1Samuel, bài 01

Sau khi Giô-suê lãnh đạo Israel chinh phục xong đất hứa, và thế hệ lãnh đạo đầu tiên đã qua đời hết; lúc Israel được sống an ổn trên sản nghiệp mới thì họ bắt đầu phản nghịch Đức Chúa Trời. Họ lìa bỏ Đấng cứu giúp, dẫn dắt và bảo vệ họ từ khi ra khỏi Ai-cập cho tới ngày được an nghỉ; các thế hệ tiếp theo cũng chẳng còn nhớ ơn Đấng yêu thương bảo vệ họ nữa. Vì đã liên tiếp phản bội Đức Chúa Trời nên Israel mất sự bảo vệ của Ngài và bị quân thù đánh bại, đè nén và ức hiếp. Lúc ấy họ nhớ lại Chúa và kêu van Ngài, thì Ngài gọi các bậc anh hùng khởi nghĩa, đánh tan lực lượng thù địch, giải thoát họ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi vị lãnh đạo ấy qua đời, dân Israel lại tiếp tục phản nghịch Chúa, bị áp bức, kêu khóc, được giải thoát, rồi lại phản nghịch.

Sách Các Quan Xét tường thuật các chu kỳ mà người đọc có thể đoán trước được. Thứ nhất, dân Israel phạm tội nghịch Đức Chúa Trời bằng sự thờ cúng hình tượng. Thứ nhì, Đức Chúa Trời cho phép kẻ thù lấn lướt và đè nén họ. Thứ ba, dân Israel ăn năn tội lỗi và kêu van Đức Chúa Trời. Thứ tư, Đức Chúa Trời dùng một vị anh hùng dấy lên giải cứu họ và làm thẩm phán xét xử Israel suốt thời gian người ấy sống. Vòng quay của chu kỳ bốn bước ấy cứ lặp lại suốt lịch sử dân Israel ở miền đất hứa. Như vậy, chế độ chính trị của Israel vào thời kỳ ấy mặc dù là chế độ thần quyền, nhưng vì các chi tộc sống có phần tách biệt nhau nên sự lãnh đạo rất lỏng lẻo. Đến thời kỳ lịch sử mà sách 1Samuel ghi chép lại, thì Israel đang ở vào giai đoạn cuối của thời đại các quan xét lần lượt cai trị từng vùng nhỏ hoặc từng chi tộc, và sửa soạn bước vào thời kỳ lịch sử mới.

Sự hiểu biết theo truyền thống cổ nhất cho rằng hai sách Samuel 1 và 2 chỉ là một bộ. Một số học giả tin rằng ông Samuel là tác giả chính ghi chép cho tới 1Samuel 25, sau đó các tiên tri Nathan và Gad đã bổ túc thêm (1Sử ký 29:29). Nhưng, lý thuyết nầy chỉ là đoán mò. Sách không cho biết ai là tác giả. Hơn nữa, theo ký thuật ở 1Samuel 27:6Vì thế, Xiếc-lác thuộc về các vua Giu-đa cho đến ngày nay,” thì các sử gia đoán rằng sách chỉ hoàn tất vài thế hệ sau khi Isarel bị chia đôi, vào khoảng năm 930 BC, và tác giả chắc chắn thuộc nước Giu-đa ở phía nam.

Sách Samuel được viết nhằm mục đích gì? Khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời đặt những lời được ghi chép vào Kinh Thánh, thì mục đích của Ngài là nhắm tới các lợi ích mà người đọc phải nhận được. Trước hết, sách Samuel nêu lên các gương mẫu về lãnh đạo giỏi và dở. Hễ khi nào các người lãnh đạo đặt sự chú ý của họ vào Đức Chúa Trời và nhìn biết vai trò lãnh đạo của họ là cách để đem vinh quang cho Chúa, thì được thịnh vượng và vững mạnh; nếu họ không chú ý đến Chúa mà dùng địa vị của mình cho lợi ích riêng, thì họ thất bại. Đời sống của thầy tế lễ Hêli với hai con trai của ông, cộng với Samuel, Saul, David, và những người khác, cho thấy rõ nguyên tắc nầy.

Cả hai sách Samuel 1 và 2 đều làm nổi bật sự cung ứng của Đức Chúa Trời cho dân Israel ở mọi hoàn cảnh. Ngài ban cho họ sự lãnh đạo thuộc linh gương mẫu qua Samuel. Khi họ bắt chước các dân tộc chung quanh bằng cách đòi phải có chế độ quân chủ, thì Chúa đưa Saul ra để họ chọn. Vua Saul thất bại vì không biết vâng lời Chúa, thì Ngài đưa David, một thiếu niên vô danh từ đồng cỏ chăn cừu, ra làm cứu tinh cho cả dân tộc. Hễ khi nào họ cần một vị lãnh đạo để đánh bại kẻ thù, thì Ngài đều ban cho họ. Dù vậy, dân Israel lẫn vua của họ đều làm Chúa phải buồn lòng.

Cả hai sách cũng nêu ra những hậu quả tai hại của sự phạm tội. Từ tội không vâng lời của vua Saul, tới tội ngoại tình và giết người vì lòng dâm dục của David. Trường hợp vua Saul không vâng lời Chúa thì hậu quả là Chúa từ bỏ ông. Tội âm mưu giết David sinh ra từ lòng ganh ghét của ông đối với David khiến cho tình cha con đối với con trai ông, là tướng Jonathan, bị rạn nứt không hàn gắn nổi. Cũng vì bị từ bỏ mà mọi nỗ lực của vua Saul tìm kiếm sự trả lời của Đức Chúa Trời trước trận đánh lớn đều vô hiệu. Việc đó khiến ông thêm sự phạm tội trọng bằng cách cầu đồng bóng (1Samuel 18:3–10). Vài ngày sau, ông bị thất trận và tự sát chết. Còn hậu quả tội dâm dục của David, dù ông đã được tha thứ vì lòng ăn năn thống hối, vẫn đeo đuổi ông suốt đời vì những sự hỗn loạn trong gia đình, dẫn tới vụ người con tên là Absalom tạo phản và bị giết chết.

Cả hai sách cũng cho thấy Đức Chúa Trời tôn trọng giao ước mà Ngài đã lập với dân của Ngài. Ngài vẫn luôn bày tỏ sự thành tín đối với mọi lời Ngài đã hứa với tổ tiên của họ. Cũng trong sách nầy, người ta thấy Đức Chúa Trời lập một giao ước vĩnh viễn với David (2Samuel 7:27–29); mà sau nầy, sự ra đời của Đức Chúa Jesus đã làm ứng nghiệm giao ước ấy.

Sách Samuel kể lại những diễn biến trong lịch sử Israel buổi giao thời từ tổ chức quản trị lỏng lẻo của liên minh các chi tộc sang một chính quyền trung ương của chế độ quân chủ, mà chức vụ quan xét của Samuel trong thời gian nầy là tái tổ chức việc chuyển đổi ấy, và lúc nào cũng hướng lòng dân Israel trở về với Đức Chúa Trời. Sự nôn nả của dân Israel muốn có một vua cai trị họ để giống như các dân tộc láng giềng đã đưa họ đến chỗ bị ở dưới ách sự cai trị của vua Saul, mặc dù Samuel đã cảnh cáo họ; bởi vì những lời cảnh cáo ấy rơi vào các lỗ tai điếc (1Samuel 8:10–20). Người Israel đã lãnh lấy những hậu quả của điều họ mong muốn có một vua.

Sang triều đại David, vị vua thứ nhì, là thời Israel được hưởng nhiều ơn lành do lòng kính sợ Chúa của David. Vì đã ý thức và được kinh nghiệm sự ngọt ngào của một đời sống gần gũi Đức Chúa Trời, vua David thiết lập luật lệ và sắp xếp thứ tự các thầy tế lễ trong cuộc thờ phượng Chúa ở Đền Tạm. Ông cũng viết rất nhiều Thi Thiên làm bài hát cho ban hát lễ ca ngợi Chúa trong cuộc thờ phượng. Các thế hệ con cháu của David đã được phước qua đời sống kính sợ Chúa của David.

Sách Samuel 1 và 2 được xem như các sách ghi chép lịch sử dân tộc Israel lúc mới được thành lập một quốc gia có các dân tộc thù nghịch vây quanh, nhất là dân Philistines, kẻ thù truyền kiếp của Israel. Cũng trong giai đoạn nầy, lịch sử Israel chép lại thời kỳ thịnh trị và oai hùng nhất của dân tộc họ. Những chiến công lừng lẫy của David và các tướng trong quân đội Israel đã khiến cho mọi kẻ thù đều khiếp vía; đến nỗi vào cuối đời David, kẻ thù truyền kiếp Philistines hầu như không ngóc đầu lên nổi và tên tuổi họ bị nhạt nhòa dần theo thời gian.

Khi nghiên cứu sách Samuel, người học Kinh Thánh sẽ học được rất nhiều bài học ích lợi và lý thú về hậu quả của thái độ xa cách Chúa hoặc ích lợi của lòng kính sợ Ngài. Chúng ta sẽ lấy các bài học nầy làm gương soi, để bước đường theo Chúa của chúng ta sẽ đầy ơn phước.

1Samuel01.docx

Rev. Dr. CTB