Quan Xét, bài 08

Quan Xét 7:1-25

Sau hai lần nhận được các dấu hiệu xác nhận của Đức Chúa Trời rằng Chúa muốn dùng tay ông giải cứu Israel, Gideon yên lòng cùng với số quân sĩ của các chi tộc đã đến với ông, dậy sớm, kéo quân đến đóng trại ở dãy núi Gilboa, phía trên của giếng Harod (1);

Có bản khác nói là ‘ở bên suối Harod.’ Người ta tin rằng Gideon đóng quân ở núi Gilboa phía trên giếng Harod thì đúng hơn; bởi vì không ai dại dột đóng quân ở bên suối dưới đồng bằng khi lực lượng của mình yếu hơn quân địch.

Harod nghĩa là ‘run sợ,’ một hố nước tạo thành từ mạch nước chảy ra từ một cái hang dưới chân núi Gilboa, rồi trở thành một dòng suối nhỏ, sau nầy gọi là suối Goliath do sự lầm lẫn của lời truyền khẩu về sau cho rằng đó là nơi Goliath bị David giết chết.

Vì quân Ma-đi-an đóng trại trong thung lũng bên đồi Moreh, nên trại quân của Gideon ở trên cao hơn quân Madian.

Người ta thường hay quy công cho mình khi thành công trong một việc khó khăn nào đó. Vì thế, Đức Chúa Trời bảo Gideon: “Số người đi theo con đông quá, Ta không phó dân Ma-di-an vào tay họ đâu, kẻo Israel khoe khoang tự phụ rằng: ‘Chính tay tôi đã giải cứu tôi’” (2). Cho nên Gideon phải nói với quân lính: “Ai sợ hãi run rẩy, hãy sớm rời khỏi núi Galaát và trở về nhà đi!

Nghe lệnh đó, có hai mươi hai ngàn người vội ra về vì họ quá sợ quân Madian đông đảo (3); có lẽ sự kiện nầy đã khiến người ta đặt tên cho giếng hay suối là Harod.

Thật ra, bản văn ghi núi Galaát đã bị sai lầm khi sao chép. Vì núi Galaát ở phía đông sông Jordan.

Mười ngàn người vẫn quá đông; cho nên, Đức Chúa Trời bảo Gideon dẫn họ xuống mé nước để Ngài chỉ ra người nào sẽ được đi và người nào không được đi.

Họ được lệnh uống nước; Chúa bảo Gideon để riêng số ít người dùng lưỡi liếm nước như chó thành một nhóm, khác với số đông quỳ gối xuống mà uống (4-5).

Có ba trăm người bụm nước trong tay và đưa lên miệng liếm. Số còn lại đều quỳ gối xuống mà uống nước (6).

Tại sao Đức Chúa Trời dùng cách uống nước thử nghiệm các chiến sĩ? Những người chỉ nghĩ đến việc thoả mãn cơn khát, gục đầu xuống nước mà uống, không để ý nguy cơ bị kẻ thù tấn công bất ngờ; còn người bụm nước và dùng lưỡi liếm như chó, là những người tỉnh táo để mắt quan sát bao quát chung quanh họ.

Thử nghiệm nầy là thử nghiệm về thái độ của chiến sĩ khôn ngoan trong thời chiến; họ là những chiến sĩ quý báu hơn số người có sức, có khả năng mà không có mưu lược; ở Á đông gọi là “hữu dũng vô mưu.”

Đức Chúa Trời phán với Gideon rằng “Ta sẽ dùng ba trăm người đã liếm nước mà giải cứu các con, và Ta sẽ phó dân Ma-di-an vào tay con. Còn tất cả những người khác hãy trở về nhà mình.” Họ bèn về, để lại đồ ăn với tù và (7-8).

Ngay trong đêm đó, Đức Giê-hô-va phán với Gideon: “Hãy trỗi dậy, đi xuống tấn công trại quân Ma-đi-an, vì Ta đã phó chúng vào tay con. Còn nếu con sợ không dám tấn công thì hãy cùng đầy tớ là Phu-ra đi xuống trại quân. Con sẽ nghe những gì chúng nói, sau đó con sẽ mạnh dạn mà tấn công trại chúng” (9-11).

Gideon bèn cùng với đầy tớ mình, là Phu-ra, lợi dụng bóng đêm, đi xuống trại quân Madian. Họ thấy quân Madian, dân Amalek và dân phương đông đóng trại khắp thung lũng, đông vô số kể.

Họ tới gần trạm canh ở đầu trại quân và nghe một lính canh đang thuật giấc chiêm bao cho bạn hắn nghe: “Nầy, tôi nằm mơ, thấy một ổ bánh bằng lúa mạch lăn vào trại quân Madian. Nó lăn đến đụng vào trại, làm cho trại ngã nghiêng lật ngược rồi sập xuống.” Người kia trả lời: “Điều nầy không gì khác hơn là gươm của Gideon, con trai Joash, người Israel. Đức Chúa Trời đã phó Madian và cả trại quân vào tay ông ấy” (12-14).

Từ chỗ ẩn núp nghe lén điềm chiêm bao của người lính gác Madian, cùng lời giải nghĩa của bạn anh ta, Gideon sấp mình xuống thờ lạy Đức Chúa Trời rồi trở về trại quân Israel.

Ông gọi tất cả quân sĩ thức dậy, nói rằng: “Hãy trỗi dậy, vì Đức Giê-hô-va đã phó quân Madian vào tay anh em!” (15). Bây giờ, Gideon biết rõ tên của ông đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân Madian, không chần chờ, ông sắp xếp chiến thuật với lòng tin cậy hoàn toàn vào Đức Chúa Trời.

Ông phân chia đạo quân của mình thành ba đội, mỗi đội một trăm người, phát cho mỗi người một cái tù-và, một cái bình rỗng với đuốc ở bên trong. Ông làm mẫu cho họ thấy phải đập vỡ cái bình cho ánh sáng đuốc toả ra ngoài. Ông nói “Hãy xem và làm đúng như tôi làm. Khi tôi đến đầu trại quân, anh em hãy làm theo tôi. Khi tôi và những người theo tôi thổi tù-và thì anh em cũng hãy thổi tù-và khắp xung quanh trại quân, và hô lên rằng: ‘Vì Đức Giê-hô-va và vì Gideon!’” (16-18).

Khoảng nửa đêm, lúc mới đổi phiên gác, Gideon và một trăm quân đi với ông tới đầu trại quân Madian. Họ thổi tù-và rồi đập bể bình đang cầm trong tay. Hai đội quân kia, cùng với đội quân đi với Gideon đều thổi tù-và, đập bể bình đất, để tay trái cầm đuốc, tay phải cầm tù-và, họ hô lớn: “Hãy tuốt gươm vì Đức Giê-hô-va và vì Gideon!” (19-20).

Khi xem xét đoạn Kinh Thánh nầy, có một số vấn đề phải đặt ra. Có phải việc để đuốc trong bình đất là kế hoạch của Đức Chúa Trời truyền dạy cho Gideon hay do ông tự suy nghĩ ra?

Vì phải có ít nhất ba trăm cái bình bằng đất thon ốm dễ cầm, đủ sâu để chứa đuốc, miệng của chúng phải nhỏ hoặc dễ che giấu ánh sáng đuốc từ trong không chiếu ra ngoài để tạo yếu tố bất ngờ. Vì buổi sáng, Gideon chưa biết Đức Chúa Trời sẽ chọn chỉ ba trăm người, nên kế hoạch nầy không do Gideon nghĩ ra nhưng được Chúa chỉ dẫn.

Ba trăm người có dàn rộng ra ba phía, thì mỗi phía chỉ chừng vài ba trăm thước, không thể bao quanh trại quân Madian đóng khắp thung lũng. Ba trăm quân của Gideon chỉ đứng tại chỗ họ tới đứng, họ vừa hò hét vừa thổi tù-và, làm cho “cả trại quân bỏ chạy, vừa la hét, vừa tìm đường tẩu thoát” (21).

Mỗi khi bị hỗn loạn, vừa la hét vừa tìm đường tẩu thoát là đặc tính của người Arab. Quân Madian, Amalek và người phương đông đang ngủ mê giữa đêm khuya bỗng bị đánh thức bởi những tiếng hò hét kinh hoàng, họ tưởng rằng quân Israel đang chém giết họ, nên chạy trốn mà sa vào lưỡi gươm của nhau, vì Đức Chúa Trời khiến quân thù trong khắp trại quay gươm vừa chém giết lẫn nhau, vừa chạy trốn tới Beth-Shittah (nhà của cây Si-tim) và Zeredath, cho tới biên giới của Abelmeholah, gần Tabbath (22).

Quân Israel từ Néptali, Asher và Manasseh được huy động đuổi theo quân Madian đang chạy trốn (23).

Phương cách đánh bại dân Madian có thể dùng làm biểu tượng cho cách thức phá huỷ vương quốc của ma quỷ trên thế gian: Sự rao giảng phúc âm đời đời giống như thổi tù-và làm cho vang tiếng; còn đập bể bình bằng đất để ánh đuốc chiếu loè ra là dùng sự hiểu biết vinh quang của Đức Chúa Trời soi sáng trên gương mặt của Đức Chúa Jesus Christ đã biến đổi đời sống chúng ta như thế nào để làm chứng cho người đời thấy ánh sáng chân lý: “Bởi Đức Chúa Trời là Đấng phán rằng: ‘Ánh sáng phải chiếu ra trong bóng tối,’ đã soi sáng lòng chúng tôi, ban ánh sáng để hiểu biết vinh quang của Đức Chúa Trời trên gương mặt Đức Chúa Jesus Christ” (2Côrinhtô:4:6-7).

Tin Lành là cái gươm, không phải cầm trong tay, nhưng trong miệng; là vũ khí của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ mà chúng ta dùng để tấn công đánh bại các thế lực tối tăm.

Có lẽ lúc trời vừa sáng, “Gideon sai sứ giả đi khắp vùng đồi núi Ép-ra-im, truyền lệnh: ‘Hãy xuống đánh quân Madian, chiếm sông Jordan và các phụ lưu trước chúng, cho đến Bethbarah.’ Vậy quân Ép-ra-im được huy động chiếm sông Jordan và các phụ lưu cho đến Bethbarah” (24).

Tình thế bị lật ngược một cách thần kỳ. Đêm hôm trước, quân Madian, Amalek và người phương đông còn là một đạo quân đông đảo và hung hãn. Từ khuya cho tới sáng họ đã trở thành một đạo quân bị đại bại phải chạy trốn để cứu mạng.

Hai thủ lãnh của Madian là Oreb và Zeeb bị quân Ép ra-im bắt giết khi tìm cách vượt sông Jordan để chạy trốn về nhà. Đầu họ bị quân Ép-ra-im cắt để đem nộp cho Gideon ở phía tây sông Jordan (25).

Bất cứ kế hoạch nào do Đức Chúa Trời lập và chỉ dẫn, thì ai làm theo sẽ thành công. Gideon được kể như một người có đức tin mạnh mẽ vì biết vâng lời chỉ dẫn của Đức Chúa Trời.

QuanXet08.docx

Rev. Dr. CTB