Xuất Ai-Cập, bài 24

Xuất Ai-Cập 28:1–43

Từ khi được Đức Chúa Trời kêu gọi trở về Ai-cập từ hoang mạc Si-na-i để lãnh đạo và giải thoát dân Israel ra khỏi Ai-cập lên đường về đất hứa, thì Môi-se vừa giữ vai trò người trung gian giữa Đức Chúa Trời với dân Israel, vừa là người lãnh đạo tối cao, vừa thực hiện những công việc của vai trò thầy tế lễ trong các lễ nghi thờ phượng Đức Chúa Trời.

Bây giờ, Chúa truyền cho ông chọn A-rôn và các con trai là Na-đáp, A-bi-hu, Ê-lê-a-za, và Y-tha-ma để phong chức tế lễ cho họ (1). Từ trước cho đến lúc đó, những người trưởng tộc vẫn giữ công việc tế lễ cho cả gia tộc.

Nhưng sự thay đổi đến khi Israel trở thành một quốc gia, và Đền Thánh tạm sẽ được dựng lên để trở thành một trung tâm hiển nhiên của sự đoàn kết dân tộc; tình trạng mới đòi hỏi thể chế mới về lễ nghi tôn giáo chung cho toàn dân; mà những người thực hiện công việc đó là các thầy tế lễ.

Công việc của Môi-se là quá nặng và quá nhiều. Ngoài các việc lãnh đạo, ông vừa là tiên tri, vừa làm người trung gian truyền lại các mệnh lệnh của Chúa, mà còn phải làm thẩm phán tối cao cho đoàn dân Israel nữa, nên ông không thể ôm đồm thêm các chức vụ tôn trọng cho riêng mình.

Chắc chắn ông rất mừng vì Đức Chúa Trời đã chỉ định A-rôn với các con trai vào chức tế lễ đảm nhiệm mọi công việc và nghi lễ trong Đền Thánh của Ngài.

Dù sự thánh khiết theo nghĩa hẹp chỉ liên quan tới phẩm chất riêng, nhưng Israel đã trở nên một dân tộc thánh, có đền thánh, các dụng cụ thánh; để phục vụ công việc thánh thì các thầy tế lễ phải có “lễ phục thánh thật trang trọng và vinh dự (2) nhằm hai mục tiêu: Vinh dự và đẹp, để được tôn trọng và thích hợp với đền thánh.

Để có thể chế tạo bộ lễ phục thánh trang trọng, thì những người thợ phải có tài năng và được Chúa ban năng khiếu đặc biệt mới có thể may lễ phục cho A-rôn, cung hiến người vào chức vụ tế lễ (3).

Bộ lễ phục gồm có: Bảng đeo ngực, ê-phót, áo dài, áo lót có thêu, mũ, và thắt lưng, được may bằng các vật liệu là vải gai mịn, dây kim tuyến, chỉ xanh, chỉ đỏ tía và đỏ thắm (4–5).

Ê-phót trông giống như một cái áo yếm hai mảnh, một mảnh ở phía trước, mảnh kia ở phía sau lưng; hai mảnh nối với nhau ở hai bên vai bởi hai cầu vai. Trên mỗi cầu vai có một viên ngọc mã não được khảm trong khuôn bằng vàng. Mỗi viên ngọc có khắc tên của sáu con trai của Gia-cốp, hai bên là mười hai tên.

Ê-phót được may rất đẹp và tinh xảo dùng rất nhiều sợi chỉ bằng vàng (6-12). Đai thắt ở ngang hông sẽ giữ hai mảnh ê-phót dính với nhau ở phần dưới. Khuôn khảm bằng vàng chứa hai viên ngọc được gắn hai dây chuyền xoắn bằng vàng ròng (13–14).

Bảng đeo ngực về sự phán xét cũng là một món rực rỡ khác của bộ lễ phục. Người ta thường hiểu lầm về ý nghĩa của chữ ‘phán xét.’ Chữ ấy ở đây có nghĩa là tìm biết ý muốn của Đức Chúa Trời phán định về việc người ta cầu hỏi, khi thầy thượng tế mặc ê-phót có gắn tấm đeo ngực vào mình và cầu hỏi ý phán định của Đức Chúa Trời qua hai vật gọi là U-rim và Thu-mim nằm trong tấm đeo ngực ấy. Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn khi học tới ý nghĩa của hai vật nầy.

Gọi là bảng vì nó là một tấm vải dệt đặc biệt, may hai lớp, hình vuông, mỗi bề rộng một gang tay (15–16). Trên tấm đeo ngực ấy đính bốn hàng ngọc, mỗi hàng ba viên được Chúa định rõ tên của từng viên: Hàng thứ nhất là mã não (đá quý màu đỏ không phải hồng ngọc), hồng bích và lục bửu; hàng thứ nhì là ngọc phỉ-túy, lam bửu và kim cương (không phải diamond, vì không thể khắc chữ lên kim cương); hàng thứ ba, hồng bửu, bạch mã não và tử tinh; hàng thứ tư, hoàng bích, hồng mã não và bích ngọc. Mỗi viên ngọc được khắc tên một con trai của Gia-cốp (17–21), (có lẽ không có tên Lêvi).

Để gắn bảng đeo ngực vào Ê-phót, thì Môi-se phải làm hai cặp khoen bằng vàng kết chặt vào bốn góc của bảng đeo ngực. Hai khoen phía trên được nối với cạnh đáy của khuôn khảm trên cầu vai bằng hai sợi dây xoắn bằng vàng ròng (22–25); hai khoen còn lại thì đính vào hai góc dưới của bảng đeo ngực nhưng nằm khuất ở mặt sau (26).

Một cặp khoen bằng vàng thứ ba được đính vào phần kéo dài của cầu vai xuống tới ngay phía trên đai thắt lưng; rồi thợ sẽ nối hai cái khoen góc dưới của bảng đeo ngực vào hai khoen đã được đính vào phần dưới của hai cầu vai bằng các sợi “dây màu xanh buộc các khoen của bảng đeo ngực với các khoen của ê-phót, như thế, bảng đeo ngực dính với đai thắt, không bị rời khỏi ê-phót” (27–28).

Khi vào Nơi Thánh, A-rôn sẽ mang trên ngực tên các con trai Israel nơi bảng đeo ngực về sự phán xét, như một kỷ niệm thường xuyên trước mặt Đức Giê-hô-va” (29).

Theo quyết định của Gia-cốp trước khi qua đời, ông đã lập Ép-ra-im và Ma-na-se, hai con trai của Giô-sép, thành hai chi tộc chính của dân Israel, ngang hàng về quyền lợi với các chi tộc khác.

Về chi tộc Lêvi, Chúa đã chọn họ làm chức tế lễ thường xuyên trước mặt Ngài; như vậy, vì A-rôn đại diện cho Lêvi khi đến trước mặt Chúa, nên không cần có tên của Lêvi khắc trên một trong mười hai viên ngọc đính trên bảng đeo ngực.

Sở dĩ bảng ấy mang tên phán xét, là vì Đức Chúa Trời bảo Môi se: “Con hãy gắn U-rim và Thu-mim trên bảng đeo ngực về sự phán xét, để chúng sẽ ở trên ngực của A-rôn khi ông đến trước mặt Đức Giê-hô-va. Vì vậy, trước mặt Đức Giê-hô-va, A-rôn sẽ thường xuyên mang sự phán xét các con trai Israel trên lòng mình” (30).

Cho đến nay, người ta biết rất mù mờ về U-rim và Thu-mim. Theo sự giải nghĩa sát nhất thì U-rim là một viên đá màu đen. Thu-mim là viên đá màu trắng. Hai viên đá nầy giống hệt nhau về hình dạng, không thể phân biệt được bằng xúc giác.

Chúng lại được bỏ chung trong một cái bọc vải gắn phía sau bảng đeo ngực. Mỗi khi người ta cầu hỏi ý Chúa, thì thầy tế lễ vào nơi thánh xin Chúa bày tỏ phán định của Ngài. Thầy tế lễ sẽ thò tay vào bọc đựng để lấy ra một viên. Nếu viên ấy màu trắng là chấp thuận hoặc vô tội, màu đen là không thuận hoặc có tội (1Samuel 14:36–42); đó là cách người ta dùng U-rim và Thu-mim để cầu hỏi ý của Đức Chúa Trời (Exơra 2:63).

Nhưng giải thích trên vẫn chưa được thống nhất. Hai vật ấy ra sao đến nay vẫn là điều bí hiểm. Một điều chắc chắn là người thời ấy và trước đó rất quen thuộc với U-rim và Thu-mim.

Môi-se còn phải may cho A-rôn và các con trai của A-rôn các áo dài của êphót toàn bằng vải xanh (31). Vì giữa áo phải khoét một cái lỗ tròng đầu, nên có thể hiểu áo được may từ tấm vải dệt nguyên; thợ phải may rộng thế nào để người mặc tròng áo vào và cổi ra không khó khăn.

Thời ấy ở hoang mạc, mọi việc đều phải làm thủ công; cho nên, nghệ thuật may của họ khác hẳn thời bây giờ. Lỗ tròng đầu phải được viền để không bị tưa rách (32).

Điểm vô cùng đặc biệt của áo dài nầy là, vòng chung quanh lai áo phải đính các chuông nhỏ bằng vàng xen kẽ mỗi chuông với một trái lựu thắt bằng chỉ màu xanh, đỏ tía và đỏ thắm (33–34). Mục đích của các chuông là người ở ngoài nơi chí thánh nghe tiếng chuông rung thì biết thầy thượng tế đang di chuyển trong đó (35).

Bên trong áo dài là một áo lót bằng vải gai mịn. A-rôn cũng đội một cái mũ bằng vải gai mịn (39) có gắn một thẻ vàng ròng khắc chữ “THÁNH CHO ĐỨC GIÊHÔVA,” để A-rôn sẽ “gánh bất cứ tội lỗi nào liên quan đến lễ vật thánh mà con dân Israel đã cung hiến. Thẻ sẽ luôn ở trên trán A-rôn, để dân chúng được chấp nhận trước mặt Đức Giê-hô-va” (36–38).

Thắt lưng cũng bằng vải có thêu các hoa văn như ê-phót. Như thế, những sự chỉ dẫn về lễ phục thánh của A-rôn đã đầy đủ để làm lễ phục cho mọi thầy thượng tế sẽ tiếp nối chức vụ của A-rôn về sau.

Căn cứ trên các điều chỉ dẫn của Đức Chúa Trời về bộ lễ phục rất trang trọng và vinh dự ấy, người đọc Kinh thánh có thể thấy được sự thánh khiết của Đức Chúa Trời cao tột so với tất cả tôn giáo phàm trần.

Các con trai của A-rôn giúp đỡ cha mình làm chức tế lễ, cũng được đan cho áo lót, thắt lưng và mũ trang trọng và vinh dự. Cả A-rôn và các con đều được Môi-se thay mặt Đức Chúa Trời mà xức dầu, phong chức và cung hiến họ, để họ thi hành chức tế lễ (40–41).

Họ cũng phải mặc quần lót may bằng vải gai, che kín từ ngang lưng đến bắp đùi (42), để không bị hở hang khi tới hành lễ gần bàn thờ trong nơi thánh hay vào lều Hội-kiến. Nhờ đó họ không mắc tội để bị phạt.

Các luật lệ về lễ phục cho A-rôn và dòng dõi làm chức tế lễ là vĩnh viễn không thay đổi (43).

XuatAiCap24.docx
Rev. Dr. CTB