo dục luân lý Khổng Mạnh của thời quân chủ nước Việt. Dù thời ấy chưa có người Việt nào tin Chúa, nhưng luân lý trong xã hội ngăn cản không cho người ta làm những việc xấu hổ. Gương ấy đáng được khen ngợi.

Bô-ô là một người vừa có từ tâm, vừa ân cần đối với người khác. Ông muốn bảo đảm Naomi và Ruth có đủ lương thực để sống trong những ngày chờ đợi quyết định người nào sẽ chuộc lại sản nghiệp của Mahlon, chồng quá cố của Ruth. Ông bảo Ruth đưa vạt áo choàng ra để ông đổ lúa cho nàng đem về; vì ngoài áo choàng, Ruth chẳng có bao bị gì khác để chứa. Sáu đấu lúa mạch khoảng hai ê-pha, nặng khoảng hai chục kí-lô ngày nay (15).

Sau đó, Bô-ô rời sân đập lúa của mình để trở vào thành. Có lẽ Ruth chờ ông đi xa rồi mới kín đáo đem lúa về cho mẹ chồng. Mặc dù Kinh Thánh không ghi từng chi tiết, nhưng theo tâm lý con người thì có lẽ đêm ấy bà Naomi cũng thao thức khó ngủ vì không biết mình xúi con dâu làm như vậy có bị Bô-ô cự tuyệt hay không.

Thấy Ruth về, bà vội hỏi: “Việc thế nào rồi, con của mẹ?” Ruth thuật cho mẹ chồng nghe hết mọi lời của Bô-ô nói, và nàng cũng cho bà biết Bô-ô tặng bà tới hai chục ký lúa mạch. Vì ông nói: “Con chớ trở về cùng mẹ chồng với hai tay không” (16-17).

Bà Naomi biết rằng Bô-ô đã nói là thực hiện; cho nên, bà nói: “Nầy con của mẹ, hãy đợi xem sự việc diễn biến thế nào, vì ông ấy không chịu ngồi yên đâu nhưng sẽ giải quyết việc nầy ngay hôm nay” (18). Nhân vật Bô-ô là một gương mẫu cho chúng ta ngày nay quan sát và bắt chước.

Câu chuyện trong đoạn nầy khuyến khích chúng ta hãy dùng đức tin mà đặt chính mình dưới chân của Đấng Christ. Vì Ngài là người gần gũi với chúng ta; Ngài khoác lên mình bản thể nhân loại của chúng ta. Ngài có quyền chuộc chúng ta về cho Ngài.

Phần chúng ta là chờ đợi, tiếp nhận sự chỉ dẫn của Ngài. Trong mọi việc hãy hỏi: “Lạy Chúa! Ngài muốn con phải làm chi?” Hãy chia sớt các ơn phước Ngài ban cho những người thân quen với mình, để họ cũng được cứu rỗi.

Ruth03.docx

Rev. Dr. CTB