Thời Tận Thế
Khải Huyền 21:1 – 27
Hai chương cuối của sách Khải Huyền trình bày mục đích vĩnh viễn và sự sắm sẵn tuyệt vời của Đức Chúa Trời cho con dân Ngài. Bây giờ satan và tội lỗi đã bị loại trừ, sự chết và âm phủ cũng chẳng còn. Điểm tận cùng của thời gian đã đến, Đức Chúa Giêxu Christ đã hiển lộ Ngài là Đấng Toàn Thắng, là mọi sự trong mọi sự. Ngài sẽ giao Vương quốc lại cho Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha, Vua của cõi đời đời (1Côr.15:24). Bóng tối đã tiêu mất, chỉ còn vinh quang rạng ngời. Dòng lịch sử của loài người đã chấm dứt, và Đức Chúa Trời đưa vạn vật vào một trật tự mới. Mục đích của satan qua mọi thời đại là phân cách Đức Chúa Trời với loài người. Nhưng hắn đã hoàn toàn thất bại. Những mô tả của sứ đồ Giăng cho thấy ông ở trong một cõi hoàn toàn khác, một khải tượng về những thực tế ở thiên đàng. Những chương nầy được viết để người đọc suy gẫm chứ không phải để giải nghĩa. Vì ngôn ngữ nhân loại không thể mô tả được cảnh trí của cõi thiên đàng, chúng ta thường dùng những hình ảnh mình đã biết để tưởng tượng về những sự vật mà mình chưa từng thấy. Tuy nhiên, chúng ta nên dựa vào câu (5) để dùng làm nền tảng hiểu biết những điều sẽ được khải thị: “Nầy, Ta làm mới lại hết thảy muôn vật…” Có nghĩa là Ngài sẽ dựng nên mọi vật hoàn toàn mới, chưa ai từng thấy.
Cũng cần phải phân tích và sắp xếp lại thứ tự của một số câu trong đoạn 21 để dễ hiểu hơn; vì theo thứ tự sự việc thì các câu từ 5-14 đáng lý ra phải xếp trước 1-2. Còn 7-8 thì nằm trước thời điểm bước vào cõi đời đời. Hai đoạn chót của sách Khải Huyền nói tới 7 điều mới (số 7 của Kinh Thánh tiêu biểu cho sự hoàn hảo): 1) Trời mới, 2) đất mới, 3) Giêrusalem mới, 4) Cư dân mới, 5) Đền thờ mới, 6) Ánh sáng mới, và 7) Thiên đàng mới.
1) Trời Mới (1), có thể tạm hiểu là các tầng không gian hoặc không trung mới, chưa phải là nơi ngự của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói đến ba tầng trời, và theo sự giải thích của một số thần học gia thì ba tầng trời ấy là: a) Tầng Trời thứ ba, hoặc thiên đàng thật, nơi mà Phaolô được lên cõi vinh quang của Chúa, nơi ở của các thiên sứ và các thánh (2Côr.12:1-5). b) Tầng trời thứ nhì là cõi không gian bao la bát ngát của vũ trụ, nơi vô số thiên thể và thiên hà xoay vần (Gióp 38:31-33). c) Tầng trời thứ nhất là tầng khí quyển từ mặt đất lên trên, và quỷ satan được kể là vua của chốn không trung nầy (Êph.2:2). Bởi vì tầng trời thứ ba, nơi Đức Chúa Trời ngự là cõi đời đời, không cần phải thay đổi chi hết. Không trung cũ, là tầng trời thứ nhất, đã bị ô uế vì là môi trường hoạt động của quỷ satan và các sứ của hắn, cho nên cần phải được thay thế bằng một cái mới. Ở trời mới nầy thì các thiên thể thuộc tầng trời thứ nhì, khí quyển và mọi thứ ở tầng trời thứ nhất không còn cần thiết nữa, vì Kinh Thánh cho biết rằng “Các ngôi sao chẳng tinh sạch tại trước mặt Ngài thay” (Gióp 25:5b).
2) Đất Mới (1), trái đất cũ phải bị thiêu và huỷ bỏ vì nó đã chứa và chứng kiến vô số tội lỗi cùng những điều hung bạo, chứa máu của hàng triệu thánh tử đạo, và đọng sũng nước mắt của vô số thánh đồ vì sự bất công và đau khổ trải qua nhiều đời. Đức Chúa Trời đã dùng lửa để thanh tẩy và huỷ bỏ trời đất cũ đã bị satan và tội lỗi làm cho ô uế. 2Phi.3:7, 10 mô tả cụ thể cách mà Đức Chúa Trời sẽ dựng trời đất mới với câu “để dành cho lửa.” Bên dưới lớp vỏ mỏng của địa cầu là một khối lửa khổng lồ mà dung nham vẫn sùng sục sôi từ khi nó được Chúa dựng nên. Thỉnh thoảng chất lửa lỏng ấy tràn lên mặt đất, gọi là núi lửa phun. Khối lửa ấy đang chờ đến ngày Đức Chúa Trời cho phép nó bùng nổ đốt cháy tiêu tất cả công trình trên mặt đất. Các nhà nghiên cứu thiên văn đã khám phá một số thiên thể trong vũ trụ bị nổ và biến mất. Bầu khí quyển của chúng ta là cấu tạo của 77% nitrogen, 21% oxygen, và 2% các thứ khí khác. Nitrogen và oxygen là hai nguyên tố chính của sự cháy nổ. Địa cầu cũng được bao phủ bởi khối lượng nước khổng lồ do hydro và oxy tạo thành. Hydro cũng là một nguyên tố dễ cháy nổ; chỉ cần một điều kiện thích hợp nào đó, khí quyển và nước quanh trái đất là một khối thuốc nổ khủng khiếp. 2Phi.3:10 nói rằng: “… các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tán ..,” đây là cách mô tả chính xác theo sự hiểu biết khoa học của loài người thời nay. Khi Đức Chúa Trời ra lệnh, trái đất sẽ nổ tung và cháy tiêu tan hết. Nếu loài người có thể chế tạo vũ khí để giết tất cả loài người trái đất, thì việc dùng lửa huỷ diệt địa cầu không phải là điều chi khó khăn đối với Đức Chúa Trời.
Có hai ý kiến khác nhau giữa các học giả Kinh Thánh về trời mới đất mới. Một ý kiến cho là lửa không phải để thiêu huỷ nhưng là biểu tượng về sự thanh tẩy; nghĩa là Đức Chúa Trời chỉ tẩy sạch trái đất cũ, làm cho nó trở thành nơi ở thích hợp của các thánh đồ vinh quang của Ngài. Khi Chúa phán: “Nầy, Ta làm mới lại hết thảy muôn vật,” thì chữ ‘mới‘ ở chỗ nầy có nghĩa là hình thức mới, phẩm chất mới, bản chất mới khác với cái cũ. Phái khác thì dựa vào ngôn ngữ được dùng trong Tân Ước là xác quyết và khẳng định, như các chữ “biến đi mất; vang rầm mà qua đi; bị đốt mà tiêu tán,” thì tạo vật cũ phải hoàn toàn biến mất theo đúng nghĩa của các chữ ấy. Như chiếc áo cũ đã sờn rách thì bị bỏ đi để thay thế bằng cái áo mới. Bất kể ai giữ ý kiến nào thì ở trời mới và đất mới nầy sẽ không có nhiều điều đã có mặt tràn lan trong thế giới cũ: không còn đói hay khát, không bị nắng nóng thiêu đốt, không còn khóc than và nước mắt, biển không còn, không có sự chết, không đau khổ, không đau đớn, không có mặt trăng, không còn ban đêm, không có tội lỗi, không có nguyền rủa, không có đèn, và không có đền thờ. Khi satan bị trừng trị vĩnh viễn, sẽ chẳng còn sự cám dỗ nào, chúng ta sẽ được ở trong một thế giới mới không có thảm kịch, hoạn nạn hay các hành vi xấu ác. Với một viễn cảnh mà những khổ đau và thất vọng hiện thời không đáng so sánh, chẳng lẽ chúng ta không chịu cố gắng sống đạo để được hưởng sao?
3) Giêrusalem mới, “Tôi cũng thấy thành thánh, là Giêrusalem mới, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình” (2). Thành phố Giêrusalem dưới đất, vẫn được gọi là Thành Thánh, rất là bất toàn, tương phản hẳn với Giêrusalem mới, là một thành phố thật hữu hình có chiều kích, đường phố, xây bằng vàng, đá quý mà trần gian không thể xây dựng được, nhưng xuống từ trời; vì thế, được gọi là Thiên thành. Nó là nơi ngự của Đấng Christ và những người thuộc về Ngài, những người có thân thể đã được biến hoá thành thân thể vinh quang giống như Ngài. Nó cũng là một thành phố rộng mênh mông không thể mường tượng nổi (chúng ta có thể tưởng tượng được chiều rộng và chiều dài, nhưng bề cao của nó để làm chi thì khó nghĩ ra). Nó thật sự là thành phố thánh đúng nghĩa, cũng là một thành phố vinh quang rực rỡ, nó “rực rỡ vinh quang của Đức Chúa Trời. Sự chói sáng của thành ấy giống như của một viên bửu thạch, như bích ngọc trong suốt” (11). Nó không cần tới ánh sáng thiên nhiên.
Thành được mô tả là có tường cao lớn và có mười hai cửa mang danh mười hai chi tộc Israel, trên những cửa có mười hai thiên sứ (12). Về chiều kích của thành và phương hướng của những cửa thì mô tả theo trí hiểu của loài người về bốn hướng đông-tây, nam-bắc, cũng như hình khối của không gian ba chiều. Đây là chi tiết khó nghĩ đối với sự suy nghiệm của trí óc loài người chúng ta về thành thánh từ trời xuống, tức là từ cõi vô hình hiện ra thành hữu hình. “Tường thì xây bằng bích ngọc, thành thì xây bằng vàng ròng, tựa như thuỷ tinh trong vắt” (18). Trong những năm cuối cùng của thế giới nầy, Đức Chúa Trời đã cho Hội Thánh của Ngài được thấy trước vàng và ngọc của thiên đàng ra sao. Lòng tin hoặc đức tin đơn sơ luôn luôn được Chúa tưởng thưởng. Tên của mười hai loại ngọc quý làm thành mười hai nền tường thành cũng chỉ để cho người đọc có thể hiểu và mường tượng trước về những chi tiết của thành thánh từ trời; vì nhiều viên ngọc mới đây xuất hiện từ cõi vô hình thì người ta không biết tên hoặc xuất xứ.
KhaiHuyen27.docx
Rev. Dr. CTB