Phục Truyền Luật Lệ, bài 13

Phục Truyền 15:1-23

Không một tôn giáo nào khác trên thế gian có các luật lệ đầy bác ái và bao dung như đạo của Chúa truyền cho người Israel: Cứ bảy năm một lần, họ phải huỷ bỏ các món nợ cho những người Israel khác thiếu nợ mình (1-2).

Lời dặn: Vào cuối mỗi bảy năm‘ thật ra là năm thứ bảy (9), tức là ngoài việc dân Israel phải để cho đất nghỉ ngơi năm Sa-bát, họ còn phải huỷ bỏ tất cả những món nợ họ đã cho những người Israel khác vay để giải quyết các việc cấp bách, mà các người ấy chưa trả lại được.

Cách thức tha nợ cũng được chỉ dẫn rõ ràng, để những người không muốn bị mất lợi lộc đều phải thực hiện “không được thúc ép người lân cận hay anh em mình phải trả, vì lệnh tha nợ của Đức Giê-hô-va đã được công bố” (2).

Đây không phải là những món nợ vay mua nhà đất hay buôn bán, nhưng là các món nợ những người quá túng thiếu phải tạm vay để duy trì sự sống và có bổn phận phải trả khi đã qua cơn khốn khó và đã phục hồi cuộc sống.

Theo các nhà giải kinh thông thạo về phong tục Do-thái và luật Môi-se thì những món nợ ấy không phải hoàn toàn huỷ bỏ, mà chỉ là hoãn lại trong năm Sa-bát, khi người ta không được phép gieo trồng gì hết vì phải cho đất nghỉ (Xuất Ai-cập 23:10-11), nên chẳng tìm đâu ra lợi tức để trả nợ. Nếu mọi món nợ đều phải huỷ bỏ trong năm sa-bát, thì những người vay nợ sẽ được lợi lớn; hơn nữa, điều đó là bất công đối với những người có lòng tốt cho người khác vay không lấy lời.

Một khía cạnh khác nữa là không người nào có khả năng trả nợ mà dám lợi dụng năm Sa-bát để tránh trả lại món nợ mình đã vay. Vì người nào làm như vậy là phạm tội và sẽ bị Chúa trừng phạt. Cho nên, những người nào thiếu nợ đồng bào mình mà biết kính sợ Đức Chúa Trời thì sẽ trả lại món nợ ấy sau năm Sa-bát. Còn những ai lợi dụng năm Sa-bát để quỵt nợ thì khó vay nợ lần nữa.

Đối với những người thuộc các sắc dân khác thiếu nợ người Israel và không cư trú giữa cộng đồng Israel thì không áp dụng luật tha nợ năm Sa-bát. Trong năm ấy họ vẫn phải trả các món nợ cho chủ nợ người Israel (3).

Mục đích của luật nầy là không người Israel nào bị buộc phải trả nợ trong năm Sa-bát mà trở nên nghèo khó. Hơn nữa, nếu ai cũng vâng lời thì “Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ ban phước cho anh em khi sống trong xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho anh em làm cơ nghiệp, miễn là anh em chăm chú lắng nghe tiếng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và cẩn thận làm theo các điều răn … vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em sẽ ban phước cho anh em như Ngài đã hứa” (4-6).

Vì những lời dặn dò và hứa phán của Chúa, thì nghĩa đen của mệnh lệnh nầy là những món nợ phải vay khi khốn quẫn phải bị huỷ bỏ trong năm Sa-bát. Chúa cũng hứa rằng Israel sẽ cho nhiều nước vay, chứ không đi vay; họ sẽ cai trị người ta, chứ chẳng bị ai cai trị.

Sự tha nợ nầy là hình bóng ân điển của phúc âm công bố năm ban ơn của Đức Chúa Trời tha tội cho chúng ta. Ý nghĩa thuộc linh của luật nầy gìn giữ ý nghĩ của lòng chúng ta hướng về đức bác ái để tha thứ cho người mắc lỗi với mình.

Ai cay nghiệt với anh em mình về tiền bạc, người ấy chẳng tin vào ơn cung ứng của Đức Chúa Trời. Để được Chúa ban phước, đừng cứng lòng mà keo kiệt đối với anh em mình đang túng thiếu, nhưng hãy mở rộng lòng cho người khác vay mọi thứ họ cần để có thể sống sót (7-8).

Môi-se cũng dặn Israel hãy cẩn thận về tư tưởng xấu xa có thể nảy ra khi năm Sa-bát gần kề, người ta sẽ tìm cách trốn tránh nhiệm vụ không cho người đang có nhu cầu khẩn thiết vay, vì sợ rằng người ấy sẽ không trả kịp trước năm Sa-bát, thì món nợ bị huỷ bỏ. Đó là ý nghĩ bình thường của người giúp đỡ người khác mà mong được đáp trả (9).

Để được Đức Chúa Trời ban phước cho mọi công việc ta làm và mọi công trình mà tay ta sẽ thực hiện thì hãy sẵn lòng giúp đỡ người thiếu thốn, đừng giúp cách miễn cưỡng, vì Chúa thấy rõ các động lực nào trong lòng thúc đẩy ta hành động (10).

Trong số hàng triệu người nghe điều răn, sẽ có những người không vâng lời; cho nên, trong xứ lúc nào cũng có người nghèo khó (11). Nếu ai cũng vâng lời thì chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ ban phước, trong xứ sẽ không có người nghèo.

Vào thời chế độ nô lệ còn thịnh hành, một số người Israel lâm cảnh túng cùng phải bán mình làm nô lệ cho đồng bào Israel của họ (Lê-vi-ký 25:39). Trong những trường hợp như vậy, người đã bán mình làm nô lệ chỉ phục vụ chủ trong sáu năm; qua năm thứ bảy người đó phải được tự do ra khỏi nhà chủ, trở về gia đình mình (12).

Người Hê-bơ-rơ làm nô lệ sẽ được tự do sau khi phục vụ hết sáu năm; dù trong thời gian sáu năm đó có năm Sa-bát, người ấy phải phục vụ đủ sáu năm thì mới được tự do. Nhưng nếu trong thời gian người ấy phục vụ mà năm hân hỉ đến thì người ấy sẽ được tự do ra khỏi cảnh nô lệ (Lê-vi-ký 25:40-41).

Ở phần nầy, Môi-se quy định rằng người chủ nô không được bắt người nô lệ đi ra tay không sau khi đã phục vụ xong sáu năm, mà phải “cung cấp cho họ đầy đủ chiên bò từ bầy gia súc, các sản phẩm từ sân đập lúa, từ hầm ép rượu” (13-14). Họ phải làm như vậy để nhớ lại họ đã làm nô lệ tại Ai-cập và Đức Chúa Trời đã chuộc họ ra (15).

Luật về nô lệ ở chỗ nầy là nhắc lại luật đã được công bố dưới chân núi Sinaii (Xuất Ai-cập 21:2-6) là nếu người nô lệ không muốn ra khỏi nhà người chủ vì “quý mến anh em và gia quyến anh em cũng như cảm thấy thoả lòng khi ở với anh em, thì bấy giờ anh em phải lấy một cái dùi kê tai người ấy vào cửa mà xỏ tai, và người ấy sẽ làm nô lệ suốt đời cho anh em” (16-17).

Tục lệ xỏ trái tai do người chủ thực hiện trên người nô lệ trở thành một dấu hiệu bày tỏ lòng trung thành trong phong tục của người Do-thái.

Đó cũng là ý nghĩa chính của câu: “Ngài đã xỏ tai con” (Thi-thiên 40:6), khi Đa vít nói tiên tri về lòng của Đấng Christ tự nguyện trung thành với Đức Chúa Trời và vĩnh viễn thuộc về Ngài.

Đối với chúng ta ngày nay không còn áp dụng hình thức xỏ tai nữa, mà phải cầu xin Chúa “mở tai” thuộc linh để có thể nghe tiếng Ngài. Lý do khiến nhiều người không nghe được tiếng Chúa là do tai thuộc linh chưa được “xỏ,” bởi vì chưa quyết chí trung thành.

Đối với các nữ nô lệ thì luật ở Xuất Ai-cập 21:7-11Phục Truyền 15:17 có sự thay đổi. Trước đó những người nữ nô lệ sau khi phục vụ sáu năm hay gặp dịp năm hân hỉ cũng không được tự do ra đi. Bởi vì vào thời ấy, thân phận của các nữ nô lệ bị bán cho các gia đình thì phần lớn trở nên hầu thiếp của chủ, hoặc vợ của con trai người chủ.

Người nữ nô lệ chỉ được tự do khi người chủ cưới vợ khác và cắt giảm phần ăn, quần áo và tình nghĩa vợ chồng đối với nữ nô lệ bị chủ lấy làm hầu thiếp (Xuất Ai-cập 21:10-11).

Vì người mua anh em người Hê-bơ-rơ của mình về làm nô lệ mà phải trả tự do sau sáu năm, có thể sẽ tiếc của; nên Môi-se khuyên: “Anh em đừng cho là nặng nề khi phải trả tự do cho họ vì họ đã phục dịch anh em sáu năm, bằng hai lần công việc của một người làm thuê” (18).

Người nô lệ phải làm công việc gấp hai người làm thuê vì người ấy ăn ở trong nhà và phải làm việc bất kể ngày hay đêm. Hiểu điều đó và làm theo thì sẽ được Chúa ban phước.

Các con đầu lòng của các loài bò, cừu và dê trong bầy của mỗi gia đình thì phải biệt riêng ra thánh; tức là không được bắt con bò đực đầu lòng làm các công việc đồng áng, không được hớt lông con chiên đực đầu lòng (19). Lý do là những con thú ấy đã được biệt riêng ra thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời rồi, tức là chúng thuộc về Ngài.

Nhưng điều rất lý thú là các gia đình sẽ ăn thịt các con thú đó tại địa điểm Đền Thờ của Đức Chúa Trời sau khi đã đem chúng đến dâng cho Ngài như các sinh tế (20).

Còn các con thú có khuyết tật như đui, què, dị tật thì không được dâng cho Đức Chúa Trời, mà phải ăn thịt chúng trong nơi họ cư trú. Vì chúng được xem là thực phẩm bình thường, thì cả người tinh sạch lẫn người ô uế đều được ăn chúng.

Các loài thú rừng như nai và hoàng dương là các loài thú hoang nhưng thuộc loại thú sạch. Thịt của chúng được dùng làm thực phẩm, nhưng chúng không được dùng làm sinh tế (21-22).

Một lần nữa, lệnh cấm ăn huyết được nhắc lại. Tất cả huyết của các con thú dù là sinh tế hay chỉ làm thực phẩm cũng phải đổ xuống đất như đổ nước vậy (23).

Càng nghiên cứu những luật lệ của Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se dạy lại dân chúng, người học càng thấy sự thánh khiết và đức nhân từ của Chúa thể hiện qua mọi điều luật. Chúng ta cần suy gẫm kỹ để hiểu nhiều hơn.

PhucTruyen13.docx

Rev. Dr. CTB