Quan Xét, bài 07

Quan Xét 6:1-40

Sau bốn mươi năm yên ổn, dân Israel lại bắt chước các dân tộc chung quanh thờ thần tượng; hành vi bị Đức Chúa Trời xem là điều ác dưới mắt Ngài, nên Ngài dùng dân Ma-đi-an áp bức họ trong bảy năm (1).

Ma-đi-an là con trai của Abraham với bà Keturah. Lãnh thổ của họ ở phía đông đồng bằng Moab. Bấy giờ, dòng dõi của Ma-đi-an đè nặng ách hà hiếp trên Israel, một dân tộc được Đức Chúa Trời thương xót nhưng thường xuyên phản bội Ngài; vì vậy, họ phải ẩn núp trong vùng núi, hầm hố và đồn luỹ (2).

Ma-đi-an phối hợp với dân Amalek và các dân tộc ở phía đông quấy phá mùa gieo giống của Israel, cướp bầy súc vật, khiến cho dân Israel bị nghèo đói và khốn khổ. Họ nhớ lại Chúa của mình là Giê-hô-va Đức Chúa Trời nên kêu cầu Ngài (3-6).

Đức Chúa Trời sai một nhà tiên tri đến nhắc dân Israel về mọi điều Ngài đã thực hiện cho họ từ việc giải cứu họ khỏi cảnh đời nô lệ tại Ai-cập, đem họ ra khỏi xứ đó, giải cứu họ khỏi tay mọi kẻ áp bức họ, đuổi dân Amorite ra khỏi xứ và ban đất Canaan cho họ.

Ngài đã dặn: Đừng sợ các thần của người Amorite; có nghĩa là đừng vì sợ hãi mà phụng thờ các thứ thần không phải là thần của các dân tộc xứ Canaan, nhưng Israel nào chịu vâng lời Chúa của mình. Hễ mỗi khi được bình an là tìm kiếm các thứ thần vớ vẩn đó để thờ, phạm tội nghịch Đức Chúa Trời (7-10).

Tuy vậy, mỗi khi dân Chúa kêu xin thì Ngài sửa soạn một vị anh hùng để giải thoát họ. Lần nầy Thiên Sứ của Đức Giê-hô-va “đến ngồi dưới cây thông tại thành Ophrah của Joash, người Abiezrite, khi ấy con trai của Joash là Gideon đang đập lúa mạch trong hầm ép rượu để tránh dân Ma-đi-an” (11).

Thiên sứ ấy hiện đến với Gideon và nói: “Hỡi người chiến sĩ dũng cảm! Đức Giê-hô-va ở với anh” (12). Chắc rằng Thiên Sứ xuất hiện như một người bình thường, không có gì bất ngờ nên Gideon không giật mình.

Ông hỏi: “Thưa ngài, nếu Đức Giêhôva ở cùng chúng tôi, tại sao các việc nầy xảy đến cho chúng tôi?” Ông tiếp tục kể các chuyện tích kỳ diệu đã được nghe về sự giải cứu của Chúa rồi hỏi “thế thì mọi việc kỳ diệu kia ở đâu mà bây giờ Đức Giê-hô-va lại từ bỏ chúng tôi và phó chúng tôi vào tay dân Ma-đi-an?” (13).

Thiên Sứ chính là Đức Giê-hô-va quay lại phán với ông: “Hãy dùng năng lực con có mà giải cứu Israel khỏi tay dân Ma-đi-an. Chẳng phải Ta sai con đó sao?” Gideon thưa với Chúa rằng gia tộc của ông nghèo nhất trong chi tộc Manasseh, ông lại là người nhỏ nhất trong gia đình, thì làm sao ông có thể làm việc lớn ấy được (14-15).

Chúa trả lời: “Ta sẽ ở cùng con, và con sẽ đánh bại dân Ma-đi-an như đánh một người vậy” Gideon xin Chúa ban cho một dấu hiệu chứng tỏ Ngài đã phán như vậy, bằng cách ở lại chờ ông đem một tế lễ đặt trước mặt Ngài. Chúa hứa sẽ chờ ở đó cho tới khi Gideon trở lại (16-18).

Gideon vội vàng làm thịt một con dê con; mặc dù số bột làm bánh là quá nhiều cho một người ăn, nhưng đối với người Trung đông, đãi khách thì không có gì là quá lố. Ông đem ra dâng khách lạ thịt, bánh và nước thịt.

Thiên Sứ của Đức Giê-hô-va bảo ông hãy để bánh không men, thịt trên tảng đá ở đó và đổ nước thịt lên trên. Gideon làm theo lời. Thiên Sứ chạm đầu gậy đang cầm trong tay vào thịt và bánh, lửa từ tảng đá bốc lên thiêu đốt thịt và bánh, rồi Thiên Sứ vụt biến mất trước mắt Gideon. Lửa là dấu hiệu có Chúa hiện diện và lễ vật được chấp nhận (19-21).

Thấy các dấu hiệu đó, Gideon mới biết ấy là Thiên Sứ của Đức Giê-hô-va; ông vội la lên: “Lạy Đức Giê-hô-va Đức Chúa Trời! Khốn khổ cho con vì con đã thấy Thiên Sứ của Đức Giê-hô -va mặt đối mặt” (22).

Đối với người Do-thái, họ tin rằng ai tận mắt thấy một đấng thiêng liêng từ cõi thần thì sẽ phải chết. Vì lời Đức Chúa Trời phán với Môi-se: “Con không thể thấy mặt Ta, vì không ai thấy mặt Ta mà còn sống” (Xuất Ai-cập 33:20).

Vì vậy, Gideon hoảng kinh khi mặt đối mặt với Thiên Sứ, ông nghĩ rằng đời ông xong rồi; nhưng Chúa phán với ông, không phải miệng đối miệng nữa, mà có lẽ qua tâm trí: “Hãy yên lòng, đừng sợ, con sẽ không chết đâu!” (23). Gideon lập tại đó một bàn thờ cho Chúa và đặt tên là Jehovah Shalom (Đức Chúa Trời bình an 24).

Kể từ hôm đó, Gideon được nghe tiếng Đức Chúa Trời phán với ông. Chúa bảo ông làm gì thì Ngài nói rõ từng chi tiết: Gideon phải bắt con bò tơ đực thứ nhì bảy tuổi của cha mình, phá sập bàn thờ thần Baal mà cha ông đã lập, triệt hạ trụ thờ Asherah bên cạnh bàn thờ. Rồi lập một bàn thờ thật ngay ngắn cho Đức Giê-hô-va ngay trên đỉnh đồi. Xong rồi dùng gỗ của trụ thờ Asherah, mà ông đã hạ xuống, làm củi dâng con bò đực làm tế lễ thiêu trên bàn thờ mới lập.

Gideon chọn mười người trong số các đầy tớ của ông thực hiện các việc đó vào ban đêm, để không ai thấy việc họ làm (25-27). Sáng hôm sau, dân thành Ophrah nổi giận vì thấy bàn thờ thần Baal và trụ thờ thần Asherah của họ bị phá sập và bị triệt hạ, rồi thấy một bàn thờ ngay ngắn đã dâng một con bò đực làm tế lễ thiêu.

Dò hỏi thì biết đó là do Gideon, con Joash làm. Họ đòi Joash phải nộp con để xử tử vì nó “đã phá đổ bàn thờ Baal và triệt hạ trụ thờ Asherah bên cạnh đó” (28-30).

Joash nói một câu làm tất cả những kẻ thờ cúng Baal đều á khẩu: “Ai bênh vực Baal sẽ bị xử tử trước sáng mai. Nếu thật hắn là thần thì chính hắn phải tranh luận chứ, vì người ta đã phá đổ bàn thờ của hắn.” Từ đó Gideon có biệt hiệu là “Jerub-Baal,” nghĩa là “Baal phải tranh luận với ông ấy” vì Gideon đã phá sập bàn thờ của hắn (31-32).

Việc Đức Chúa Trời bảo Gideon làm đã thay đổi hẳn thói tục của người Israel ở Ophrah. Đang thờ cúng Baal và Asherah, bây giờ không còn thờ cúng nữa và bộ mặt thật Baal là thần giả hiệu bị phơi trần trước mặt mọi người đã từng thờ cúng hắn.

Dân Ma-đi-an, Amalek và dân phương đông liên kết lại vượt sông Jordan và đóng ở trũng Jezreel, chúng đã nghe trong Israel có một lãnh tụ mới nổi lên (33). Thần của Chúa bao phủ Gideon, ông thổi tù-và chiêu tập dân Manasseh, Asher, Néptali, và Sabulôn (34-35).

Tuy tập trung quân đội theo mình, nhưng Gideon vẫn chưa dám chắc lắm về nhiệm vụ do Đức Chúa Trời giao cho mình làm. Ông xin Chúa ban cho ông một dấu hiệu, đó là ông sẽ để một cái khăn bằng lông chiên trong sân đập lúa. Nếu sương đêm chỉ đọng trên cái khăn lông chiên ấy còn đất chung quanh khô ráo thì ông biết “Chúa dùng tay con giải cứu Israel như Chúa đã phán hứa.

Việc xảy ra đúng như lời ông xin. Sáng hôm sau ông dậy sớm, vắt khăn lông chiên thì đầy một chén nước. Nhưng ông vẫn còn chưa dám chắc, ông xin thêm một lần nữa là khăn lông chiên thì khô, còn sương thì đọng khắp trên mặt đất. Đêm hôm ấy, Đức Chúa Trời làm đúng điều ông xin. Khăn lông chiên thì khô, còn sương phủ khắp trên mặt đất (36-40).

Ngày nay có người phê bình Gideon là thiếu đức tin, phải xin Chúa ban dấu hiệu tới hai lần. Nhưng nếu có ai đứng trong địa vị Gideon lúc đó mới thấy trách nhiệm là nặng nề.

Ông được Thiên Sứ của Chúa hiện ra trò chuyện, giao cho trách nhiệm; thấy Thiên Sứ dùng đầu gậy làm tảng đá bốc lửa thiêu trọn thịt và bánh không men, rồi thiên sứ vụt biến mất. Lúc ấy quân thù chưa tập trung đông đảo.

Bây giờ đứng trước trùng trùng lớp lớp địch quân, mà quân sĩ của mình thì ô hợp, vũ khí có lẽ rất thô sơ. Làm người lãnh đạo phải có trách nhiệm. Gideon chỉ biết nhờ cậy Đức Chúa Trời. Ông xin dấu hiệu hai lần để vững tâm biết chắc Chúa ở với mình.

Chúng ta ngày nay vẫn có thể xin Chúa ban dấu hiệu để biết rõ ý định của Ngài. Nhưng việc xin dấu hiệu không phải để thử Chúa, hoặc muốn việc mình toan định sẽ không thất bại.

Ông Gideon được Chúa giao nhiệm vụ đánh bại dân Ma-đi-an để giải thoát Israel; ông xin dấu hiệu để xác nhận nhiệm vụ Chúa giao là đúng, không phải là toan định của ông rồi xin Chúa hoàn thành việc mình định làm.

Cho nên, nếu đã tin rằng Chúa giao cho mình một nhiệm vụ nào đó, nhưng vẫn còn chưa chắc chắn lắm, thì lúc ấy có thể xin Chúa ban cho một dấu hiệu để biết rõ ý định và công việc đó là từ Ngài đưa đến.

Nhiều người đã áp dụng sai trật nguyên tắc xin dấu hiệu nầy lúc đức tin bị chao đảo. Đức Chúa Trời không từ chối việc ban một dấu chỉ để xác nhận ý muốn tốt lành của Ngài.

Hãy vững lòng khi được Chúa giao nhiệm vụ, vì Ngài sẽ làm cho hoàn thành.

QuanXet07.docx

Rev. Dr. CTB