Dân-số-ký, bài 17
Dân-số-ký 23 – 24
Theo cách suy nghĩ của các dân tộc cổ xưa thì họ cần phải làm hài lòng vị thần mà họ muốn xin xỏ điều gì đó. Vì thế, Balaam bảo Balak xây bảy cái bàn thờ tại Bamoth Baal và đem tới tại mỗi bàn thờ một con bò đực và một con chiên đực; Balak làm y như lời Balaam đòi hỏi.
Bảy bàn thờ là một hình thức thờ cúng của những người thờ đa thần. Balaam hi vọng rằng nhờ dâng nhiều tế lễ, ông ta có thể được Đức Chúa Trời cho phép nguyền rủa Israel để lãnh tiền thưởng hậu hỉ của Balak; vì vậy, họ cùng nhau dâng tế lễ (1–2).
Balaam bảo Balak ở lại chỗ bàn thờ, còn ông ta leo lên mỏm cao vắng vẻ, có lẽ để múa may mà không muốn bị người khác nhìn thấy, hoặc thấy các điềm thiên nhiên như mây trời, con chim bay ngang để ông ta đoán ý nghĩa với hi vọng sẽ nhận được lời thần cho phép nguyền rủa Israel (3).
Không ai biết Đức Chúa Trời hiện ra với Balaam như thế nào, bởi vì chỉ một mình ông ta có mặt ở đó thưa với Chúa rằng ông ta có dâng bảy bò đực và bảy chiên đực để hối lộ, nhưng Chúa đặt lời Ngài trong miệng Balaam và bảo hãy trở về với Balak và nói những gì Ngài phán dặn ông ta (4–5). Balaam phải vâng lời trở lại với Balak và bắt đầu nói tiên tri (6–7) rằng:
Dù Balak sai mời ông ta từ xa đến để nguyền rủa Israel, nhưng “người mà Đức Chúa Trời không nguyền rủa, tôi sẽ nguyền rủa làm sao? Kẻ mà Đức Chúa Trời không tố cáo, tôi sẽ tố cáo thế nào?” Nghĩa là dù có nguyền rủa Israel cũng vô ích, vì dân Israel là một dân được Chúa biệt riêng, không bị đồng hoá với các dân khác và trở nên quá đông đảo. Ông ta còn mong được mãn phần giống như họ (8–10).
Balak và các quan chức Moab đều chưng hửng bất ngờ! Họ đang chờ nghe lời rủa sả, nhưng ông thầy pháp lại nói lời chúc phước (11)! Balaam trả lời rằng những lời chúc phước không phải do ông ta tự nói, mà bị quyền lực của Chúa Tối Cao điều khiển ông ta không cưỡng lại được (12).
Balak bảo Balaam hãy đi với ông ta tới một chỗ khác, từ chỗ đó Balaam chỉ nhìn thấy một phần của trại quân Israel, chứ không thấy tất cả trại quân (câu nầy cho thấy 22:41 là Balaam nhìn thấy toàn trại quân Israel từ Bamoth Baal).
Các thầy bói thường chuyển từ chỗ nầy qua chỗ khác, nên Balak nghĩ rằng nếu Balaam đứng ở một nơi thuận lợi, thì Chúa Tối Cao chắc sẽ bị thuyết phục thay đổi ý kiến; cho nên đã dẫn Balaam lên đỉnh Pisgah và xây bảy cái bàn thờ rồi dâng bảy con bò và bảy con chiên đực làm tế lễ như chỗ trước (13–14).
Balaam để Balak chờ chỗ bàn thờ, còn ông ta thì đi ra chỗ vắng. Chúa lại dạy Balaam lời ông ta phải nói. Khi thấy Balaam trở lại, Balak hỏi Chúa Tối Cao đã phán điều gì, Balaam mở miệng nói lời tiên tri:
“Đức Chúa Trời không phải loài người mà nói dối, cũng chẳng là con loài người mà ăn năn. Điều Ngài đã phán, Ngài không thi hành sao? Lời Ngài đã hứa Ngài chẳng thực hiện sao?” Ông ta nói tiếp rằng ông đã nhận mệnh lệnh chúc phước và Chúa đã ban phước rồi thì ông ta không thể thay đổi gì được (15–20).
Trong lời tiên tri thứ nhì nầy, Balaam nói Đức Chúa Trời không chấp nhất tội lỗi của Gia-cốp, Ngài cũng chẳng thấy sự tà vạy trong Israel; vì thế Giêhôva Đức Chúa Trời của họ ở với họ và trong Israel có tiếng reo mừng của Vua. Chúa đã đem Israel ra khỏi Ai-cập và ban sức lực rất hùng mạnh cho Israel (21–22).
Không có bùa ngải hay bói toán chống lại Israel vì Đức Chúa Trời đã làm những việc lạ lùng cho họ. Giống như sư tử chỗi dậy để chiến đấu, Israel cũng vùng dậy để chiến tranh; họ chỉ ở yên sau khi đã tiêu diệt kẻ thù (23–24).
Qua những lời Balaam vừa nói, thì dù cho Balak và quan chức Moab đang lén lút tìm cách nguyền rủa Israel, họ cũng sẽ chẳng hãm hại được dân của Đức Chúa Trời đã chọn để ban phước.
Những người Israel phạm các tội ác chống lại luật lệ của Chúa thì đã bị tiêu diệt rồi. Các thế hệ phạm tội đã lần lượt ngã chết trong hoang mạc. Hiện còn lại trong dân Israel là thế hệ còn trẻ khi ra khỏi Ai-cập cùng thế hệ được sinh ra và lớn lên khi cha mẹ họ lang thang gần bốn mươi năm trong hoang mạc, là thế hệ hiện được Chúa ban phước.
Nghe những lời Balaam bảo rằng không thể nguyền rủa Israel được, vì họ là một dân được ban phước, Balak vội bảo Balaam rằng nếu không nguyền rủa được thì cũng đừng chúc phước. Balaam nhắc lại: “Không phải tôi đã nói với vua rằng tôi phải làm theo mọi điều Đức Giê-hô-va đã phán dặn sao?” (25–26).
Balak đang ở trong tình trạng dở khóc dở cười, vì tốn kém rước ông thầy pháp về mà mục đích đã chẳng đạt được, lại còn nghe ông ta nói những lời phước hạnh, tốt lành cho kẻ thù mà Balak và dân Moab đang kinh sợ.
Nhưng còn nước thì còn tát, Balak nói với Balaam: “Hãy lại đây, ta sẽ dẫn ngươi đến một chỗ khác. Có lẽ Đức Chúa Trời sẽ bằng lòng cho ngươi nguyền rủa dân nầy tại đó chăng.” Rồi Balak dẫn Balaam leo lên đỉnh núi Peor, nơi đó đối diện với hoang mạc Jeshimon của Moab (27–28).
Thái độ và hi vọng của Balak thật là nực cười. Nhưng đó chính là tâm lý của những người bị mê muội vì thờ hình tượng và các thần giả dối. Balak hi vọng rằng sẽ đạt được mục đích của ông ta khi dời tới một địa điểm khác.
Theo cách Balak hành xử, chúng ta thấy sự hiểu biết của ông ta về Đấng mà ông ta gọi là Đức Giê-hô-va (17) hay Đức Chúa Trời (27), không khác gì các thổ thần mà ông ta tin đang làm chủ một khu vực hay một đỉnh núi nào đó.
Cho nên, khi nghiên cứu sách nầy, người đọc Kinh-thánh phải suy xét để biết cách dùng từ ngữ của người thời bấy giờ khác xa cách chúng ta hiểu ngày nay.
Hơn nữa, đối với những người chưa biết gì về Đức Chúa Trời toàn năng, toàn tri và toàn tại, tức là những người đang thờ hình tượng hay chủ trương đa thần, thì sự hiểu biết của họ về cõi thần linh thì không khác xa Balak bao nhiêu, vì tất cả đều ra từ một lò.
Balak lại làm theo yêu cầu cúng tế của Balaam vì tưởng rằng nơi nầy có một vị thần khác sẽ chấp nhận sự cúng tế của Balaam (29–30).
Tế lễ xong, Balaam thấy rõ Đức Chúa Trời muốn ban phước cho Israel, thì ông ta không tìm cách đi tới nơi vắng vẻ bói toán như hai lần trước. Ông ta hướng về phía hoang mạc, thấy trại quân Israel phân bố theo đội ngũ chỉnh tề, lúc ấy tác giả chép rằng Thần của Đức Chúa Trời tác động trên Balaam khiến ông nói tiên tri về tương lai huy hoàng của Israel (24:1–9).
Phần kết thúc lời tiên tri thứ ba, “đáng chúc phước cho người nào chúc phước ngươi, đáng nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa ngươi,’ làm Balak điên tiết, đập tay: “Ta thỉnh ngươi đến để nguyền rủa kẻ thù của ta mà ngươi lại chúc phước cho chúng đến ba lần! Thôi, hãy cút về xứ ngươi đi! Ta hứa sẽ ban thưởng xứng đáng nhưng Đức Giêhôva không cho ngươi nhận lãnh.”
Balaam biết mình trắng tay nên phân trần rằng không phải ông ta muốn vậy, và hứa hẹn vớt vát rằng ông ta sẽ chỉ dẫn Balak cách để hãm hại Israel mà không cần phải nguyền rủa (24:10–14). Nhưng Balaam vẫn phải mở miệng nói tiên tri lần thứ tư về Israel. Ông ta nói rằng ông là người có mắt mở ra và nghe lời của Đức Chúa Trời, biết tri thức của Đấng Chí Cao, và thấy khải tượng của Đấng Toàn Năng, cho nên nói tiên tri về Đấng ra từ Gia-cốp như sau:
“Tôi thấy Ngài nhưng chẳng phải bây giờ; tôi trông Ngài, nhưng không phải ở gần; một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp, một vương trượng sẽ trỗi dậy từ Israel; Ngài sẽ đập vỡ màng tang của Moab và vương miện của dòng dõi những kẻ ồn ào. Ê-đôm sẽ bị chinh phục, Seir là kẻ thù sẽ bị xâm chiếm, Nhưng Israel sẽ được cường thịnh. Đấng ra từ Gia-cốp sẽ cầm quyền; Ngài sẽ tiêu diệt những kẻ sống sót của thành” (24:15–19). Các nhà giải kinh cho rằng đã ứng nghiệm qua David và Đấng Messiah.
Balaam lại thấy tương lai của dân Amalek sẽ bị diệt vong, người Kênít, một phần theo Israel vào đất hứa, phần lớn còn lại ở trên núi với dân Amalek, rồi sẽ bị dân Asshur (Assyri) bắt làm tù binh (24:20–22). Khi Đức Chúa Trời làm những việc nầy thì ai là những người có thể sống (24:23). Tàu thuyền từ Kittim sẽ đến chinh phục Asshur và Eber, nhưng rồi chính chúng cũng sẽ bị diệt vong (24:24).
Đây là những lời tiên tri khá lâu về sau mới ứng nghiệm, chứng tỏ Balaam dù muốn nguyền rủa Israel để nhận tiền thưởng, nhưng Thần của Đức Chúa Trời buộc ông ta phải nói lời chúc phước, rồi Ngài bảo ông ta nói những lời tiên tri về các dân tộc khác để làm bằng chứng về lời chúc phước của ông ta đến từ Chúa. Cả hai bên đều giận dữ và tẽn tò ra về (24:25).
Dansoky17.docx
Rev. Dr. CTB