levi2

Lê-vi-ký, bài 08

Lê-vi-ký 14–15

Người bị phung hủi muốn được trở lại trong cộng đồng, dù đã được lành bệnh, vẫn phải trải qua nhiều lễ nghi (1–9). Vì lúc bị khám phá là nhiễm bệnh phong hủi, thì người bệnh phải bị đuổi ra sống ở một nơi hẻo lánh bên ngoài trại quân (13:46); cho nên, khi người ấy thấy mình đã có dấu hiệu được sạch, thì được đem tới một điểm hẹn ở bên ngoài trại quân để gặp thầy tế lễ.

Vì không có chi tiết nào được nói đến về cách liên lạc giữa cộng đồng trong trại quân với nhóm người bị cách ly bên ngoài, nên người đọc thời nay tin rằng phải có ai đó liên lạc với họ để theo dõi tình trạng của họ. Nhóm người bị bệnh phải trông cậy vào những người liên lạc để xin gặp thầy tế lễ định ngày khám xét (1–3), vì họ không được phép liên lạc với ai trong trại quân cả.

Vào thời Đức Chúa Jesus thì những người bị phung hủi vẫn được gặp gỡ khách bộ hành; tuy vậy, có lẽ họ vẫn phải đứng xa xa chứ không được tới gần người không có bệnh.

Nhưng khi thấy Đức Chúa Jesus, thì một người phung đến quỳ trước mặt Ngài xin được chữa lành. Sau khi khiến người ấy được sạch, Ngài bảo anh ta hãy đi trình diện thầy tế lễ và dâng lễ vật mà Môi-se đã dạy đúng theo luật định (Math.8:4).

Nghi lễ để phục hồi tình trạng sạch và quyền lợi của người Israel bị bệnh trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất diễn ra bên ngoài trại quân để phục hồi quyền được trở vào sống với cộng đồng (3–9).

Một cái que gỗ đỗ tùng dài nửa thước, đường kính khoảng hai phân, tượng trưng cho tính bền vững và cao qúy; một sợi chỉ đỏ thắm tượng trưng cho cả tội lỗi của người phung lẫn huyết Đấng Christ dùng để buộc con chim và nhánh bài hương vào que gỗ; nhánh bài hương tượng trưng cho mùi thơm át mùi hôi của bệnh phung. Cả ba thứ nầy tượng trưng cho nghi lễ tẩy sạch (4).

Hình ảnh một con chim bị giết, con chim kia được nhúng trong nước pha máu của con chim bị giết rồi thả cho bay đi (5–7), giống như hình ảnh Đức Chúa Jesus Christ đã đổ huyết vì tội nhân rồi sống lại và được cất về trời, để người có tội được tha thứ và phục hồi.

Nhưng dù đã được tuyên bố là sạch và được trở vào trại quân, người ấy phải ở bên ngoài lều mình thêm bảy ngày nữa; tới ngày thứ bảy, người ấy phải cạo sạch tóc, lông, râu, lông mày, giặt quần áo, và tắm trong nước rồi mới được vào lều (7–9).

Khi thầy tế lễ tuyên bố người trước bị phung hủi giờ đã được thanh sạch, thì người ấy phải làm cho mình được sạch hết những dấu vết gì còn lưu lại.

Áp dụng hình ảnh nầy, ngày nay ai được vui mừng vì tội lỗi mình được tha, thì phải rất cẩn thận gìn giữ việc mình được sạch đối với tội lỗi, để không bị ô uế nữa.

Nghi lễ của giai đoạn thứ nhì diễn ra ở hành lang Đền Tạm để phục hồi tất cả quyền lợi của người bệnh trong giao ước đối với Đức Chúa Trời (10–32).

Bởi vì người đã bị phung hủi dù được sạch vẫn không đương nhiên được phục hồi các quyền lợi ngay lập tức đối với Đền Thánh, vì thế ngày thứ tám, sau bảy ngày được trở vào trại, anh ta phải đem tới Lều Hội Kiến ba thứ lễ vật làm tế lễ: Tế lễ chuộc lỗi, tế lễ chuộc tội và tế lễ thiêu (12,19-20).

Các lễ nghi nầy là biểu tượng để chúng ta áp dụng làm nguyên tắc phục hồi các anh chị em tín hữu lỡ lầm phạm tội hay phạm lỗi, trở vào sinh hoạt của Hội-thánh. Vì tội lỗi giống như phung hủi về tâm linh, khiến cho người có đời sống sạch sẽ không muốn gần gũi.

Anh chị em tín hữu không bao giờ nên xem họ như kẻ thù, mà xem họ là anh chị em cần phải bị khiển trách. Bởi ân điển của Chúa, khi họ đã ăn năn, thì hãy tiếp đãi cách vui vẻ, ân cần, thành thật yêu thương; để anh em mình khỏi thối chí, ngã lòng.

Ngoài các lễ nghi thông thường về tế lễ chuộc lỗi, một ít máu và một ít dầu được bôi lên trên người đã được sạch (14–20). Huyết là biểu hiện cho sự tha thứ; dầu tượng trưng cho sự chữa lành. Ở nơi đâu huyết của Đấng Christ được áp dụng để xưng công nghĩa, thì dầu của Đức Thánh Linh cũng được áp dụng cho sự thánh hoá, vì hai điều nầy không thể tách rời nhau.

Người nghèo cũng được Chúa tiếp nhận như người giàu, và Chiên Con của Đức Chúa Trời đã đổ huyết để chuộc tội cả hai như nhau (21–32).

Máu của tế lễ chuộc lỗi được bôi lên tai, ngón tay cái, ngón chân cái của người sạch phong hủi giống y như cách bôi huyết để biệt riêng các thầy tế lễ (Lêvi 8:23).

Vì huyết của tế lễ chuộc tội được dùng để xoá bỏ sự ô uế đối với lễ nghi, thì sự hi sinh chuộc tội của Đấng Christ phục hồi người được tha tội bởi đức tin là đặc quyền của người được làm con cái Ngài.

Những cái nhà, mà dân Israel sẽ chiếm hữu khi vào đất hứa, là của người Canaan; và những vết mốc xuất hiện trên vách thì được kể là do Chúa đặt vào (33–34).

Vào thời Đức Chúa Jesus còn hành đạo giữa nhân gian, giới giáo quyền Do-thái cho rằng những người phạm các tội sau đây sẽ bị bệnh phung hủi:

Thờ hình tượng, xúc phạm hay phỉ báng danh Đức Chúa Trời, mất trinh tiết, trộm cắp, vu khống, làm chứng dối, xử án oan sai, thề dối, dời mộc giới đất láng giềng, mưu toan điều qủy quyệt, gieo sự bất hòa giữa anh em.

Bản Ngũ kinh tiếng Canh-đê của Jonathan thì viết (ở câu 34) rằng: “Nếu kẻ nào xây nhà mình bằng vật liệu ăn trộm, thì Ta sẽ đặt vết mốc vào nhà ấy.” Nghĩa là nếu nhà nào có vết mốc bị kể là phung hủi, là vì chủ nhà ấy phạm điều bị cấm.

Gặp các trường hợp như thế, thì sách Lê-vi-ký đưa ra các luật lệ phải được thi hành bởi thầy tế lễ (35–53). Còn các luật đã nói trước thì liên quan đến các bệnh ngoài da nguy hiểm (54–57).

Luật về sự ô uế thân thể nói về hai thứ bệnh và ba loại bài tiết tự nhiên. Theo định nghĩa của Kinh-thánh, thì chất lỏng nào từ thân thể người chảy ra đều là ô uế. Đàn ông nào bị tinh dịch của thân thể mình chảy ra không ngừng, là người bị bệnh ‘huợt tinh’ và bị kể là ô uế (15:1–3).

Thông thường thì bệnh ấy là hậu quả của các hành vi dâm dục quá độ; cho nên, nó là hậu quả của tội lỗi bị ghê tởm. Khi đã bị như vậy thì giường người ấy nằm và bất cứ vật gì người ấy ngồi lên đều bị ô uế (15:4).

Bởi sự ô uế đó mà bất cứ người nào khác chạm đến giường người ấy nằm, vật người ấy đã ngồi lên, kể cả bị chạm đến nước miếng của người đó, đều bị lây nhiễm sự ô uế ấy. Người đã bị nhiễm phải giặt áo xống, tắm bằng nước, và sau khi tắm giặt vẫn bị ô uế đến tối (15:5–12).

Nghi lễ để chuộc tội sau khi chất lỏng đã ngưng chảy, và bảy ngày để được tinh sạch đã trôi qua, là người bệnh phải đem hai con chim cu hoặc bồ câu con, đến gặp thầy tế lễ ở cửa Lều Hội Kiến, để làm tế lễ chuộc tội và tế lễ thiêu (15:13–15).

Những trường hợp xuất tinh khác của những người đàn ông đều bị kể là ô uế. Họ bị buộc phải giặt sạch áo xống, tắm rửa thân thể và bị xem là ô uế đến tối.

Luật định sự ô uế kéo dài đến tối là để ngăn chận không cho những người bị kể là ô uế héo lánh tới Lều Hội Kiến; vì mọi lễ nghi cho tất cả các loại tế lễ đều phải thực hiện ban ngày.

Quy định về sự ô uế trong lãnh vực nầy bao gồm luôn các hành vi giao hợp giữa nam và nữ, giữa chồng với vợ (15:16–18). Bài học nầy nhắc nhở các đôi vợ chồng tín hữu ngày nay phải giữ gìn sự thanh sạch trong nếp sống tình dục trước khi tới các buổi nhóm có sự hiện diện của Chúa.

Luật cũng kể tình trạng kinh nguyệt của nữ giới là ô uế (15:19–23); cho nên, mọi thứ người nữ đang bị hành kinh chạm đến đều bị kể là ô uế, kể cả giường người ấy nằm.

Thời nay, Hội-thánh không buộc các nữ tín hữu phải giữ theo luật nầy nữa. Bởi vì chúng ta chỉ chú trọng vào đức tin và sự ăn năn của người nhận lãnh Tin Mừng, là đặc quyền được huyết công nghĩa của Đức Chúa Jesus Christ tẩy sạch hồn và linh chúng ta, khiến chúng ta được xưng công chính, và ân điển của Ngài dẫn dắt chúng ta trên bước đường thánh hóa.

Nhưng vào thời ấy, đàn ông nào giao hợp với người đàn bà đang kỳ kinh nguyệt thì bị ô uế bảy ngày (15:24). Những luật nầy nhắc rằng Đức Chúa Trời thấy hết mọi sự chúng ta làm chỗ kín đáo mà người khác không biết.

Các điều quy định về sự ô uế trong thời gian phụ nữ bị mất máu vì kinh nguyệt, hoặc nghi lễ để những người ấy được tinh sạch sau khi máu không còn chảy, thì đều được nêu rõ từng chi tiết cho các trường hợp ấy (15:25–30).

Đức Chúa Trời căn dặn Môi-se và A-rôn phải chịu trách nhiệm ngăn chận, phân cách những người Israel nào đang bị những điều làm cho họ ô uế, không cho tới gần Lều Hội Kiến, “để họ không bị chết trong sự ô uế mình khi làm ô nhiễm Đền Tạm” (15:31); vì dám tới gần nơi có sự hiện diện của Chúa ở giữa dân tộc họ và làm ô nhiễm nơi ấy.

Đây là “những luật lệ áp dụng cho đàn ông bị ô uế vì chất lỏng trong thân thể xuất ra hay vì xuất tinh; áp dụng cho đàn bà trong thời gian có kinh, cho bất cứ đàn ông hay đàn bà xuất chất lỏng, và cho đàn ông nào giao hợp với đàn bà đang bị ô uế” (15:32–33).

Leviky08.docx
Rev. Dr. CTB