Thời Tận Thế

Khải Huyền 2:8-11

Về mặt lịch sử, Simiệcnơ là Hội Thánh của Chúa ở giai đoạn kế tiếp thời kỳ Êphêsô, từ đầu thế kỷ thứ nhì tới đầu thế kỷ thứ tư, tức là từ năm 100 tới 312 AD.  Về mặt địa dư thì Simiệcnơ là một thành phố nằm cách Êphêsô khoảng 40 dặm về hướng bắc.  Theo lịch sử Hội Thánh Chúa thì thời gian hơn hai thế kỷ nầy là thời kỳ bách hại khốc liệt nhất của 10 hoàng đế Lamã nối tiếp nhau bắt bớ nhằm tiêu diệt Hội Thánh của Đức Chúa Giêxu Christ.  Người ta ước lượng khoảng 6 triệu Cơ-đốc-nhân đã bị giết dưới tay 10 hoàng đế Lamã nói trên.

Câu 8 chép: “Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Simiệcnơ rằng:” Nếu hiểu chữ thiên sứ là nói về giám mục của Hội Thánh, thì giám mục của Simiệcnơ là Polycarp, môn đồ của Giăng, bị tử đạo lúc hơn 90 tuổi.  Kẻ hành hình khuyên Polycarp từ bỏ Đức Chúa Giêxu để được tha chết.  Polycarp nói: “Hơn 80 năm ta đã hầu việc Cứu Chúa của ta, Ngài chưa hề từ chối ta một lần. Ta sẽ không từ chối Ngài.”  Kẻ hành hình doạ rằng “Lửa thiêu ông sẽ nóng lắm!”  Polycarp trả lời: “Nó chẳng thể so nổi sức nóng của lửa mà ngươi sẽ bị thiêu đốt.” Hắn nổi lửa, ngọn lửa tràn lên quanh Polycarp nhưng không thể táp vào thân thể ông được.  Thấy thế, hắn lấy giáo đâm xuyên qua người ông, máu ông tuôn ra làm tắt đám lửa, và các môn đồ ông đem chôn theo nghi lễ Hội Thánh.  Như vậy các vị lãnh đạo Hội Thánh thời ấy chịu chia sẻ sự bị bắt bớ và tử đạo chung với bầy chiên của mình.

Câu 8 nói tiếp: “…Nầy là lời phán của Đấng truớc hết và Đấng sau cùng, Đấng chết rồi mà đã sống lại.” Đức Chúa Giêxu nhắc nhở những người đang chịu tử đạo về chiến thắng của Ngài đối với sự chết, để ban cho họ lòng can đảm và sức mạnh trong giờ khắc phải đối diện cái chết; bởi vì Chúa của họ đã thắng sự chết, thì dù họ có bị giết chết cũng sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống. Chắc chắn các con cái Chúa thuộc thời kỳ ấy nhớ rất rõ những lời phán của Chúa mình “Ta là sự sống lại và sự sống, kẻ nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi” (Gi.11:25); và “…vì Ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống.” (Gi.14:19b).  Chỉ có niềm tin mãnh liệt về sự sống lại và mão triều thiên làm phần thưởng mới có thể thúc đẩy hàng triệu tín đồ của Chúa sẵn lòng bị giết chết, phân thây, thiêu sống, đóng đinh, ném cho thú dữ vồ xé, cùng mọi thứ cực hình khác.

Chúa phán tiếp “Ta biết sự khốn khó nghèo khổ của ngươi (thật ra ngươi giàu có), và những lời gièm pha của kẻ xưng mình là người Giuđa, mà kỳ thực không phải, chúng nó vốn thuộc về hội quỷ satan.”  Cách chúng ta nhìn chính mình khác hẳn cách Chúa nhìn chúng ta.  Hội Thánh Simiệcnơ tự thấy mình nghèo khổ, nhưng Đức Chúa Giêxu nói rằng: “Ngươi giàu có mà ngươi không biết.”  Thật vậy, chúng ta thường lo lắng buồn rầu khi mình không còn của cải vật chất trong tay nữa; nhưng sở hữu sự sống đời sau ở thiên đàng và được Chúa ban cho địa vị làm con cái Ngài thì quý hơn của cải biết bao.  Sẽ có một ngày những người ngoại đạo ước ao có được địa vị hiện nay của chúng ta, mà không còn cơ hội. Vì thế, hãy vui mừng nắm chắc địa vị con cái yêu dấu của Chúa; sự ban thưởng chắc chắn sẽ đến.  Còn những gì của chúng ta mà kẻ thù đã ăn cắp hoặc cướp mất, Chúa sẽ giúp chúng ta giật lại từ tay kẻ thù mọi thứ của cải, ơn phước, hạnh phúc, và tình yêu đã mất.  Trong Chúa, chúng ta luôn luôn có niềm hi vọng vững chắc.

Hầu hết những sự bắt bớ mà Hội Thánh thời sơ lập phải gánh chịu đều do người theo Dothái giáo xúi giục và khuấy động.  Chữ Giuđa chỗ nầy không nói về dân tộc nhưng nói về một hệ tôn giáo. Vào thời Phaolô, hễ ông đi đến đâu là người Giuđa của Dothái giáo đi theo xúi giục dân địa phương chống đối và hãm hại đến đó.  Sự bắt bớ Hội Thánh của Đức Chúa Giêxu luôn tiếp diễn trong suốt lịch sử của Hội Thánh từ ngày thành hình đến nay bằng đủ thứ hình thức.  Tệ nhất vẫn là những sự bắt bớ công khai hoặc ngấm ngầm từ những người tự xưng là Ki-tô-hữu. Vì thế, con cái thật của Chúa biết nhóm người bắt bớ mình đã bị Chúa vạch trần là họ thuộc về hội của quỷ satan; bởi vì động lực hoặc thế lực thúc đẩy những kẻ bắt bớ Hội Thánh luôn luôn là satan. Ngày nay, những người tự xưng là Cơ-đốc-nhân nhưng vẫn đố kỵ, công kích, dùng nhiều thủ đoạn đê tiện phá bĩnh các Hội Thánh địa phương nào đang hăng say thờ phượng và hầu việc Chúa theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, cần biết rõ rằng họ đang làm những việc của quỷ satan.

câu 10 Đức Chúa Giêxu cho Hội Thánh Simiệcnơ biết trước những việc mà ma quỷ đang mưu toan.  Ý nghĩa chữ mười ngày ở chỗ nầy rất có thể có nghĩa là 10 triều đại hoàng đế Lamã.  Thật vậy, sự thống khổ của Hội Thánh thời ấy đã kéo dài suốt thời kỳ cai trị nối tiếp nhau của 10 hoàng đế Lamã trong hơn 200 năm. Hoàng đế cuối cùng của thời ấy là Docletien đã ra lệnh thiêu huỷ mọi nơi thờ tự và tất cả Kinh Thánh mà họ thấy được, rồi dựng một tượng đài kỷ niệm ngày xoá sổ Cơ-đốc-giáo.  Ông ta đâu biết rằng Cơ-đốc-giáo chẳng những không bị tiêu diệt mà đã trở thành quốc giáo của đế quốc Lamã 25 năm sau ngày ông ta chết. Hội Thánh của thời kỳ được gọi là Simiệcnơ đã trải qua một giai đoạn cực kỳ đen tối.  Họ phải lén lút hoạt động, sinh sống và thờ phượng Chúa trong các hệ thống đường hầm bí mật dưới mặt đất của thành phố Lamã.  Họ được mệnh danh là Hội Thánh hầm mộ.  Ngày nay hệ thống ấy được bảo tồn như một di tích thánh sử.

Chúa khuyên Hội Thánh hãy giữ vững lòng tin dù cho phải tử đạo, vì Ngài sẽ ban mão miện vinh quang cho người trung tín.  Ở câu 11 Ngài hứa rằng người tử đạo, nghĩa là đã thắng cuộc sẽ không bị hại gì về lần chết thứ nhì. Khi chúng ta tiếp nhận Đức Chúa Giêxu làm Đấng Cứu Tinh của cá nhân mình thì chúng ta đã thắng satan một keo quan trọng.  Từ lúc đó trở đi, khi chúng ta bước đi theo Chúa, giữ lòng trung tín không khuất phục trước bất cứ sự cám dỗ nào, thì chúng ta tiếp tục giữ sự đắc thắng.  Có những lúc vấp phạm hoaặc phạm tội do những sự yếu đuối của xác thịt hay bản ngã, lòng chân thành ăn năn cũng là một chiến thắng vẻ vang.  Cũng có khi con cái Chúa ở các nơi trên thế giới phải giữ sự chiến thắng của mình bằng chính sinh mạng mình.  Điều nghịch lý là kẻ giết con cái Chúa sẽ là kẻ thua cuộc. Lần chết thứ hai được giải thích ở đoạn 20 là lúc sự chết và âm phủ phải đem trả mọi người mà chúng cầm giữ để họ ứng hầu trước toà án của Đức Chúa Trời chịu sự phán xét chung thẩm. Không một con cái nào của Chúa sẽ đứng trước toà án nấy.  Bất cứ ai đã không được sống lại vào ngày Đức Chúa Giêxu tái lâm đều bị phán xét và bị ném xuống hoả ngục, đó là lần chết thứ hai; ở nơi đó người ta bị thống khổ triền miên và vĩnh viễn. Những ai được sống lại ở lần sống lại thứ nhất sẽ không bị hại gì về lần chết thứ nhì (20:6).  Kinh thánh nói rất rõ về sự khác nhau giữa âm phủ (hadès) với hoả ngục (gehenna).  Khi nghiên cứu đến phần nầy, chúng ta sẽ biết con cái Chúa về đâu sau khi qua đời trước ngày Đức Chúa Giêxu Christ tái lâm.

Simiệcnơ (smyrna) có nghĩa là ‘mộc dược bị nghiền nát.’  Mộc dược là một thứ hương liệu quý và hiếm; nó chỉ toả mùi thơm cực điểm khi bị nghiền hoặc giã nát ra.  Hội Thánh của Chúa càng bị bách hại chừng nào thì lời chứng của họ càng thơm lừng lẫy chừng đó.  Các thánh tử đạo xưa đã hiên ngang cất cao giọng hát ca ngợi Đức Chúa Trời và truyền rao phúc âm dù lúc đang bị ném cho sư tử cắn xé.  Simiệcnơ là giai đoạn bi hùng của thánh sử vào thời ấy, nhưng ý nghĩa nầy vẫn còn xảy ra vào thời đại ngày nay.  Nhiều con cái Chúa vẫn bị các chính quyền thế tục và ngoại giáo bắt bớ tàn hại.  Mùi thơm lẫy lừng của máu tử đạo vẫn toả khắp thế giới.  Bài học mà Hội Thánh ngày nay thu lượm được từ khúc Kinh Thánh nầy vẫn luôn luôn là trung tín với Chúa cho đến chết, rồi Ngài sẽ ban cho chúng ta mão triều thiên vinh hiển của sự sống truờng tồn.  Sự can đảm không sợ chết dẫn tới phần thưởng vô cùng cao quý.  Hãy trung tín với Chúa trong mọi cảnh ngộ chúng ta đang sống.  Ngán ngại sự bắt bớ hoặc sợ bị xấu hổ khi người ta cự tuyệt hoặc chê cười đức tin của mình là đánh mất phần thưởng mà chúng ta đang hưởng.  A-men.

KhaiHuyen05.doc

Rev. Dr. CTB