Thời Tận Thế
Khải Huyền 2:1-11
Bố cục sách Khải Huyền phân chia như sau: Đoạn 1 nói về Đức Chúa Giêxu, nhân vật chính của sách; các đoạn 2 và 3 là bảy giai đoạn lịch sử của Hội Thánh từ khi thành lập đến ngày được cất lên; đoạn 4:1-4 Hội Thánh được cất lên; các đoạn 4 và 5 Hội Thánh ở trên trời; các đoạn từ 6 tới 19:11 mô tả bảy năm đại nạn ở thế gian; 19:11-21 là sự tái lâm của Đức Chúa Giêxu Christ; các đoạn 20 và 21 là thời kỳ ngàn năm bình an; và đoạn 22 là Vương quốc đời đời – Thông điệp của Đức Chúa Giêxu gửi cho bảy Hội Thánh chép trong hai đoạn 2 và 3 nầy không phải chỉ bao gồm lời khen ngợi, quở trách, kèm theo sự khuyên giục cổ võ đầy yêu thương, mà còn là lời tiên tri bao trùm lịch sử của Hội Thánh từ thời ấy đến ngày nay. Điểm đáng chú ý là tình trạng của mỗi giai đoạn lịch sử ấy lại tiêu biểu cho một loại nhóm tín hữu vẫn có mặt trong Hội Thánh cho đến ngày Đức Chúa Giêxu Christ trở lại thế gian. Mỗi thư lại có bố cục như sau: Nơi nhận, Đức Chúa Giêxu tự mô tả về mình, lời khen của Chúa, lời quở trách, lời khuyên giục, và lời hứa.
Thư đầu tiên gửi cho Hội Thánh Êphêsô. Êphêsô có nghĩa là “người được mến chuộng” và tiêu biểu cho thời kỳ Hội Thánh sơ lập của thế kỷ đầu tiên, gồm cả thời kỳ được chép trong sách Công Vụ các Sứ Đồ, thường được gọi là “Hội Thánh thời các sứ đồ.” Ấy là giai đoạn mà lòng nhiệt thành của tín hữu bùng cháy cho Đức Chúa Giêxu Christ hưng phấn như mối tình đầu của tình yêu trai gái. Lòng nhiệt thành ấy được Chúa khen ngợi trong các câu 1-3. Chúa mô tả mình là Đấng cầm 7 ngôi sao trong tay, đi giữa 7 chân đèn vàng (1), là thông điệp gửi đến cho mọi Hội Thánh biết rằng Ngài đang ở giữa họ và mục sư của các Hội Thánh đều ở trong tay Ngài. Rõ hơn nữa, lời phán: “Ta biết công việc ngươi,” nghĩa là không việc gì có thể giấu khỏi mắt Chúa. Có những việc tín hữu làm vì Chúa, cũng có những việc do bị bổn phận và trách nhiệm thúc đẩy, lại có việc hăng hái làm vì danh vọng hão. Lúc ấy Êphêsô là thành phố cảng lớn thứ ba của đế quốc La mã, có đền thờ nữ thần Artemis (Diana, Công Vụ 19). Phaolô, Apôlô, Timôthê, rồi Giăng nối tiếp nhau làm giám mục tại đây. Giăng đã đem bà Mary, mẹ phần xác của Đức Chúa Giêxu, về phụng dưỡng, và bà đã qua đời ở đây. Ngày nay miễu thờ bà vẫn còn tại Êphêsô.
Thời ấy có hai nhóm người phục vụ lưu động ở các Hội Thánh địa phương. Một nhóm là sứ đồ, hoặc tự xưng là sứ đồ, nhóm kia là các tiên tri. Một số sứ đồ và tiên tri giả trở thành vấn nạn cho các địa phương vì họ lợi dụng tìm kiếm miếng ăn. Chúa khen sự khôn ngoan biết phân biệt của Hội Thánh Êphêsô. Ngài khen họ đã chịu khó nhọc, nhẫn nại làm việc vì Danh Ngài. Ngài cũng khen họ về lòng thanh sạch, không dung dưỡng tội ác, đã tống cổ bọn sứ đồ giả ra khỏi Hội Thánh. Tuy nhiên (c.4-5), Ngài trách họ đã bỏ tình yêu ban đầu đối với Ngài; động lực thúc đẩy họ chịu khó nhọc, nhẫn nại, thánh sạch, không dung dưỡng tội lỗi, chẳng còn vì yêu Chúa nữa. Lúc Giăng chép thư nầy thì tín hữu tại Êphêsô thuộc thế hệ thứ nhì. Hội Thánh phát triển, lòng yêu mến ban đầu đối với Chúa nguội lạnh dần, sự thờ phượng bắt đầu thiên về nghi lễ hình thức. Từ một Hội Thánh lấy Chúa làm trung tâm, đầy dẫy Đức Thánh Linh và Lời Chúa, nay nghiêng dần về hoạt động có hình thức giống như tổ chức hội đoàn.
Ngày nay tình trạng tương tự rất dễ nhận thấy. Trong các tổ chức xưng là Hội Thánh Chúa, đại đa số giáo hữu chỉ dự nghi lễ để hi vọng sẽ bảo đảm một vé về thiên đàng, ưa thích hay hăng hái tham gia các hoạt động hội đoàn, xã hội; còn mặt quan trọng nhất là: mối liên hệ tương giao với Chúa thì hoặc là hiểu biết cách mơ hồ hoặc chưa bao giờ được thiết lập. Tình trạng của Hội Thánh Êphêsô lúc bấy giờ khá hơn nhiều so với thái độ vừa đề cập. Cho nên, Đức Chúa Giêxu khuyên họ hãy nhớ lại họ đã sa sút từ lãnh vực nào, ăn năn về việc ấy, và phục hồi công việc ban đầu đã làm vì được thúc giục bởi tình yêu mến biết ơn Chúa (c.5).
Khi chúng ta không còn tình yêu ban đầu không phải vì mình đã đánh mất, nhưng đã bỏ, tìm cái đã mất thì khó, nhưng lấy lại điều đã bỏ thì không khó. Chúa dạy chúng ta cách lấy lại ấy là: Nhớ lại nguyên nhân khiến mình sa sút, ăn năn về việc ấy, và làm lại công việc thuở ban đầu đầy tình yêu mến Chúa. Nghĩa là nhớ lại công việc mình làm cho Chúa vì được thúc đẩy bởi lòng yêu mến Ngài, việc đó trở thành ưu tiên cao nhất, và làm lại việc ấy. Có thể đó là tinh thần hăng say học lời Chúa, cầu nguyện, ca hát ngợi khen, hoặc truyền giáo, vv… Hậu quả của việc không làm theo lời khuyên là mất chỗ mình vốn có trong Chúa, nghĩa là không còn sự hiện diện của Ngài. Chúa cảnh cáo “Nếu ngươi không ăn năn thì Ta sẽ đến cùng ngươi và cất chân đèn của ngươi khỏi chỗ nó” (5b). Đức Chúa Giêxu không lưu lại Hội Thánh nào không còn yêu mến Ngài nữa.
(6) “Song ngươi có điều nầy khá, là ngươi ghét những việc làm của đảng Nicôla, mà Ta, Ta cũng ghét nữa.” Nicolaitans ra từ 2 chữ Hilạp ‘Nikao‘ và ‘laos‘ có nghĩa là “thiết lập giới giáo phẩm lên trên tín hữu bình thường.” Hội Thánh Êphêsô ghét việc thiết lập tầng lớp thuộc linh cao cấp. Chúa nói, Ta cũng ghét nữa. Lý do là Đức Chúa Trời không muốn bất cứ ai cảm thấy mình bị xa cách Ngài, phải nhờ một ai đó để đến với Ngài. Ngài muốn chúng ta đến thẳng với Ngài qua Con Ngài là Đức Chúa Giêxu Christ. Vì Đức Chúa Giêxu đã mở đường cho mọi người như nhau; cho nên, Đức Chúa Trời không muốn thấy có ai đó đứng cản đường người khác đến với Ngài. ‘Đảng Nicôla’ là chủ nghĩa thiết lập một giai cấp giáo phẩm, hoặc tăng lữ, cầm quyền trên đời sống tâm linh của các con cái Chúa, và Đức Chúa Giêxu nói Ngài ghét loại chủ trương đó. Theo truyền thuyết thì Nicôla là một trong 7 chấp sự đầu tiên của Hội Thánh, về sau người nầy pha trộn triết học tà giáo Hilạp vào giáo lý Hội Thánh. Ông dạy rằng: tâm linh con người luôn luôn thiện hảo, nhưng thể xác người thì vĩnh viễn ác; tâm linh không bị ảnh hưởng do việc làm của thể xác. Vì con cái Chúa đã được thanh tẩy tâm linh, nên dù cho thể xác có sống theo sự ham muốn của lòng thì cũng không ảnh hưởng gì tới tâm linh. Hội Thánh Êphêsô ghét sự dạy dỗ sai trật nầy, cũng là điều Chúa ghét.
“Ai có tai hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh.” Đây không phải là việc nghe qua cho biết rồi thực hiện hay không cũng chẳng sao. Câu 1:3 nói rằng ai đọc, nghe và giữ theo những điều chép trong sách thì được phước. Mọi người đều có tai thể chất, nhưng chỉ ai có lỗ tai thuộc linh hiểu biết ý nghĩa thiêng liêng của lời Chúa phán và vui lòng làm theo, mới được hưởng phần thưởng theo lời hứa. “Kẻ nào thắng (Nikao), Ta sẽ cho ăn trái cây sự sống ở trong Paradis của Đức Chúa Trời.” Chữ ‘thắng’ trong các thư nầy có nghĩa là thắng trong cuộc tranh chấp giữa hai phía. Như vậy, sự chiến đấu chống bản ngã xác thịt để vừa không bị mệt mỏi làm công việc Chúa, vừa giữ được lòng kính mến ban đầu, cũng vừa không bị ảnh hưởng của quyền lực tổ chức tôn giáo kềm hãm mình, không phải là một cuộc chiến đấu dễ dàng. Nó đòi hỏi tín hữu phải có lỗ tai tâm linh nhạy bén với sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh.
Ý nghĩa tiên tri của thư gửi cho Hội Thánh Êphêsô nói về Hội Thánh thời các sứ đồ từ năm 33 đến 100 AD. Đây là Hội thánh lý tưởng của thời sơ lập sau khi nhận được báp têm và đầy dẫy Đức Thánh Linh, mọi người đều nhận được quyền năng và có lòng yêu mến Chúa nhiệt thành như lửa bùng cháy. Họ đã vui chịu hoạn nạn rao truyền phúc âm ra mọi nơi. Đây là thời kỳ sứ đồ Phaolô đã thực hiện nhiều vòng truyền giáo, cũng như nhiều sứ đồ khác rao giảng tin mừng ra mọi nơi họ bị tản lạc. Nhưng qua thế hệ thứ nhì thì mối tương giao ấy chỉ còn là việc làm chăm chỉ vì nghĩa vụ chứ không phải vì tình yêu mến Chúa nữa. Chúng ta ngày nay cũng hãy nên cẩn thận xem xét sự thờ phượng Chúa của mình hiện giờ do động lực nào thúc đẩy? Nhớ lại mình đã sa sút từ thời điểm nào, đã bỏ tình yêu Chúa từ lúc nào? Ăn năn và phục hồi tình yêu mến Chúa thuở ban đầu để được ăn trái cây sự sống ở thiên đàng. A-men.
KhaiHuyen04.doc
Rev. Dr. CTB