Thời Tận Thế

Khải Huyền 22:6 – 21

Sách Khải Huyền là một sách hết sức ly kỳ và hấp dẫn. Đã đến hồi kết thúc của sách tiên tri nầy, cũng là những lời cuối của Kinh Thánh. Chúng ta tin Lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là những lời chân thật. Ở đầu sách cho biết rằng sách nầy là “sự mặc thị của Đức Chúa Giêxu mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài đặng đem tỏ ra cho các đầy tớ Ngài những điều sẽ nhanh chóng xảy đến, …(1:1). Mặc dù chẳng ai trong chúng ta hiểu biết hết mọi điều đã chép trong sách nầy, nhưng khi so sánh với thời cuộc đang diễn ra thì chúng ta hiểu rằng mình đang sống trong giai đoạn cuối của thời tận thế. Thiên sứ xác nhận những lời được khải thị trong sách nầy đều là trung tín và chân thật (6); chính Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ đến báo cho các tôi tớ Ngài được biết các huyền nhiệm ấy. Như vậy, những lời chép trong sách Khải Huyền không phải là những chi tiết mang ý nghĩa tượng trưng hay biểu tượng, cũng không phải chỉ để hiểu theo nghĩa thiêng liêng, nhưng là “những lời trung tín và chân thật.” Nghĩa là tất cả đều là sự thật y như lời đã chép. Hãy nhớ lại lời khuyên ở 1:3Phước cho kẻ đọc cùng kẻ nghe lời tiên tri nầy, và giữ theo điều đã viết ra đây, vì thì giờ đã gần rồi.” Rất nhiều thế hệ thánh đồ đã mong mỏi được chứng kiến, nhưng không được thấy, những sự kiện mà chúng ta hiện đang được thấy tận mắt, rờ tận tay. Vì vậy, khoảng thời gian của câu “thì giờ đã gần rồi” thật ra ngắn và nhanh chóng hơn nhiều so với cách chúng ta suy nghĩ.

Đức Chúa Giêxu nhắc nhở trong câu 7Kìa Ta đến mau chóng.” Chỉ trong khoảng vài thập niên qua, các sự kiện thời sự diễn ra dồn dập; những sự kiện mới làm cho người ta nhanh chóng quên mất chuyện chỉ vừa xảy ra vài tháng trước đó. Mặc cho giới vô thần không tin hoặc bác bỏ những lời báo trước của Kinh Thánh, các thiên tai như động đất, bão tố xảy ra ngày càng nhiều hơn, mức độ dồn dập hơn rất nhiều so với vài thế kỷ trước đây. Mặc cho giới giáo phẩm vô tín cùng với bọn vô thần giễu cợt hoặc thờ ơ với các sách tiên tri trong Kinh Thánh, nhất là sách Khải Huyền, chúng ta cứ chuyên tâm theo chân lý đã được rao truyền. Giăng là người được trực tiếp nghe và thấy sự bày tỏ về lời tiên tri nầy, nên ông quỳ xuống định thờ lạy vị thiên sứ đã tỏ cho ông thấy những sự kiện quá sức mầu nhiệm. Thiên sứ đã ngăn lại và nói rằng “Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời,(9). Người đời thường có khuynh hướng thờ kính những nhân vật được họ xem như thần thánh, đặc biệt trong vòng các giáo hữu Công giáo La Mã; họ thờ nhiều vị linh mục đã qua đời vì cho rằng các vị ấy có quyền phù hộ cho ai khẩn cầu. Đây là một chủ trương hoàn toàn sai trật và mê tín. Thiên đàng nhắc nhở rằng “Hãy thờ lạy Đức Chúa Trời.

Thiên sứ lại dặn sứ đồ Giăng rằng đừng niêm phong sách nầy vì thì giờ đã gần tới (10). Từ khi Giăng được mặc thị sách nầy tới nay đã trải qua hơn 19 thế kỷ. Đối với cõi đời đời ở thiên đàng thì thời gian của cõi trần quá ngắn ngủi. Đừng niêm phong có nghĩa là hãy công bố, truyền rao, phổ biến cho mọi người được biết. Lời Đức Chúa Giêxu hứa rằng “Phước cho kẻ nào đọc, nghe, và làm theo sách nầy,” nhưng so với tất cả các sách khác của Kinh Thánh, đây là sách ít được các mục sư giảng luận, phân tích hoặc giải thích nhất. Có lẽ vì ba lý do chính: Thứ nhất là vì họ cho rằng sách quá bí hiểm, không thể hiểu theo ý nghĩa đơn giản của lời đã chép; thứ nhì có lẽ họ đã quen không vâng lời Chúa, vì thế họ không mấy bận tâm về mệnh lệnh Chúa truyền là phải rao giảng sách; thứ ba là họ không tin lời hứa đọc, nghe, và làm theo sách nầy sẽ nhận được phước thiên đàng, là sự thật.

Thiên cung biết trước rằng có nhiều người tự xưng là tín hữu, nhưng sẽ không quan tâm đến sách tiên tri nầy (11). Họ sẽ tiếp tục giữ nếp sống không công nghĩa, ô uế, vì họ không thấy nhu cầu được trở nên thánh khiết. Con cái thật của Chúa không nghĩ như thế. Họ tin những lời tiên tri và hiểu rằng nếu không thánh khiết trong đời sống hiện tại qua huyết Đức Chúa Giêxu Christ, thì họ sẽ không có hi vọng được thấy thiên đàng, cho nên họ sẽ tiếp tục nếp sống công nghĩa và thánh sạch. Đức Chúa Giêxu nhắc lại: “Nầy, Ta đến mau chóng và đem theo phần thưởng với Ta, để trả cho mỗi người tùy việc họ làm“(12). Những người sẽ được vào thành thánh có phước thay (13). Nhưng thật khốn khổ cho những người phạm các tội ở câu 15. Lời xưng nhận: “là đầu tiên và cuối cùng,(13-16) chứng minh rằng Đức Chúa Giêxu Christ chính là Đức Chúa Trời. Các nhóm tà giáo chối bỏ thần tánh của Đức Chúa Giêxu thường bị ngắc ngứ ở chỗ nầy.

Đức Thánh Linh và vợ mới, là Hội Thánh, khuyên mời người đọc và người nghe hãy công bố sách nầy cho mọi người (17). Đối với con cái Chúa thì đây là mệnh lệnh rao giảng phúc âm cho ai khát khao sự cứu rỗi. Hãy rao tin mừng cho mọi người mình quen biết rằng ơn cứu rỗi của Chúa là miễn phí cho bất cứ ai muốn nhận. Thiên đàng biết trước rằng sẽ có nhiều người tự cho mình có quyền thêm thắt hoặc cắt xén lời Kinh Thánh cho phù hợp với quan điểm thần đạo hay chủ trương của họ (18-19). Thêm thắt không phải chỉ là bỏ thêm vào các chi tiết vốn không có trong nguyên văn, mà còn có nghĩa là gán cho sách những ý nghĩa theo sự tưởng tượng hay lập trường, quan điểm của người giảng; bỏ lơ ý nghĩa rõ ràng mà sách muốn đề cập. Ý định không rao giảng sách nầy cũng đồng nghĩa với sự cắt xén Kinh Thánh. Đức Chúa Giêxu lại cảnh cáo: “Phải, Ta đến mau chóng!” (20) để chứng thực cho những lời tiên tri.

Kinh Thánh Cựu Ước kết thúc bằng lời nguyền rủa trong Malachi 4:6b, nhưng Tân Ước kết thúc bằng lời chúc lành xin ân sủng của Đức Chúa Giêxu Christ ở với mọi người (21). Những ai là con cái hay vâng lời Chúa đã học qua sách tiên tri hết sức quan trọng nầy, đừng bao giờ quên những lời hứa phước hạnh cũng như những lời cảnh cáo nghiêm khắc. Trong các ký thuật của ba sách Phúc Âm đồng quan, có bốn điểm nổi bật nói về tính chất của thời tận thế: Thứ nhất, sẽ có nhiều thứ đạo muốn tranh đua với Hội Thánh để chiếm sự trung thành của lòng người. Đức Chúa Giêxu đã cảnh báo: “Các ngươi hãy giữ, kẻo bị cám dỗ; vì có nhiều người sẽ mạo danh Ta mà đến, và nói rằng: Ấy chính Ta là Đấng Christ, thì giờ đã đến gần. Các ngươi đừng theo họ.” (Luca 21:8, Mathiơ 24:4-5; Mác 13:5-6). Lời Chúa ngụ ý rằng đây sẽ là thời mà người ta sẽ đói khát về tâm linh, nhưng đại đa số người sẽ không có khả năng phân biệt đúng sai trong lãnh vực ấy. Chúa cũng báo trước là nhiều người sẽ bị lừa gạt. Ngày nay chúng ta thấy rõ những lời tiên báo ấy đang xảy ra nhan nhản khắp nơi.

Thứ nhì là sẽ có sự gia tăng bách hại Hội Thánh, cùng với nhiều tiên tri giả sẽ nổi lên, thì dẫn đến sự bội đạo của nhiều người (Math.24:9-11; Mác 13:9-13; Luca 21:12-19). Nhưng vì cớ những người được chọn thì số ngày hoạn nạn sẽ được Chúa can thiệp và giảm bớt (Math. 24:22). Thứ ba là tình trạng đạo đức của xã hội bên ngoài Hội Thánh sẽ ngày càng suy đồi, và sẽ khiến lòng kính mến Chúa trong nhiều tín hữu bị suy giảm (Math.24:12-13). Về vấn đề nầy, Phaolô cũng nói đến trong hai thư gửi cho Timôthê (1Tim.4:1-2; 2Tim.3:1-5). Thậm chí trong vòng tín hữu “sẽ có một thời kia người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư chung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xoay hướng về chuyện huyễn” (2Tim.4:3-4). Cuối cùng, Đức Chúa Giêxu cho biết Tin Mừng cứu rỗi của Ngài sẽ được rao truyền ra khắp đất, bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến (Math.24:14). Phúc Âm sẽ được rao giảng cho mọi dân tộc dù cho người nghe có tiếp nhận hay không tiếp nhận.

Cầu xin ơn Chúa gìn giữ thân, hồn, linh của mỗi người được vẹn lành trong Đức Chúa Giêxu Christ. Đấng yêu thương chúng ta đã lấy huyết Ngài rửa sạch chúng ta và ban Đức Thánh Linh của Ngài để thánh hoá chúng ta, làm cho chúng ta được xứng đáng ở với Ngài trong Giêrusalem mới. Hãy tiếp tục xem, suy gẫm, và nghiên cứu 29 bài học của sách Khải Huyền. Bởi vì người đọc, người nghe, người rao giảng đều sẽ được hưởng mọi thứ phước ghi trong sách. A-men.

KhaiHuyen29.docx

Rev. Dr. CTB